Tôi gặp anh vào một chiều đầu thu tại Tokyo. Anh em chúng tôi lặn lội đi tìm một ngôi chùa nơi đó các chiến hữu tiên phong của Mặt Trận đã trải qua những tháng ngày khó khăn về vật chất. Anh Dũng đã liên lạc với sư trụ trì và tìm cho các chiến hữu một công việc trong khi chờ đợi bước đường Đông Tiến. Công việc này là quét lá trong khuôn viên một ngôi chùa khá rộng và được trồng cây rất thẩm mỹ.
Hôm ấy, Dũng chỉ cho tôi xem cái xẻng và cây chổi mà ngày xưa các anh em dùng để làm việc:
– Tôi có cảm tưởng thời gian ngừng trôi Hoàng ạ. Đồ vật còn đây mà người đã không còn. Gần 30 năm trôi qua rồi…
– Nhưng tổ chúc chúng ta đã lớn mạnh hơn xưa nhiều anh ạ.
– Đúng, đó cũng là nhờ sự hy sinh của rất nhiều anh em mình, đặc biệt là anh em quốc nội.
Tôi biết anh đang giành cho chúng tôi những cảm tình đặc biệt.
Trời mưa càng lúc càng to, tôi bâng quơ nhìn lên mái chùa:
– Anh Dũng chắc có quốc tịch Nhật? Tôi nghĩ câu hỏi này hơi thừa vì anh đã đi du học trước tôi 3 năm với lại vị thế đặc biệt cho phép anh tiếp cận chính giới Nhật. Tuy nhiên câu trả lời của anh khiến tôi té ngửa:
– Tôi vẫn giữ quy chế tỵ nạn.
Và nhìn nét mặt của tôi anh cắt nghĩa ngay: Tôi muốn giữ quy chế tỵ nạn để khi tiếp xúc với chính giới Nhật, họ biết đưọc rằng cho đến ngày hôm nay vẫn còn những người đang chạy trốn chủ nghĩa cộng sản. Tôi thấy việc tiếp xúc như thế hiệu quả hơn.
Bây giờ tôi mới biết tại sao nhiều người trong anh em Việt Tân vẫn còn gặp khó khăn khi đi ra nước ngoài chỉ vì muốn giữ một vị thế để thuận lợi trong việc vận động chính giới. Lòng tôi bỗng chùng xuống. Tổ chức đã đạt được những bước tiến đáng kể không chỉ do các anh em quốc nội mà còn do những hy sinh như của Âu Minh Dũng. Sau này tôi mới biết vì chọn lựa ấy mà anh đã không thể về chịu tang cha.
Ngày hôm sau, lợi dụng thời tiết tốt đẹp, Dũng đưa tôi tới viếng mộ Trần Đông Phong, một chí sĩ thời phong trào Đông Du.
Dũng thật chu đáo, anh đã chuẩn bị mang theo hoa tươi và nhang Nhật. Chúng tôi người lo nhổ cỏ, người lo dọn dẹp hương đèn.
– Em chụp cho anh một tấm.
Nói rồi anh đứng trên mộ thắp hương cúng vái.
– À ! Hoàng này. Trong ngôi mộ của Trần Đông Phong còn có một phần di cốt của Kỳ Ngoại Hầu Cường Để.
– ?
– Hồi ấy chính phủ Việt Nam Công Hòa đã xin đưa hài cốt cụ Cường Để về Việt Nam, nhưng cụ có vợ Nhật Bản, bà ta xin để lại một phần để lui tới hương khói.
– Anh Dũng à, em nghĩ việc làm đầu tiên chúng ta sẽ là đưa hài cốt của các chí sĩ, những người yêu nước đã nằm xuống nơi đất khách quê người, về an nghỉ trên quê hương.
Không thấy anh trả lời. Nhưng chắc là đồng ý.
* * *
Ngày 19/11, ba tuần sau ngày viếng mộ Trần Đông Phong và Cường Để, tôi nhận được hung tin anh Âu Minh Dũng đột ngột từ trần. Mọi người bàng hoàng, không ai tin là thật. Vào giờ phút viết những dòng này, các thủ tục pháp lý và tang lễ chưa được quyết định, nhưng chắc chắn anh sẽ gởi thân xác mình nơi xứ người.
Anh đã không được về để chịu tang cha.
Nhưng chắc chắn sẽ có ngày anh được về an nghỉ trên Đất Mẹ.
Xin anh phù trì cho chúng tôi sức khoẻ và sức mạnh tinh thần để đi tiếp con đường anh đã sớm dừng bước.