Phạm Nhật Bình – Việt Tân
Từ hai quốc gia thù địch trong chiến tranh, bang giao giữa Việt Nam – Hoa Kỳ được nối lại vào ngày 11 tháng Bảy, 1995, ngày Hoa Kỳ chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Tuy nhiên mối quan hệ giữa đôi bên cho dù được gọi là bình thường, nhưng trong nhiều năm liền chưa bao giờ đạt được như mong muốn. Sự kiện Trung Quốc “trỗi dậy trong hòa bình,” khống chế Biển Đông đã phần nào thúc đẩy Việt Nam đôi khi tỏ ra xích lại gần Hoa Kỳ nhưng chưa đủ là một bang giao nồng ấm.
Đối với Việt Nam ngày nay, Hoa Kỳ chỉ là một trong 13 quốc gia có bang giao trên nền tảng “đối tác toàn diện” mà chưa vượt lên mức độ “đối tác chiến lược” như Nhật Bản, Đức, Pháp, Singapore, Hàn Quốc… Trong khi ấy Việt Nam đã là đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, Nga và Ấn Độ.
Nếu xét trong ý nghĩa toàn diện, trong thời gian đại dịch Hoa Kỳ đã thực hành nghĩa vụ là một đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam bằng cách cung cấp vô điều kiện 6 triệu liều vaccine chống dịch, so với Trung Quốc, viện trợ 700.000 và bán lấy tiền 5 triệu liều VeroCell. Đó là sự không tương xứng làm nhiều người ngạc nhiên.
Vì thế trong năm 2021, liên tiếp trong gần 2 tháng qua đã có 3 nhân vật cao cấp của chính quyền Mỹ đi thăm Đông Nam Á. Đầu tiên là Thứ Trưởng Ngoại Giao Wendy Sherman, kế đến Bộ Trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin và cuối cùng là Phó Tổng Thống Kamala Harris. Cả ba nhân vật này đều đưa ra những thông điệp rõ ràng mà các quốc gia ASEAN muốn nghe:
– Không buộc ASEAN phải chọn phe nào, miễn là cùng đứng chung chiến tuyến chống lại sự bắt nạt của Bắc Kinh.
– Hoa Kỳ đã trở lại và tích cực xoay trục về Á Châu, quyết tâm thực hiên chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương bao vây Trung Quốc.
– Hợp tác với ASEAN để xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu tránh bị Trung Quốc khống chế.
Riêng đối với Việt Nam, khi Bộ Trưởng Quốc Phòng Austin và Phó Tổng Thống Mỹ Harris đến thăm, cả hai đều kêu gọi CSVN nâng cấp quan hệ đối tác từ toàn diện lên thành chiến lược. Đây cũng không phải là lần đầu tiên mà ngay từ năm 2010 Bộ Trưởng Ngoại Giao Hillary Clinton đã từng đề nghị với lãnh đạo Việt Nam khi đến Hà Nội tham dự Diễn Đàn Khu Vực ASEAN. Việt Nam cũng đã bỏ lỡ cơ hội vào cuối năm 2019 khi Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng vì lý do bệnh hoạn đã không đáp ứng được lời mời của chính quyền Cộng Hòa đến thăm Hoa Kỳ.
Thế nhưng vì một lý do không thầm kín, giờ đây khi Hoa Kỳ lại chìa tay ra, CSVN nhất quyết từ chối bằng, chỉ “mong muốn” giữ quan hệ đối tác toàn diện và làm sao giữ “mối quan hệ này ngày một thực chất hơn cũng như ổn định hơn và hiệu quả lâu dài.” Nhật báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng CSVN cũng đã có hai bài bình luận về cuộc gặp giữa bà Phó Tổng Thống Harris với Chủ Tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ Tướng Phạm Minh Chính.
Nhìn chung giọng điệu của báo Nhân Dân cũng chỉ tô đậm những hình ảnh đón tiếp long trọng đối với các nhà lãnh đạo Mỹ, đồng thời nhấn mạnh lời của Nguyễn Xuân Phúc luôn đánh giá cao và coi trọng Hoa Kỳ là một đối tác quan trọng hàng đầu. Nhưng bài báo không hề nhắc đến đề nghị của phía Hoa Kỳ về việc nâng quan hệ lên thành đối tác chiến lược. Trong khi ấy cứ tô đậm những chuyện bâng quơ ngoài lề, nào là Việt Nam cương quyết giữ vững lập trường “bốn không,” chỉ muốn ổn định khu vực đang tranh chấp, tôn trọng luật pháp quốc tế, Việt Nam không theo nước nào để chống lại nước thứ ba.
Nói cách khác báo Nhân Dân đã lặp đi lặp lại bài luận văn cũ rích đã viết cách nay 20 năm không có gì thay đổi, ngoài thay đổi ngày tháng. Tại sao CSVN lại né tránh chuyện nâng quan hệ lên đối tác chiến lược phù hợp với lợi ích của cả đôi bên trong hành động chung ngăn chặn sự bắt nạt của Bắc Kinh?
Điểm nghẽn ở đây chính là Trung Quốc, một yếu tố luôn chi phối thái độ của Việt Nam buộc nước này phải chơi trò chơi đu dây của người làm xiếc. Cũng qua hai bài bình luận của báo Nhân Dân, người ta thấy rõ là CSVN sợ Trung Quốc đến mức nào. Điều này có thể chứng minh qua 2 sự kiện sau đây.
1) Trước khi bà Harris đến thăm Việt Nam, Thủ Tướng Phạm Minh Chính đã vội vàng mời Đại Sứ Trung Quốc tại Hà Nội đến gặp mặt, bên ngoài gọi là chia sẻ ý kiến nhưng thực ra là để trấn an Trung Quốc về vụ Hà Nội sẽ tiếp đón Phó Tổng Thống Hoa Kỳ.
2) Không để Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng gặp Harris dù với tính cách xã giao mà chỉ để Nguyễn Xuân Phúc và Phạm Minh Chính tiếp đón. Trong khi ấy từ trước đến giờ, cán bộ Trung Quốc từ cấp bộ trưởng trở lên sang thăm Việt Nam đều được gặp và nói chuyện với tứ trụ. Một điều vô lý nữa là Trọng không dám gặp nhưng lại để Nguyễn Xuân Phúc chuyển lời mời Tổng Thống Biden đến thăm Việt Nam. Những né tránh này của Hà Nội cho người ta thấy đảng CSVN rất sợ Trung Quốc dù muốn xích lại với Hoa Kỳ. Hiện nay có 3 vấn đề làm cho CSVN không dám rời xa lập trường của Bắc Kinh:
– Nền kinh tế Việt Nam nằm trong tay Trung Quốc đến 90%. Con số cụ thể từ thống kê của Tổng Cục Hải Quan năm 2020 cho thấy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt trên 133 tỷ USD trong đó Việt Nam xuất khẩu 48,9 tỷ và nhập từ Trung Quốc 84,8 tỷ USD hàng hóa, nhập siêu trên 35 tỷ USD. Như vậy nếu Trung Quốc siết chặt xuất nhập khẩu đối với Việt Nam, chỉ trong vòng từ 1 đến 2 tháng, kinh tế Việt Nam sẽ nhanh chóng suy sụp và xã hội Việt Nam sẽ loạn.
– Về phương diện chính trị, từ lâu Việt Nam bị Trung Quốc chi phối và kềm tỏa nội bộ nặng nề do hàng ngũ cán bộ CSVN làm gián điệp tay sai cho Trung Quốc. Trong trường hợp thể chế chính trị Việt Nam rẽ sang con đường thân Mỹ, Trung Quốc sẽ giật dây cho đám âm binh này làm loạn thì CSVN khó chống đỡ.
– Không chỉ khống chế Biển Đông, biến thủy lộ quốc tế thành ao nhà, Trung Quốc còn nắm cả hai quốc gia Lào và Campuchia. Điều này tạo nên sức ép tứ phía, cả Đông lẫn Tây, biến Việt Nam thành miếng mồi ngon cho Trung Quốc thao túng khi nội loạn bùng lên.
Nhà bình luận Alexander L. Vuving trong bài viết: “Việt Nam sẽ là đối tác chiến lược tiếp theo của Hoa Kỳ?” đã nhận định: “Mối quan hệ giữa Washington và Hà Nội là một trong những mối quan hệ mong manh nhất và tinh tế nhất trên thế giới. Những ký ức lịch sử, sự khác biệt về ý thức hệ và những mối quan tâm trong nước thường làm cho mọi thứ không thể diễn tả được trong mối quan hệ đang phát triển này. Nhưng yếu tố lớn nhất khiến mối quan hệ Việt – Mỹ trở nên mong manh và khó hiểu, đó là Trung Quốc.”
Dù không muốn tiếp tục đu dây giữa Trung Quốc và Mỹ, Việt Nam cũng không thể chìa tay ra bắt tay Mỹ để nâng cấp lên thành quan hệ đối tác chiến lược ngay thời gian này. Vì ngày nào mà Hoa Kỳ trở thành đối tác chiến lược của Hà Nội thì ngày đó Việt Nam không tránh khỏi những áp lực rất lớn từ Bắc Kinh với những hậu quả khó lường.
Phạm Nhật Bình