Trần An-Bee – VOA
Tôi đang cố gắng tìm một biểu tượng cho buổi họp nhóm của mình thì nghĩ đến một đồng nghiệp. Liên hệ với cô ấy và tôi mượn được một cái giá đựng nến nhỏ để trang trí và làm tâm điểm cho buổi họp mặt nhóm. Cái giá đựng nến được làm từ đất sét này chỉ to bằng khoảng hai bàn tay của người lớn. Những hình người bằng đất sét tay nắm tay tạo thành một vòng tròn, cùng hướng về trung tâm nơi có ngọn nến được thắp sáng. Nhìn vào đó tôi hy vọng bước đầu đã giúp những người tham dự ngày họp nhóm nghĩ đến sự hiệp nhất, đồng tâm và bình đẳng. Với mong ước đó, bên cạnh những món ngon đã được các tham dự viên chuẩn bị đem đến, cộng thêm một số các chia sẻ đã được một vài thành viên chủ trì buổi họp trao đổi, và một chương trình chặt chẽ; buổi họp nhóm để tìm kiếm tiếng nói chung cho các vấn đề của nhóm cũng như cho kế hoạch hoạt động thiện nguyện tương lai chắc sẽ đem lại nhiều điều tích cực.
Chộn rộn đón tiếp, chào hỏi nhau từ bên ngoài, vào đến phòng họp, có người lên tiếng: “Ôi, cái hình người gì mà kỳ cục thế, chẳng có mắt mũi gì!” – Nghe thế, có người hoạ theo: “Sao không chọn cái hình người Việt Nam, mặc áo dài, hay áo bà ba thì sẽ đẹp hơn”; Có ai đó tiếp lời: “Tôi nghĩ, nếu cái cục này được mài dũa cho mượt mà rồi sơn và vẽ lên nữa thì ai nhìn cũng thấy ngay hình người”. May mắn là có một người trong nhóm nói to: “Ai tìm được cái biểu tượng này thế? Nghệ thuật và ý nghĩa quá chừng. Mọi người cùng nắm tay, không kể xấu đẹp, mắt lé hay miệng móm, lùn hay cao đều được ở trong vòng tròn”. Thế là… cả nhóm không ai bình luận gì nữa.
Liên hệ từ kinh nghiệm cá nhân với nhóm người Việt mà tôi làm việc cùng và những kinh nghiệm trong môi trường giáo dục ở Úc, tôi mỉm cười vì những quan điểm về biểu tượng thật khác xa giữa các nền văn hoá.
Biểu tượng, theo một số định nghĩa, thì đó là nền tảng của văn hoá. Biểu tượng thường được dùng để nói về một ẩn ý sâu xa. Đó có thể là một vật thể, một từ, một hành động để diễn tả một ý nghĩa hay khái niệm trừu tượng nào đó. Có những biểu tượng mang tính toàn cầu, biểu tượng khác lại được biểu thị cho những nghi thức hay khái niệm tôn giáo hoặc cũng có khi dùng để liên kết con người trong một nhóm, một tổ chức, một quốc gia vì một mục tiêu chung.
Những biểu tượng mang tính toàn cầu có thể được kể đến như trái tim – biểu tượng cho tình yêu; các dấu mũi tên theo các chiều để chỉ hướng; nét hoạ biểu tượng của hoà bình là chim bồ câu. Còn các biểu tượng mang tính tôn giáo, tâm linh như: thánh giá, con cá, cành nho; bàn tay chắp lại hoặc hoa sen là biểu tượng của các vấn đề về tinh thần, tôn giáo v.v. Và thông thường, đã là biểu tượng thì muôn hình vạn trạng, đủ mọi hình thức thể hiện và nghệ thuật được áp dụng. Nhưng có một điều khá chung là các biểu tượng cũng rất thường xuyên không được vẽ hay miêu tả cách rõ ràng, chi tiết, mà là mượn “hình dạng” này để nói về ý nghĩa kia. Một biểu tượng đơn giản đôi khi lại có giá trị hơn ngàn lời nói.
Gần đây người ta nói nhiều về những biểu tượng để quy tụ người đấu tranh cho hoà bình, tự do, độc lập như: dù vàng là biểu tượng của cuộc cách mạng tại Hồng Kông; bàn tay đen nắm lại là biểu tượng của các cuộc biểu tình đòi quyền lợi của người da đen; hoặc kiểu chào ba ngón tay của người Thái và Miến Điện trong các cuộc đấu tranh thời gian qua.
Có thể nói, biểu tượng có ý nghĩa và sức mạnh quy tụ kỳ diệu đối với những tập thể con người. Tuy biểu tượng thường được tạo ra và mục đích là để khi nhìn vào đó đa số sẽ đọc ra được ý nghĩa của nó, thấy được điểm chung ngay. Dù vậy, vẫn có những yêu cầu tối thiểu để đọc và hiểu được ý nghĩa của các biểu tượng, như tư duy trừu tượng, thiêng liêng, tích cực. Đôi khi cũng đòi hỏi có một kiến thức phù hợp cũng như có sự nhạy bén và liên kết giữa kiến thức và mối liên hệ tình cảm, văn hoá và triết lý sâu xa.
Giáo dục đóng một vai trò rất quan trọng trong việc chuẩn bị cho con người các kỹ năng xây dựng, sáng tạo biểu tượng cũng như đọc được ý nghĩa bên dưới các biểu tượng, và sử dụng chúng cách hiệu quả trong đời sống.
Tham khảo chương trình giáo dục tổng thể của Phần Lan, Úc, Mỹ, Anh, Hồng Kông, Nhật Bản và Việt Nam, thực ra việc giúp học trò có kiến thức về ý nghĩa của các biểu tượng và phát triển khả năng sáng tạo các biểu tượng hầu như không có. Nhưng cái khác giữa các nước này và Việt Nam là tận dụng mọi phương pháp và những gì thấy trong cuộc sống để liên kết với giáo dục và với con người. Sau đó, các nhà giáo hướng dẫn học trò trong một số trường hợp, thay vì dùng chữ viết thì sáng tạo hình ảnh, các nét phác hoạ hay sử dụng vật thể để diễn đạt ý nghĩa mà mình muốn nói đến.
Ví dụ, tác phẩm The word spy của Ursula Dubosarky là một tiểu thuyết dành cho lứa tuổi cấp 2-3. Tác phẩm này được học sinh của tôi chọn là “tiểu thuyết của lớp” để đọc mỗi ngày vài trang cùng nhau. Các em thảo luận và phân tích xuất xứ của chữ, đặc biệt là chữ được hình thành như thế nào qua dòng thời gian. Con người đã sử dụng rất nhiều biểu tượng như dụng cụ lao động, cây cối, muông thú để diễn đạt cho các suy nghĩ của mình trong thời gian trước khi hình thành chữ viết. Lịch sử hình thành Tiếng Anh cũng thế. Đó là một ngôn ngữ được mượn từ rất nhiều ngôn ngữ khác nhau, sử dụng các biểu tượng, rồi sau đó chỉnh sửa, phát triển lại thành hệ thống chữ a-b-c như hiện nay ta thấy. Trong quá trình đọc truyện, học sinh hào hứng khám phá sự lạ lùng của biểu tượng và ý nghĩa của chúng. Các em yêu thích việc được tự mình sáng tạo thêm các biểu tượng, ngữ nghĩa, mật mã và tưởng tượng ra rằng một ngày nào đó các biểu tượng, mật mã và chữ mới được bản thân sáng tạo ra sẽ được sử dụng rộng rãi như chúng đã từng trong lịch sử. Đó là một kinh nghiệm khá thú vị vừa nâng cao khả năng tư duy trừu tượng, vừa khơi gợi được lòng ham mê học hỏi, tìm kiếm cái đẹp, và sáng tạo cái mới mà không đánh mất đi bản chất vốn có của vật thể hay của vấn đề.
Nếu phụ huynh có con em học đi học tại các nước như Úc, Mỹ, Nhật Bản, và những ai có kinh nghiệm cá nhân hoặc có con em học ở Việt Nam, thì sẽ thấy sự khác biệt rõ ràng trong việc kết nối biểu tượng trong các môn học với cuộc sống và các mối liên hệ hàng ngày. Khác với Việt Nam, các em học sinh ở các nước trên không học bộ môn như những gì tách rời khỏi cuộc sống. Chương trình giáo dục đã tạo cơ hội và hướng dẫn các em ngay từ nhỏ đã biết tạo những khoảng dừng cá nhân để quan sát thế giới xung quanh, để tĩnh lặng, và để nhìn nhận, phản ảnh bài học của mình trong tất cả các môn học qua cuộc sống hàng ngày. Từ những hòn đá cuội nhẵn nhụi cho đến những thân cây xù xì, gai góc và trơ trọi gốc rễ. Từ những con côn trùng phá hoại mùa màng cho đến những loài côn trùng đem lại lợi ích cho mùa màng hay làm giàu chất dinh dưỡng cho đất. Hay các thái độ ứng xử giữa người với người; các câu ví von đầy ẩn ý; hoặc các giá trị tinh thần đàng sau một vật thể hữu hình v.v. Các em được mời gọi, khuyến khích để tập tành phân tích và chuyển tải các điều mình muốn nói, viết, thay vì bằng chữ thì sử dụng những hình ảnh trong thiên nhiên, trong cuộc sống để diễn đạt.
Chính những khoảng lặng quý giá, những suy tư liên kết, và những thời khắc để nhìn nhận cảm xúc của bản thân, các em đã trở nên sáng tạo và sâu sắc hơn trong việc thể hiện ý tưởng của mình. Nhìn những tấm áp phích, những tấm thiệp, những dây ruy băng màu sắc đeo trên ngực trái; đôi khi chỉ là những nét vẽ nguệch ngoạc, những màu sắc đơn sơ hay sắc màu rực rỡ tuỳ theo mục đích và ý nghĩa, đã có thể thay lời muốn nói cho rất nhiều thông điệp dài đằng đẵng.
Biểu tượng là những gì được lấy từ cuộc sống. Tuy nhiên, nếu không có sự tư duy, kiến thức sâu rộng, tâm hồn sâu sắc, thì con người ta cũng khó lòng tạo ra biểu tượng hay không đọc được ý nghĩa của chúng. Hãy nhìn các bức tranh vẽ mang tính biểu tượng để kêu gọi việc bảo vệ môi trường; nhìn các dây ruy băng tím đeo trên ngực áo để cổ võ cho quyền lợi của phụ nữ; hay nhìn hình vẽ trái tim còn nguệch ngoạc của một em bé để thể hiện tình yêu của mình với ba mẹ; không một chữ viết nào được sử dụng ở các biểu tượng trên, nhưng đôi khi chỉ cần nhìn vào đó, tâm hồn con người đã dấy động biết bao thôi thúc, khát khao về một điều tốt đẹp nào đó.
Người Việt Nam, xã hội Việt Nam cần lắm những khoảng lặng để suy tư và phản ảnh. Cũng cần lắm những bài học không mang tính hình thức, nhưng là kết nối với cuộc sống con người. Có như thế thì người Việt mới có thể tạo ra những biểu tượng mạnh mẽ của riêng mình, giống như cách mà người dân Miến Điện đang dùng cử chỉ chào ba ngón tay để quy tụ mọi người về một mối, cho một mục đích đấu tranh duy nhất: quyền tự quyết trong bầu cử của người dân.
Phải chăng chúng ta cũng đang khao khát một biểu tượng như thế cho dân tộc mình?!