Hiện nay tổng vốn đầu tư toàn xã hội của Việt Nam được phân bổ như sau: khu vực nhà nước chiếm 33,5%, khu vực tư nhân chiếm 44,4%, và khu vực FDI là 22,1%. Tính gộp lại thì khu vực nhà nước và tư nhân chiếm đến 77,9% tổng vốn xã hội tuy nhiên họ chỉ chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu và hầu hết sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam là chế biến và gia công. Ngược lại khối FDI chỉ chiếm 22,1% tổng vốn xã hội nhưng chiếm đến 71,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều đáng nói là mặt hàng FDI xuất khẩu phần lớn là sản phẩm công nghệ.
Nói chung việc làm nên con số tăng trưởng, tổng thu nhập quốc gia GDP đều chủ yếu nhờ FDI. Được biết, năm 2020 tốc độ tăng trưởng vốn trong khối doanh nghiệp nhà nước là 13%, trong khi đó tăng trưởng vốn của khối doanh nghiệp tư nhân là 3% và tăng trưởng vốn của FDI là -3%. Tuy nhiên, dù vốn giảm nhưng tỷ trọng xuất khẩu của khối FDI lại tăng từ 70% năm 2019 lên 71,9% năm 2020. Điều đó cho thấy sức mạnh của khối doanh nghiệp nội (gồm doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước) là rất kém. Nói cho dễ hiểu thì doanh nghiệp trong nước to xác nhưng cơ thể đầy bệnh hoạn, còn FDI tuy nhỏ nhỏ con nhưng rất khỏe mạnh.
Được biết quý I năm 2021, Việt Nam có hơn 40.000 (bốn mươi ngàn) doanh nghiệp bị phá sản. Tuy nhiên điều đáng nói là các doanh nghiệp quốc doanh chẳng ông nào bị phá sản cả. Vì sao vậy? Chả nhẽ doanh nghiệp quốc doanh hoạt động hiệu quả hơn doanh nghiệp tư nhân? Không phải vậy, trong 3 loại doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay thì ông quốc doanh làm ăn bết bát nhất, tuy nhiên nó lại được nâng đỡ bằng nguồn tiền ngân sách. Đó cũng là thứ bất công đã làm nên nền kinh tế Việt Nam trì trệ và mãi phải phụ thuộc vào FDI mà chưa thể trụ được trên loại doanh nghiệp trong nước.
Chi phí đầu tư Nghiên cứu và Phát triển – R&D so với GDP là tỷ lệ cho thấy định hướng phát triển của quốc gia đó. Nếu đầu tư vào R&D càng cao thì quốc gia đó càng hướng tới nền kinh tế tri thức, làm việc hiệu năng cao và nền kinh tế sinh lời càng lớn. Ngược lại, mức đầu tư vào R&D quá thấp thì điều đó cho thấy quốc gia đó rất khó chuyển đổi từ nền kinh tế gia công sang nền kinh tế tri thức được. Theo thống kê của UNESCO cho biết thì hiện nay đầu tư cho R&D của Việt Nam chỉ là 0,4% GDP, trong khi đó Trung Quốc là 2%, Mỹ 2,7% và Đức 2,9%.
Việt Nam đang bị rơi vào thực trạng là có muốn tăng chi phí R&D cũng không tăng được vì nền giáo dục nước này tạo ra nhân lực kém chất lượng không phù hợp với khả năng R&D. Hằng năm, lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường hàng chục vạn người, tuy nhiên phần nhiều trong họ là thích hợp với chạy Grab hơn là làm R&D, chính vì vậy mà các doanh nghiệp FDI luôn than vãn rằng họ thiếu nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao. Đó là thực tế đáng buồn. Phải nói nền giáo dục Việt Nam quá nát và không thể sửa chữa được nữa. Ông tân bộ trưởng Bộ Giáo Dục Nguyễn Kim Sơn chắc chắn cũng sẽ không làm gì được để thay đổi nền giáo dục này.
Cái tử huyệt của nền kinh tế Việt Nam là khối doanh nghiệp nhà nước. Loại hình này kém hiệu quả nhất trong 3 loại hình doanh nghiệp. Nguyên nhân là, tiền của thiên hạ chứ không phải tiền túi của mình nên “dại gì không phá”?! Thực tế, trong khối doanh nghiệp nhà nước còn mang nặng bản chất “lý lịch” rất đặc trưng CS, các sếp chủ yếu ưu tiên cho người nhà thay vì ưu tiên cho nguồn chất xám. Mà như ta biết, chất xám ở Việt Nam vốn đã hiếm mà nó lại ít tụ vào khối quốc doanh, vì thế mà loại doanh nghiệp này vốn kém hiệu quả nay lại còn kém hơn. Như vậy ĐCS định hướng cho khối doanh nghiệp quốc doanh làm “sếu đầu đàn” cho nền kinh tế là định hướng sai ngay từ bước đi cơ bản.
Để thực hiện chính sách dùng doanh nghiệp nhà nước làm “sếu đầu đàn” thì ngay từ năm 2018, đảng đã cho thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh Nghiệp. Người đứng đầu Ủy ban này là một Ủy viên Trung ương đảng ngang bằng với cấp hàm bộ trưởng. Người ta gọi Ủy ban này là một “siêu ủy ban” vì nó nắm trong tay 18 tập đoàn và tổng công ty nhà nước với tổng vốn lên đến 100 tỷ đô la. Nhờ Ủy ban này mà các tập đoàn nhà nước thua lỗ là được nhà nước lấy tiền dân giải cứu cho nó. Vụ nhà nước xuất 4000 tỷ cho Vietnam Airlines mượn là một trong vô số ví dụ về sự bất công đó.
Để chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam đi từ lượng sang chất thì vấn đề là phải cải cách thể chế chính trị. Khi còn thể chế chính trị này thì nền giáo dục vẫn duy thì sự thối nát như thế này mãi và điều đó kéo theo chất lượng nguồn chất xám cho nền kinh tế cứ thiếu thì làm sao thay đổi được chất cho nền kinh tế? Thêm vào đó chính ĐCS đã định hướng sai ngay từ bước đi cơ bản cho nền kinh tế thì có thể nói dù trăm năm nữa nền kinh tế Việt Nam cũng chưa thể chuyển từ lượng sang chất được. Năm 1999, khi trả lời phỏng vấn của Reuters, tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh đã nói rằng “việc cải cách kinh tế ở Việt Nam đến đây gặp bế tắc” bởi ông đã đề nghị Nguyễn Văn Linh cải cách thể chế chính trị cho người ngoài đảng vào nắm vị trí quản trị đất nước nhưng bị từ chối.
Ông tân thủ tướng CS Việt Nam – Phạm Minh Chính là người được ca tụng là đã viết sách về kinh tế. Tuy nhiên nếu ông Phạm Minh Chính trên cương vị mới mà không nhận ta chính sách sai căn bản như đã nêu thì xem như ông cũng không làm gì khác ông Nguyễn Xuân Phúc. Được biết chủ trương dùng doanh nghiệp nhà nước làm “sếu đầu đàn” là của đảng chứ không phải của chính phủ. Vậy nên cũng nói thẳng là ông Phạm Minh Chính cũng sẽ không làm gì được để thay đổi chủ trương thiếu sáng suốt này đâu. Phạm Minh Chính lên cũng chẳng hứa hẹn gì nhiều. Nếu tìm lối thoát cho nền kinh tế, chỉ còn một con đường là ngã về Tàu để xúc tiến chính sách đặc khu kinh tế, hết./.
-Đỗ Ngà-
Tham khảo:
https://baodautu.vn/von-dau-tu-toan-xa-hoi-9-thang-tang…
https://www.thesaigontimes.vn/…/hon-40000-doanh-nghiep…
https://vietnambiz.vn/duyet-tai-cap-von-toi-da-4000-ty…
https://www.thesaigontimes.vn/…/co-nen-de-dnnn-dan-dat…
http://uis.unesco.org/…/research-and-development-spending/
https://nhandan.com.vn/…/infographic-nam-hoc-2018-2019…/
https://www.voatiengviet.com/…/a-19-a-2003…/516513.html
#PhạmMinhChính #kinhtevn