Hà Nguyên (VNTB)
Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội quy kết bị can Đoan Trang đã trả lời phỏng vấn trên truyền thông nước ngoài với nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước cũng như “phỉ báng chính quyền nhân dân”.
Cụ thể, bà Đoan Trang có hành vi tàng trữ các tài liệu: “Báo cáo tóm tắt về thảm họa môi trường biển Việt Nam”; “Đánh giá chung về tình hình nhân quyền tại Việt Nam”; “Báo cáo đánh giá về luật tôn giáo và tín ngưỡng năm 2016 liên quan đến việc thực hiện quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng ở Việt Nam”.
Theo kết luận của Viện kiểm sát, các tài liệu trên có nội dung tuyên truyền “luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân, tuyên truyền thông tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Viện kiểm sát cáo buộc bị can Đoan Trang đã có hành vi trả lời phỏng vấn đài nước ngoài BBC News tiếng Việt và Đài Á Châu tự do (RFA). Trong các bài phỏng vấn này, bà Trang có phát ngôn “tuyên truyền các nội dung thông tin xuyên tạc đường lối chính sách của Nhà nước”.
Trước đó, hồi thượng tuần tháng 7-2021, cựu nhà báo Phạm Chí Thành của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã phải chịu mức án 66 tháng tù vì xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân.
Theo hồ sơ vụ án xác định, nội dung 21 bài viết trong sách “Thế thiên hành đạo hay đại nghịch bất đạo” và bài phỏng vấn của ông Phạm Chí Thành chứa đựng nội dung tuyên truyền thông tin xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, tuyên truyền thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân và tuyên truyền thông tin gây chiến tranh tâm lý.
Như vậy, cần hiểu thế nào khi tham gia phản biện các chính sách xã hội, chia sẻ quan điểm chính trị cá nhân sẽ tránh được việc cáo buộc “xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân”?
Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, điều luật gồm 3 khoản, trong đó, khoản 1 quy định các dấu hiệu 1 pháp lý và khung hình phạt cơ bản của tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam; khoản 2 quy định trường hợp đặc biệt nghiêm trọng và khoản 3 quy định trường hợp chuẩn bị phạm tội.
Hành vi khách quan của tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam được quy định là các hành vi làm ra, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân; hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý.
Như vậy, hành vi khách quan của tội phạm ở 3 nhóm hành vi phạm tội đều là hành vi làm ra, hành vi tàng trữ, hành vi phát tán hoặc hành vi tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm với các nội dung khác nhau.
Hành vi làm ra thông tin, tài liệu, vật phẩm được hiểu là hành vi tạo ra thông tin, tài liệu, vật phẩm. Hành vi phát tán thông tin, tài liệu, vật phẩm có thể được hiểu là hành vi rải rộng rãi thông tin, tài liệu, vật phẩm. Hành vi tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm được hiểu là hành vi giải thích rộng rãi để thuyết phục mọi người tán thành, ủng hộ, làm theo thông tin, tài liệu, vật phẩm.
Thông tin, tài liệu, vật phẩm thuộc đối tượng của nhóm hành vi thứ nhất có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân. Thông tin, tài liệu, vật phẩm thuộc đối tượng của nhóm hành vi thứ hai có nội dung bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân. Thông tin, tài liệu, vật phẩm thuộc đối tượng của nhóm hành vi thứ ba có nội dung gây chiến tranh tâm lý.
Các thông tin, tài liệu, vật phẩm nói trên phải có nội dung:
Thứ nhất, xuyên tạc, phi báng chính quyền nhân dân. Xuyên tạc là việc cố ý đưa ra thông tin sai sự thật với dụng ý xâu. Phỉ báng là bôi nhọ, nói xấu, vu khống, vụ cáo theo cách cay nghiệt.
Thông tin, lài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phi báng chính quyền nhân dân là thông tin, tài liệu, vật phẩm sai sự thật, bóp méo tình hình thực tế, được tạo ra với dụng ý nói xấu, bôi nhọ, vu cáo Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, gây ra sự ngộ nhận, hiểu lầm, mất hoặc suy giảm lòng tin cho đối tượng tiếp nhận, nghe, đọc, xem, nghiên cứu các thông tin, tài liệu đó.
Thứ hai, bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân. Bịa đặt là việc đưa ra thông tin không đúng sự thật. Thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân là những thông tin, tài liệu, vật phẩm không đúng sự thật, được tạo ra với dụng ý gây sự hoài nghi, lo lắng, tâm lý bất an trong nhân dân.
Thứ ba, gây chiến tranh tâm lý. Chiến tranh tâm lý là một loại hình chiến tranh được các nước thù địch sử dụng để đánh vào tinh thần, ý chí, niềm tin của người dân và binh sĩ của lực lượng vũ trang đối phương.
Các quốc gia thù địch với nhau đã sử dụng kết hợp loại hình chiến tranh này với các loại hình chiến tranh khác như chiến tranh quân sự trên chiến trường, chiến tranh kinh tế, chiến tranh ngoại giao.
Gây chiến tranh tâm lý là thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng và các phương tiện khác tạo ra, nhào nặn thông tin sai sự thật gây nghi ngờ, chia rẽ nội bộ, tạo tâm lý bất an, hoang mang, lo sợ, mất lòng tin vào Đảng, Nhà nước. Thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý là thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung nêu trên.
Với căn cứ pháp lý như trên, thì xem ra sẽ gần như không thể cáo buộc bất kỳ ai với những ràng buộc của “xuyên tạc, phi báng chính quyền nhân dân”, của “bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân”, cũng như là “gây chiến tranh tâm lý” vì hiện nay Việt Nam không có bất kỳ ai được gọi là “quốc gia thù địch”.
Tuy nhiên phía công tố đã lập luận như sau cho cáo buộc, mà tin rằng rất khó ai thoát được án tù tội, nếu như vẫn kiên trì thực hiện quyền phản biện được ghi ở Điều 25 và Điều 28 của Hiến pháp 2013:
“An ninh trên lĩnh vực tư tưởng – văn hóa là sự ổn định của đời sống tinh thần và sự thống nhất về nền tảng chính trị – tư tưởng ở mỗi một quốc gia, là lòng tin của quần chúng vào hệ thống chính trị và thể chế chính trị quốc gia, bảo đảm cho quốc gia có được sự ổn định cần thiết đề phát triển mọi mặt.
Khi lòng tin của người dân vào chính quyền bị suy giảm, thì cơ sở xã hội của Nhà nước và chế độ cũng bị thu hẹp và sự vững mạnh của chính quyền bị đe dọa. Do vậy, tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam là những hành vi xâm phạm an ninh quốc gia làm suy yếu sự vững mạnh của chính quyền nhân dân…”.
Với lập luận quen thuộc ở trên, có thể thấy rằng bất kỳ những ai dám ‘kể xấu Đảng’, cho dù ‘kể đúng’ đi nữa, nhưng một khi với cái xấu xí này khiến lòng dân ngờ vực vào tính ưu việt của chế độ, thì những người đó sẽ khó tránh được những bản án hà khắc như đã tuyên với các nhà báo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn…/.