Chính khách và việc giữ gìn hình ảnh

- Quảng Cáo -

Nguyễn Huỳnh – (VNTB) – Video quay cảnh Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam, Đại tướng Tô Lâm, được “Thánh rắc muối” Salt Bae chế biến và đút cho ăn món bò dát vàng đang gây xôn xao mạng xã hội.

***

Một video được đăng tải hôm 3-11-2021 trên tài khoản TikTok của đầu bếp người Thổ Nhĩ Kỳ Nusret Gökçe, người có biệt danh Salt Bae hay còn gọi “Thánh rắc muối” với gần 11 triệu người theo dõi đã lập tức thu hút sự chú ý của nhiều người, đặc biệt là người dân Việt Nam.

Cũng trong thời gian này, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam, đại tướng Tô Lâm, đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Nội vụ nước chủ nhà, bà Priti Patel vào ngày 1-11. Hiện chưa thấy các cơ quan truyền thông Việt Nam lên tiếng xác nhận, bác bỏ hay giải thích về vụ “ăn bò dát vàng” của lãnh đạo Bộ Công an Việt Nam.

- Quảng Cáo -

Trong ngày 5-11, Bộ trưởng Tô Lâm tiếp tục cùng đoàn của thủ tướng chính phủ thăm Pháp, và trở về Hà Nội ngay chiều 5-11 (giờ Paris).

Từ lâu nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhắc nhở cán bộ cần học theo lối sống giản dị, khiêm tốn của cố Chủ tịch Hồ Chí Minh, chống xa hoa, lãng phí.

Nhân bữa tiệc thịt bò dát vàng được đích thân “Thánh rắc muối” đút tận miệng tướng Tô Lâm của Việt Nam, đặt ra một câu hỏi là trách nhiệm ở đây của Bộ Ngoại giao Việt Nam đến đâu?

Bởi, với chính khách và việc giữ gìn hình ảnh là điều mà những viên chức ngoại giao Việt Nam phải ‘liệu toan’, không thể để ‘miếng ăn’ khiến thanh danh của ông Tô Lâm – Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam, Ủy viên Ban Cán sự Đảng Chính phủ, đã thành kẻ ‘phàm ăn tục uống’ thảm hại đến vậy trong hành động ‘há miệng’ của động tác được hình ảnh thể hiện là ‘đớp’ đầy dung tục trên bàn ăn xứ Anh Quốc.

Không ngạc nhiên khi báo chí nước ngoài nhanh chóng đăng tải những bài viết châm biếm, tranh biếm họa về ‘cú đớp’ của tướng công an Tô Lâm trong đoàn chính phủ Phạm Minh Chính, mà lại không ngại bị kiện.

Họ không ngại kiện tụng từ bất kỳ ai, kể cả Hà Nội, vì có một nguyên tắc, các chính khách đều là những người nổi tiếng, bởi đơn giản các quyết định của họ đều ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống, sinh hoạt của dân. Do đó luật pháp nhiều nước như Anh Quốc, trao quyền miễn trừ cho các phát ngôn của các cá nhân thuộc cơ quan lập pháp, tư pháp khi thực thi công vụ.

Đặc quyền này cũng trao một phần cho các nhà báo tường thuật, khi đảm bảo rằng tin tức đó phục vụ công chúng. Đó là cách những người đóng thuế, thông qua truyền thông, gián tiếp buộc “người của công chúng” phải giữ gìn hình ảnh và danh tiếng, chứ không buộc báo chí phải bảo vệ điều đó vô điều kiện như với công dân bình thường khác.

Và cũng bởi một nhà nước pháp quyền bao giờ cũng xem việc bảo vệ công dân, cả về tính mạng và danh dự là điều quan trọng. Nhưng việc quan trọng không kém là tạo cơ chế để công dân giám sát những người được mình trao quyền lực đã hành xử ra sao, mà truyền thông là phương tiện hữu hiệu nhất.

Thực tiễn trên thế giới, một nhà lãnh đạo, một chính khách khi thấy mình không còn được tin tưởng và được tín nhiệm nữa thì đều sẵn sàng xin từ chức. Ở phương Đông, quan chức thời xưa cũng có hành động tương tự, đó là “từ quan”.

Đây không phải là sự chối bỏ trách nhiệm mà là phản ứng tự nhiên của lòng tự trọng, nền tảng cơ bản nhất của văn hóa chính trị. Hành động đó thể hiện sự từ chối quyền lực, bổng lộc một cách rất nhẹ nhàng. Hạt nhân của văn hoá từ chức là sự nhận thức cao về tinh thần trách nhiệm cá nhân.

Và với những sự việc đã xảy ra, thiết nghĩ đã đến lúc với trách nhiệm chính trị, tướng Tô Lâm hiện đã ở tuổi 64, có thể ‘cáo lão hồi gia’ hưởng thú điền viên bên gia đình.

Nói thêm, việc từ chức với ông Lâm có thể không là một quyết định dễ dàng lẫn dễ chịu, bởi ông còn là một ủy viên trong bộ chính trị 18 người đầy quyền lực của Việt Nam. Ông trở thành bộ trưởng công an từ năm 2016 và đã trấn áp mạnh tay các phong trào nhân quyền, bắt giữ và truy tố nhiều người bất đồng chính kiến trong những năm gần đây.

- Quảng Cáo -