Tập đoàn bất động sản khổng lồ của Trung Quốc “Evergrande”, một tên gọi có nghĩa là “mãi mãi vĩ đại”, đang trên bờ vực sụp đổ và các nhà phân tích cảnh báo rằng các hậu quả tiềm tàng của nó có thể gây ra những tác động sâu rộng ở đại lục và lan sang các thị trường khác trên thế giới.
Evergrande là một tập đoàn phát triển địa ốc mắc nợ nhiều nhất thế giới – với khoảng 305 tỷ USD nợ phải trả – đang tìm đủ cách huy động vốn để trả lại người cho vay và nhà cung cấp.
Giá cổ phiếu của Evergrande đã tụt dốc gần 80% trong năm nay và giao dịch trái phiếu của nó đã bị các sàn giao dịch chứng khoán Trung Quốc liên tục tạm dừng trong những tuần qua.
Các cơ quan xếp hạng tín dụng đã nhiều lần hạ cấp Evergrande với lý do vấn đề thanh khoản của công ty.
Hôm thứ Ba tuần rồi, Evergrande cho biết doanh số bán bất động sản của họ có thể sẽ tiếp tục giảm đáng kể trong tháng 9 sau khi sụt giảm trong nhiều tháng, khiến tình hình dòng tiền của họ càng trở nên tồi tệ hơn.
Trong cùng ngày, cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch của Mỹ đã giảm cấp Evergrande từ ‘CCC +’ xuống ‘CC’, cho thấy “rủi ro rất cao” trong việc tái cấp vốn và mặc định vỡ nợ có thể xảy ra.
Mark Williams, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á tại Capital Economics, cho biết: “Sự sụp đổ của Evergrande sẽ là thử thách lớn nhất mà hệ thống tài chính của Trung Quốc phải đối mặt trong nhiều năm.”
Evergrande sở hữu hơn 1.300 dự án bất động sản tại hơn 280 thành phố ở Trung Quốc. Chi nhánh quản lý dịch vụ bất động sản của nó tham gia vào gần 2.800 dự án trên hơn 310 thành phố ở Trung Quốc. Với bảy đơn vị hoạt động trong nhiều lĩnh vực, bao gồm xe điện, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sản phẩm tiêu dùng, đơn vị sản xuất video và truyền hình và thậm chí cả một công viên giải trí, tập đoàn Evergrande cho biết trên trang web hiện có 200.000 nhân viên, và gián tiếp tạo ra hơn 3,8 triệu việc làm mỗi năm cho Trung Quốc.
Các nhóm bị ảnh hưởng trực tiếp vì sự sụp đổ của Evergrande bao gồm ngân hàng, nhà cung cấp, người mua nhà và nhà đầu tư.
Trước hết, các ngân hàng và hệ thống tài chính của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. “Một sự thất bại ngân hàng do sự sụp đổ của các nhà phát triển bất động sản lớn là kịch bản khả dĩ nhất có thể dẫn đến một cuộc hạ cánh khó khăn ở Trung Quốc”, chuyên gia Mark Williams cho biết.
Kế đến, hệ quả của Evergrande có thể ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp khác nếu các nhà cung cấp không được trả tiền.
Cơ sở đánh giá tín dụng toàn cầu S&P cho rằng Evergrande có thể đang “cố gắng thuyết phục” các nhà cung cấp và nhà thầu của mình chấp nhận các tài sản vật chất để thanh toán – trong nỗ lực duy trì tiền mặt để hoàn trả các khoản vay. S&P ước tính trong 12 tháng tới, Evergrande sẽ phải trả 37,16 tỷ USD hóa đơn từ các nhà cung cấp và các khoản phải trả thương mại từ các nhà thầu.
Đối với những người mua nhà, các cuộc biểu tình đã nổ ra trong những ngày gần đây ở một số thành phố, và bất ổn xã hội là một trong những mối đe dọa đối với nhà nước. James Shi và Simon Lee của công ty phân tích dữ liệu Hồng Kông Reorg cho biết ưu tiên của Bắc Kinh là giữ cho Evergrande hoạt động – ngay cả khi nó ở dạng xác ướp – để hoàn tất khoảng 1,4 triệu căn hộ vẫn còn đang xây cất mà tập đoàn đã bán trước cho công chúng.
“Đây là ưu tiên hàng đầu của nhà nước,” hai ông nói. “Không ai muốn hàng ngàn người tức giận đòi lại tiền của họ”.
Đối với các nhà đầu tư ở đại lục, họ đã tham gia biểu tình với người mua nhà trước Trụ sở chính của Evergrande ở Thâm Quyến, kêu đòi hoàn trả các khoản vay đối với các sản phẩm tài chính quá hạn.
Còn số phận các nhà đầu tư nước ngoài sẽ ra sao?
Chủ tịch Thomas Thornton của quỹ đầu tư Hedge Fund Telemetry cảnh báo Evergrande đang ở trong “vòng xoáy tử thần”. Ông đăng trên Twitter: “Đây không chỉ là vấn đề của riêng Trung Quốc, vì lượng tiền đầu tư của người nước ngoài cũng gặp rủi ro rất lớn.”
Người đầu tư ở nước ngoài nắm giữ trái phiếu mệnh giá bằng đô la của Evergrande – tổng giá trị khoảng 20 tỷ USD – sẽ không có nhiều tiếng nói về những gì đã xảy ra và do đó sẽ phải đối mặt với một cuộc xóa sổ. Họ có thể sẽ theo đuổi các vụ kiện để hy vọng lấy lại phần nào tiền đầu tư của họ qua hệ thống các tòa án quốc tế.
Còn nữa, sự sụp đổ của Evergrande không chỉ mang ảnh hưởng xấu đến ngành xây dựng và giá trị địa ốc của Trung Quốc, nó còn lây lan đến các thị trường khác trong và ngoài đại lục.
Theo báo cáo của AF, ngành xây dựng Trung Quốc tiêu thụ khoảng một nửa lượng thép được sử dụng trong nước. Nếu Evergrande sụp đổ, việc cắt giảm xây dựng sẽ làm giảm đáng kể nhu cầu thép và giá thị trường của quặng sắt. Nó sẽ giảm giá quặng sắt, ảnh hưởng đến hàng tỷ đô la xuất khẩu của Úc và Brazil.
Đồng thời, nó sẽ đe dọa đến việc làm của 6 triệu nhân công trong ngành luyện thép và quặng sắt ở đại lục.
Và có thể ảnh hưởng đến quyền lực của Tập Cận Bình.
Tập đoàn “mãi mãi vĩ đại” Evergrande giữa bối cảnh Trung Quốc bị bao vây thương mại, công nghệ và quân sự bởi Hoa Kỳ và đồng minh, có thể đẩy các lãnh đạo đảng đến bờ vực – không còn mãi mãi vĩ đại nữa./.
Người Đà Lạt Xưa
#Evergrande