Song Chi – RFA
Từ khi mở cửa với Hoa Kỳ và phương Tây vào những năm 70 của thế kỷ XX, Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản đã phát triển một cách nhanh chóng, đến mức người ta vẫn thường nói đến cái gọi là “phép màu” Trung Quốc. Sự phát triển “ngoạn mục” đó của Trung Cộng trong nhiều năm, vẫn là một sự thách thức đối với các quốc gia tự do dân chủ khi một quốc gia có thể dung hòa giữa thể chế độc tài toàn trị và sự mở cửa kết nối với phương Tây để phát triển về kinh tế, đồng thời ảnh hưởng đến thế giới về chính trị.
Nhưng cái giá mà người dân Trung Quốc phải trả là thế nào?
Giờ đây Hoa Kỳ và các nước phương Tây đã nhận ra rằng họ đã sai lầm khi tưởng rằng một khi Trung Quốc phát triển về kinh tế thì nước này sẽ chuyển đổi theo hướng dân chủ hóa, sự thật hoàn toàn ngược lại.
Từ khi Tập Cận Bình bước lên “ngôi vị” cao nhất, họ Tập đã liên tục củng cố quyền lực và cho tới nay, quyền lực của họ Tập là vô cùng lớn.
Vào tháng 10.2017, tại Đại hội toàn quốc lần thứ 19, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa vào Điều lệ Đảng một học thuyết chính trị mới: “Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa Xã hội mang đặc sắc Trung Quốc trong kỷ nguyên mới”. Việc tên và tư tưởng của Tập Cận Bình được đưa vào Điều lệ đảng CS Trung Quốc như vậy đã tạo cho ông ta một vị trí ngang hàng với Mao Trạch Đông-người thành lập nên nước Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa cũng như Đặng Tiểu Bình, người được gọi là “kiến trúc sư của Trung Quốc hiện đại”. Chưa kể, họ Tập đã vận động, thúc đẩy để Quốc Hội Trung Quốc thông qua việc hủy bỏ điều khoản trong Hiến pháp giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước ở mức hai nhiệm kỳ 5 năm, cho phép Tập Cận Bình có thể tiếp tục làm Chủ tịch nước sau năm 2023 là thời hạn ông ta phải thôi chức, thậm chí có thể trở thành Chủ tịch trọn đời. Điều này khiến Tập Cận Bình trở thành người có quyền lực nhất kể từ thời Mao Trạch Đông.
Khi đã nắm chắc quyền lực, Tập Cận Bình bắt đầu gia tăng, kiểm soát mọi thứ. Gần đây, nếu chú ý theo dõi tình hình Trung Quốc, chúng ta sẽ thấy một số tin tức như sau: Học sinh từ bậc tiểu học đến đại học buộc phải học tập tư tưởng Tập Cận Bình, tư tưởng Tập Cận Bình trở thành một môn học chính thức ở nhiều trường đại học giống như triết học Mác và tư tưởng Mao Trạch Đông, Đảng tham gia vào mọi mặt của đời sống hàng ngày từ giờ học của trẻ em, quy định việc chơi games chỉ được mấy giờ/tuần, việc không được phép học tư dạy tư…giống như kiểm soát trẻ em từ bé, chỉnh đốn tư tưởng, uốn nắn thị hiếu của giới trẻ, “dọn dẹp cho sạch sẽ” màn ảnh và internet, giới showbiz mà vụ “phong sát” hàng loạt nghệ sĩ trong đó có diễn viên Triệu Vy (Zhao Wei) được khán giả biết đến nhiều nhất qua những vai diễn trong các bộ phim truyền hình ăn khách của Trung Quốc Hoàn Châu Cách Cách, Tân dòng sông ly biệt …là ví dụ.
Bên cạnh việc siết chặt và trừng phạt giới nghệ sĩ, người ta thấy đảng CS Trung Quốc cũng dằn mặt cả giới doanh nhân như nhà sáng lập Alibaba Jack Ma bị “biến mất” bí ẩn một thời gian đầu năm 2021. Theo tạp chí Forbes, trong những năm gần đây, ít nhất nửa tá tỷ phú và doanh nhân giàu có khác đã biến mất khỏi đời sống công chúng trong một thời gian, khi mở miệng chỉ trích chính quyền Trung Quốc hoặc bị chính quyền Trung Quốc chỉ trích, những người này sau đó hoặc tiếp tục trở lại làm việc nhưng ảnh hưởng của công ty bị sút giảm đáng kể, hoặc bị bắt với những cáo buộc tham nhũng, tội nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực, bị tịch thu tài sản… Nhưng thật ra thì chẳng ai hiểu được thực sự chuyện gì đã xảy ra (“Disappearing Billionaires: Jack Ma And Other Chinese Moguls Who Have Mysteriously Dropped Off The Radar”, Forbes). Bài viết kết luận: “Dưới thời ông Tập, và đặc biệt là trong vài năm gần đây, đảng CS Trung Quốc đã thực hiện thường xuyên việc bắt giữ những người như vậy và tước đoạt tài sản của họ. Bất kể chi tiết cụ thể của từng trường hợp riêng lẻ, điểm quan trọng hơn là gửi đi một thông điệp: không ai ở trên Đảng hoặc vượt quá tầm của nó”.
Rõ ràng, dưới con mắt của Tập Cận Bình, các giá trị tự do dân chủ không phù hợp với Trung Quốc. Ngược lại càng phải củng cố kiểm soát đảng cộng sản, thông qua “chiến dịch chống tham nhũng”, cũng như kiểm soát quần chúng, bao gồm việc sử dụng các công nghệ tiên tiến như laptop, điện thoại, các loại app v.v… được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo. Người dân Trung Quốc có thể hưởng tự do trong tiêu dùng, làm ăn kinh doanh (ở một mức độ nào đó) nhưng ngoài ra không được hưởng bất cứ quyền tự do dân chủ nào khác, kể cả việc chỉ trích đảng CS Trung Quốc hay chỉ trích Tập Cận Bình.
Và đó là cái giá mà người dân Trung Quốc phải trả cho sự “ổn định”, “phồn thịnh” mà đảng CS “bảo đảm” với họ như một khế ước ngầm, kể từ sau vụ sinh viên học sinh nổi dậy ở Thiên An Môn.
Nhưng có thật là nền kinh tế Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục phát triển đều đều, vững vàng, và Trung Quốc sẽ tiếp tục tiến bước trên con đường thực hiện “Trung Hoa Mộng” và một “sự thịnh vượng chung” cho tất cả mọi người, như những lời hứa hẹn mới của “Hoàng Đế” Tập Cận Bình?
Nhìn từ bên ngoài mọi sự có vẻ vẫn rất ổn. Ngay cả trong đại dịch COVID-19 vừa qua Trung Cộng cũng là quốc gia kiểm soát được dịch khá tốt và vẫn tăng trưởng dương ngay từ quý 3-quý 4 của năm 2020, trong khi từ Hoa Kỳ cho tới các cường quốc châu Âu, châu Á đều lao đao. Nhưng gần đây chúng ta lại đọc thấy một số tin xấu như vụ tập đoàn bất động sản khổng lồ Evergrande có khả năng bị phá sản, chuyện Trung Quốc đang bị thiếu điện làm ảnh hưởng đến hàng loạt địa phương và sụt giảm sản lượng tại các trung tâm kinh tế lớn, chuyện nhà cung cấp chủ chốt của Apple, Tesla dừng sản xuất vì chính sách năng lượng của Trung Quốc v.v…(Để hiểu tầm vóc quan trọng của tập đoàn Evergrande đối với nền kinh tế lẫn chính trị Trung Quốc, có thể đọc thêm “Evergrande, bước ngoặt của phép lạ kinh tế Trung Quốc”, RFI, “Cuộc khủng hoảng Evergrande có thể loang ra toàn cầu như thế nào?, VNEconomy, “Cổ phiếu châu Á hỗn loạn vì cú sốc Evergrande tại Trung Quốc”, BBC Tiếng Việt v.v…)
Người ta sẽ tự hỏi: Điều gì đang xảy ra vậy? Có phải đây chỉ là những vụ việc lẻ tẻ hay đây là những vết nứt ban đầu và sẽ ngày càng lan rộng hơn và phép màu kinh tế Trung Quốc sẽ kết thúc?
Rõ ràng một nền kinh tế trong nhiều năm liền phát triển quá “nóng” nhưng lại không hoàn toàn được tự do, tồn tại những bất công giữa khu vực doanh nghiệp nhà nước và khu vực tư nhân, chắc chắn là không ổn. Chưa kể, Trung Quốc đang phải đối mặt với hai vấn đề lớn là dân số già đi, và đầu tư từ nước ngoài có thể sẽ giảm sút, từ thực tế vài năm gần đây, nhất là qua đại dịch COVID-19, nhiều quốc gia phương Tây càng nhận rõ sự bất lợi của việc phu thuộc quá nhiều vào kinh tế, vào công xưởng sản xuất của Trung Cộng và đang muốn rút dần những công ty của họ sang nước khác hoặc về lại nước mình. Ngược lại, Trung Cộng cũng ý thức được điều đó. Trung Cộng có thể sẽ phải thay đổi về chính sách, co cụm lại về kinh tế, chuyển hướng sang thị trường tiêu dùng nội địa hơn 1,4 tỷ dân, để bớt phụ thuộc vào nước ngoài.
Dù sao đi nữa, đã đến lúc mà những vấn đề vốn dĩ chỉ tồn tại trong một chế độ độc tài toàn trị, sẽ ngày càng trở thành “vật cản” cho khả năng tiếp tục duy trì mức độ phát triển kinh tế cao, cũng như những mục tiêu, tham vọng khổng lồ của đảng cộng sản Trung Quốc nói chung và Tập Cận Bình nói riêng.