Trần Đông A – VOA
Một loại thuốc không thể mang 2 tên. Vero Cell của Trung Quốc khi “khoác áo” Hayat – Vax thì đã biến thành một vắc xin khác. Không thể lấy dữ liệu của Vero Cell để làm cơ sở duyệt cho Hayat – Vax. Nếu đã là một thì tại sao phải nấp dưới hai tên? Nếu lấy được dữ liệu của vắc xin này để duyệt cho vắc xin kia thì tại sao Hayat – Vax chưa có tên trong danh sách của WHO?
Một tin gây sốc mới, đó là Chính phủ Việt Nam lại vừa ban hành nghị quyết về mua 20 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 Vero Cell của Tập đoàn Sinopharm (Trung Quốc). Tin này phát đi sau khi có tin về việc Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã có quyết định phân bổ 8 triệu liều Vero Cell, vắc xin do Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tài trợ, cho các tỉnh thành. VnExpress cũng đăng tải một loại thông tin y hệt: “Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương vừa có quyết định phân bổ thêm 8 triệu liều vắc xin Sinopharm cho 25 tỉnh thành, trong đó có Hà Nội nhận nhiều nhất.”
Đang và sẽ sử dụng gần 30 triệu liều vắc xin Trung Quốc trong các điều kiện: Chấp nhận điều khoản miễn trừ trách nhiệm đối với các khiếu nại phát sinh từ hoặc liên quan đến vắc xin, hoặc việc sử dụng vắc xin. Chấp nhận phương thức thanh toán theo các điều khoản trong hợp đồng. Chấp nhận không có nội dung về bảo lãnh tạm ứng, bảo lãnh thực hiện hợp đồng. Việc ký kết, hiệu lực, giải thích và thực hiện, giải quyết tranh chấp của hợp đồng áp dụng theo pháp luật Trung Quốc. Trường hợp không giải quyết được, tranh chấp do Ủy ban Trọng tài thương mại và kinh tế quốc tế Trung Quốc tại Bắc Kinh, Trung Quốc phán quyết.
Thần tốc phê duyệt vắc xin Trung Quốc
Tất cả những điều kiện ngặt nghèo nói trên thật ra là luật bất thành văn trong mua bán vắc xin, nhưng khi bị ép mua về như thế thì nhà nước, cụ thể là Bộ Y tế phải có trách nhiệm với người dân của mình chứ! Mọi người chắc hẳn còn nhớ, khi TP.HCM được tặng 5 triệu liều vắc xin Sinopharm, lãnh đạo TP.HCM đã tuyên bố công khai, minh bạch: Tiêm hay không tiêm là việc của dân, không ép, không nói dối dân. Nhưng rồi một số vị lãnh đạo khác từ Hà Nội lại nêu khẩu hiệu: “Vắc xin tốt nhất là vắc xin tiêm kịp thời”. Đấy là một tuyên bố khá ẩu và thiếu chuyên nghiệp!
Trong khi đó thì TS. Nguyễn Ngọc Chu, một nhà bình luận thời sự sắc sảo của truyền thông “lề trái” lại đánh giá, hợp đồng nói trên là một cuộc xâm chiếm thị trường thần tốc đầy nghi ngờ của vắc xin Trung Quốc. Theo TS. Nguyễn Ngọc Chu, không thể tin được, vừa được phê duyệt thần tốc hôm 10/9/2021, thì bây giờ còn thần tốc hơn, Bộ Y tế đã phê duyệt nhập 30 triệu liều vắc xin Hayat – Vax.
Trong lúc cả nước thiếu vắc xin, đáng ra đây phải là tin vui, nhưng thật không vui chút nào. Có mấy câu hỏi sau đây, không tài nào trả lời được. Hayat – Vax là vaccine không có trong danh mục của WHO. Đã có 6 loại vác xin trong danh mục của WHO được Việt Nam cấp phép khẩn cấp. Hayat – Vax không trải qua kiểm nghiệm lâm sàng ở Việt Nam. Vậy dựa trên số liệu nào, cơ sở nào, nhu cầu nào để Bộ Y tế cấp phép sử dụng ở Việt Nam?
Theo cổng thông tin của Bộ Y tế thì, “Vắc xin là Hayat-Vax do Công ty TNHH Viện Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc Tập đoàn Biotec Quốc gia Trung Quốc (CNBG), Trung Quốc, sản xuất bán thành phẩm. Vắc xin này được đóng gói sơ cấp, thứ cấp và xuất xưởng tại Julphar (Gulf Pharmaceutical Industries), Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất”. Một loại thuốc không thể mang 2 tên. Vero Cell của Trung Quốc khi khoác áo Hayat – Vax thì đã biến thành một vaccine khác. Không thể lấy dữ liệu của Vero Cell để làm cơ sở duyệt cho Hayat – Vax. Nếu đã là một thì tại sao phải mang hai tên? Nếu lấy được dữ liệu của vắc xin này để duyệt cho vắc xin kia thì sao Hayat – Vax chưa có trong danh sách của WHO?
Trong lúc cả thế giới khan hiếm vắc xin phòng chống Covid, Chính phủ đi xin khắp nơi, có nước chỉ được 100 000 liều, có nước được 300.000 liều. Vậy mà trong chốc lát có ngay 30.000.000 liều vắc xin Hayat – Vax về Việt Nam. Như vậy Hayat – Vax có chất lượng như thế nào mà dư thừa nhiều thế? Sao không thúc đẩy nhập nhanh 31 triệu liều Pfizer? Có phải đây là cách để giúp cho vắc xin Trung Quốc thần tốc chiếm thị trường Việt Nam? Cuộc xâm chiếm thần tốc thị trường Việt Nam của vắc xin Trung Quốc khoác áo Hayat – Vax có ảnh hưởng đến quá trình phê duyệt Nanocovax và Covivax?
Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới phản ánh hiệu quả tiêm vắc xin của Trung Quốc rất thấp so với các loại vắc xin khác. Ngay cả tờ Wasington Post mới đây cũng có bài viết “Chủng Delta hoành hành, Đông Nam Á chuyển không dùng vắc xin của Trung Quốc?”, phân tích xu thế quay lưng với vắc xin Trung Quốc ở khu vực. Một số quốc gia châu Á từng đưa vắc xin Trung Quốc thành mũi nhọn quan trọng trong các chương trình tiêm chủng, nay đã thông báo lại rằng họ sẽ sử dụng các loại vắc xin khác. Xem vậy để thấy hành công của vắc xin Trung Quốc đang lụi tàn ở châu Á? Những thông tin này đang làm dân tình hoang mang nhưng không thấy những người có trách nhiệm ở Bộ Y tế phản bác.
Bỏ thầu rẻ nhưng chi phí tăng vọt
Nhà thầu nào cũng muốn đạt tiến độ thi công tốt để nhận tiền cho nhanh và đạt chất lượng để lấy tiếng mà dự thầu những dự án khác. Thế mà nhà thầu Trung Quốc bỏ giá thầu với âm mưu gây chậm tiến độ và chi phí phát sinh, đến khi làm việc còn gây ra bao nhiêu sự cố đáng ngờ, không đáng có đối với nhà thầu quốc tế. Chi phí dự án tăng vọt, là những thiệt hại kinh tế thấy rõ. Thiệt hại gián tiếp nặng nề không kém do chậm nhiều năm. Mỗi ngày chậm trễ là thêm thiệt hại cho đất nước Việt Nam do các lợi ích chưa thành hiện thực, tính ra thành tiền không phải nhỏ.
Trong khi ở đất nước họ, nhiều công trình hoành tráng và khó khăn gấp nhiều lần được hoàn tất trong thời gian ngắn với chất lượng khá. Đằng này, với bao điều kiện thuận lợi, chỉ cần triển khai đầy đủ thiết bị và nhân lực phù hợp thì dự án sẽ rất suôn sẻ, như các nhà thầu quốc tịch khác từng chứng minh. Phải chăng họ sẵn lòng chịu thiệt hại cho riêng họ? Nhưng đâu có phải vậy! Họ gây khó khăn, đội giá lên nhiều lần, cốt làm hại cho ta.
Tương tự, khi đọc tin về các thương lái Trung Quốc “thu mua” móng chân trâu bò, đỉa, lá điều khô, lá sắn, lá khoai lang, ốc bươu vàng, mèo, rễ tiêu, cây huyết đằng, đậu bắp xanh, lá ớt v.v… Hầu hết những thứ này đều được thương lái Trung Quốc thu mua từng đợt và làm giá đợt sau cao hơn đợt trước, có khi gấp đôi gấp ba, để kích thích lòng tham của những người nông dân Việt Nam nghèo khổ và kém hiểu.
Hoặc là ồ ạt thu mua khoai lang, chuối, chè cổ thụ, lúa đang trổ bông… rồi ngưng hẳn khiến cho nông dân ồ ạt gia tăng sản lượng rồi khốn đốn vì lượng hàng ế ẩm. Rồi việc thu mua những thứ quái đản như đĩa, cây dó liệt, cá lìm kìm biển, bọ 3 sọc, giun đất… Mỗi một đợt thu mua khiến cho người Việt bỏ công ăn việc làm, tìm mọi cách chặt cây hàng loạt, tìm bắt con này, con kia đến mức tận diệt, đồng thời gây hậu quả tàn phá hệ sinh thái mà dân không biết và chính quyền địa phương không hay. Nhưng có một điểm không thấy truyền thông trong nước nêu thật rõ ra: cá nhân thương lái chân chính không làm các chiêu trò ác độc đó. Không ai bỏ ra khối tiền đặt cọc lớn và thu mua với giá khủng rồi giữa chừng lặn mất tăm mà không thu hồi vốn.
Theo TS. Tô Văn Trường, cũng không loại trừ khả năng chính phủ Trung Quốc bỏ tiền đền bù thiệt hại cho các nhà thầu của họ để các nhà thầu này yên tâm thực hiện những mưu mô xảo quyệt gây thiệt hại cho sự phát triển của Việt Nam. Từ vài chục năm trước, nếu ai có dịp đi thăm quan vùng biên giới, được chứng kiến cùng một loại hàng hoá của Trung Quốc mà bán ở Lạng Sơn chỉ rẻ bằng 2/3 giá bán ở Bằng Tường, ai cũng bảo chắc chắn có sự trợ giá của Bắc Kinh để phá nền kinh tế Việt Nam. Và đến thời điểm này, chỉ có biên giới phía Bắc mới bắt được các vụ buôn bán tiền Việt Nam giả mà thôi.