J.B Nguyễn Hữu Vinh
Một vụ án tham nhũng không lớn, nhưng đã gây sự chú ý của dư luận nhiều tháng ngày qua tại CDC Hà Nội, cơ quan phòng chống bệnh tật Hà Nội.
Tại vụ án này, Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc CDC Hà Nội đã cùng một số người nâng khống thiết bị y tế xét nghiệm covid-19 lên hàng tỷ đồng để bỏ túi. Số tiền được Tòa cho là “thất thoát” là khoảng hơn 5,4 tỷ đồng.
Dù là vụ án nhỏ, nhưng nó để lại nhiều dư âm trong suốt quá trình điều tra, xét xử cũng như sự quan tâm của xã hội xảy ra trong quá trình bắt giữ, xét xử ở hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm.
Vụ tham nhũng này được tổ chức bài bản, nhanh chóng và chặt chẽ ngay khi cả đất nước đang đối diện với thảm họa dịch bệnh bởi Covid-19 và được tiến hành bởi người đứng đầu cơ quan chống dịch bệnh của Tp Hà Nội chỉ đạo cho hàng loạt cấp dưới cùng tiến hành vụ tham nhũng này.
Đây cũng là một trong các vụ án mở đầu cho một lĩnh vực mà từ trước đến nay nhiều người ít khi chú ý đến: Mua sắm thiết bị y tế. Tại CDC Hà Nội, đã có 18 gói thầu khác đang bị điều tra.
Tại vụ án này, số tiền ngân sách bị chiếm đoạt, theo tính toán là hơn 5,4 tỷ đồng. Số tiền này, nếu đem so sánh với những căn nhà của những hộ dân Việt Nam cần thiết để được thoát nghèo và có nhà ở vững vàng sẽ tương đương với gần 70 căn nhà. Nghĩa là tương đương với số tiền để hàng trăm người dân vô gia cư có chỗ ở cố định.
Sở dĩ gọi là vụ án nhỏ và xã hội vẫn coi là vụ án nhỏ, dù số tiền bị tham nhũng và chiếm đoạt trong vụ án không nhỏ. Nó là hàng chục, hàng trăm ngôi nhà, là hàng ngàn phòng học của trẻ em, là hàng vạn, hàng triệu bữa ăn của những em bé vùng dân tộc ít người phải nhịn từng bữa để đến trường trong giá lạnh mùa đông. Nó là bằng hàng vạn số tiền mà cụ ông, cụ bà được báo đảng đưa lên làm mẫu mực trong việc góp từ ổ trứng gà, từng đồng cắc tiền tiết kiệm, hay những trẻ em phải đập lợn đất để quyên góp vào cái gọi là “Quỹ Vaccine” cho chính phủ gửi tiết kiệm hiện nay.
Đơn giản nhất, nó được gọi là vụ tham nhũng nhỏ, tham nhũng vặt, chỉ vì quy mô, tần suất và hậu quả những vụ án tham nhũng bởi quan chức cộng sản ngày càng nhiều, ngày càng lớn, và ngày càng khủng khiếp với con số hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng và xảy ra như cơm bữa, trong mọi mặt của đời sống xã hội Việt Nam hiện nay.
Bởi so với những vụ án mà quan chức hùa nhau móc số tiền 7.000 tỷ đồng, hối lộ mỗi lần cả ba, bốn triệu đola như vụ AVG hoặc những vụ án gần đây thì đây là vụ án không lớn.
Thế nhưng, nó được quan tâm của cả xã hội, là ở chỗ vụ án xảy ra tại cơ quan phòng chống dịch bệnh, trong thời điểm khó khăn, căng thẳng nhất, hoảng sợ nhất của cả nước trước đại họa do đại dịch bởi virus Covid-19 gây ra.
Vụ án lại được chính người đứng đầu cơ quan phòng chống dịch bệnh với đầy đủ những học hàm, học vị là Giáo sư, là tiến sĩ… với đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và câu khẩu hiệu luôn treo trước mặt là “Lấy Y đức làm trọng”.
Và theo Chủ tịch Quốc hội CSVN Nguyễn Thị Kim Ngân, thì sở dĩ vụ này không thể cho qua, là bởi vì “Ăn quá dày, chỉ có hai tỷ mà nâng lên dến 7 tỷ”. Vì thế, chỉ có thể là tăng nặng.
Câu nói của Nguyễn Thị Kim Ngân đã được bàn tán rất nhiều và đã đưa ra một thông điệp khá rõ ràng rằng: Nếu vụ án này cũng như hàng vạn, hàng trăm ngàn vụ án khác trong xã hội cộng sản hiện nay chỉ ăn mỏng vừa phải thôi, hoặc không “ăn quá dày”, “ăn đều, chia sòng”, thì mọi chuyện đã trở nên bình thường đâu vào đó.
Để rồi quan chức vẫn cứ là quan chức mẫu mực, vẫn là những người dẫn đầu phong trào “Học tập và làm theo Hồ Chí Minh”, vẫn rao giảng đạo đức, thậm chí vẫn viết thành sách, thành giáo trình “Phòng chống diễn biến hòa bình” về tư tưởng đạo đức cán bộ đảng viên như Trương Minh Tuấn- Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông trước khi bị lộ trong vụ AVG.
Điều hài hước, góp phần tạo nên cơn bão dư luận trong vụ án này, là những điều xảy ra khi vụ án bị khởi tố và đưa ra xét xử.
Mặc dù như trên đã nói, Nguyễn Thị Kim Ngân đã khẳng định rằng sẽ xử nghiêm, sẽ tăng nặng vì “ăn quá dày”, thì vẫn có những điều không bình thường xảy ra.
Theo báo chí cho biết, trước khi xảy ra việc xét xử phúc thẩm, đã có hàng trăm cán bộ ngành y tế viết đơn xin giảm nhẹ tội cho Nguyễn Nhật Cảm, cựu Giám đốc CDC Hà Nội.
Trong đó có 424 y bác sỹ, cán bộ nhân viên các bệnh viện ở các tỉnh, cán bộ đã nghỉ hưu; 39 người, trong đó có nhiều phó giáo sư, tiến sỹ của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương; 54 y bác sỹ, cán bộ nhân viên Trung tâm y tế quận Nam Từ Liêm, Hà Nội…
Ngoài ra, 23 CDC các tỉnh, Hội Y học dự phòng Việt Nam cũng có đơn xin giảm nhẹ tội cho các bị cáo thuộc CDC Hà Nội.
Đó mới là điều lạ trong vụ án này nói riêng và hệ thống tư pháp CS Việt Nam nói chung.
Hẳn nhiên, ai cũng biết rằng khi có đơn xin giảm án cho bị cáo, sẽ có nhiều lý do được đưa ra.
Trong vụ án AVG, Phạm Nhật Vũ – em trai của Phạm Nhật Vượng, người được mệnh danh là giàu nhất Việt Nam hiện nay – cướp số tiền 7.000 tỷ đồng của ngân sách nhà nước, cũng đã được các Giáo hội Phật giáo quốc doanh Trung ương và các địa phương như Ban trị sự Giáo hội Việt Nam TP Hà Nội, các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Cao Bằng… làm đơn xin miễn giảm hình phạt với lý do Vũ đã chi cho các chùa nhiều tiền bạc.
Trong vụ Đô đốc Nguyễn Văn Hiến làm thất thoát hàng ngàn mét vuông đất và cả ngàn tỷ đồng của Quân chủng Hải Quân, thì đã được chính Quân chủng Hải Quân xin giảm án và ân xá, không đòi hỏi đền bù thiệt hại.
Nhưng hẳn nhiên, ai cũng phải hiểu rằng trong một đất nước nếu có một nhà nước pháp quyền, thì việc xin xỏ trước luật pháp dù của tập thể, dù của những người có danh vọng hay bất cứ ai thì đều vô nghĩa.
Bởi “Quân pháp bất vị thân”.
Thế nhưng, ở Việt Nam thì hẳn nhiên phải khác phần còn lại của thế giới. Trước khi vụ án được đưa ra xét xử ở phiên phúc thẩm, báo chí và Tòa đã cho biết rằng có hàng trăm người ký đơn xin giảm nhẹ hình phạt hoặc tha bổng cho quan tham.
Sở dĩ có như vậy, chỉ vì đơn giản là quan tòa trong nhà nước Pháp quyền XHCN không xét xử bằng luật, bằng chứng cứ mà xét xử bằng chỉ thị, bằng ý cấp trên… qua những vụ án bỏ túi.
Điều đó đã tạo thành “Lệ” trong việc xét xử tại Việt Nam, không chỉ có thời gian gần đây qua các vụ án nêu trên, mà đã có một quá trình từ xưa đến nay trong quá trình xét xử của ngành Tòa Án tại Việt Nam.
Sở dĩ cái “Lệ” này được hình thành và phát triển, chung quy lại cũng bởi chữ “Tiền” mà ra. Ở những người, những cơ quan, những tổ chức Giáo hội Phật giáo quốc doanh kia, chữ “Tiền” là nguyên nhân điều khiển những hành động của họ, bất chấp tội ác đã diễn ra như thế nào và gây hậu quả với ai ra sao.
Đặc biệt, như đã nói ở trên, trong vụ CDC, khi Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ tịch Quốc hội đã “quyết” phải xử, phải tăng nặng… thì hẳn nhiên ai cũng biết mọi sự xin xỏ hoặc trái ý lãnh đạo đều không có tác dụng. Bởi ở Việt Nam lời nói quan chức cộng sản còn hơn mọi bộ luật hay mọi quy định của Hiến pháp hay pháp luật. Xưa nay, đã có biết bao tiền án và tiền lệ, là chẳng cần Tòa, chỉ cần một quan chức cộng sản đưa ra ý kiến, thì hàng loạt thân phận người dân bị định đoạt. Huống chi, đây lại là một trong “Tứ trụ” triều đình, quyền sinh, quyền sát trong tay.
Điều đó, nói lên khá nhiều ý nghĩa.
Rằng, chính những người ký đơn kia, đã khẳng định với Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội CSVN rằng: Số tiền 5,4 tỷ đồng trong vụ án này, chẳng là gì so với những vụ việc, những sự phá hoại khác xảy ra nhan nhản hàng ngày trong hệ thống chính trị hiện tại.
Rằng, đã đến lúc, họ cho thấy những lời nói của quan chức không còn là sắt, là đá buộc phải thi hành như trước. Bởi ai cũng thấy những lời nói ngáo đá của quan chức xảy ra hàng ngày, hàng giờ.
Và rằng: Cái gọi là luật pháp, là pháp quyền XHCN tại Việt Nam, chỉ là một trò đùa, một công cụ được lèo lái và sử dụng bất chấp mọi sự thật, mọi thực tế và cái gọi là “Nhà nước pháp quyền XHCN” chỉ là một sự hài hước không hơn, không kém.
Ngày 28/6/2021