Một cam kết trong cương lĩnh bầu cử chưa từng có của đảng cầm quyền Nhật Bản nhắm tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng, nhấn mạnh sự cấp bách cần phải trang bị tên lửa, máy bay chiến đấu tàng hình, máy bay không người lái và các loại khí tài khác để răn đe quân sự đối với Trung Quốc trong tranh chấp trên Biển Hoa Đông, theo Reuters.
Đảng Dân chủ Tự do (LDP) lần đầu tiên đặt mục tiêu chi 2% GDP – khoảng 100 tỷ đôla – hoặc hơn cho quốc phòng trong cương lĩnh chính sách của mình trước cuộc bầu cử quốc gia vào tháng này.
Các chuyên gia không kỳ vọng tân Thủ tướng Fumio Kishida sẽ sớm tăng gấp đôi mức chi tiêu quốc phòng, xét trong bối cảnh tình hình tài chính công nợ và nền kinh tế đang trải qua đại dịch hiện nay. Nhưng đó là một dấu hiệu cho thấy quốc gia theo chủ nghĩa hòa bình này dần dần có thể phá vỡ cam kết giữ ngân sách quân sự trong phạm vi 1% GDP.
Ông Yoichiro Sato, giáo sư quan hệ quốc tế thuộc Đại học Châu Á Thái Bình Dương Ritsumeikan, nói với Reuters: “Các nhà lãnh đạo bảo thủ của đảng LDP muốn đảng từ bỏ giới hạn này”, nói về giới hạn chi tiêu trên thực tế, mà ông gọi là “bất khả xâm phạm đối với những người theo chủ nghĩa tự do Nhật”.
“Họ đang thiết lập hướng đi, đó là những gì những người bảo thủ muốn làm,” ông nói thêm.
Hoa Kỳ đã và đang thúc đẩy các đồng minh chủ chốt chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng; và việc tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP sẽ đưa Nhật lên ngang với cam kết mức chi tiêu quốc phòng của các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Cương lĩnh mang tính diều hâu này được đưa ra khi tâm lý công chúng Nhật chuyển từ lo ngại về việc tái vũ trang cho quân đội sang cảnh báo ngày càng tăng về sự quyết đoán của Trung Quốc ở châu Á, đặc biệt là sự quyết đóan của Bắc Kinh đối với Đài Loan.
Trong một cuộc khảo sát với 1.696 người do nhật báo Nikkei thực hiện vào cuối năm ngoái, có 86% người được hỏi cho biết rằng Trung Quốc là mối đe dọa đối với Nhật, cao hơn mức 82% bày tỏ lo ngại về việc Triều Tiên trang bị vũ khí hạt nhân.
Chiến lược quân sự của Nhật tập trung vào việc bảo vệ lãnh thổ dọc theo rìa Biển Hoa Đông, nơi Tokyo đang bị mắc kẹt trong tranh chấp với Bắc Kinh về một nhóm các đảo không có người ở.
Với thêm 50 tỷ đôla mỗi năm, Nhật có thể mua thêm thiết bị của Mỹ, bao gồm máy bay chiến đấu tàng hình F-35, máy bay cánh quạt nghiêng Osprey và máy bay không người lái, cũng như các thiết bị sản xuất trong nước như tàu đổ bộ, tàu chiến nhỏ gọn, tàu sân bay, tàu ngầm, vệ tinh và thiết bị liên lạc để chống lại một cuộc chiến tranh kéo dài.