Với việc buộc phải giãn cách lần thứ 2 để chống dịch, Sài Gòn thực sự bị trọng thương.
Sài Gòn hoa lệ nhưng Sài Gòn cũng lam lũ. Hoa lệ nhất và lam lũ nhất. Sài Gòn cung cấp hàng hoá và dịch vụ nhiều nhất cho các tỉnh và Sài Gòn cũng là nơi tiêu thụ hàng hoá dịch vụ lớn nhất cho các tỉnh. Sài Gòn còn là nơi mà người nghèo cùng đường phải đến tìm cơ hội sinh nhai. Họ cũng là người Sài Gòn. Và người Sài Gòn bao dung hơn những nơi khác.
Tôi hoàn toàn không có ý phân biệt vùng miền. Sự bao dung của người Sài Gòn có truyền thống từ mấy trăm năm trước, từ trước khi Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đặt nơi đây một trạm thu thuế như đặt một viên gạch khai mở Sài Gòn. Kinh tế thị trường của Sài Gòn định hình ngay từ khi có viên gạch đầu tiên đó. Những cư dân đầu tiên đó cần có nhau, không cần có nhau thì không thể làm ăn được. Chính thị trường hun đúc cho người Sài Gòn đức tính khoan dung bao bọc tin cậy lẫn nhau. Ai đến định cư tại Sài Gòn đều được thụ hưởng đức tính đó. Bởi vậy mà Sài Gòn nhanh chóng trù phú. Rồi trải qua không biết bao nhiêu là biến cố, người Sài Gòn vẫn chòi đạp vượt qua cho đến ngày nay.
Phần lớn các doanh nhân Sài Gòn đều thiện lương khiêm tốn, chẳng ai kiêu ngạo đao to búa lớn một tấc tới trời, họ đang tiếp bước các thế hệ doanh nhân đi trước làm hồi sinh Sài Gòn hoa lệ. Những thành tựu mà họ tạo ra tiếp sức cho những người kinh doanh nhỏ và tạo cơ hội cho đồng bào mới nhập cư có sinh kế. Được thụ hưởng thành quả của kinh tế thị trường và tinh thần khoan dung của người Sài Gòn, giới trí thức nơi đây phần lớn khiêm nhường không cao đạo.
Ngày nay người Sài Gòn dung nạp hàng triệu đồng bào mình từ các tỉnh về sinh sống, từ phụ hồ đến làm tiếp viên trong các cơ sở dịch vụ giải trí (đáng buồn là những chị em làm nghề lương thiện đó bị đám trí thức và nhà báo cao đạo gọi một cách khinh miệt là “ca-ve”) cùng vô số những nghề nghiệp không tên khác. Những đồng bào này đến Sài Gòn lao động không những tự nuôi sống mình mà còn gửi tiền về quê cho gia đình đỡ khổ, chính tiền của họ gửi về đã góp phần “xây dựng nông thôn mới” nhiều hơn là tiền nhà nước đầu tư. Họ cũng là một phần không thể tách rời của người Sài Gòn.
Tất nhiên nơi nào thời nào cũng có những kẻ vô lại, bọn cướp giật lừa đảo và đạo đức giả. Nhưng đám này chiếm tỷ lệ không nhiều trong số đông người Sài Gòn hào hiệp. Sài Gòn vẫn còn nhiều người xin ăn do không còn sức lao động không nơi nương tựa và một số kẻ lợi dụng chăn dắt thủ lợi bất chính, nhưng phần lớn người nghèo Sài Gòn không ngửa tay xin, cả xin chính quyền và xin đồng bào họ. Người Sài Gòn bao bọc lẫn nhau chứ không chịu ơn ai hết. Người nghèo Sài Gòn chỉ cần có cơ hội làm ăn và không bị phân biệt đối xử.
Hai cuộc giãn cách xã hội toàn thành phố này là vô tiền và hy vọng cũng khoáng hậu. Bộ phận lam lũ nhất của người Sài Gòn đang bị trọng thương. Rất nhiều người chỉ vài ngày không đi làm đã lâm vào bế tắc, huống gì suốt cả tháng.
Nhưng người Sài Gòn không kêu than. Người giàu đang âm thầm chi viện cho người nghèo, người khá giả âm thầm giúp đỡ người khốn khó. Hãy nhìn tấm hình nhà báo Nhậm Doanh Doanh chia sẻ ở dưới để thấy người Sài Gòn là như thế đấy. Những bữa ăn được biếu tặng một cách kính trọng như thế này có ở rất nhiều nơi, sau đây là một số địa điểm :
* Số 1 Nguyễn Trung Trực, P. Bến Thành, Q.1
* Quỹ từ thiện Bông Sen: 17A Trần Đình Xu, P. Cầu Kho, Q.1
* Nhà thờ Mai Khôi : 40 Tú Sương, Q.3
* Cơm gà Bảo Anh : từ ngày 6/6/21 đến 15/6/21 lúc 16h đến 19h tại số 131 Trần Phú, P.4, Q.5
* 119 Bình Phúc, P.11, Q.6
* Số 96 Nguyễn Chí Thanh, phường 2, quận 10, TP.HCM
* Số 523 Nguyễn Tri Phương, P.8, Q.10 lúc 10h mỗi ngày
* Chùa Ấn Quang ( 243 Sư Vạn Hạnh, P.9 Q.10)
* Bếp vui vẻ 1: 13/114 Trần Văn Hoàng, P. 9, Q. Tân Bình, TPHCM
* Bếp vui vẻ 5: 86/69 Âu Cơ, P. 9, Q. Tân Bình, TPHCM
* Bếp vui vẻ 4: 76/26 Lê Văn Phan, P. Phú Thọ Hòa,Q. Tân Phú, TPHCM
* Số 84/92 Tân Sơn Nhì, P. Tân Sơn Nhì, Q. Tân Phú
* Số 125 Lương Ngọc Quyền, P.5, Q. Gò Vấp lúc 10h đến 12h mỗi ngày.
* Bò tơ năm sanh 09 : số 293/1 Quang Trung, P.10, Q. Gò Vấp
* Bếp vui vẻ 2: 184/3/6/B14 Nguyễn xí, P.26, Q. Bình Thạnh
* Chùa Bát Nhã ( 550Đ Phạm Văn Đồng, P.13, Q. Bình Thạnh ) : Từ 11h đến 13h mỗi ngày.
* Đầu hẻm chùa Bảo Vân (phường 3, Q. Bình Thạnh) từ 8g30.
* Quán Nụ Cười 6 : Số 11 Nguyễn Huy Lượng, P.14, Q. Bình Thạnh.
* Bếp vui vẻ 7: C4/40 Nguyễn Thị Sưa, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình
… và nhiều nơi khác.
Viết cái tút này tôi không có ý định kêu gọi, vì người Sài Gòn có thể tự lo cho nhau mà không cần ai kêu gọi. Cũng không có ý chê trách gì ai. Chỉ mong truyền thông đưa tin có trách nhiệm về cuộc chống dịch mà cả nước đang phải gồng mình chịu đựng. Giãn cách xã hội là cần thiết, nhưng thông tin về giãn cách xã hội mà để cho người các tỉnh phải sợ hãi khi tiếp xúc với bất cứ người Sài Gòn nào là sự vô trách nhiệm. /.
HOÀNG HẢI VÂN