Năm 2006, Nguyễn Thiện Nhân được giao nắm giữ trọng trách Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Báo chí thường gọi là Tư lệnh Mặt trận giáo dục, bởi ở thời điểm đó cho đến hết nhiệm kỳ Phạm Vũ Luận, người kế nhiệm của ông Nhân, giáo dục được xem là “trận đánh”.
Cũng năm ấy, một chiến sỹ tiên phong là Đỗ Việt Khoa, chưa có lệnh đã tự phát xông lên tấn công vào hang ổ giặc ngay tại trận Vân Tảo. Tư lệnh mặt trận đích thân đến nhà trao Bằng khen, tương đương như là Huân chương chiến công, kèm phần thưởng là quyển sách dạy đạo đức làm người. Đỗ Việt Khoa trở thành người hùng, VTV làm luôn cả một chương trình “Người đương thời” vinh danh cả hai: Nguyễn Thiện Nhân – Đỗ Việt Khoa.
Chiến dịch “Nói không với bệnh thành tích”, “Nói không với tiêu cực trong thi cử” bắt đầu mở màn, sôi động và đầy hào khí, hơn cả trận Xích Bích thời Tam quốc. Cả nước hưởng ứng, đi đâu cũng thấy giăng khẩu hiệu đỏ rực tinh thần cách mạng. Chỉ có phe chủ chiến, không có phe chủ hòa.
Năm sau đó, 2007, một cuộc thi tốt nghiệp trung học phổ thông diễn ra nghiêm túc. Kết quả, chỉ 60% đỗ tốt nghiệp, có nơi chỉ 40%, thậm chí 20%! Vậy là ít nhất khoảng 40% quân Tào coi như bị hoả công của quân Đông Ngô thiêu cháy hoặc cho chết đuối khi vượt vũ môn Trường Giang???
Khí thế chống học giả, thi giả, nhân tài giả đang lên cao trào. Tướng tiên phong Đỗ Việt Khoa lại lập chiến công mới ở trận Đồi Ngô. Báo chí khua chiêng đánh trống hỗ trợ phong trào. Một nhà báo tấn công thẳng vào sào huyệt của Bộ Tư lệnh mặt trận, lôi ra một trưởng phòng đi thi chuyên viên chính lật tài liệu, tiếp tay cho giặc.
Toàn thế giới theo dõi chiến dịch. Bọn phản cách mạng ở hải ngoại rêu rao, xuyên tạc về kết quả kỳ thi, cho rằng kết quả thi cử như vậy đã tự lật mặt học giả, thi cử giả, nhân tài giả lâu nay. Không gì xấu xa, bỉ ổi bọn này không làm!
Bất ngờ, để chống lại bọn phản cách mạng, Tư lệnh Mặt trận ra lệnh cho tổ chức thi lại lần hai, đồng thời lại ra lệnh cho các giáo viên trong vòng một tháng phải dạy phụ đạo sao cho số 40% té nước ấy phải nhanh mọc cánh để bay lên đậu trên cành cây, nếu không sẽ bị kỷ luật!
Kế sách này nhân đạo gấp vạn lần Nguyễn Trãi cho 20 vạn binh Vương Thông giong cờ mở trống về nước. Nhưng thật là gây khó cho đội ngũ giáo viên: dạy học cách nào chỉ trong vòng một tháng mà có được trình độ vượt vũ môn như cá có được chân, cánh để leo hoặc bay lên cành cây? Cái sự khó ấy còn khó hơn Chu Du lệnh cho Khổng Minh trong vòng 3 ngày phải có được 10 vạn tên trước khi vào trận Xích Bích, nếu không sẽ bị mất đầu?
Ông Thuyết, ông Thống chê trình độ giáo viên phổ thông kém, cần tập huấn, bồi dưỡng đủ loại chương trình, từ các loại chứng chỉ lặt vặt đến học modul, nhưng sự thực lịch sử đã chứng minh mỗi giáo viên đã là một Khổng Minh tái thế. Mỗi giáo viên tự làm thuyền cỏ bơi giữa sương mù để mượn tên quân Tào, người hùng Đỗ Việt Khoa có mắt thánh cũng không thể nhận ra cái gì dưới lớp sương mù bao phủ ấy. Kết quả là cuộc thi lần hai, hơn 40% học sinh đã vượt vũ môn một cách dễ dàng. Vậy là tổng cộng hai cuộc thi, gần 100% học sinh đã đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông một cách mỹ mãn. Nếu mỗi giáo viên là một Khổng Minh thì mỗi học sinh cũng là một Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Tử Long… Tất cả đều tiến lên toàn thắng ắt về ta!
Nhân tài thật là đấy chứ đâu?
Chỉ tiếc là sau trận Xích Bích thì Chu Du lâm bệnh mà chết. Riêng Tư lệnh Mặt trận giáo dục thì vội vã ra đi để lại sự tiếc thương vô hạn trong lòng những nhà giáo yêu nghề.
Chu Du trước khi nhắm mắt thốt lên: “Trời đã sinh ra Du, sao còn sinh ra Lượng?” Không biết Tư lệnh Nguyễn Thiện Nhân trước khi rời ghế có thốt lên: “Trời đã sinh ra ta, sao còn sinh ra nghề dạy học?” Dẫu sao, vẫn nhờ có Tư lệnh thiên tài mà giáo dục có trận đánh đẹp xưa nay chưa từng có.
Với bài học lịch sử ấy, ai không tin chứ tôi thì lạc quan, tin tưởng sâu sắc rằng chiến dịch “Học thật, Thi thật, Nhân tài thật” hiện nay sẽ thực hiện thành công vang dội hơn xưa!
Chu Mộng Long
#họcthậtthithật #đỗviệtkhoa #nguyễnthiệnnhân