Những người lan truyền tin giả đánh vào nỗi sợ của cộng đồng gốc Việt tị nạn ở Mỹ để ‘kiểm soát suy nghĩ của họ’ và hậu quả của tin giả đã khiến nhiều gia đình tan nát và khiến họ có hành động gây hại cho lợi ích cộng đồng, một bạn trẻ gốc Việt đấu tranh chống tin giả nói với VOA.
Trong vòng mấy năm qua, nhất là trong cuộc bầu cử tổng thống của Mỹ hồi năm ngoái, hàng loạt các kênh tin giả của người Việt xuất hiện trên các kênh mạng xã hội như YouTube và Facebook mỗi ngày đều lan truyền những tin tức thất thiệt hay bóp méo về chính trị Mỹ.
Nhận thức được về tin giả và tác hại của tin giả đối với cộng đồng, nhiều bạn trẻ Việt đã tình nguyện tham gia vào công việc kiểm chứng thông tin, biên dịch để phổ biến thông tin chính thống đến với cộng đồng người Việt lớn tuổi vốn không đọc được tiếng Anh nên dễ trở thành nạn nhân của tin giả.
Cô Cookie Dương, 23 tuổi, hiện đang làm công việc tư vấn kinh doanh tại Los Angeles, California, là một trong những bạn trẻ này. Cô là người sáng lập và điều phối trang Interpreter vốn chuyển dịch tin tức chính thống từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Nỗ lực của Cookie Dương và nhóm của cô đã gây được tiếng vang với kênh truyền hình HBO để họ làm một chương trình về nạn tin giả, khiến YouTube mới đây đóng cửa một kênh tin vịt vốn làm mưa làm gió trong cộng đồng người Việt thời gian qua.
‘Xây dựng cộng đồng lành mạnh’
“Rất nhiều người đã gửi những lời động viên đến Cookie và các bạn Interpreter, nhưng cũng có những lời lẽ rất khiếm nhã, nhưng con số đó rất nhỏ so với những lời động viên,” cô Cookie nói với VOA từ Los Angeles về hiệu ứng sau khi chương trình HBO phát sóng.
Cookie Dương nói công việc của cô và nhóm Interpreter ‘hoàn toàn bất vụ lợi’, ‘để giúp đỡ cộng đồng’ và ‘để tạo sức mạnh cho cộng đồng gốc Việt tham gia vào chính trị Mỹ một cách lành mạnh’.
Lý do cô khởi động dự án Interpreter hồi tháng 6 năm 2020 là ‘hết sức tình cờ’ khi cô vướng vào tranh cãi dữ dội với cha cô xung quanh cuộc biểu tình ‘Black Lives Matter’, cô cho biết. “Tôi nhận ra cách nhìn của tôi đối với các vấn đề nhức nhối của xã hội rất khác cách nhìn của ba. Ba tôi đang xem và đọc những kênh rất khác với những gì mà tôi đọc.”
“Khi tôi tìm hiểu vấn đề để giúp mình hiểu ba hơn, tôi đã tình cờ thấy được nạn tin giả trong cộng đồng người Việt tại Mỹ,” cô Cookie nói thêm.
Bắt đầu chỉ có mình cô, nhưng đến nay dự án Interpreter của Cookie Dương đã có đến 60 bạn trẻ là cộng tác viên, tình nguyện viên chuyên chuyển dịch tin tức từ các nguồn tin khả tín trên báo chí Mỹ, cô cho biết và mô tả những bạn trẻ này ‘rất có lý tưởng’, ‘rất yêu cộng đồng’ và cũng gặp vấn đề giống như cô là ‘có người thân trong gia đình là nạn nhân của tin giả’.
Nhóm Interpreter của cô trong giai đoạn bầu cử hồi năm ngoái ‘đã rất vất vả’ vì trên mạng của người Việt tràn ngập tin giả, theo lời cô, và hiện nay tập trung vào việc đưa tin đúng về vaccine ngừa Covid-19 cũng như đẩy lùi những thông tin thiên lệch hay phân biệt chủng tộc.
Cô cho biết nhóm của cô ‘không có thời gian để làm công tác kiểm chứng các tin giả được đưa trên các kênh mạng xã hội của người Việt’ vì ‘quá nhiều’.
‘Bịa chuyện và bóp méo’
Cô Cookie Dương, vốn đến Mỹ từ năm 11 tuổi và đã tốt nghiệp ngành Quan hệ Quốc tế ở Đại học Nam California, cũng trao đổi với VOA về những thủ thuật làm tin giả của những tay tin giả người Việt mà cô nhận ra được trong quá trình tìm hiểu.
Theo cô, cách mà những tay tin giả này thường dùng là ‘bóp méo, cắt nghĩa thông tin theo ý đồ của họ để thao túng người đọc.’
Thứ hai, họ ‘lấy nguồn tin chủ yếu từ những trang cánh hữu, cực đoan’ – tức là một phần nhỏ bức tranh để khiến khán giả có cái nhìn sai lầm về toàn bộ bức tranh.
Thứ ba là họ ‘bịa đặt những lời nói dối trắng trợn, chẳng hạn như ‘Biden có âm mưu với Trung Quốc hay có âm mưu với cộng sản, ngụy tạo hình ảnh Obama quỳ gối trước Iran…’, cũng theo lời Cookie Dương.
Cô giải thích lý do nhiều người Việt mê mẩn nghe và tin theo tin giả như sau: “Do di sản tị nạn của họ, họ chạy trốn khỏi Việt Nam để đến cho nên cách duy nhất để họ tiếp cận chính trị là đóng khung mọi thứ vào cộng sản hay không cộng sản.”
“Họ [những người làm tin giả] chạm vào nỗi sợ hãi của người Việt để có thể kiểm soát được họ, cũng giống như [cựu Tổng thống] Trump đánh vào nỗi sợ hãi của những người da trắng cực hữu rằng đất nước của họ đang bị người da màu xâm lấn,” cô phân tích.
Giải thích vì sao có nhiều người Việt vẫn tin vào tin giả từ lần này đến lần khác mặc dù những thông tin này sau đó đều được thực tế chứng minh là ‘tin xạo’, cô Dương nói: “Rất ít người có thể tự nhận mình là sai, nhất là những người Việt lớn tuổi vốn được coi là đã đủ khôn ngoan.”
“Nếu những kẻ tung tin giả đã lan truyền thuyết âm mưu thì cho dù kết quả có đi về hướng nào đi nữa thì họ vẫn có thể nói bẻ sang một âm mưu khác,” cô giải thích.
Cô khẳng định nhờ vào việc lợi dụng sự nhẹ dạ của nhiều người Việt mà những người tung tin giả ‘có rất nhiều lợi nhuận từ số lượt xem, quảng cáo và bán hàng’.
Tác hại của tin giả
Do thông tin là sức mạnh nên cô Cookie Dương cho rằng hậu quả mà tin giả đem đến cho cộng đồng người Việt ở Mỹ ‘rất là tai hại’. Cô nói ‘nó tàn phá cộng đồng từ trong ra ngoài’.
“Nhiều gia đình đã tan nát. Nhiều bậc cha mẹ đã quá cực đoan đến nỗi họ từ con, khiến những đứa con đã quay đi, không bao giờ nói chuyện với cha mẹ của họ nữa vì những ý kiến của cha mẹ họ quá kinh khủng để họ có thể tiếp tục kết nối với cha mẹ,” cô cho biết.
Về phía cộng đồng Việt nói chung, cô Dương cho rằng khi những người Việt nhận thông tin sai lệch thì ‘họ sẽ đi bỏ phiếu đi ngược lại lợi ích của bản thân họ và có hại cho cộng đồng họ vì họ bầu cho những người không đại diện cho lợi ích của họ’.
Về tác hại của tin giả đối với nước Mỹ, cô Dương nói: “Tin giả tìm mọi cách làm xói mòn niềm tin vào nền dân chủ Mỹ, luôn kết nối những âm mưu gì đó với Trung Quốc hoặc là với cộng sản.”
Cô cho biết, giới trẻ gốc Việt khi biết được về trang Interpreter của cô đã lên trang lấy thông tin gửi cho cha mẹ họ xem và họ nói với cô rằng ‘nó rất có ích’.
Cookie Dương nói cô ‘không mong tác động gì đến những người những người đã quá cực đoan’ mà ‘chỉ hướng đến giúp những người còn suy nghĩ lý trí’.
Sau khi xuất hiện trên kênh truyền hình HBO, cô cho biết ba của cô ‘chỉ nói là ba sẽ coi’.
“Ba của Cookie biết rằng dù ba có nói gì đi nữa cũng không thể thay đổi suy nghĩ của Cookie nên ba không tranh luận nữa,” cô cho biết. “Nhưng từ kinh nghiệm này ba mẹ Cookie sẽ rất cẩn thận khi đọc tin vì biết rằng con gái họ đang làm việc để chống tin giả.”
Về tương lai của dự án Interpreter, Cookie Dương nói ‘sẽ tiếp tục đến chừng nào cộng đồng còn cần chống tin giả’ và cho rằng trong tương lai ‘cộng đồng sẽ cần việc kiểm chứng thông tin trực tiếp hơn’.