Một tờ báo, tờ Lao Động, hôm trước đăng bài nói chuyện ăn phở bị thiên hạ mắng té tát. Là người trong nghề, tôi đọc cái tít bài ấy là biết ngay tác giả mượn phở để nói điều khác. Tuy nhiên tít ẩn ý thường dễ bị hiểu lầm, nhất là ở thời điểm nhạy cảm, với đối tượng nhạy cảm. Giá thay “Sài Gòn” thành “TP.HCM” thì biết đâu lại được khen.
Xì xụp hay không xì xụp, không thành vấn đề, nhưng vô hình trung tự dưng tạo ra hình ảnh người Sài Gòn đứng nhìn, thèm thuồng khi thấy người Hà Nội ăn. Giống như đứa trẻ con ăn mày ăn xin nuốt nước miếng ừng ực đứng chờ người khác ăn để được… ăn thừa. Rất tội nghiệp. Và tai hại. Vẫn biết tác giả bài báo không có ý đó, mà nhắm tới cái sự thèm khác, thậm chí ẩn ý rất sâu xa, thèm tự do, thèm không bị câu thúc gò bó, thèm được cởi hết mọi trói buộc, v.v.. nhưng người đọc cứ hiểu là thèm ăn thì cũng phải chịu. Đọc xong cái tít rồi người ta không thèm đọc bài nữa, đó là thất bại của người viết.
Nhân chuyện phở, nhà cháu nhớ lại những gì liên quan tới nó, mà có những bác nghiện phở, say phở hơn vợ không ngần ngại tôn là quốc hồn quốc túy.
Ở nước Nam ta, có nhẽ phở là món ăn nổi tiếng nhất. Nơi nào nước mình cũng thấy phở, hầu như ai cũng thích phở. So với thức dùng đặc sản, đặc trưng chỗ này chỗ khác, chẳng hạn thắng cố, bún chả, bánh đa cua, hủ tiếu, bánh canh, gỏi cuốn, bánh tôm… thì ta thấy những món ấy chỉ vang danh trong vùng địa giới nhất định, lôi cuốn được nhóm người nhất định. Chứ phở thì không biên giới, không phân biệt già trẻ lớn bé, nam phụ lão ấu, đảng phái giai cấp, quân dân chính đảng, đàn ông đàn bà, vùng gần vùng xa, miền xuôi miền ngược, thành thị nông thôn, trong nước ngoài nước… Phở bành trướng ra cả những quốc gia xa tít tận châu Âu, châu Mỹ, châu Úc. Dường như cứ nơi nào người Việt cư trú là xuất hiện phở. Không có đồ ăn thức uống, thức quê Việt nào oai như nó, danh tiếng lẫy lừng như nó.
Nghe nói dạo ông Barack Obama tổng thống thứ 44 của nước Mỹ thăm Việt Nam, khi làm thượng khách ngụ Hà Nội, cũng thèm phở lắm, tuy nhiên nhà báo kiêm đầu bếp trứ danh Anthony Bourdain bạn thân ông đã khuyên rằng đừng dẫm vào vết của người tiền nhiệm, cần phải khác đi, hoãn cái sự thèm phở lại. Hai ông đã lần mò đi ăn bún chả Hương Liên quán ở phố Lê Văn Hưu, khiến cái quán bún này tưng bừng nổi tiếng, anh em an ninh mật vụ cả tây lẫn ta một phen mệt phờ, còn dân đứng ngóng bên ngoài chờ coi mặt tổng thống ăn bún Việt đông như hội. Mà cái ông Obama này, tôi chỉ nhớ được mỗn vụ ăn bún chả trong sự nghiệp của ổng, còn lại rất nhạt, chả được trò gì, nhất là để Tàu nó dắt mũi.
Tiền nhiệm ư. Chả là ông Bourdain muốn nhắc tới chuyện ông Bill Clinton tổng thống thứ 42 hồi đột phá mở đường quan hệ Việt – Mỹ đã thưởng thức phở Việt, tấm tắc khen ngon. Tôi còn nhớ dạo đó năm 2000, rà lại gu gồ (Google) thì cụ thể ngày 19.11, ngài Clinton đã hít hà xì xụp tô phở nóng tại một nhà hàng phở có thương hiệu “Phở 2000” góc phố sát chợ Bến Thành, quận 1, Sài Gòn. Có nhẽ lần đầu ăn phở, lại là thứ phở “đãi” tổng thống, nên ông ấy khen ngon. Tôi cho là ổng khen thực tình bởi người Mỹ rất thực dụng, thẳng thắn, không có tính đãi bôi. Nhưng riêng tôi lấy làm tiếc bởi ngài tổng thống, chả biết do những quân sư hoặc mưu sĩ nào chọn giùm, đã nhầm địa chỉ phở. Hoặc họ chỉ nhắm tới cái tên thương hiệu phở có con số 2000 nhằm đánh dấu cột mốc lịch sử khai thông quan hệ. Cũng có thể, từ khách sạn 4 sao New World tới nhà phở 2000 kia chỉ vài bước chân, lội bộ cũng tiện, đảm bảo được tiêu chuẩn an ninh (luôn được đặt lên hàng đầu), nhưng đi ăn phở, thưởng thức phở quốc hồn quốc túy của xứ này, không cốt chọn ngon mà chọn sự an toàn, thì chưa đạt tới tầm của phở. Trên đất Sài Gòn, lẽ ra phải cho quân hầu tới xí chỗ trước ở phở Lệ, phở Hùng (Hùng trên đường Nguyễn Trãi, gần bùng binh chợ Thái Bình quận 1 chứ không phải những Hùng khác, na ná cái biển hiệu), chí ít cũng phở Tàu Bay, phở Hòa, phở Quyền, phở Dậu. Còn nếu đúng kiểu tay chơi cường quốc số 1 thế giới, thực sự sống chết với phở, thì phải cất cánh ngay cái tàu bay chuyên cơ Air Force One vọt ra Hà thành xếp hàng đợi bát phở Bát Đàn, hoặc phở Lò Đúc, phở Thìn, phở Lý Quốc Sư, mới là sành điệu phở.
Hồi tôi còn bé, ở miền Bắc, nhất là nông thôn, những năm 60, chỉ nghe nói đến phở chứ thực tình không biết nó thế nào. Không hình dung ra bởi đơn giản chưa được ăn. Thức quê bỏ vào mồm dạo ấy, ngoài hai bữa cơm chính trong ngày, thì chỉ là khoai, bắp (ngô), củ mình tinh, dong riềng, khoai sọ, cơm nguội, bột mì luộc, chứ tịnh không có phở. Nghe người nhớn dụ cứ chịu khó làm lụng, khi nào có tiền thày bu dắt ra Phòng (Hải Phòng) cho ăn phở để biết mùi quý phái.
(còn tiếp)