“Bạn từ đâu đến” ? (“Where you come from”?) là câu hỏi mà tôi vẫn thường nghe trong những tháng ngày lưu lạc. Dù tha hương gần cả cuộc đời, tôi luôn luôn đáp rằng mình từ nước Việt: I’m from Vietnam!
Nếu trả lời khác đi và đúng với thực trạng (I’m from California) thì rất có thể tôi sẽ nhận được ánh mắt, cùng với nụ cười thân thiện hơn của tha nhân. Tuy biết vậy nhưng tôi không muốn chối bỏ quê hương, dù không hãnh diện gì (lắm) về cái đất nước khốn cùng mà mình đã đành đoạn bỏ đi từ khi tóc hãy còn xanh.
Sống tha phương cầu thực – tất nhiên – không thiếu những phút giây tủi thân/ tủi cực hay tủi nhục, hoặc cả ba. Thêm (hay bớt) vài cái nhìn dè bỉu/khinh chê của thế nhân đâu phải là chuyện đáng để bận tâm.
Tôi vẫn thường nhủ lòng như thế. Ấy thế mà vẫn không tránh khỏi đôi chút mủi lòng khi nhìn thấy dăm ba đồng hương, đang lui cui nhặt nhạnh rác rưởi, trên hè phố nơi quê người đất khách:
“Bỗng nhiên hiện ra trước mắt ba người một bãi rác khổng lồ. Tủ đứng, tủ nằm. Xa lông. Máy giặt. Nồi cơm điện cũ. Rồi ghế xoay. Bá ngồi ngay lên chiếc ghế xoay. Xoay một vòng. Bốn bánh xe dưới chân đưa anh đi một quãng. Chà chà. Thật mê ly. Có cái ghế xoay này đặt trong nhà ngồi thư giãn, xem sách, đọc báo hay nghe nhạc thật tuyệt vời. Bảo đảm cả thành phố không ai có.
Đang thả tâm hồn bay bổng, nhìn theo Đay và Niệm đi sâu hơn nữa vào bãi rác, bỗng nghe tiếng reo, anh giật mình đứng lên bước nhanh về phía họ: Một đống quạt bàn hiện ra trước mắt.
Cái nào cũng còn nguyên bảo hiểm, cánh, cả giây và phích điện dù có chiếc bảo hiểm đã rỉ và bầu thì đã tróc sơn. Chỉ nhìn nét mặt họ, anh cũng biết anh không có phần ở đống quạt cũ này. Vì lúc họ tìm ra, anh không có mặt, anh còn đang đu đưa với chiếc ghế xoay. Cái ghế xoay chết tiệt!
Đay cùng anh thuỷ thủ nhặt quạt bàn xếp thành một hàng rồi tìm ra một chiếc gậy gỗ xâu gần chục chiếc quạt lại.
Thật sung sướng khi nghe Niệm nói: ‘Phần ông Bá một chiếc, thôi, cứ xâu cả vào đây, khiêng về tầu, ông ấy lấy sau.’
Thật là một tấm lòng vàng. Cái quạt tai voi nhà anh cũ quá rồi. Khi chạy cứ long lên sòng sọc như muốn rời ra. Hai người khiêng quạt đi trước, Bá vác cái ghế xoay đi sau. Phải mang chiếc ghế này về. Vì nó quá sang trọng, quá tuyệt vời. Hơn nữa nó còn là nguyên nhân làm anh thất bát ít ra hai chiếc quạt!
Khiêng vác trên vỉa hè, gặp người Nhật và cả những người mắt xanh mũi lõ sải bộ trên hè, không ai bảo ai cả ba đều cúi gầm mặt. Niệm kêu to, trấn an bạn và cũng là để trấn an chính mình:
– Làm đéo gì mà xấu hổ. Họ biết mình là ai…
Rồi trừng mắt hỏi Bá:
– Ông là người nước nào. Tôi là người Ma lai xi a. Quốc tịch Ma lai xi a chính hiệu.
Đay cười nhạt:
– Thôi. Cứ nói Căm pu chia cho xong. Dân Mã lai nó đếch thèm những thứ này đâu. Sang đây mới thấy mình là cuối hạng người…
Ấy thế mà khi về đến Việt Nam chúng mình lại là nhất. Chúng mình là đầu hạng người. Ai nhìn chúng mình cũng nể. Ai cũng thèm được như chúng mình. Chúng mình chon von chót vót…
Ngay chuyến này thôi, với những ngày vắng mặt ở Việt Nam để đi sang nước Nhật này, trở về với mấy món hàng cũ trong tay, anh thực sự ở một mặt bằng khác, một nấc thang giá trị khác, một tầng lớp khác, một tầm cao khác. Đúng. Chỉ cần vắng mặt ở Việt Nam ít ngày thôi rồi trở về, anh đã là một con người khác” (Bùi Ngọc Tấn. Biển Và Chim Bói Cá. Hội Nhà Văn. Hà Nội: 2008, 458 – 461).
Bốn năm sau, sau khi tác phẩm thượng dẫn được xuất bản – trong một buổi trò chuyện với thông tín viên Mặc Lâm (RFA) vào hôm 15 tháng 4 năm 2012 – tác giả tâm sự:
“Đây là quyển tiểu thuyết sử thi thời sự tan rã. Tan rã trong hệ tư tưởng, tan rã trong quan hệ sản xuất, nghĩa là tan rã trong ý thức hệ, tan rã trong quan hệ giữa người với người.”
Bùi Ngọc Tấn giờ không còn nữa. Điều ông khẳng định về sự băng rã (và băng hoại) ở đất nước mình nay đã được nhận rõ ở bình diện quốc gia. Những ngày qua, giới báo chí nhà nước đồng loạt và hớn hở loan tin:
– Kiến nghị nhập 37 toa tàu cũ từ Nhật Bản về chạy ở Việt Nam
– Nhập 37 toa tàu hết hạn sử dụng: lợi nhiều hơn hại
– Xin nhập 37 toa tầu cũ của Nhật để giảm gánh nặng đầu tư
– 37 toa tàu cũ của Nhật vẫn tốt hơn tàu ta đang có
Qua một cuộc phỏng vấn dành cho giới truyên thông trong nước, ông Vũ Anh Minh – Chủ Tịch Hội Đồng Thành Viên Tổng Công Ty Đường Sắt Việt Nam (VNR) – khẳng định:
“Nếu không có lợi thì chúng tôi đã không đề xuất. Lợi ở đây không phải là với doanh nghiệp tư nhân chỉ tính hiệu quả kinh tế của đồng vốn, mà đây chính là lợi ích cho Nhà nước…”
Thật là quí hóa! Quan chức mà ai cũng “vô vị lợi” như ông Vũ Anh Minh thì cái lò của ông Nguyễn Phú Trọng đã tắt ngúm từ lâu. Điều đáng tiếc là quan điểm “vị tha” (và “vị quốc gia”) của ông ta, xem ra, không được dư luận đồng tình.
Nhà báo Lưu Trọng Văn góp đôi lời bàn (ra) không thân thiện lắm:
“Đường sắt là hình ảnh kinh tế hàng đầu như hàng không, tàu biển, để thế giới nhận diện độ tin cậy và xu hướng phát triển của Kinh tế VN và phẩm chất chế độ của VN để họ có nên đầu tư kinh doanh hay không. Việc VN xin rồi cải tạo đồ phế thải 40 năm và việc Chính phủ VN nếu chấp nhận thì sẽ là cú đánh cực mạnh vào uy tín nền kinh tế VN và uy tín quản trị của đảng cầm quyền VN.”
Nỗi lo ngại về “uy tín của đảng” (cái Đảng đã từng đánh thắng liên tiếp mấy đế quốc to) của Lưu Trọng Văn, tất nhiên, hoàn toàn chính đáng. Tuy thế, nhà báo Nguyễn Thông lại còn bầy tỏ sự quan ngại (đáng ngại) hơn thế nữa cơ:
“Trước năm 1975, nghèo đói, lạc hậu, chậm phát triển, một phần do chiến tranh đã đi một nhẽ (ấy là chỉ nói ở miền Bắc cắm đầu theo chủ nghĩa xã hội, chứ miền Nam không hẳn vậy, dù cũng chiến tranh), nhưng từ khi đất nước thống nhất tới giờ, các ông các bà làm gì suốt gần nửa thế kỷ để vẫn loay hoay giảm nghèo bền vững.
Nước Nhật người Nhật chỉ cần hơn 20 năm, còn các ông bà định kìm hãm nước này dân này tới bao giờ. Mấy chục toa tàu hàng bãi mà họ vứt bỏ, còn ta định lôi về không phải chỉ đơn giản chuyện cũ người mới ta, mà cao hơn sâu hơn, ẩn chứa sự hổ thẹn, ô nhục về khả năng cầm quyền, lãnh đạo.”
Những hạn từ “hổ thẹn” và “ô nhục” trong đoạn văn trên khiến tôi nhớ đến một bài báo cũ (“Đi Nước Ngoài ‘Thoải Mái’ Như Ở Tổng Công Ty Đường Sắt Việt Nam”) đọc được trên trang Dân Trí, vào hôm 01/09/2016. Xin phép trích dẫn đoạn mở đầu:
“Từ năm 2010 đến hết năm 2013, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức 188 đoàn đi nước ngoài với tổng số tiền chi gần 14 tỷ đồng, trong đó có 23 đoàn đi không có văn bản mời hay hợp đồng học tập với phía đối tác. Kiểm tra hồ sơ 5 đoàn đi nước ngoài năm 2012-2013 thì cả 5 đoàn đều hợp đồng qua các công ty du lịch trong nước (theo tour) với nội dung ‘tham quan, học tập.”
Giá mà trong 188 đoàn đi nước ngoài này mà có vài người được chỉ định chuyên học tập cách tự sát – hara kiri – của người Nhật Bản (khi họ không làm tròn trách nhiệm được giao phó, hay danh dự bị tổn thương) để chỉ dậy lại cho giới lãnh đạo Việt Nam thì “uy tín của đảng cầm quyền” – chắc chắn – sẽ lên cao ngất!
TNT