Vì sao các phòng khám, bệnh viện từ chối cấp cứu người bệnh?

Gia đình làm tang lễ cho bệnh nhân N.D (Ảnh: Xuân An)
- Quảng Cáo -

Trong thời gian từ ngày 14-18/8/2021 vừa qua, đã có 6 phòng khám, bệnh viện tại Bình Dương từ chối cấp cứu hai bệnh nhân, dẫn tới việc hai bệnh nhân qua đời sau đó.

Cụ thể là, ngày 13/8, nạn nhân N.D. 57 tuổi, quê Trà Vinh, trọ tại Thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương bị nôn ói và được người nhà đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên, năm cơ sở y tế tại Dĩ An và Thuận An (bao gồm Trung tâm Y tế TP Dĩ An, phòng khám đã khoa Ngọc Hồng, Bệnh viện Quân đoàn 4, Bệnh viện Đa khoa An Phú và phòng khám Nam Anh) đều từ chối cấp cứu với lý do đang điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Năm cơ sở này nói họ thiếu bác sĩ vì phải đi chống dịch và cả trang thiết bị cũng thiếu nên từ chối cấp cứu. Hậu quả là, con gái của nạn nhân phải đưa người cha về lại phòng trọ vào một giờ sáng ngày 14/8 và nạn nhân đã qua đời.

Vụ việc thứ hai, người phụ nữ tên Nguyễn Thị Kiều (sinh năm 1971, quê Cà Mau), làm thời vụ ở một xưởng gốm, tạm trú tại phường Thuận Giao, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. Người nhà nạn nhân cho hay chị Kiều bị ho và sốt mấy ngày nhưng nghĩ là cảm thường nên không khai báo y tế. Sáng 18/8, chị Kiều thấy khó thở nên nhờ em trai chở xe máy đi cấp cứu tại Phòng Khám Đa khoa Phúc An Khang (phường Thuận Giao, thành phố Thuận An) thì bị bảo vệ từ chối và hướng dẫn đến Bệnh viện Columbia. Chị Kiều sau đó bất tỉnh trên đường đi đến Bệnh viện Columbia và được hai người mặc đồ bảo hộ cấp cứu nhưng không qua khỏi.

- Quảng Cáo -

Trước hết, chúng ta cần khẳng định, việc không cấp cứu người bệnh trong lúc sinh tử của cả 6 phòng khám, bệnh viện nêu trên là hoàn toàn sai, vô cảm, vô trách nhiệm và đi ngược lại với quy tắc và y đức của ngành y tế. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, việc cấp cứu người bệnh đối với các phòng khám và bệnh viện là không được phép chối từ. Tuy nhiên, việc cùng một lúc cả 5-6 phòng khám từ chối cấp cứu người bệnh, chúng ta cần xem xét, ngoài việc thiếu trách nhiệm, đi ngược lại y đức còn có nguyên nhân nào khiến cho các phòng khám và bệnh viện đã làm như vậy?

Trong giai đoạn dịch bệnh đang bùng phát và hoành hành dữ dội hiện nay, các bệnh nhân cấp cứu phần lớn liên quan tới việc nhiễm covid-19. Bệnh nhân được cấp cứu có thể qua khỏi hoặc không qua khỏi, nhưng giai đoạn hiện nay đều phải xét nghiệm xem có mắc covid hay không. Trường hợp bệnh nhân cấp cứu mắc covid, đó là một thảm họa của phòng khám hoặc bệnh viện đã nhận cấp cứu những bệnh nhân này. Ngay lập tức, tất cả các nhân viên và y, bác sỹ của phòng khám và bệnh viện đều phải xét nghiệm. Nếu trong quá trình cấp cứu, các bác sỹ hoặc y tá của các phòng khám, bệnh viện chẳng may bị phơi nhiễm, hoặc tiếp xúc với người bệnh đều sẽ được đưa đi cách ly, phòng khám và bệnh viện sẽ bị đóng cửa. Không những vậy, các nhân viên, y bác sỹ của phòng khám, bệnh viện về gia đình sinh hoạt thì gia đình những người này cũng trở thành những F1, F2 và bị đưa đi cách ly. Đây là quy trình đã thực hiện ở rất nhiều bệnh viện và phòng khám có người mắc covid mà bất cứ y, bác sỹ nào cũng đều biết.

Các phòng khám và bệnh viện không ngại cấp cứu, thậm chí họ cũng không ngại phơi nhiễm, nhưng việc đưa F0 vào ngay các bệnh viện, việc đưa các F1, F2 là họ và người thân họ đi cách ly tập trung, rồi việc đóng cửa phòng khám, bệnh viện thì họ thực sự rất sợ. Đó là thảm họa cho họ và chính các phòng khám, bệnh viện tiếp nhận người bệnh cần cấp cứu đó. Chính vì vậy mà việc họ từ chối cấp cứu người bệnh chính là việc né tránh và ngăn chặn thảm họa có thể xảy ra cho phòng khám hoặc bệnh viện của họ. Cách chống dịch và quy trình chống dịch hiện nay chính là nỗi lo sợ của các cơ sở y tế.

Nhìn toàn cảnh xã hội Việt Nam hiện nay thì cách chống dịch và quy trình chống dịch không chỉ là nỗi lo sợ của các cơ sở y tế, mà đó là nỗi lo sợ chung của toàn xã hội, của toàn dân. Mới đây nhất, một phụ nữ mang thai đã chết ở khu vực cách ly khiến người dân trong khu vực cách ly đã nổi dậy. Rồi hàng loạt các thảm cảnh của người dân được phản ánh trên mạng xã hội. Tất cả đều không làm mủi lòng các quan chức chống dịch. Cứ như thể họ đang xông vào một cuộc chiến một mất một còn với covid-19, mà covid thì nhiều nhà khoa học đã nói rằng, phải sống chung với nó dài dài…/.

Hà Nội, ngày 23/8/2021

N.V.B

- Quảng Cáo -