30.4.1975-30.4.2021, đã 46 năm kể từ khi cuộc chiến VN kết thúc. Đã quá đủ độ lùi về thời gian để chúng ta đặt lại câu hỏi: thực ra thì trong cuộc chiến ấy, cuối cùng ai mới là kẻ chiến thắng?
Người Mỹ tất nhiên đã thua khi phải rút lui khỏi VN sau khi đổ hàng đống tiền viện trợ cho miền Nam và hy sinh 58,000 mạng người. Về mặt uy tín, họ cũng thua vì bị mang tiếng là phản bội đồng minh, và sau này thêm nhiều ví dụ khác về cuộc chiến tranh Iraq, Syria, Afghanistan…khiến thế giới nhận ra rằng người Mỹ có thể sẵn sàng rút lui, bỏ rơi các đồng minh như thế nào nếu cuộc chiến kéo dài và mọi chuyện không còn có lợi cho họ nữa, rằng liệu có nên đặt lòng tin hoàn toàn vào người Mỹ như một đồng minh chiến lược hay không?
Nhưng câu chuyện rút khỏi miền Nam VN nhìn từ quyền lợi của nước Mỹ còn phức tạp hơn thế. Một mặt, thì người Mỹ lại thắng vì tuy hy sinh VNCH nhưng việc bắt tay với Trung Cộng để tập trung bao vây Liên Xô đã dẫn tới sự sụp đổ của Liên Xô và cả khối XHCN cũ ở Đông Âu mười mấy năm sau đó. Mặt khác, theo thời gian thì việc rút khỏi VN, giúp Trung Cộng mở cửa làm ăn với thế giới vừa tạo cơ hội cho Trung Cộng ngày nay trở thành một thử thách và là mối đe dọa lớn nhất với Mỹ, vừa khiến Mỹ mất đi một chỗ đứng quan trọng trong khu vực biển Đông, bởi vì nếu VNCH vẫn còn, Hoàng Sa không mất, thì Trung Cộng làm gì có cửa để mà tung hoành trên biển Đông như hiện tại? Đúng là với Mỹ, thắng hay thua trong câu chuyện VN 46 năm về trước không đơn giản mà xét đoán như người ta tưởng.
Với VNCH, rõ ràng đã thua trận, đã bị bức tử, từ đó quốc gia mang tên VNCH đã bị xóa sổ. Nhưng xét ở một khía cạnh khác, như nhiều người đã phân tích, VNCH lại thắng khi bên thua trận mới là bên đi giải phóng, “mở mắt” cho bên chiến thắng về nhiều thứ; khi 46 năm qua rồi mà bên chiến thắng vẫn không thuyết phục được bên thua về tên gọi, ý nghĩa, mục đích thật sự của cuộc chiến. Quan trọng hơn, những di sản của VNCH từ giáo dục, nếp sống của con người cho tới âm nhạc, văn chương nghệ thuật vẫn tồn tại trong lòng người dân, ngược lại, những tác phẩm của miền Bắc XHCN thì chẳng mấy ai còn muốn nghe muốn nhớ.
Với đảng cộng sản VN, một mặt, họ đã chiến thắng. Cho tới bây giờ họ đã làm được 2 điều: 1. Giành độc quyền lãnh đạo bằng mọi giá, từ cướp chính quyền vào tháng 8.1945 cho tới tiến chiếm miền Nam, bất chấp cái giá máu xương của dân tộc. 2. Giữ chính quyền bằng mọi giá. Cho đến bây giờ họ vẫn là một trong số vài đảng cộng sản ít ỏi còn lại trên thế giới nắm trọn quyền lực, và có lẽ sẽ còn tồn tại khá lâu nữa.
Nhưng đó là sự thành công của đảng. Còn VN hiện tại là một quốc gia thất bại, vì thua kém nhiều mặt ngay đối với các nước láng giềng chứ chưa nói đến vị trí trên toàn cầu, một dân tộc thất bại vì không được sống trong một quốc gia tự do, dân chủ, văn minh, hạnh phúc.
Và thật ra thì ngay chính đảng CS cũng thất bại-họ thắng một cuộc chiến nhưng đại bại trong hòa bình, khi đã phản bội lại toàn bộ lý tưởng, lý thuyết, lý luận Mác- Lenin, mô hình thể chế XHCN mà họ từng tôn thờ lúc đầu và bắt nhân dân phải đi theo, toàn bộ những gì mà hồi xưa họ lên án, thì bây giờ họ đang quay ngược 180 độ làm theo mà còn tệ hại hơn gấp bội. Họ cũng thất bại vì đối nội không thu phục được nhân tâm, đối ngoại phải quay sang bắt tay với Mỹ, thắng Mỹ nhưng bây giờ từ người dân cho đến quan chức đều cho con đi du học ở Mỹ, thích hàng hóa cho tới cuộc sống Mỹ, đều tìm đường sang Mỹ định cư; và vẫn phải cần đến Mỹ trước sự hung hăng bành trướng của Bắc Kinh trên biển Đông. Chưa kể, họ thất bại vì đuổi Mỹ đi nhưng lại tự nguyện rơi vào cái vòng kim cô của Trung Cộng, bị trả giá thêm 2 cuộc chiến khác, bị mất thêm đảo, lãnh thổ lãnh hải vào tay Bắc Kinh v.v…
Nhưng với đảng cộng sản VN, họ chỉ cần có vậy- giành được chính quyền và giữ được chính quyền, còn mọi cái khác, họ bất chấp.
Và tất nhiên, thua nặng nhất, nạn nhân thê thảm nhất, là nhân dân Việt Nam ở cả hai miền Nam Bắc.
Hòa hợp hòa giải dân tộc, gác lại quá khứ, hướng tới tương lai?
Có cuộc chiến nào đã kết thúc gần nửa thế kỷ nhưng trong lòng đa số người dân, dù có trực tiếp dính líu đến cuộc chiến hay không, dù ở phe nào, vẫn chưa hoàn toàn bình yên, vẫn chưa thống nhất một mối, vẫn chưa làm hòa được với nhau, như cuộc chiến VN?
Không chỉ nhà cầm quyền VN từ nhiều năm qua cứ lặp đi lặp lại cụm từ “hòa giải hòa hợp dân tộc” ở đầu môi chót lưỡi nhưng không hề làm được một hành động thành tâm thiện ý nào cụ thể, mà rất nhiều người, phần lớn chưa hề sống qua mấy ngày dưới chế độ cộng sản, cũng lên giọng chỉ trích những người khác rằng sao cứ nhắc mãi về quá khứ, tại sao không bỏ qua những hận thù cũ, cùng nhau xây dựng đất nước v.v… Thật ra mọi lời kêu gọi “hòa hợp hòa giải dân tộc” hay gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, trong một chừng mực nào đó là ngây thơ (hoặc giả dối, đứng về phía nhà nước VN) và vẫn sẽ không làm được, chừng nào chế độ độc tài toàn trị ở VN còn chưa thay đổi về bản chất.
Về phía đảng và nhà nước cộng sản, khoan hãy nói tới những điều xa vời như kêu gọi họ khoan dung, “hòa giải hòa hợp” với bên thua cuộc, hay thừa nhận những sai lầm, tội ác của họ trong quá khứ, mà trước hết họ hãy tỏ ra khoan dung đối với những người dũng cảm nói lên sự thật hiện trạng đất nước, chỉ ra những cái sai trong đường lối chính sách của nhà nước VN trong hiện tại đi đã. Chừng nào họ còn đối xử tàn bạo, dã man, coi dân như kẻ thù, chừng nào họ còn cướp đất của dân, còn không cho phép người dân mở miệng, không cho phép người dân được có những cái quyền cơ bản của một Con Người, một công dân, chừng nào họ còn coi đất nước này chỉ là của riêng của một đảng, thậm chí của riêng của một nhóm người, và muốn làm gì đất nước này thì làm…thì đừng nói đến chuyện họ khoan dung với bất cứ ai.
Và một khi họ còn hành xử như vậy thì có cửa nào để người khác hợp tác với họ xây dựng đất nước không, hay mới có mấy người ra ứng cử đại biểu Quốc hội là bị bắt hết, có mấy người định lập hội (như Hội nhà báo độc lập), định làm báo khác đi (nhóm Báo Sạch) thì cũng bị tóm hết?
Hòa giải hòa hợp ở đây chỉ có nghĩa là chấp nhận vô điều kiện chế độ độc tài VN và quyền lãnh đạo duy nhất, vĩnh viễn của đảng cộng sản. Và nếu như 95, 96 triệu người dân trong nước không có quyền gì đối với nhà nước cộng sản ngoài cái quyền đóng thuế, thì người VN ở hải ngoại cũng chỉ có một cái quyền duy nhất là gửi tiền về, hoặc bỏ tiền ra đầu tư làm lợi cho chế độ. Mà ngay cả chuyện đầu tư này cũng đã có nhiều người về VN làm ăn, cuối cùng bị nhà nước VN tìm cách “bẫy”, lấy hết tiền, trở thành trắng tay!
Ứng xử thế nào với quá khứ?
Trong khi người Việt gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng phe thua trận vẫn không thoát ra được những ám ảnh của quá khứ còn phe thắng vẫn tiếp tục “ăn mày dĩ vãng”, tiếp tục tụng ca “chiến thắng” mà không nhìn thấy hiện tại VN như thế nào, thì chúng ta có thể nhìn thấy biết bao nhiêu bài học từ các dân tộc vĩ đại trên thế giới, trong việc ứng xử với quá khứ.
Như cách người Mỹ thừa nhận mình thua trong cuộc chiến VN và mổ xẻ về những thất bại đó để không lập lại, cách người Nhật vươn mình đứng dậy sau đại bại trong thế chiến thứ Hai và trở thành một cường quốc như ngày nay, cách người Đức tự sám hối những tội ác của mình trong giai đoạn phát xít nói chung và với dân tộc Do Thái nói riêng-cả hai dân tộc Nhật, Đức ngày nay đều trở thành những quốc gia thân thiện, tích cực giúp đỡ các nước khác…Người Đức cũng có thêm tấm gương về chuyện thống nhất bằng con đường hòa bình và hòa giải hòa hợp dân tộc giữa hai miền Đông-Tây, người Mỹ là chuyện ứng xử với nhau sau cuộc nội chiến Nam-Bắc Mỹ v.v…
Điều đó cho thấy dân tộc nào biết nhìn thẳng vào sự thật, biết sám hối và biết học những bài học từ quá khứ thì dân tộc đó, quốc gia đó sẽ vượt lên quá khứ, trở thành những quốc gia giàu mạnh, tự do dân chủ, văn minh.
Điều đó cũng lý giải tại sao đảng cộng sản có thể bình thường hóa quan hệ với những cựu thù như Mỹ, Trung Quốc mà vẫn không làm hòa được với chính đồng bào của mình. Đảng cộng sản VN đã bình thường hóa quan hệ với Mỹ từ năm 1995, tức là 20 năm sau khi cuộc chiến VN kết thúc. Đối với Trung Cộng, họ còn nhanh chóng hơn, năm 1991, khi một chuỗi các cuộc đụng độ quân sự trên biên giới và hải đảo giữa hai nước kéo dài từ 1979-1989 và việc Trung Cộng đánh chiếm Gạc Ma mới xảy ra năm 1988.
Cái khác nhau là vì khi bình thường hóa quan hệ với Mỹ hay với Trung Cộng, không ai bắt họ phải nhìn lại quá khứ, mổ xẻ quá khứ, sám hối hay sửa chữa những gì họ đã làm!
Vấn đề bây giờ không chỉ riêng đảng và nhà nước cộng sản mà chỉ khi nào người VN chúng ta có thể ứng xử với quá khứ như một số các dân tộc vĩ đại khác, thì chúng ta mới có hy vọng bước qua quá khứ, hướng tới tương lai được, thế thôi.