Tân Phong – Việt Tân
Phần II
(Xem Phần I)
Thời điểm để những rủi ro hệ thống trở thành thảm họa là khi nào?
Để đưa ra câu trả lời cho câu hỏi khó khăn này, đừng nhìn vào những báo cáo vĩ mô mà giới chức CSVN luôn cố sức tô vẽ. Những con số xuất cảng và GDP vẫn có thể vẫn tăng, ngay cả khi nền kinh tế nội địa suy thoái nghiêm trọng. Nhìn vào con số tăng trưởng 2,8% GDP 2020, cần hiểu rằng đó chính là mức tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI chiếm tới hơn 70% giá trị hàng hóa xuất cảng. Vậy các chỉ dấu nào cho ta biết khi nào hệ thống kinh tế và an sinh xã hội sụp đổ?
Chỉ dấu 1: Dân sinh cùng kiệt và khủng hoảng xã hội
Ngày 2 tháng Năm vừa qua, báo chí trong nước tiết lộ một thông tin đáng báo động về vấn đề người dân ồ ạt đi rút sổ bảo hiểm theo hình thức rút tiền một lần, bất chấp các thiệt thòi về quyền lợi và cả số tiền rút được thấp hơn nhiều so với số tiền tiết kiểm gửi bảo hiểm xã hội. Tiền tiết kiệm gửi bảo hiểm xã hội (BHXH) của người lao động là số tiền trích từ tiền lương mà người lao động và doanh nghiệp hàng tháng trong quá trình làm việc của người lao động.
Số tiền này chiếm một tỷ lệ lớn thu nhập của người lao động và họ phải duy trì đóng số tiền này trong suốt thời gian làm việc để “được” nhận lương hưu và các chế độ bảo hiểm khác. Số tiền trong sổ BHXH là “nắm gạo cuối cùng” của người lao động. Đằng sau mỗi lao động này là một gia đình. Khi đã phải sử dụng đến số tiền tiết kiệm ít ỏi này có nghĩa họ đã hoàn toàn cùng đường, không còn gì để sống tiếp nếu không có sinh kế thay thế.
“Theo thống kê của BHXH Việt Nam, do ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid–19, chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2021 số lượng người lao động rút BHXH lên tới 226.503 người, tăng 20.5% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng trong năm 2020, có 1 triệu người tham gia BHXH nhưng có tới 880.000 người nhận BHXH một lần.”
Theo thông tin này của báo Tiền Phong đăng tải, chúng ta sẽ thấy ngay giai cấp vô sản trong năm 2020 tới nay đã “bổ sung thêm” hơn 1 triệu gia đình. Họ hoàn toàn không còn sinh kế, đối diện với đói khát cùng cực. Đáng lo ngại là số lượng người lao động xin rút sổ BHXH một lần đang tăng nhanh và với diễn biến dịch bệnh kéo dài thì một cuộc khủng hoảng xã hội đã rất gần. Câu chuyện “cứu trợ” của “chính phủ kiến tạo” Nguyễn Xuân Phúc đã trở thành trò cười. Báo chí “lề đảng” sau một thời gian ồn ào về các gói “cứu trợ,” “hỗ trợ” 30.000 tỷ, 63.000 tỷ… đã không còn nhắc gì đến tiến độ và việc thực hiện những chương trình này nữa. Tất cả chỉ là những chiêu trò PR, showbiz chính trị đốn mạt.
Vài đồng bạc lẻ, ít gạo hẩm được tung ra để làm truyền thông… tô vẽ bộ mặt “nhân đạo” của giới chức cầm quyền. Không biết có mấy hộ nghèo nhận được 1 triệu đồng trong suốt năm 2020? Trong khi đó, qui định nâng mức thuế giá trị gia tăng (GTGT) lên 10% với gần 420.000 xe ôm công nghệ, qui định về việc buộc doanh nghiệp ứng trước thuế TNDN cực kỳ vô lý và tàn nhẫn trong bối cảnh giới doanh nhân “chết 7 còn 3” đã được giới chức sốt sắng áp dụng. Dí dao vào cổ người dân để cướp sạch, sau đó vứt lại vài xu lẻ vì lòng “nhân đạo cộng sản.” Đó là sự “ưu việt” của chế độ!
Hệ thống BHXH vốn như “chuông treo mành chỉ” và là điểm yếu nhất của nền kinh tế “định hướng xã hội chủ nghĩa.” Hơn 80% tiền BHXH tương đương 30 tỷ USD đã được bà Nguyễn Thị Kim Ngân thời làm bộ trưởng bộ thương binh xã hội cho ông Nguyễn Tấn Dũng xử dụng để bù đắp lạm chi chính phủ. Năm 2013, tổ chức Lao Động Thế Giới ILO đã có khuyến cáo về khả năng quĩ bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ thâm hụt vào năm 2021 và hoàn toàn cạn kiệt vào năm 2034. Tuy vậy, dưới tác động của đại dịch Covid-19, thời điểm “hoàn toàn cạn kiệt” sẽ đến sớm hơn rất nhiều. Và dù nhà cầm quyền Việt Nam đã tăng tuổi hưu cũng như điều chỉnh tăng thêm thời gian đóng bảo hiểm xã hội, mở rộng đối tượng đóng bảo hiểm tự nguyện theo hướng có lợi cho việc tận thu quĩ. Xong điều này không cải thiện được gì.
Ngay cả khi không có dịch bệnh, thì rủi ro cho những đồng tiền “mồ hôi nước mắt” của hàng triệu lao động cũng vô cùng lớn. Năm 2017, báo chí trong nước cho biết BHXH Việt Nam có khả năng mất trắng 800 tỷ đồng khi cho Công ty cho thuê tài chính (ALC-I, ALC-II) và ngân hàng Nông Nghiệp Phát Triển Nông Thôn (Agribank) vay. Không ngoa khi nói rằng, việc người lao động và doanh nghiệp buộc phải nộp cho quĩ BHXH một phần lớn thu nhập trong khi giới chức BHXH tùy tiện xử dụng và quản lý như thế không khác gì “giao trứng cho ác.”
Dịch bệnh kéo dài khiến cho hơn 100.000 doanh nghiệp đóng cửa và tạm ngừng kinh doanh trong năm 2020. Tình trạng này sẽ còn tồi tệ hơn trong năm 2021. Như vậy, sẽ dẫn đến tình trạng hụt thu quĩ BHXH nghiêm trọng trong khi việc chi trả BHXH tăng mạnh như những gì báo chí ghi nhận. Quĩ BHXH còn bao nhiêu tiền để có thể “trụ” được trước cuộc khủng hoảng này? Tất nhiên, trong trường hợp bất đắc dĩ, ngân hàng TW sẽ can thiệp bằng khả năng in và phát hành không giới hạn tiền Hồ. Nhưng ai cũng biết đó là phương án tồi trong bối cảnh siêu lạm phát đang rình rập.
Một trong những dấu hiệu về cuộc khủng hoảng xã hội đang tới là việc tỷ lệ tội phạm hình sự gia tăng với mức độ chóng mặt mà nguyên nhân cũng vì tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ quá cao. Nạn cướp giật, trộm cắp, cho vay nặng lãi, buôn bán ma túy tăng với cấp số lần chứ không còn theo %, thậm chí những vụ cướp ngân hàng (vốn cực kỳ hiếm ở Việt Nam 10 năm trước) giờ đã trở thành “cơm bữa.”
Vô số những cái chết thương tâm vì hoàn cảnh khốn cùng xảy ra hàng ngày trên khắp xứ “thiên đường cộng sản” này. Có những thanh niên phải treo cổ tự vẫn, những người cha phẫn chí cho cả gia đình uống thuốc chuột, những người mẹ ôm con nhảy cầu… vì tuyệt đường sinh nhai, nợ nần, bệnh tật không được chữa trị…
Đằng sau những con số GDP tăng trưởng dương, xuất siêu hàng chục tỷ USD và những bài báo tán tụng, xã hội Việt Nam là một bức tranh xám xịt với hàng triệu gia đình lao động đang tuyệt đường sinh nhai, đối mặt với đói nghèo cùng cực. Nhưng trong những bài diễn văn lê thê tự ca tụng bản thân, ông “vua cởi truồng” Nguyễn Phú Trọng chìm đắm trong cơn hoang tưởng về một thiên đường xã hội chủ nghĩa. Quả thực ông ta không những thần kinh mà còn cực kỳ khốn nạn.
Chỉ dấu 2: Bong bóng bất động sản và chứng khoán nổ tung
Gần 1,2 triệu tỷ đồng từ 2020 tới nay đã bơm vào nền kinh tế bằng nhiều phương thức và công cụ khác nhau nhưng phần lớn số tiền này đã đổ vào bất động sản (BĐS), chứng khoán và các hạng mục đầu tư công. Trong khi khối doanh nghiệp tư nhân – nơi đã tạo ra nhiều việc làm nhất cho xã hội – không thể tiếp cận được với các hỗ trợ tài chính cần thiết, thì nguồn tín dụng giá rẻ tràn ngập đã tạo ra cơn “ngáo giá đất” khắp mọi miền đất nước. Không có quốc gia nào có thể có một cơn ngáo giá BĐS kỳ lạ như Việt Nam. Chỉ trong vòng 6 tháng cuối năm 2020, giá đất khắp mọi tỉnh thành đã tăng gấp đôi, gấp ba lần.
Chỉ số đỏ đen VNindex nhảy dựng lên mức hơn 1200 điểm bất chấp nền kinh tế lao dốc với hơn 100.000 doanh nghiệp phá sản và ngừng hoạt động. Thị trường chứng khoán (TTCK) chứng kiến việc các quĩ đầu tư nội đổ hàng núi tiền vào “gánh” những mã mà khối ngoại bán ròng liên tục hàng chục ngàn tỷ đồng. Đó thực sự là một cuộc đốt tiền.
Nhiều người sẽ cho diễn biến này là bình thường cũng giống như các TTCK khác trên thế giới mà thôi. Nhưng điều giản dị là TTCK Việt Nam với những “đặc thù” không giống ai, các cổ phiếu phản ánh rất ít giá trị thực của công ty phát hành, cũng như thiếu vắng các điều kiện đảm bảo, nó có giá trị thực không lớn hơn tờ vé số là mấy. Điều duy nhất khiến cho những tờ giấy này có giá trên trời là tâm lý cờ bạc, lòng tham của đám đông bị dẫn dắt bởi truyền thông và khát vọng “làm giàu không khó” mãnh liệt.
Thứ cocktail Ketamine ưa thích của giới chức CSVN là “GDP luôn dương ở mức cao, chỉ số VNindex tăng với hàm mũ, chỉ số CPI thấp, tỷ lệ thất nghiệp siêu thấp, nợ công ‘trong vòng kiểm soát,’ v.v.” Tuy vậy, những tay chơi “thiên tài đảng ta” luôn có xu hướng tăng liều “đập đá” để “phê tới bến.” Năm 2017, GDP đã được “tính lại” theo cách mới, từ 220 tỷ USD biến thành 275 tỷ USD. Các năm sau, GDP “tính theo cách mới” đã tự động tăng thêm khoảng 25%. Tỷ lệ nợ công đã giảm xuống đẹp như mơ chỉ bằng một phép tính cấp tiểu học.
Cũng theo cách tính “thần thánh” đó, GDP Việt Nam đã vượt cả Malaysia, Philippines, Singapore và bình quân đầu người “đạt” mức 3.521 USD năm 2020. Quả thực chỉ có những “thiên tài đảng ta” mới có thể sáng tạo cách nhảy vọt thần thánh đến vậy. Nhưng có một thực tế, là bất chấp GDP được tính theo kiểu gì, thì nợ vẫn luôn là những con số tuyệt đối chính xác và nó không có cách tính mới để có thể giảm bớt.
Cùng với sự trở lại của Covid-19 và một vài động thái hành chính kiểm soát thông tin, thị trường đã ngay lập tức đóng băng trong tháng Năm ở nhiều tỉnh thành. Xu hướng chung là đã giảm nhiều từ cuối năm 2020 sau một đợt sốt kịch liệt ngắn hạn. Không có một mô hình dự đoán nào có thể áp dụng và cũng không có một qui luật kinh tế nào ở thị trường bất động sản Việt Nam.
Nghịch lý là thị trường chiếm nguồn lực đầu tư lớn nhất này tạo ra rất ít giá trị gia tăng cho xã hội. Việc thị trường nhanh chóng bùng nổ và cũng nhanh chóng xì hơi như vừa qua sẽ để lại tác hại lâu dài cho nền kinh tế, cũng như bất bình đẳng xã hội. Sau cơn sốt điên cuồng, những khoản nợ ở các ngân hàng sẽ phình to thêm.
Tỷ số nợ/GDP được công bố bởi giới chức Việt Nam giờ đây không còn mang ý nghĩa gì cả. Trong khi đồng hồ nợ công quốc gia đã ghi nhận con số hơn 500 tỷ USD. Tức là nợ công (Public Debt)/GDP khoảng 170%. Tuy vậy, thật khó có thể nói tỉ lệ nợ/GDP bao nhiêu thì sẽ gây ra khủng hoảng kinh tế. Nhưng chắc chắn, khủng hoảng xã hội sẽ tới trước và cơn dịch bệnh Covid-19 sẽ làm bộc lộ hết những ung nhọt trong hệ thống xã hội Việt Nam.
Khủng hoảng xã hội và thảm họa nhân đạo sẽ tàn phá và tiêu hủy những động lực kinh tế và cuối cùng là hệ thống sụp đổ. Nhưng điều tệ hại hơn cả là chưa có một giải pháp nào khả dĩ thay thế. Và khoảng cách từ “thiên đường” của những người cộng sản tới địa ngục trần gian của hơn 90 triệu người dân Việt Nam chỉ như một cái chớp mắt.
Tân Phong