Ls Nguyễn Văn Đài – RFA
Sáng 18/10, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã chủ trì Phiên họp thứ 2 Ban Chỉ đạo (BCĐ) Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” trong CAND.
Trước đó, ngày 21/5/2021, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quyết định số 12 về việc thành lập BCĐ xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” (gọi tắt là BCĐ xây dựng Đề án Trung ương) do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng ban. Ngày 20/7/2021, BCĐ xây dựng Đề án Trung ương đã ban hành Kế hoạch số 02 xây dựng Đề án, phân công các cơ quan, tổ chức ở Trung ương (trong đó có Đảng ủy Công an Trung ương) giúp BCĐ xây dựng các chuyên đề chuyên sâu (gồm 27 chuyên đề)
Ngày 31/8/2021, Đảng ủy Công an Trung ương đã ban hành Quyết định số 174 thành lập BCĐ và Kế hoạch số 62 triển khai thực hiện Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” trong CAND do Bộ trưởng Tô Lâm làm Trưởng BCĐ.
Vậy nhà nước pháp quyền là gì?
Nhà nước pháp quyền là ở trong nhà nước đó, hệ thống chính trị đó, mọi người dân, mọi tổ chức, đảng chính trị, cơ quan công quyền đều phải phục tùng và tôn trọng luật pháp, tuân thủ và đứng dưới luật pháp.
Nhà nước pháp quyền hình thức Nhà nước cộng hòa trong đó Nhà nước xây dựng nên pháp luật để quản lý xã hội và tự đặt mình dưới pháp luật. Mọi cơ quan Nhà nước đều phải được tổ chức và chỉ được phép hoạt động trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Công dân tuân thủ, thi hành và sử dụng pháp luật. Quyền công dân được pháp luật ghi nhận và bảo vệ.
Trong Nhà nước pháp quyền, hệ thống tam quyền phân lập được hình thành, ba ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp độc lập với nhau, giám sát nhau.
Nhà nước pháp quyền dựa trên nguyên tắc dân chủ đa đảng. Dân chủ là nền tảng để hoàn chỉnh pháp luật. Pháp luật là công cụ để bảo vệ quyền công dân.
Nhà nước pháp quyền đối lập với các thể chế chính trị độc tài, độc đảng, quân chủ tuyệt đối,…
Như vậy, nhà nước pháp quyền đối lập với chế độ độc tài, độc đảng cộng sản Việt Nam.
Đây là sự đối lập mang tính chất triệt tiêu lẫn nhau, tức là chế độ độc tài, độc đảng CSVN sẽ triệt tiêu nhà nước pháp quyền và ngược lại nhà nước pháp quyền sẽ triệt tiêu chế độ độc tài, độc đảng CSVN.
Tại sao thế giới sốc khi Tô lâm chỉ đạo và làm trưởng ban chỉ đạo xây dựng nhà nước pháp quyền của Bộ công an?
Thứ nhất, ngành công an là công cụ để bảo vệ cho đảng, chế độ và nhà nước độc tài CSVN. Bởi vậy, từ khi ngành công an được thành lập cho tới thời điểm hiện tại, từ người lính cho tới Bộ trưởng luôn hành xử theo lối: “Tao là luật, luật là tao”.
Bộ trưởng Tô Lâm và ngành công an luôn luôn coi thường pháp luật, chà đạp lên pháp luật mặc dù nhiệm vụ của họ là bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật.
Thứ hai, bản thân Bộ trưởng công an Tô Lâm nằm trong nhóm ra chỉ thị bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ Berlin, CHLB Đức năm 2017 và Trương Duy Nhất từ Bangkok, Thái Lan năm 2019.
Ông Tô Lâm cũng bị phanh phui đã ký 2 văn bản để bảo kê cho công ty MobiFone mua lại AVG gây thiệt hại cho ngân khố quốc gia gần 10 ngàn tỷ đồng.
Tô Lâm cũng bảo kê cho em trai là Tô Dũng cướp đoạt hàng trăm ha đất của người dân Hưng Yên để xây các khu công nghiệp, dân cư.
Kể từ khi Tô Lâm làm Bộ trưởng công an, hàng trăm nhà hoạt động đối lập, bất đồng chính kiến đã bắt cầm tù. Hàng ngàn người bị sách nhiễu thường xuyên; hàng trăm người bị cấm xuất cảnh.
Tô Lâm, trên cương vị Bộ trưởng công an phải chịu trách nhiệm chính và trực tiếp trong việc giết hại cụ Lê Đình Kình ở xã Đồng Tâm vào sáng ngày 9 tháng 1 năm 2020.
Tô Lâm cũng phải chịu tránh nhiệm chính về việc vu khống cho người dân Đồng Tâm sát hại 3 cảnh sát cơ động, dẫn tới việc tòa án tuyên tử hình với 2 người con trai của cụ Lê Đình Kình là Lê Đình Công và Lê Đình Chức.