RFI – 24/10/2021
Một tuần trước khai mạc Thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về Khí hậu (COP 26) tại Glasgow, chủ tịch COP 26 cảnh báo: đạt được một thỏa thuận toàn cầu trong hội nghị thượng đỉnh lần này là khó hơn rất nhiều so với Paris năm 2015.
Tháng 12 năm 2015, sau rất nhiều nỗ lực, cộng đồng quốc tế đã được Thỏa thuận về khí hậu, thống nhất mục tiêu giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá từ 1,5°C đến 2°C so với thời tiền công nghiệp, bởi quá mức nhiệt độ này, nhân loại sẽ phải đối mặt với các điều kiện môi trường vô cùng khắc nghiệt, vượt quá khả năng đối phó của nhân loại. Thỏa thuận đạt được trong gang tấc này được nhiều người ca ngợi như một bước tiến lịch sử.
Sáu năm sau, tại Glasgow, cộng đồng quốc tế phải thống nhất được các cam kết cắt giảm mạnh mẽ khí thải để đạt được mục tiêu giữ nhiệt độ không tăng quá từ 1,5°C đến 2°C nói trên. Trả lời báo Anh The Guardian, chủ tịch COP26 Alok Sharman, cho biết « Những gì chúng tôi đang cố gắng làm ở đây, ở Glasgow, thực sự rất khó khăn », « chắc chắn khó hơn tại Paris nhiều bậc ». Vị chủ tịch người Anh giải thích : « Những gì họ đã làm ở Paris thật tuyệt vời, đã ra được một thỏa thuận khung, (nhưng) còn rất nhiều quy tắc chi tiết đã phải gác lại cho tương lai ». Ông Alok Sharman đưa ra hình ảnh ví von về thách thức lớn hiện nay: « Giống như chúng ta ở giai đoạn cuối bài thi và chỉ còn lại những câu hỏi khó nhất, mà chúng ta lại sắp hết thời gian, kỳ thi sẽ kết thúc chỉ trong nửa giờ nữa ».
Theo báo cáo mới nhất của Nhóm các chuyên gia liên chính phủ về khí hậu của Liên Hiệp Quốc (GIEC / IPCC) hồi mùa hè, chỉ cần đến khoảng năm 2030, thế giới có nguy cơ vượt ngưỡng tăng 1,5°C, sớm hơn 10 năm so với ước tính trước đó (hồi năm 2018). Theo tổng hợp mới nhất các cam kết cắt giảm khí thải của các quốc gia, thế giới hiện nay đang trên lộ trình hướng tới mức tăng 2,7°C so với thời công nghiệp.
Theo AFP, các đàm phán về khí hậu đang trở nên nan giải hơn đặc biệt với căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa một bên là Hoa Kỳ và Anh quốc và bên kia là Trung Quốc và Nga. Chủ tịch Trung Quốc và tổng thống Nga không có kế hoạch đến thượng đỉnh Khí hậu tổ chức tại Anh.
Dù sao, theo chủ tịch COP 26, có một điểm tích cực là « ý thức » rõ ràng về cuộc khủng hoảng khí hậu mà chúng ta đang phải đối mặt khiến cộng đồng quốc tế sẽ « tập trung hơn » vào công việc. Bản báo cáo của Nhóm các chuyên gia liên chính phủ về khí hậu của Liên Hiệp Quốc là hữu ích khi đưa ra một cảnh báo về cuộc khủng hoảng đáng sợ này.