Phạm Nhật Bình – Việt Tân
Ngày 16 tháng Chín, 2021 trước diễn đàn Quốc Hội, Bộ Trưởng Bộ Tài Chánh Hồ Đức Phớc đã lên tiếng báo động một sự thật đáng ngạc nhiên: Ngân sách trung ương đang rất khó khăn, gần như không còn đồng nào.” Để có tiền chi tiêu từ đây cho đến cuối năm, chính phủ phải chờ được Quốc Hội đồng ý cho sử dụng số tiền tiết kiệm khoảng 14.620 tỷ đồng. Ngày hôm sau, cũng chính ông Hồ Đức Phớc có lẽ sợ bị quy tội làm lộ bí mật nhà nước nên vội vàng đính chánh: “Có thể cách nói của tôi bị hiểu sai ý, cũng có thể do tôi nói tiếng Nghệ An nên nghe không rõ.” Một bộ trưởng chính phủ mà đem tiếng nói của địa phương mình ra để tráo trở và bào chữa cho mình như thế chỉ có thể nói là bất xứng.
Sự kiện ngân sách Việt Nam cạn tiền khi chỉ bị Covid-19 tấn công trong ba tháng của đợt dịch thứ tư quả là điều bất ngờ. Nhiều nước có thu nhập trung bình thấp tuy đã khốn đốn với nạn dịch kể từ tháng Ba, 2020 nhưng họ vẫn gắng gượng đối phó trong khả năng của mình. Trong khi ấy, Việt Nam được coi là quốc gia “thành công ngoạn mục” trong chính sách chống dịch từ tháng Ba, 2020 đến cuối tháng Ba, 2021 lại báo động là hết tiền. Sự kiện này đã khiến cho dư luận quan tâm với nhiều nghi vấn về “độ khỏe” của nền kinh tế Việt Nam sau hơn 30 năm đổi mới.
Nói cách khác, sự kiện bộ trưởng Bộ Tài Chánh công khai cho biết ngân sách đang khó khăn và hết tiền cho thấy một bộ mặt không tốt đẹp: Những con số báo cáo thu ngân sách gia tăng, GDP tăng trưởng trên 2% trong thời gian qua của Tổng Cục Thống Kê đưa ra đều là giả dối cả. Không phải chỉ mới đây mà nó đã bắt nguồn giả dối từ thời Nguyễn Xuân Phúc còn ngồi trên ghế thủ tướng.
Qua chuyện này ta có thể đặt ra 3 nghi vấn:
1/ Số tiền thực tế mà CSVN nói là chi ra cứu trợ dân nghèo trong đại dịch bao gồm trong 2 đợt: 64.000 tỷ đồng của năm 2020 và 26.000 tỷ đồng của năm 2021. Hai con số này tổng cộng là 100.000 tỷ đồng tương đương 4,3 tỷ Mỹ Kim. So sánh số tiền này thì không thấm gì với Thái Lan đã chi ra 8 tỷ USD, Singapore chi 5 tỷ, Campuchia chi 4 tỷ. Vậy thì CSVN đã cứu trợ và chi ra những gì đến nỗi ngân sách nhà nước thâm hụt, không còn tiền để chi tiêu tiếp cho mấy tháng cuối năm. Phải chăng chính phủ của ông Phạm Minh Chính ngoài việc chi tiền chống dịch còn phải lo chu cấp ngân sách cho những công tác mờ ám khác?
2/ Việt Nam chẳng những không tốn tiền mua vaccine mà đa số vaccine được Hoa Kỳ, Nhật Bản cho không. Một số ít khác được các quốc gia cho hay nhượng lại, chỉ phải mua 5 triệu liều Sinopharm nhưng do công ty Vạn Thịnh Phát tài trợ thành phố HCM. Trong khi đó nhà nước Việt Nam thông qua kêu gọi đóng góp vào Quỹ vac-xin phòng chống Covid-19 đã thu được số tiền lên đến 8.900 tỷ đồng. Món tiền lớn ấy là của các doanh nghiệp và nhân dân mọi tầng lớp chung tay góp vào đề mua vaccine nhưng chưa sử dụng đến và đang gởi ngân hàng kiếm lời, vì được cho là tiền nhàn rỗi. Nhưng mới đây do hình thức “ngoại giao vaccine” thất bại, tình trạng thiếu vaccine vẫn diễn ra nghiêm trọng nên sau một thời gian dài im lặng, CSVN đã chấp thuận cho chi ra 2.650 tỷ đồng để đặt mua 20 triệu liều vaccine Pfizer. Vậy chính phủ đâu có tốn quá nhiều tiền cho đại dịch, cho dù phải mua thiết bị, máy móc y tế cũng không đến nỗi làm cho ngân sách hết tiền.
3/ Phải chăng vì Việt Nam đã huy động cả hệ thống chính trị vào diệt dịch như tham gia vào một cuộc chiến “không thắng không về” nên phải tung ra hàng đống tiền để nuôi cán bộ, công an, quân đội khiến Bộ Tài Chánh lên tiếng báo động.
Rốt cuộc lại, nếu nhìn ở một khía cạnh khác, lời báo động hết tiền chỉ là một chiêu trò sẵn sàng moi tiền trong dân hay để dễ dàng vay thêm nợ bù vào ngân sách thâm hụt kinh niên do tiêu xài hoang phí.
Phạm Nhật Bình