Hiếu Chân – Người Việt
Sau hơn bốn tháng cầm quyền, Tổng Thống Mỹ Joe Biden đã có chuyến công du ngoại quốc đầu tiên tới Châu Âu dự hội nghị thượng đỉnh nhóm G7, hội nghị thượng đỉnh Mỹ-EU, Mỹ-NATO và gặp gỡ Tổng Thống Nga Vladimir Putin.
Chuyến đi tám ngày của ông được cho là đặt nền tảng cho việc củng cố mối quan hệ liên minh giữa các nền dân chủ xuyên Đại Tây Dương, đáp ứng những thách thức của thời đại mới mà trọng tâm là ảnh hưởng của các chế độ độc tài Nga và Trung Quốc.
Ý định là như vậy song theo nhiều nhà quan sát và bình luận quốc tế, chuyến “du thuyết” của ông Biden sẽ gặp không ít khó khăn do niềm tin của các đồng minh đối với thực tế chính trị Hoa Kỳ đã không còn vững mạnh như trước.
Ngay trước khi lên đường sang Châu Âu, ông Biden đã giãi bày ý tưởng của mình trong một bài ý kiến trên báo The Washington Post, trong đó ông nhấn mạnh “chuyến đi này nhằm thực hiện cam kết mới của Hoa Kỳ với các đồng minh và đối tác, và chứng minh năng lực của các nền dân chủ vừa đối phó, vừa ngăn chặn những mối đe dọa của kỷ nguyên mới.”
G-7 và cái bóng Trung Quốc
Dù nghị trình của ông Biden bao gồm nhiều lĩnh vực, từ bàn việc chấm dứt đại dịch COVID-19 ở mọi nơi, ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu đang tăng tốc, hoặc đương đầu với những hành động nguy hại của các thể chế độc tài toàn trị, thì đề tài bao trùm vẫn là cuộc bành trướng của Trung Quốc trên mọi mặt trận, từ kinh tế, công nghệ tới quân sự ngoại giao.
Đài CNN bình luận: “Trung Quốc không phải là thành viên G7 nhưng thống trị nghị trình.” Tạp chí chính trị và văn hóa của Anh The New Statesman cũng bình luận: “Cái bóng của Trung Quốc hiện ra bao trùm hội nghị cấp cao mặt đối mặt đầu tiên của nhóm G7 sau gần hai năm qua.”
Sự trỗi dậy của Trung Quốc – một nền kinh tế tăng trưởng mạnh trong chế độ độc tài đảng trị – đặt ra một thách thức gay gắt về ý thức hệ mà các nhà lãnh đạo G7 phải đối mặt. Thách thức ý thức hệ đó là nội dung cốt lõi trong cuộc cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, là vấn đề xuyên suốt chính sách đối ngoại của chính quyền Biden.
Trong bài ý kiến trên The Washington Post [có thể đọc ở đây, BBT], ông Biden viết: “Đây là câu hỏi dứt khoát của thời đại chúng ta: Các nền dân chủ có thể hợp tác với nhau để mang lại kết quả thật sự cho nhân dân trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng hay không? Các liên minh và các định chế dân chủ đã định hình phần lớn thế kỷ qua có sẽ chứng tỏ năng lực chống lại những mối đe dọa và đối thủ của thời hiện đại hay không? Tôi tin câu trả lời là có. Và tuần này ở Châu Âu chúng ta có cơ hội chứng tỏ điều đó.”
Cụ thể, trong chuyến du thuyết đầu tiên trong cương vị tổng thống Hoa Kỳ, ông Biden sẽ cố thuyết phục các đồng minh Châu Âu chung tay với Washington, đưa ra một lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh, phản bác những hành động xâm lấn, áp bức, đe nẹt của Trung Quốc ở Tân Cương, Hong Kong và Biển Đông, cùng nhiều vấn đề khác.
Thành công bước đầu của liên minh Mỹ-EU
Ở một số lĩnh vực, ông Biden đã có thành công bước đầu. Trong nỗ lực chủng ngừa COVID-19 cho toàn thế giới, cam kết chia sẻ vaccine của Hoa Kỳ, tặng 500 triệu liều vaccine Pfizer-BioNtech cho tổ chức COVAX của Liên Hiệp Quốc sau khi đã cam kết chia sẻ 80 triệu liều gồm vaccine AstraZeneca và các hãng khác, đã nêu một tấm gương tốt cho các nước giàu khác. Thủ Tướng Anh Boris Johnson đã cam kết đóng góp 100 triệu liều và cho biết các nước G7 có thể chia sẻ tới 1 tỷ liều vaccine COVID-19 cho các nước nghèo. Trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh “ngoại giao vaccine,” dùng vaccine làm công cụ thu phục nhân tâm và mở rộng ảnh hưởng chính trị thì cam kết chia sẻ vaccine không vụ lợi của Hoa Kỳ và nhóm G7 là liều thuốc giải độc hữu hiệu và kịp thời.
Trong thông cáo chung hôm Thứ Năm, 10 Tháng Sáu, Tổng Thống Biden và Thủ Tướng Johnson cũng cam kết ủng hộ cuộc điều tra sâu rộng hơn về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19. Cho đến nay, chưa ai có thể khẳng định dứt khoát con virus có sẵn trong con dơi rồi truyền sang con người hay từ phòng thí nghiệm sổng ra ngoài như dư luận rộ lên gần đây nhưng hành động che đậy, giấu giếm thông tin của Trung Quốc cũng như lối hành xử từ những ngày đầu dịch đã khiến vấn đề nguồn gốc đại dịch trở thành câu hỏi lớn nhất của thời đại.
Tổng Thống Biden đã ra lệnh cho các cơ quan tình báo Hoa Kỳ phải tìm ra câu trả lời trong vòng 90 ngày; nhưng ai cũng biết sẽ không bao giờ có câu trả lời chính xác nếu không có sự hợp tác của chính quyền Trung Quốc. Để buộc Trung Quốc phải minh bạch trong vấn đề này, cần có sự đồng lòng của toàn thế giới, trước mắt là sự đồng lòng của EU và các nước phát triển; một mình Hoa Kỳ không làm được.
Dự thảo tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh G7 cho biết các nhà lãnh đạo G7 kêu gọi Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) phải có cái nhìn “mới mẻ và minh mạch” hơn, đồng ý thúc đẩy một cuộc thăm dò mới về nguồn gốc của COVID-19. Tuyên bố của G7 sẽ thêm sức nặng đáng kể vào quyết định của chính quyền Biden về điều tra nguồn gốc COVID-19 trong lúc Bắc Kinh giãy nảy lên tố cáo Hoa Kỳ “thao túng chính trị để tìm cách đổ lỗi.”
EU-Mỹ có liên minh được hay không?
Nhưng quan hệ giữa Hoa Kỳ và EU đã nguội lạnh trong bốn năm cầm quyền vừa qua của cựu Tổng Thống Donald Trump nên những nỗ lực “hàn gắn” của Tổng Thống Biden trong cuộc hội ngộ đầu tiên với khẩu hiệu “Nước Mỹ trở lại” khó mà làm cho “gương vỡ lại lành.” Nói cách khác, một liên minh chặt chẽ giữa đôi bờ Đại Tây Dương còn phải vượt qua rất nhiều thách thức trước khi trở thành một đối trọng thực tế chống lại liên minh Trung Quốc-Nga và các thể chế độc tài khác.
Một số nhà bình luận nhận định chính quyền Biden vẫn chưa thực tâm gắn bó với đồng minh, vẫn tập trung vào quyền lợi của nước Mỹ. Họ cho rằng các khẩu hiệu “mua hàng Mỹ,” “chính sách ngoại giao cho tầng lớp trung lưu” mà ông Biden cổ xúy là những dấu hiệu cho thấy chính quyền Mỹ hiện thời vẫn nằm trong cái bóng “Nước Mỹ trước tiên” (American First) của cựu Tổng Thống Trump. Và như vậy, một sự liên kết với Hoa Kỳ sẽ không thực chất, thậm chí có hại.
Ông Alexander De Croo, thủ tướng Bỉ, nói trong một cuộc phỏng vấn rằng ông Trump đã làm cho Châu Âu “hết ngây thơ,” hết tin vào ý tưởng lúc nào cũng có thể trông cậy người Mỹ mà phải chuẩn bị cho thực tế “Hoa Kỳ không phải luôn luôn là một đối tác.”
Những nhận định này về cơ bản là sai. Hoa Kỳ cũng như mọi quốc gia khác, đều chú trọng vào quyền lợi quốc gia của mình, nhưng điều đó không cản trở sự hợp tác với các đồng minh cùng chí hướng, nếu như sự hợp tác đó không loại trừ mà còn thúc đẩy lợi ích quốc gia. Hoa Kỳ và EU đã hợp tác chặt chẽ từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, cùng hỗ trợ một trật tự thế giới dựa trên luật lệ với các định chế dân chủ vững vàng, từ đó tạo môi trường thuận lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của tất cả các dân tộc, không chỉ có lợi cho Hoa Kỳ hay Châu Âu mà cho cả các nước mới thoát ra khỏi bóng đêm cộng sản như Trung Quốc, Nga và các nước Đông Âu. Một sự hợp tác Mỹ-EU như vậy vẫn có thể, thậm chí cần thiết, tiếp tục duy trì trong thế kỷ 21.
Nỗi hoài nghi của Châu Âu và cái bóng Donald Trump
Trở ngại chính cho mối liên kết Hoa Kỳ-EU nằm ở niềm tin cậy của Châu Âu đối với thực tế chính trị Hoa Kỳ đã suy giảm, với tình trạng “sớm nắng chiều mưa” trong đường lối của các chính đảng cầm quyền. Mới bốn năm trước, khi ông Donald Trump của đảng Cộng Hòa lên nắm quyền, quan hệ Hoa Kỳ-EU đã nhanh chóng chuyển từ nóng sang lạnh khi ông Trump, cũng trong chuyến công du đầu tiên tới Châu Âu, đã mắng nhiếc các nước EU không chịu đóng góp “phần công bằng” vào chi phí duy trì phòng thủ của châu lục, lên án NATO là lỗi thời và không cam kết áp dụng Điều 5 (Article) của hiệp định an ninh hỗ tương Mỹ-EU… Mối giao tình cá nhân giữa Trump và Putin – đối thủ số một của EU – càng làm cho Châu Âu thêm xa lánh Hoa Kỳ và tiến gần tới mối quan hệ nồng ấm hơn với Trung Quốc.
Khi ông Biden của đảng Dân Chủ lên, con lắc chính trị Mỹ đã ngay lập tức chuyển từ bên phải sang bên trái. Những lời lẽ khiêm tốn của ông Biden về tình hữu nghị, về cam kết “nước Mỹ trở lại” được các nhà lãnh đạo Châu Âu chào đón, nhưng thế vẫn chưa đủ để họ đặt trọn vẹn niềm tin vào Washington như là nhà lãnh đạo toàn cầu. Phát biểu trong chốn riêng tư, nhiều quan chức Châu Âu tỏ ra hoài nghi về độ tin cậy của Hoa Kỳ, về tình trạng chuyển từ cực này sang cực kia của chính trị Mỹ. Giới phân tích lo ngại, trong vài năm nữa ông Biden có thể bị thay thế bởi một tổng thống khác, người luôn tìm mọi cơ hội để sỉ vả Châu Âu như ông Trump đã thể hiện trước đây.
David O’Sullivan, cựu đại sứ EU tại Washington, đặt câu hỏi khi nói với Reuters: “Có phải đây chỉ là giai đoạn chuyển tiếp giữa Trump 1.0 và Trump 2.0 hay không? Không ai biết. Tôi cho rằng đa số đều có quan điểm rằng chúng ta nên nắm lấy cơ hội củng cố quan hệ với chính quyền Biden và hy vọng quan hệ đó có thể bền vững sau cuộc bầu cử giữa kỳ 2022 và bầu cử tổng thống 2024.”
Ông Trump đã về vườn nhưng ảnh hưởng của ông ta lên chính trường Mỹ vẫn còn làm cho các đối tác Châu Âu e ngại. Báo The New York Times đăng trang nhất: “Biden đang quyến rũ Châu Âu, nhưng sau đó là gì?” Báo Politico chạy tít: “Châu Âu thắc mắc: Biden có thể làm như lời nói không?” – bộc lộ nỗi hoài nghi của giới quan sát quốc tế về cam kết của Hoa Kỳ với các đồng minh Châu Âu.
Nỗi hoài nghi của giới chính trị Châu Âu với thực tế tại Hoa Kỳ càng được củng cố bằng những sự kiện gần đây như vụ bạo loạn tấn công tòa nhà Quốc Hội – một cú đánh vào nguyên tắc căn bản của nền dân chủ; tình trạng phân cực và đối kháng sâu sắc giữa Dân Chủ và Cộng Hòa làm cho tiến trình lập pháp bị đình trệ, nhiều dự luật quan trọng cho quốc kế dân sinh bị bế tắc trên sàn Quốc Hội, nhiều sáng kiến đối nội đối ngoại của chính quyền Biden không đi đến đâu vì vấp phải sự kháng cự của đảng Cộng Hòa.
Sau thời kỳ 100 ngày “trăng mật” chính quyền Biden lại rơi vào tình trạng bị trói tay trói chân giống như chính quyền Obama thời kỳ cuối, làm cho niềm tin vào năng lực xoay chuyển tình thế của Tổng Thống Biden thêm cạn kiệt. Một ví dụ, sau nhiều công sức đàm phán, Bộ Trưởng Tài Chính Hoa Kỳ Janet Yellen đã thuyết phục được những người đồng cấp nhóm G7 ấn định mức thuế tối thiểu toàn cầu lên các tập đoàn đa quốc gia là 15%, chấm dứt xu thế “chạy đua xuống đáy” – các nước đua nhau hạ mức thuế xuống thấp nhất để thu hút đầu tư của các tập đoàn. Nhưng kết quả đàm phán của bà Yellen đã nhanh chóng bị các nghị sĩ Cộng Hòa trong Quốc Hội phản đối, lý do đơn giản là đảng này không bao giờ chấp nhận tăng thuế lên các doanh nghiệp. Vậy thì liệu trong tương lai, các đồng minh EU hoặc G7 còn có thể tin vào những cam kết của Hoa Kỳ trong các cuộc đàm phán hay không?
Châu Âu giữa ngã ba đường
Bản thân Châu Âu là một khối đa dạng 27 quốc gia có trình độ kinh tế và chính trị khác nhau; và cái nhìn của họ về Trung Quốc không đồng nhất, cũng không hoàn toàn thống nhất với cách nhìn của Hoa Kỳ. Các thành viên mới của EU – các nước cựu cộng sản ở Đông Âu như Hungary, Ba Lan, Slovakia – tỏ ra dễ thân thiện với Trung Quốc do có thời gian dài sống trong chế độ đảng trị, trình độ kinh tế và dân chủ hóa chưa theo kịp các nước Tây Âu. Những nước này nhanh chóng tham gia các định chế do Trung Quốc lãnh đạo như sáng kiến Vành Đai và Con Đường (BRI), nhóm 17+1 [17 nước Đông và Trung Âu + Trung Quốc], nhận những dự án xây dựng hạ tầng bằng tiền vay của Trung Quốc và thường bảo vệ các lợi ích của Bắc Kinh trước sự lên án của EU.
Các nước Tây Âu, tuy có truyền thống lâu dài về dân chủ, tự do nhưng lợi ích kinh tế trong cuộc giao thương với thị trường rộng lớn của Hoa Lục nhiều lúc làm cho họ khó có được sự lựa chọn hợp lý giữa đề cao dân chủ, nhân quyền và duy trì quan hệ thương mại với Trung Quốc. Sự kiện EU vội vã ký kết hiệp định đầu tư toàn diện với Trung Quốc trong ngày cuối năm 2020 bất chấp sự can ngăn của Hoa Kỳ là một ví dụ. Bước sang thời kỳ khôi phục kinh tế sau đại dịch COVID-19, nhiều nước phương Tây sẽ phụ thuộc nặng nề hơn nữa vào nguồn vốn đầu tư và thị trường tiêu thụ khổng lồ của Trung Quốc – điều đó làm cho khả năng của EU chống lại Bắc Kinh, cùng với Hoa Kỳ bảo vệ hệ giá trị của mình càng thêm khó khăn và phức tạp.
Nếu cạnh tranh toàn diện với Trung Quốc là chiến lược được cả hai đảng chính trị của Hoa Kỳ đồng thuận cao độ thì EU vẫn chưa có được một chiến lược nhất quán như vậy, do đó liên minh EU-Hoa Kỳ ứng phó với Bắc Kinh vẫn là kỳ vọng của tương lai chứ chưa phải là một thực tế trong thời điểm hiện nay. Dự thảo thông cáo chung của hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-EU sẽ diễn ra sau hội nghị G7 cho biết: “Chúng tôi dự định sẽ tham vấn chặt chẽ với nhau và hợp tác về toàn bộ các vấn đề trong khuôn khổ các cách tiếp cận nhiều mặt tương tự của chúng tôi đối với Trung Quốc, bao gồm các yếu tố hợp tác, cạnh tranh và đối đầu mang tính hệ thống.” Nói như thế nhưng vẫn chưa có gì bảo đảm các nước EU sẽ chấp nhận rủi ro và thiệt hại trong quan hệ song phương với Trung Quốc để đứng cùng với Hoa Kỳ trong một mặt trận thống nhất “hợp tác, cạnh tranh và đối đầu mang tính hệ thống” với Bắc Kinh. Ngay cả báo chí Trung Quốc cũng đánh giá các nước G7 có những “bất đồng căn bản” về cách ứng xử với Trung Quốc và điều đó “sẽ làm cho họ khó có được những hành động có thực chất.”
Thách thức ngay trong chính trị Hoa Kỳ
Cạnh tranh giữa liên minh Hoa Kỳ-EU với Trung Quốc, theo quan điểm của Tổng Thống Biden, là cuộc cạnh tranh ý thức hệ. Để chiến thắng, các nền dân chủ EU và Hoa Kỳ phải chứng tỏ chế độ dân chủ tự do là “ưu việt hơn” chế độ độc tài đảng trị, là “điểm tận cùng của lịch sử” như nhận định của nhà khoa học chính trị Francis Fukuyama. Nhưng thực tế chính trị ở Hoa Kỳ và EU lại cho thấy một bức tranh khác: Chế độ dân chủ dường như đang thoái trào và bị rối loạn chức năng trầm trọng.
Ở Châu Âu, các phong trào dân túy cực hữu nổi lên ở Hungary, Ba Lan và cả ở những thành trì của chủ nghĩa tự do như Đức và Pháp. Ở Hoa Kỳ, cái bóng của ông Trump vẫn trùm lên đảng Cộng Hòa và duy trì một thế lực chống đối các nguyên tắc của nền dân chủ, từ việc ra luật hạn chế quyền bầu cử của các cộng đồng da màu thiểu số đến ngăn trở cuộc điều tra vụ bạo loạn ở tòa nhà Quốc Hội…
Có rất nhiều vấn đề chính sách các nước khác giải quyết không mấy khó khăn nhưng ở Hoa Kỳ lại bị “chính trị hóa” thành một vụ tranh chấp dai dẳng giữa Dân Chủ và Cộng Hòa rồi rơi vào ngõ cụt, không bên nào nhượng bên nào, trái hẳn với nguyên tắc “thỏa hiệp” (compromise) của sinh hoạt dân chủ; vụ bắt buộc mang khẩu trang nơi công cộng, bắt buộc tiêm chủng ngừa COVID-19 hay không là một ví dụ.
Trung Quốc những năm gần đây càng ngày càng quyết đoán trong giao tiếp với Hoa Kỳ và phương Tây vì Bắc Kinh tin rằng phương Đông đang nổi lên, phương Tây đang suy tàn, không thể cưỡng lại được.
Trước lúc hội nghị thượng đỉnh G7 khai mạc tại Anh, báo chí Trung Quốc bình luận rằng G7 là một sản phẩm của quá khứ, không còn hợp thời nữa. “Ảnh hưởng và sức mạnh của G7 không còn đáng được trông đợi nữa. Lý do căn bản là trọng tâm chính trị và kinh tế đã dịch chuyển về phương Đông,” báo Global Times của Trung Quốc đăng bài xã luận nhận định và khẳng định rằng bây giờ Trung Quốc mới là người vạch ra nghị trình cho thế giới.
Ngoài G7, thế giới còn có hàng trăm quốc gia đang nhìn vào Mỹ, EU và Trung Quốc để tìm hướng phát triển cho đất nước của họ. Làm thế nào để chứng tỏ chế độ dân chủ là tốt đẹp để thu hút, tránh cho họ khỏi đi vào con đường độc tài phi nhân mà Trung Quốc và Nga đang cổ xúy là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn khi Hoa Kỳ, nền dân chủ vững mạnh nhất thế giới, vẫn còn loay hoay với những mâu thuẫn nội bộ của mình. “Chúng ta sẽ tập trung bảo đảm rằng các nền dân chủ thị trường, chứ không phải Trung Quốc hay ai khác, sẽ là người đặt ra luật lệ của thế kỷ 21 trong lĩnh vực thương mại và công nghệ,” Tổng Thống Biden viết trong bài đăng trên Washington Post. Ông cũng khẳng định, “Hoa Kỳ phải dẫn dắt thế giới từ vị thế của sức mạnh.”
Nhưng mục tiêu đó hiện còn gặp nhiều trở ngại.
Hiếu Chân
Nguồn: Người Việt