Diễm Thi
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề xuất đặt 87 trạm thu phí tại 68 vị trí quanh thành phố với mức phí dự kiến cho mỗi phương tiện vào thủ đô thấp nhất là 50.000 đồng, mức phí đỗ xe ở khu vực trung tâm là khoảng 100.000 đồng. Theo giải thích của các cơ quan chức năng, việc thu phí như vậy nhằm mục đích khắc phục tình trạng ùn tắc khi nhiều dự án hạ tầng giao thông của Hà Nội chậm tiến độ, chưa đầu tư hoàn chỉnh hoặc chưa được đầu tư.
Tiến sĩ Kinh tế Lê Đăng Doanh nêu nhận định với RFA:
“Hiện nay Hà Nội muốn bổ sung việc thu phí vào nội đô. Việc này thì một số nước như Singapore cũng có làm để có thêm nguồn thu vào xây dựng kết cấu hạ tầng. Qua đó cũng muốn hạn chế những xe không cần thiết vào thành phố. Tôi nghĩ Hà Nội nên làm thí điểm ở một vài điểm để rút kinh nghiệm rồi sẽ mở rộng sau. Làm thí điểm thì mới cho ra những bài học trong thực tế.
Rõ ràng là Hà Nội đang cần tiền trong tình hình hiện nay nên tôi nghĩ làm thí điểm một khâu nào đấy vào một khu nào đấy ở trung tâm. Trên cơ sở đó sẽ xem hiệu quả như thế nào, rút kinh nghiệm về cách làm, cách thu phí ra sao rồi đưa ra bàn bạc, trình Hội đồng Nhân dân để có biện pháp cụ thể sau.”
Chị H., một người dân Hà Nội hoàn toàn phản bác đề xuất này, dù chỉ là thí điểm. Chị nói với RFA sáng ngày 1 tháng 11 rằng, rất nhiều người dân quanh nơi chị ở phản đối việc xây hàng loạt trạm thu phí quanh Hà Nội như thế. Chị phân tích:
“Có thí điểm một, hai trạm thì cũng không thể chấp nhận được bởi vì tất cả các ngả đường vào thành phố mà lập BOT như thế thì còn gì là sự lưu thông đi lại tự do nữa? Nó sẽ là một trại tù giam. Không thể biến Hà Nội thành nơi nhốt tù như thế được. Hãy tưởng tượng một vòng vây BOT siết chặt thủ đô như vậy thì dân sống ra sao?
Tất cả những trạm BOT mọc ra tua tủa như thế ở tất cả các ngả đường vào Hà Nội thì nó sẽ như những cái bãi rác lớn. Thật sự gọi bãi rác BOT luôn rồi. Nó ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của dân. Nói chung, nó là một thảm họa cho dân thủ đô.”
Không chỉ người dân Hà Nội lên tiếng mà một số quan chức cũng bày tỏ sự không đồng tình với đề xuất thu phí phương tiện giao thông vào nội đô Hà Nội. Cựu đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, cũng là một tiến sĩ luật, viết trên Facebook của mình rằng:
“Các nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông lớn nhất hiện nay tại Hà Nội đều do quản lý và có thể không loại trừ nhóm lợi ích chứ đâu phải do xe ngoại tỉnh vào Hà Nội. Xe ngoại tỉnh vào Hà Nội cần được đánh giá nhu cầu nghiêm túc…
Thu phí xe vào là bất công và chính nó gây bất bình đẳng trong chi phí xã hội, vi phạm nguyên tắc tự do đi lại và tự do kinh doanh doanh theo Hiến pháp và Luật cạnh tranh. Hơn nữa, chính hơn sáu chục trạm thu phí xe ngoại tỉnh sẽ chính là nguyên nhân của nhiều hệ lụy về kinh tế xã hội.”
Ngoài Hà Nội, TP.HCM cũng dự kiến thu phí mỗi ô tô lưu thông vào trung tâm thành phố trong khung giờ cao điểm, ít nhất là 40.000 đồng. Đề xuất lập 34 trạm thu phí vào trung tâm thành phố do Trung tâm Quản lý Đường hầm Sông Sài Gòn (nay là Trung tâm Quản lý Điều hành Giao thông Đô thị) làm chủ đầu tư được đưa ra từ năm 2019.
Việc lập hàng chục trạm thu phí ở vành đai hai thành phố lớn nhất nước không nhận được sự đồng thuận của người dân cả hai nơi. Người dân cho rằng, các dự án được đưa ra chỉ với mục đích ‘móc túi dân’ mà thôi. Anh Ngọc Sơn ở thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm của mình:
“Thật sự thì việc xây hàng loạt BOT để thu phí như thế không thể cải thiện tình trạng kẹt xe trong thành phố, mà nó lại gây ra sự bất bình đẳng giữa những người dân ngoại tỉnh và những người dân trong thành phố.
Người ngoại tỉnh khi vào thành phố là người ta có nhu cầu đi lại, kinh doanh như người trong thành phố, nhưng người ta lại phải tốn một khoản phí, như thế giá cả hàng hóa sẽ tăng vì chi phí tăng.
Thành phố đâu của riêng ai mà người ngoại tỉnh phải tốn tiền khi vào? Vấn đề kẹt xe rõ ràng đâu phải do xe ở ngoài tỉnh vào, mà vấn đề là quản lý đô thị như thế nào. Họ không có một chính sách hay kế hoạch nào để giảm việc kẹt xe mà lại đẻ ra việc thu phí thì tôi thấy không hợp lý chút xíu nào cả.”
Ông Đức, chủ một doanh nghiệp vận tại ở TP.HCM cho rằng, các dự án như thế là không thể chấp nhận được, nhất là trong tình hình dân chúng kiệt quệ vì đại dịch như hiện nay. Ông nói:
“Cái thứ nhứt, cá nhân tôi phải gọi cái đề án này là thiếu chín chắn của một số cá nhân có liên quan, có trách nhiệm trong cái việc này. Theo thiển nghĩ của tôi thôi, hình như là họ chỉ nghĩ ra cái cách để thu tiền thôi chớ họ không dựa trên một cái căn cứ khoa học nào cả, về mặt lý thuyết, cũng như thực tiễn.
Vấn đề thứ hai, tôi muốn nói đến. Hơn một năm nay, gần hai năm nay rồi, Việt Nam trải qua một làn sóng dịch bệnh quá là nặng nề. Dân thì đang kiệt quệ, doanh nghiệp thì cũng đang lao đao. Nhưng mà họ lại cứ nghĩ ra những cái đề án, những dự án mà hình như cuối cùng chỉ là thu tiền. Các vị có trách nhiệm, có quyền lực trong vấn đề này quá non kém trong vấn đề quản trị, trong vấn đề quản lý.
Hà Nội không phải là của riêng người dân Hà Nội hay của chính quyền Hà Nội. Hà Nội là thủ đô của một quốc gia, là một trung tâm văn hóa – khoa học – kỹ thuật – kinh tế. Rất nhiều tỉnh thành, rất nhiều doanh nghiệp, người dân có nhu cầu công việc phải đến Hà Nội. Thế bây giờ các ông lập trạm thu phí lên để các ông hạn chế người ta đến à? Không muốn cho người ta vào nữa à? Đâu có được! Không thể làm như thế được, mà phải tìm cách khác.”
Nhiều ý kiến cho rằng để lưu thông trong thành phố không bị tắc nghẽn, hoặc giải quyết việc ùn tắc giao thông cần phải nâng cấp đường sá, cơ sở hạ tầng… là trách nhiệm của Nhà nước và không thể thu tiền dân để làm những dự án mà sau thời gian dài thực hiện vẫn không giải quyết được như đề án chống ngập mấy chục năm qua tại TP.HCM.
Diễm Thi
Nguồn: RFA