GDP không giúp người dân bớt đi nỗi lo cơm áo gạo tiền của ngày mai, nhưng lại thêm lo lắng về một đợt gia tăng vay nợ và chi tiêu công mới
“Tổng cục Thống kê đang tiến hành đánh giá lại quy mô GDP. Đây là nhiệm vụ thường xuyên và định kỳ của bất kỳ một cơ quan thống kê quốc gia nào trên thế giới. Tổng cục Thống kê đánh giá lại quy mô GDP theo phương pháp sản xuất, vì vậy không phải là cách tính mới”.
Đánh giá lại để hội nhập
Theo người đứng đầu ngành thống kê, hiện có 3 phương pháp dùng để biên soạn chỉ tiêu thống kê GDP (Gross Domestic Product, tổng sản phẩm nội địa) gồm: Phương pháp sản xuất, phương pháp sử dụng và phương pháp thu nhập. Hiện, Tổng cục Thống kê Việt Nam đang sử dụng 3 phương pháp này trong biên soạn chỉ tiêu GDP. Hàng quý Tổng cục Thống kê dùng phương pháp sản xuất và phương pháp sử dụng và 5 năm sử dụng phương pháp thu nhập.
Vẫn theo lý luận từ người đứng đầu Tổng cục Thống kê, việc đánh giá lại quy mô GDP có nhiều lý do.
Trước hết là nhằm đảm bảo thông lệ quốc tế. Trong quá trình biên soạn chỉ tiêu GDP ở bất cứ quốc gia nào luôn có những vấn đề phát sinh cần rà soát, đánh giá lại cả trong ngắn hạn và trong dài hạn. Cơ quan Thống kê Liên hợp quốc đưa ra ba vòng đánh giá lại số liệu GDP nhằm xử lý nhưng bất cập nảy sinh trong quá trình biên soạn số liệu.
Vòng 1 và vòng 2 là những đánh giá lại ngắn hạn và được các nước thực hiện thường xuyên trong quá trình biên soạn GDP. Vòng 3 thực hiện điều chỉnh hơn, thường được triển khai khi có kết quả các cuộc tổng điều tra.
Vậy là bắt đầu từ năm nay, GDP của Việt Nam đã được điều chỉnh tăng 25% thành 9 triệu tỷ đồng. Với tốc độ tăng trưởng 4,5% trong quý 1-2021, Việt Nam có thêm 405 ngàn tỷ. Trong khi đó, nếu không điều chỉnh, GDP năm nay là 6,3 triệu tỷ. Để làm ra 405 ngàn tỷ trong Quý 1 như nêu trên, nền kinh tế phải tăng trưởng 6,4%. Đây là tốc độ tăng trưởng hoàn toàn bình thường như các quý 1 khác, thậm chí cao hơn. Có nghĩa là chả có tác động Covid, Coveo gì cả; chả có lockdown, phong tỏa; chả có rau củ thối rục trên đồng; chả có cấm bay quốc tế; chả có khách sạn, nhà hàng nào đóng cửa.
Triển vọng tương lai là bị âm tính?
“Lãnh đạo Việt Nam cũng tỏ ra rất lạc quan cùng với đánh giá của World Bank về bầu trời trong sáng của Việt Nam, trong khi bầu trời kinh tế nói chung trên thế giới là ảm đạm” – ông Đặng Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Phát triển Nông thôn (RDSC), nói.
“Tôi muốn lưu ý một nhận định của cơ quan đánh giá độc lập là Moody, họ cho biết là ở Việt Nam họ vẫn giữ nguyên mức tín nhiệm đối với tài chính của Việt Nam, nhưng họ cho rằng triển vọng tương lai là bị âm tính” – ông Đặng Ngọc Quang cảnh báo.
Nhà báo Hoàng Tư Giang của tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn, cảm thán: “Nói thế thôi chứ thực ra tôi không thể hiểu được đâu. Số liệu ở ta như ma ấy, nó ảo ảnh, biến đổi khôn lường. Hôm nay muốn nghe đồng nghiệp nào đó hỏi chuyện này ở buổi họp báo cuối cùng, mà tịnh không thấy.
Đã thế, các nhà tài trợ nước ngoài lại tung tẩy thổi ống đu đủ. IMF thổi tăng trưởng 6,5%, ông Fitch thổi tới 7,5%, ông Standard Chartered thổi 6-8%, thậm chí ông Euromonitor nào đó còn thổi tới 11%. Mà toàn trên nền tảng GDP là 9 triệu tỷ. Trong thổi, ngoài thổi, mây đen chắc dạt hết, mặt trời lại rực rỡ trên đầu”.
Người viết không dám phê phán chuyện mặt trời quá xa xôi. Đơn giản thôi về chuyện cách tính toán thống kê.
Cần thấy rằng GDP thực tế được đưa ra nhằm điều chỉnh lại của những sai lệch như sự mất giá của đồng tiền trong việc tính toán GDP danh nghĩa, để có thể ước lượng chuẩn hơn số lượng thực sự của hàng hóa và dịch vụ tạo thành GDP.
GDP thứ nhất đôi khi được gọi là “GDP tiền tệ”, trong khi GDP thứ hai được gọi là GDP “giá cố định”, hay GDP “điều chỉnh lạm phát”, hoặc “GDP theo giá năm gốc”, mà năm gốc được chọn theo luật định.
Nôm na, GDP, như một chỉ số về kích cỡ của nền kinh tế, nhưng lại không chuẩn xác trong đánh giá mức sống.
Bởi GDP không tính đến kinh tế ngầm, kinh tế phi tiền tệ như kinh tế trao đổi, các công việc tình nguyện, chăm sóc trẻ em miễn phí do các ông bố bà mẹ (không làm việc) đảm nhiệm hay sản xuất hàng hóa tại gia đình, giá trị của thời gian nghỉ ngơi và ô nhiễm môi trường. Vì vậy, tại các nước mà việc kinh doanh thực thi một cách không chính thức chiếm phần lớn thì số liệu của GDP sẽ kém chính xác.
GDP cũng không tính đến tính hài hòa của sự phát triển. Ví dụ một nước có thể có tốc độ tăng trưởng GDP cao do khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên. Hơn thế, GDP tính cả những công việc không đem lại lợi ích ròng và không tính đến những hiệu ứng tiêu cực. Ví dụ, một xí nghiệp làm tăng GDP nhưng gây ô nhiễm một con sông, và người ta phải đầu tư để cải tạo lại môi trường – Formosa ở Hà Tĩnh là một đơn cử. Việc này cũng làm tăng GDP.
Thay lời kết
GDP cũng không cho Đảng và Nhà nước hiểu rõ sự phản ánh trung thực của sự phân chia lợi ích trong phạm vi đất nước. Có thể có những nhóm người không thu được lợi ích gì từ lợi ích kinh tế chung. GDP cao có thể là kết quả của một số người giàu có đem lại cho nền kinh tế, trong khi phần lớn dân chúng sống dưới mức nghèo khổ, đặc biệt là dịch Covid-19 kéo dài 2 năm rồi…
Sau tất cả, bất kể được tính toán khách quan hay không, GDP mới và các chỉ số đi kèm vẫn chỉ là các thống kê trên sổ sách. Nó không giúp người dân bớt đi nỗi lo cơm áo gạo tiền của ngày mai, nhưng lại thêm lo lắng về một đợt gia tăng vay nợ và chi tiêu công mới./.
#kinhtếvn #tăngtrưởngGDP