Hội nghị thượng đỉnh G-7 tại Cornwall, Anh quốc từ ngày 11 đến 13 tháng Sáu vừa qua, ngoài các vấn đề quan trọng cấp bách mà thế giới đang đối diện, kể cả đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, Trung Quốc và phần nào đó Nga, là chủ đề chính của hội nghị.
Sự chuẩn bị cho G-7 đã có từ những tháng trước. Đầu tháng Năm 2021, các Bộ trưởng Ngoại giao của bảy nước đã gặp mặt nhau, mà theo Ngoại Trưởng Mỹ Antony J. Blinken, để “bảo vệ các giá trị dân chủ và các xã hội rộng mở” (defending democratic values and open societies).
G-7 kỳ này có những bước tiến đáng kể trên bình diện củng cố quan hệ đồng minh giữa các nền dân chủ, và xác nhận những vấn đề và thử thách thế giới đang đối diện để tìm phương án chung.
Bảy quốc gia Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Mỹ, Canada, cùng với đại diện của Liên hiệp Âu châu, 4 quốc gia quan sát Úc, Ấn Độ, Nam Hàn, Nam Phi, đã gặp mặt lần đầu tiên kể từ đại dịch Covid-19 hoành hành từ đầu năm 2020.
Một trong những mục tiêu chính của cuộc họp lần này là để thuyết phục thế giới rằng dân chủ, và liên minh dân chủ, đã đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trên bình diện chính trị quốc tế. Thủ tướng Anh, chủ nhà của hội nghị, nhận định rằng cuộc họp mặt là cơ hội để chứng minh “lợi ích của dân chủ”.
Thủ tướng Úc Scott Morrison đã gặp mặt riêng Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Boris Johnson. Hai vấn đề mang tính chiến lược và an ninh hàng đầu của Úc đều liên quan đến Trung Quốc. Một, nguồn gốc Covid-19, mà từ năm trước Úc đã kêu gọi WHO và quốc tế mở cuộc điều tra để tìm hiểu ngọn ngành nguyên nhân hầu ngăn chặn một đại dịch thứ hai như thế. Hai, cũng vì một phần từ lý do một, mà Trung Quốc gia tăng sự cưỡng bức kinh tế (economic coercion) không cho nhập cảng bao nhiêu hàng hóa từ Úc, và còn không chịu ngồi xuống đàm phán, mặc dầu Úc luôn sẵn sàng đàm phán. Morrison nói: “Tất nhiên, chúng tôi muốn xem cuộc đối thoại từng diễn ra có thể tiếp tục lại và bắt đầu lại. Nhưng đó là một vấn đề khá lớn đối với Trung Quốc.”
Sau cuộc gặp gỡ gần ba ngày, nhóm G-7 đưa ra một tuyên bố chung, mà bên phía Mỹ và Anh muốn dùng ngôn từ mạnh mẽ hơn, trong khi bên Đức và Liên hiệp Âu châu thì muốn dùng phương cách nhẹ nhàng hơn, tránh tạo căng thẳng lúc này. Cách nhìn vấn đề thì giống nhau, nhưng nồng độ của thông điệp thì khác nhau.
Tuyên bố chung kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới WHO tiến hành điều tra, báo cáo và phản ứng đối với đại dịch Covid-19 một cách minh bạch, chuyên môn, khoa học và nhanh chóng ngay tại Trung Quốc ở giai đoạn 2.
Nên nhớ, cách đây 3 năm, sau hội nghị G-7, tuyên bố chung không hề nhắc đến Trung Quốc. Nhưng lần này có nguyên một đoạn nói về tầm quan trọng của việc phối hợp và ứng phó với các hoạt động kinh tế mang tính phi thị trường của Trung Quốc và nhu cầu lên tiếng chống lại các hành xử vi phạm nhân quyền, bao gồm cả ở Tân Cương và Hồng Kông.
Nguyên văn của tuyên bố chung về Trung Quốc như sau:
“Chúng tôi thừa nhận trách nhiệm cụ thể của các quốc gia và các nền kinh tế lớn nhất trong việc duy trì hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ và luật pháp quốc tế. Chúng tôi cam kết thực hiện vai trò của mình trong việc này, làm việc với tất cả các đối tác và với tư cách là thành viên của G-20, Liên Hiệp quốc và cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn, khuyến khích những thành viên khác cũng làm như vậy. Chúng tôi sẽ làm điều này dựa trên chương trình nghị sự được chia sẻ và các giá trị dân chủ của chúng tôi. Đối với Trung Quốc và sự cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu, chúng tôi sẽ tiếp tục tham khảo ý kiến về các phương pháp tiếp cận tập thể đối với các chính sách và thực hành mang tính phi thị trường đầy thách thức làm suy yếu sự vận hành công bằng và minh bạch của nền kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh trách nhiệm tương xứng của chúng tôi trong hệ thống đa phương, chúng tôi sẽ hợp tác vì lợi ích chung của chúng tôi đối với các thách thức toàn cầu được chia sẻ, đặc biệt là giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học trong khuôn khổ COP26 và các cuộc thảo luận đa phương khác. Đồng thời và khi làm như vậy, chúng tôi sẽ thúc đẩy các giá trị của mình, bao gồm cách kêu gọi Trung Quốc tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, đặc biệt là liên quan đến Tân Cương và những quyền, tự do và mức độ tự trị cao cho Hồng Kông được đề cao trong tuyên bố chung của Trung Quốc – Anh và Bộ luật Cơ bản.”
Ngoài vấn đề Trung Quốc, hội nghị G-7 cũng cam kết một tỷ liều vaccine để giúp các nước nghèo chống lại đại dịch covid-19, ủng hộ các khám phá khoa học giúp chế tạo vaccine nhanh chóng hơn, gia tăng khả năng sản xuất vaccine toàn cầu, và cải thiện hệ thống cảnh báo đại dịch.
Đối với Nga và các vụ tấn công mạng, G-7 yêu cầu Nga có hành động chống lại những kẻ tiến hành các cuộc tấn công mạng và sử dụng phần mềm tống tiền (ransomware), đồng thời kêu gọi một cuộc điều tra về việc sử dụng vũ khí hóa học trên đất Nga.
“Chúng tôi kêu gọi Nga khẩn trương điều tra và giải thích một cách đáng tin cậy việc sử dụng vũ khí hóa học trên đất của mình, chấm dứt hoạt động đàn áp có hệ thống đối với các phương tiện truyền thông và xã hội dân sự độc lập, đồng thời xác định, phá vỡ và quy trách nhiệm cho những kẻ tiến hành ransomware bên trong biên giới nước này các cuộc tấn công, lạm dụng tiền ảo để rửa tiền từ các vụ tống tiền và các tội phạm mạng khác.”
Trên phương diện này, Tổng thống Joe Biden sẽ mang vấn đề tấn công mạng từ Nga để đàm phán với Vladimir Putin trong cuộc gặp gỡ dự trù vào ngày 16 tháng Sáu này. Biden cho biết Nga đang tham gia vào các hoạt động trái nghịch với chuẩn mực quốc tế, và “họ đang cắn phải những thứ mà họ sẽ có vấn đề nhai nó”. Còn Putin cho biết ông sẽ đồng ý dẫn độ các tội phạm từ Nga sang Mỹ với điều kiện Mỹ cũng đồng ý dẫn độ tội phạm từ Mỹ sang Nga.
Về mặt thay đổi khí hậu thì G-7 cũng đồng ý gia tăng đóng góp của họ để đáp ứng cam kết chi tiêu 100 tỷ đô la một năm để giúp các nước nghèo hơn cắt giảm lượng khí thải carbon và đối phó với tình trạng hâm ấm toàn cầu, nhưng các nhà vận động môi trường cho biết lời hứa về tiền mặt của công ty đã bị thiếu, và họ chưa hài lòng về kết quả từ hội nghị G-7 này.
Sau cùng, có ba điều đáng nói về hội nghị thượng đỉnh G-7 kỳ này:
Một, ngoài tuyên bố chung của G-7, ba vị lãnh đạo Anh Úc Mỹ càng làm cho Trung Quốc thêm bực mình. Úc sẽ tham gia với Anh (Mỹ thì vẫn làm thế lâu nay) bằng cách gửi các tàu khu trục nhỏ tuần hành cùng với tàu sân bay HMS Queen Elizabeth trong các hoạt động qua Biển Đông trong vòng hai ba tuần tới, bao gồm các chuyến thăm cảng và hiện diện đáng kể ở Biển Đông.
Hai, sáng kiến Xây dựng Lại Thế giới Tốt Hơn (Build Back Better World – (B3W) project) là nhằm cạnh tranh trực tiếp với sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, vốn đã bị chỉ trích rộng rãi vì gây gánh nặng cho các nước nhỏ bằng khoản nợ không thể quản lý được. Tổng thống Biden rất mặn mà về dự án này. Biden cho biết kế hoạch như vậy sẽ cần ưu tiên hóa “các tiêu chuẩn cao cho các giải pháp minh bạch, thân thiện với khí hậu để thay thế cho Sáng kiến Vành đai và Con đường”. Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết: “Đây không chỉ là đối đầu hoặc đối phó với Trung Quốc. Đây là về việc cung cấp một tầm nhìn thay thế tích cực, khẳng định cho thế giới.”
Ba, Trung Quốc tại Anh đã phổ biến một tuyên bố phản bác tuyên bố chung của G-7. Người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại London cho biết: “Chúng tôi luôn tin rằng các quốc gia dù lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, nghèo hay giàu đều bình đẳng, và các vấn đề thế giới cần được giải quyết thông qua sự tham vấn của tất cả các quốc gia. Những ngày mà các quyết định toàn cầu được đưa ra bởi một nhóm nhỏ các quốc gia đã qua lâu rồi”.
Phải công nhận chế độ cộng sản mọi nơi, đặc biệt là cộng sản Trung Quốc hiện nay, nói dối và trí trá mà không biết ngượng. Ngoại trừ Mỹ, Trung Quốc hiếp đáp, lấn áp, và coi thường tất cả những nước khác, kể cả nước Úc mà tôi đang sống. Bình đẳng trước sau gì cũng chỉ là khẩu hiệu, chứ chẳng có giá trị hay ý nghĩa đích thực nào, đối với họ. Sức mạnh mới là đúng, và đúng sẽ là sự thật, là chính nghĩa, trong quan điểm của Bắc Kinh (might is right, and right tells truth). Chờ cho đến khi họ đủ mạnh để chứng minh họ đúng thì chắc đã muộn màng./.
#G7Cornwall2021