Quy định phòng chống dịch dường như chỉ để phạt dân
Chính sách phòng chống dịch COVID-19 ở Việt Nam, từ việc rào chốt nhốt chặt đến kiên quyết truy tố phạt tù những ai vi phạm, có thể được xếp vào loại hà khắc nhất thế giới.
Lý do được viện dẫn nhiều nhất cho việc áp dụng các quy định cực đoan là “dân trí thấp”, rằng người Việt Nam không có tinh thần tự giác như ở các quốc gia phát triển, nên cần phải mạnh tay đưa vào khuôn khổ.
Dân trí của người Việt Nam thấp hay cao là đề tài cần được đào sâu nghiên cứu. Tuy nhiên, đặt bên cạnh những biểu hiện ngồn ngộn của “quan trí”, khó có lý do để tin rằng phần đông người dân lại có tư chất thấp hơn các quan chức chính quyền, nhất là khi so sánh với những lãnh đạo đứng đầu đất nước.
Thủ tướng: gặp người lạ, kể cả trẻ em, vẫn bắt tay vỗ vai
Thủ tướng Phạm Minh Chính là một trong những quan chức thường xuyên yêu cầu “các địa phương phải thực hiện nghiêm quy định 5K”, liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, động viên, tuyên truyền cho người dân thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch.” [1]
Ông cũng là một trong những quan chức hay bỏ qua các quy định sơ cấp nhất về phòng chống dịch.
Trong chuyến tham quan tại Thái Nguyên vào ngày 3/9 vừa qua của thủ tướng, có thể thấy hầu hết các quy định phòng chống dịch đều bị phớt lờ.
Tại tất cả các cuộc gặp gỡ, từ nhân viên nhà máy, học sinh cấp 2 cho đến các trẻ em mầm non, thủ tướng không những không giữ khoảng cách mà còn chủ động có những cử chỉ va chạm, tiếp xúc trực tiếp với người lạ. [2]
Ông hồn nhiên vỗ vai nhân viên nhà máy, khoác vai các học sinh, nắm tay thân mật những đứa trẻ.
Bản thân ông thủ tướng đã được tiêm vaccine phòng covid (dù người dân không ai được biết cụ thể khi nào và loại gì). Nhưng rất nhiều người bị ông tiếp xúc, thuộc nhóm đối tượng dưới 18 tuổi, chắc chắn chưa được tiêm vaccine. Cho đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Thái Nguyên có tỷ lệ tiêm vaccine chỉ dưới 10%. [3]
Cũng trong chuyến tham quan trên, tại buổi họp trong một phòng học của trường nội trú cấp 2, Thủ tướng Phạm Minh Chính là người duy nhất gỡ khẩu trang khi phát biểu.
Đó không phải là lần duy nhất các quy định phòng chống dịch bị người đứng đầu chính phủ bỏ qua. Trong những chuyến thị sát làm việc tại địa phương của ông, những người tham gia đứng túm tụm sát rạt nhau, [4] còn ông thủ tướng lúc thì vô tư nắm tay đứa trẻ gặp ngoài đường, [5] khi lại hồn nhiên vỗ vai nhân viên y tế trong lúc mình đeo khẩu trang ngược. [6]
Ý thức bản thân thì như vậy, nhưng Thủ tướng Phạm Minh Chính vẫn không ngừng ra các mệnh lệnh yêu cầu “xử lý nghiêm theo pháp luật các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh.” [7]
Tổng bí thư: Khẩu trang thích thì đeo, không thích thì gỡ
Trong thời kỳ dịch bệnh, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không xuất hiện nhiều trước công chúng như các lãnh đạo khác, nhưng những lần ông lộ diện người dân đều thấy được các ngoại lệ.
Lần gần nhất, vào ngày 2/9 vừa qua, trong chuyến tham quan Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, các hình ảnh cho thấy tổng bí thư đã không tuân thủ các quy định phòng chống dịch. [8]
Ông đeo khẩu trang lúc tham quan bên ngoài, nhưng khi ở trong căn phòng tưởng niệm lại tháo khẩu trang ngồi xuống ghế trò chuyện với các cán bộ đi cùng. [9]
Những bức ảnh ông tổng bí thư không đeo khẩu trang đã bị xóa khỏi các trang tin tức chính. Riêng đoạn video hiện vẫn còn lưu giữ. [10]
Đó không phải lần đầu tiên người đứng đầu Đảng Cộng sản phớt lờ các quy định phòng chống dịch.
Vào đầu tháng 2/2021, tại một hoạt động chúc Tết, trong suốt hành trình từ lúc gặp gỡ các quan chức cho đến các đại diện người dân, ông Trọng đều không đeo khẩu trang. [11]
Đáng chú ý là trong sự kiện đó, hầu hết các quan chức đi cùng ông, bao gồm Vương Đình Huệ (vào thời điểm trên vẫn còn giữ chức bí thư Thành ủy Hà Nội) và Chu Ngọc Anh (chủ tịch thành phố Hà Nội) cũng không chấp hành quy định đeo khẩu trang và giữ khoảng cách nơi công cộng.
Một tuần sau đó, trong chương trình trồng cây tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, ông Trọng cũng là một trong số ít người không đeo khẩu trang, kể cả khi va chạm tiếp xúc gần với rất nhiều người xung quanh. [12]
Trong khoảng thời gian trên, đầu tháng 2/2021, trên khắp cả nước, từ Hà Nội, [13] Huế, [14] Đà Nẵng đến Đà Lạt hay Vũng Tàu, [15] [16] [17] rất nhiều người dân đã bị xử phạt vì hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng.
Quy định phòng chống dịch: Quan thì miễn nhiễm?
Thủ tướng và tổng bí thư không phải là những quan chức cấp cao duy nhất xem thường các quy định phòng chống dịch.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc không ít lần đặt mình làm ngoại lệ trong các hoạt động thu hút đông người.
Ông không đeo khẩu trang, tiếp xúc va chạm trực tiếp với nhiều người, kể cả khi đó là trẻ em hay người lớn tuổi.
Trong một bức ảnh chụp khi đi thăm và tặng quà gia đình chính sách trên địa bàn Hà Nội vào ngày 29/4/2021, ông Phúc không đeo khẩu trang mà ngồi cạnh bắt tay, vỗ vai một cụ bà. [18] Bà cụ và các cán bộ đi cùng, bao gồm Chủ tịch thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh, cũng không đeo khẩu trang.
Trước đó, vào ngày 21/4/2021, nhân dịp giỗ tổ Hùng Vương, rất đông cán bộ và người dân đã tụ tập xung quanh khi ông Phúc đến xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. [19] Trong hàng trăm người chen chúc khi đó, số người đeo khẩu trang chỉ đếm trên đầu ngón tay (trong đó không có ông chủ tịch nước).
Ở cùng thời điểm, vào ngày 26/4/2021, trang thông tin của Chính phủ đăng bài viết với tiêu đề “Lễ hội đông người nếu không đeo khẩu trang cần quyết liệt xử phạt”. [20] Chính quyền các địa phương ở Hà Nội lẫn TP. Hồ Chí Minh khi đó đều “thẳng tay” xử phạt những người không đeo khẩu trang. [21] [22]
Nhìn vào tấm gương ý thức của các lãnh đạo cao nhất nước, không có gì ngạc nhiên khi cán bộ chính quyền các cấp đều xem thường những quy định phòng chống dịch mà chính họ áp đặt xử phạt người dân.
Tại TP. Hồ Chí Minh thời gian qua, khi các hoạt động giao hàng bị hạn chế nghiêm ngặt, các shipper phải xét nghiệm thường xuyên và tuân thủ yêu cầu giao hàng không tiếp xúc, thì những hoạt động có tính chất tuyên truyền của chính quyền lại không cần tuân theo những quy định chống dịch tương tự.
Bất kể đó là khi bộ đội “đi chợ hộ” hay cán bộ địa phương giao hàng, [23] [24] khi Thành đoàn tặng quà cho sinh viên ở ký túc xá hay lúc Thành đoàn nhận quà tặng từ cơ quan báo chí, các quy tắc nghiêm ngặt áp đặt cho thường dân đều trở nên vô nghĩa. [25] [26]
Trong khi đó, các phương tiện truyền thông của nhà nước ngày ngày vẫn tuyên truyền về tình trạng “thiếu ý thức” của người dân, cho đó là nguồn cơn làm lây lan dịch bệnh. [27]