Tòa nhận định các bài viết của các bị cáo đã làm cho nhiều người đọc bình luận tiêu cực, qua đó xúc phạm danh dự, uy tín của nhiều người, cơ quan, tổ chức.
Các bị cáo, thành viên của Báo Sạch bị tòa tuyên cùng về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích, Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo khoản 2, điều 331 Bộ luật hình sự.
Tòa tuyên phạt bị cáo Trương Châu Hữu Danh 4 năm 6 tháng tù, Lê Thế Thắng và Đoàn Kiên Giang mỗi bị cáo 3 năm tù; Nguyễn Phước Trung Bảo và Nguyễn Thanh Nhã mỗi bị cáo 2 năm tù, đồng thời phạt bổ sung cấm các bị cáo hoạt động trong lĩnh vực báo chí thời hạn 3 năm.
Đáng chú ý về phần luận tội, Tòa nhận định các bài viết của các bị cáo đã làm cho nhiều người đọc bình luận tiêu cực, qua đó xúc phạm danh dự, uy tín của nhiều người, cơ quan, tổ chức.
Nhận định này của Tòa án nhân dân huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ đang tạo ra một tiền lệ nguy hiểm, vì đơn giản là nó cảm tính, và không tuân thủ các quy định hiện hành.
Pháp luật đã có quy định những hành vi bị cấm trong việc sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, trong đó có việc lợi dụng việc sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng để đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.
Cụ thể được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.
Điều 5. Các hành vi bị cấm
- Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích:
- d) Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;
[…]
Nghị định 72/2013/NĐ-CP cũng quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có điều khoản quy định người sử dụng dịch vụ mạng xã hội phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp và truyền đưa trên mạng xã hội, phát tán thông tin qua đường liên kết trực tiếp do mình thiết lập.
Điều 26. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội
Ngoài quyền và nghĩa vụ của người sử dụng Internet quy định tại Điều 10 Nghị định này, người sử dụng dịch vụ mạng xã hội còn có quyền và nghĩa vụ sau đây:
[…]
- Chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội, phát tán thông tin qua đường liên kết trực tiếp do mình thiết lập.
Pháp luật cũng có quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Cụ thể điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội… quy định:
Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;
[…]
Thứ hai, nếu hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm người khác còn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội làm nhục người khác” quy định tại Điều 155 của Bộ luật hình sự. Nếu nhận thấy hành vi bình luận bậy bạ đó xúc phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến danh dự nhân phẩm của đương sự nào đó, thì về nguyên tắc, đương sự ấy có thể tố cáo người đó tới cơ quan công an cấp quận, huyện nơi người đó cư trú về hành vi làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật hình sự.
Như vậy một ai đó khi bình luận sai lệch, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự và uy tín của cá nhân X.Y.Z, thì cụ thể người ấy sẽ phải tự chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung đó – kể cả bị bắt bỏ tù, chứ không thể buộc tội tác giả của bài báo, bài viết ấy như với vụ án ‘Báo Sạch’ vừa xử hình sự sơ thẩm ở Tòa án nhân dân huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ./.