nguyenvubinh – RFA
Trong gần hai năm đại dịch covid-19 diễn ra, ngoài sự tổn thất về nhân mạng trên toàn cầu thì sự đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, do việc tạm dừng sản xuất và lưu thông khiến cho tất cả các quốc gia đều bị ảnh hưởng nặng nề. Việt Nam trong năm đầu đại dịch (2020), sự ảnh hưởng tới từ sự ách tắc, đứt gãy nguồn nguyên vật liệu từ Trung Quốc, các đơn hàng từ Trung Quốc và các nước Âu, Mỹ do những nước này bị đại dịch đã phải giãn cách và phong tỏa.
Năm thứ hai của đại dịch (2021), Việt Nam đã không còn yên ổn như năm đầu, dịch bệnh bùng phát khiến cho số người chết lên hơn hai vạn người. Các địa phương phong tỏa, giãn cách và ngừng sản xuất, lưu thông hàng hóa. Khi các nước khác tạm yên và phục hồi thì đến lượt Việt Nam bùng phát dịch. Cộng hưởng các yếu tố, mức tăng GDP quý III năm 2021 của Việt Nam xuống tới mức kỷ lục – (âm) 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng các doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động lên tới hàng trăm ngàn doanh nghiệp. Sau đợt phong tỏa thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, các doanh nghiệp hoạt động trở lại khi số lượng công nhân chỉ đạt 30-40%, một thảm họa cho các doanh nghiệp và nền kinh tế.
Đứng trước tình hình nguy cấp của nền kinh tế, nhà cầm quyền Việt Nam đã buộc phải đưa ra quyết định thay đổi phương châm chống dịch, từ “chống dịch như chống giặc” sang “sống chung với dịch”. Tuy đã thay đổi phương châm chống dịch, nhưng những diễn biến của các địa phương và cả nước trong chống dịch hiện nay vẫn chưa phải thực sự nhà cầm quyền muốn sống chung với dịch. Quan trọng hơn, với cách thức chống dịch này, việc phục hồi nền kinh tế sẽ rất khó khăn, nếu như không muốn nói là không thể. Vậy chúng ta tìm hiểu các điều kiện cho sự phục hồi nền kinh tế, và so sánh nó với việc chống dịch sẽ thấy được vấn đề.
Điều kiện đầu tiên, đó là việc thông suốt trong cung ứng, sử dụng lao động. Doanh nghiêp muốn hoạt động được, hoạt động hiệu quả thì yêu cầu đầu tiên là việc sử dụng lao động phải đầy đủ số lượng, không bị tắc nghẽn, gián đoạn và chủ động. Sự đứt gãy sản xuất, lưu thông hàng hóa khởi nguồn từ sự đứt gãy trong sử dụng lao động, bao gồm cả lao động trong vận tải hàng hóa. Chính vì vậy mà yêu cầu, điều kiện đầu tiên cho việc khôi phục, phục hồi sản xuất và lưu thông đó là việc thông suốt trong sử dụng lao động, không có bất cứ điều gì, vấn đề nào làm ảnh hưởng tới việc sử dụng lao động. Với yêu cầu này, việc cách ly tập trung, xét nghiệm đại trà nhiều lần, bắt buộc tiêm chủng … cần được xem xét lại.
Điều kiện thứ hai, việc thông suốt trong lưu thông hàng hóa. Nền kinh tế chỉ vận hành bình thường khi hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu được lưu thông thông suốt, không gặp cản trở, tắc nghẽn hoặc gián đoạn. Bất cứ một sự tắc nghẽn, gián đoạn nào trong lưu thông hàng hóa đều có thể dẫn tới những hậu quả khôn lường cho doanh nghiệp. Tất cả các giải pháp chống dịch cần đặc biệt lưu ý yêu cầu này, bởi hàng hóa lưu thông qua nhiều địa phương, không có sự thống nhất sẽ ngay lập tức dẫn tới ách tắc, tắc nghẽn.
Điều kiện thứ ba, việc sử dụng lao động và lưu thông hàng hóa không được đội giá do yêu cầu chống dịch. Nếu như có sự thông suốt trong sử dụng lao động và lưu thông hàng hóa, nhưng phải trả một giá đắt hơn điều kiện bình thường, cũng sẽ làm doanh nghiệp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Bởi với thời gian đình trệ sản xuất gần hai năm qua, các doanh nghiệp đều rơi vào tình trạng rất khốn khó, khó có thể chịu đựng thêm các chi phí vô lý đẩy giá thành sản phẩm của doanh nghiệp lên được nữa.
Một vấn đề có tính nguyên tắc, nhưng dường như đang là nỗi lo của nhiều doanh nghiệp. Đó là việc đầu tư của các doanh nghiệp cần có sự cam kết và bảo đảm lâu dài. Việc bỏ vốn đầu tư trong giai đoạn vẫn còn đại dịch là một sự mạo hiểm rất lớn. Nếu không có sự cam kết và bảo đảm lâu dài, ít nhất là với phương thức chống dịch có thể bảo đảm được các điều kiện kinh doanh, thì rất khó có thể kêu gọi doanh nghiệp đầu tư trở lại hoặc mở rộng sản xuất như mong muốn.
Xét trên các điều kiện cho sự phục hồi nền kinh tế, vấn đề chống dịch của Việt Nam chỉ cần nguyên tắc 5K, ngoài ra, tập trung vào việc chữa trị các bệnh nhân nhiễm covid nặng. Toàn bộ nguồn lực cho các biện pháp chống dịch khác tập trung cho việc chữa trị bệnh nhân covid nặng sẽ là cứu cánh cho cả chống dịch lẫn phục hồi nền kinh tế./.
Hà Nội, ngày 21/10/2021
N.V.B