Đó là những ngày cuối tháng Chín và đầu tháng Mười năm 2021, của thế kỷ 21, những đoàn người dắt díu nhau như những trận sóng xuôi từ Nam ra Bắc. Đất phương Nam trở nên chết chóc và không còn thân thiện, cưu mang họ nữa, họ trở về quê, trong đau khổ, thiếu hụt và nước mắt, trong lời ta thán, trong tiếng thở dài. Những đoàn người qui cố hương như một bài trường ca thăm thẳm buồn thế sự, thăm thẳm tự tình dân tộc – một dân tộc bốn ngàn năm hoặc giả hơn ba ngàn năm thiên di và lưu dân. Lưu dân và thiên di như một đặc tính của dân tộc này.
Những đoàn người co duỗi theo các chỉ thị của nhà nước, chính phủ, họ đã nhiều lần muốn thoát thân khỏi thành phố nhưng bất thành. Và cuối cùng, sau quá nhiều chết chóc, đau khổ, và sự trở về quê hương đầy may rủi của họ, để lại những khoảng trống quá lớn. Khoảng trống về kinh tế, khoảng trống về văn hóa và khoảng trống về tình nhân ái.
Khi sống nơi đất khách, họ đã phải đối mặt với quá nhiều ê chề, nỗi ê chề thân phận làm thuê sống mướn, thân ở trọ bị xua đuổi khi chưa có tiền trọ cuối tháng, tiền điện, tiền nước, các khoản chi tiêu hụt hơi… Và khi dịch đến, chết chóc, tai ương, người nghèo bao giờ cũng là người chịu thiệt, lãnh đau đớn đầu tiên và nhận được các trợ cấp xã hội từ nhà nước cuối cùng, đó là một thực tế tại Việt Nam. Và nói cho cùng, những người bươn bả kiếm sống, từ việc bán hàng rong cho đến làm thuê ở các cơ xưởng, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ luôn mang mặc cảm thấp cổ bé miệng này chẳng bao giờ chạm được đến công bằng xã hội. Họ sống trong một góc nhỏ tối tăm và mơ hồ, không hắt bóng giữa thành phố.
Những người này, khi họ tồn tại trên đất Sài Gòn, Bình Dương, đôi khi bị nhìn như một loài tầm gửi. Nhưng mấy ai nghĩ rằng chính họ, chính những thân tầm gửi này lại là lực lượng lao động chủ chốt, nó quyết định nên kinh tế công nghiệp và thương nghiệp miền Nam có sắc, có nhọn, có năng động hay không. Bởi, mọi sự tính toán và mọi dự án kinh tế, sự thành công của nó, quyết định tiên yếu của nó bao giờ cũng nằm ở lực lượng lao động, cái lực lượng đông nhất, có thân phận thấp bé nhất nhưng nếu không có họ, thì chuyến tàu kinh tế khó bề mà chạy cho êm, chạy đến đích. Và, các hành xử thiếu tình người của giới chủ, từ chủ thuê lao động cho đến chủ trọ, cho đến chính quyền thành phố Sài Gòn, Bình Dương đã khiến họ hốt hoảng, hoang mang và ê chề.
Sự ê chề, nản lòng, mệt mỏi, thất vọng và tuyệt vọng đã khiến họ dứt áo ra đi, không luyến tiếc gì ở miền đất hứa này nữa (hơn nữa, hầu như tất cả các tỉnh hiện tại cũng đang thiếu lao động trầm trọng, những người trở về này là lực lượng lao động có kĩ năng, tác phong công nghiệp ít nhiều và đương nhiên là họ chuyên nghiệp, họ rất cần cho địa phương, bản quán của họ). Và sự trở về lần này của họ sẽ để lại lỗ hổng kinh tế khá lớn cho các thành phố công nghiệp họ từng làm việc và bám trụ, cho cả hệ thống chính trị vốn đã bỏ rơi họ trong đau khổ và cố tình chặn họ lại, giữ họ lại vì lo cho tương lai kinh tế thành phố.
Cũng qua đợt tháo chạy thoát thân của đoàn đoàn lớp lớp người này, người ta còn nhận ra cái lỗ hổng về tâm hồn, về văn hóa của người dân Việt Nam bấy lâu nay. Mà cụ thể ở đây, phải nói đến chính sách vĩ mô về kinh tế, văn hóa đã tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân, các qui định bóp nghẹt, thiếu tình người của chính phủ, chính quyền địa phương từ rất lâu đã khiến cho mọi người ai tự lo giữ thân nấy, ai khôn thì qua ải, ai dại thì sống dở chết dở. Chính cái thứ tâm lý quái quỉ, đau khổ đến tàn bạo này đã khiến cho con người trở nên xơ cứng và vô cảm, người ta không còn quan tâm đến đồng loại. Và đâu đó, mang bóng dáng của tư bản rừng rú.
Mà cũng dễ hiểu, bởi chưa bao giờ Việt Nam đạt được các thông số tư bản rừng rú như thời gian gần đây, cụ thể là vào những năm đầu của thế kỉ 21 này. Người ta không còn yêu thương, chia sẻ với nhau, những thứ ấy thuộc về xa xỉ phẩm. Người ta bóc lột nhau đến tận cùng có thể, ngay trong gia đình ruột thịt, nếu bóc lột được nhau, người ta cũng không ngần ngại làm và khoác lên nó chiếc áo đạo đức như hiếu đạo, nhân nghĩa, trung thành… huống chi với người bên ngoài, tứ cố vô thân. Đương nhiên không phải ai cũng vậy, bởi đất nước này, dân tộc này vẫn còn rất nhiều người giàu lòng trắc ẩn, sống cho tha nhân. Nhưng rất tiếc, cái con số “rất nhiều” ấy lại không đủ để bù vào cái con số khổng lồ các tư bản rừng rú. Và tư bản rừng rú đã thấm vào đời sống, thấm vào từng ngõ ngách, thấm vào ngay cả những người buôn bán, kinh doanh nhỏ lẻ và cả người lao động chứ không riêng gì những kẻ làm chủ.
Một thứ tư bản khiến cho người ta sống cẩu thả, bất chấp và cầu an đến ông Trời. Bởi con người với nhau, người ta không tìm thấy sự bình an. Một trận sóng dấy động, cuồng nộ mà ở đó, chiếc thuyền tồn tại lại là những đồng tiền, nó nhanh chóng đẩy con người đến chỗ tin rằng vật dục là chân lý. Tâm hồn con người trơ nên trơ trọi, khô khốc.
Khi tâm hồn trơ trọi và khô khốc, thì hy vọng gì chuyện người có ý thức trách nhiệm với cộng đồng hay không. Tôi không thông cảm với việc có đoàn người xả rác khắp các con đường, nơi họ dừng nghỉ. Nhưng tôi phải đặt lại câu hỏi rằng ở thời đại tiêu dùng, sống giữa một cơ chế tư bản rừng rú, mọi thứ đều xài nhanh, xả nhanh, mạnh ai nấy xả, và người lao động luôn là kẻ phải đi nhặt rác của nhà giàu, thì ngay lúc này, ngay cái lúc đau khổ nhất, ngay cái lúc đối mặt với bản thể loài người và ý niệm sinh tử, liệu họ có quyền xả rác một lần hay không? Điều đó có đáng thông cảm không? Hay là đó đã thành một nếp quen cho đến lúc tận cùng thế sự nó vẫn đeo bám và hiển hiện? Cả hai câu hỏi thử đặt ra đều rơi vào bế tắc, bởi rất khó để tìm ra sự cảm thông nào cho hợp lý với bối cảnh hiện tại. Bởi sinh quyển xã hội đã ngợm mùi rừng rú. Và không khí văn hóa xã hội này là một bầu khí quyển ít nhiều mang mùi hoa xác chết.
Và, cho đến khi các đoàn lưu dân, các đoàn thiên di dắt díu nhau trong mưa gió mà trốn thoát thành phố, mà qui cố hương với rất nhiều may rủi, chưa chắc chính quyền nơi cố hương đã chịu để họ bước vào đất quê (như trường hợp chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế, tuyên bố sẽ phạt những ai về từ vùng dịch theo chỉ thị 16 mà chưa có đăng ký. Thử hỏi, làm sao người ta có thể đăng ký được trong bối cảnh chạy loạn bị mắc kẹt liên tục, một kiểu qui định vô cảm). Và đây cũng là câu hỏi lớn về yếu tố nhân cảm còn sót lại nơi con người.
Khi con người xê dịch giữa hai đầu một con đường, bị đối đãi lạnh nhạt, bạc bẽo nơi đất hứa giữa lúc khó khăn và bị hắt hủi, coi thường, thậm chí quay lưng trên đất cố hương… Thì chắc chắn, tâm hồn và lòng trắc ẩn của họ sẽ bị tổn thương nặng nề. Và mọi tội lỗi này, phải hỏi những cái đầu lãnh đạo có sỏi về thủ đoạn đấu đá những lại ất ơ về lãnh đạo, an dân cũng như chi phối an sinh xã hội. Thật là đáng buồn cho một đất nước có quá nhiều đoàn thiên di và đoàn lưu dân ở thế kỉ này!