Một ngày sau khi quân đội Tatmadaw đe dọa trên truyền hình nhà nước sẽ bắn “vào đầu hoặc lưng” những người biểu tình, có ít nhất 91 người, trong đó có một bé gái 13 tuổi, được xác nhận là đã bị quân đội chế độ giết hại trên toàn quốc Myanmar vào chiều thứ Bảy.
Người dân địa phương và các nhân viên cứu hộ nói rằng con số tử vong sẽ tăng lên trong lúc các lực lượng vũ trang vẫn đang tham gia một cuộc đàn áp tàn bạo đối với công chúng Myanmar vào thời điểm báo cáo.
Trong khi các lãnh đạo quân đội kỷ niệm Ngày Lực lượng Vũ trang lần thứ 76 tại thủ đô Naypyitaw, người dân đã xuống đường trên khắp đất nước để biểu thị dịp này là “Ngày chống chế độ độc tài quân sự”.
Ngày 27 tháng 3 là kỷ niệm Myanmar bắt đầu cuộc kháng chiến vũ trang chống lại sự chiếm đóng của Nhật Bản vào năm 1945.
Các nhà ngoại giao cho biết tám quốc gia gồm có Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Việt Nam, Pakistan, Bangladesh, Lào và Thái Lan đã cử đại diện tham dự lễ duyệt binh năm nay, nhưng đặc biệt Nga là nước duy nhất cử một quan chức cấp cao.
Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin đã tham dự lễ duyệt binh và gặp gỡ các nhà lãnh đạo quân đội cấp cao Myanmar một ngày trước đó. Lãnh đạo quân đội Myanmar, tướng Min Aung Hlaing, công bố cho rằng, “Nga là một người bạn thực sự.”
Sự kiện Nga bắt tay với Trung Quốc tại Myanmar được coi như một thách thức đối với chính quyền Hoa Kỳ vào đúng thời điểm quan hệ Mỹ-Nga đạt mức thấp mới sau khi Joe Biden gọi Vladimir Putin là kẻ giết người.
Trong bài phát biểu kéo dài 30 phút tại lễ duyệt binh, tướng Min Aung Hlaing cho rằng, “quân đội sẽ bảo vệ người dân Myanmar và phấn đấu cho dân chủ”. Trong cùng lúc, các lực lượng vũ trang dưới quyền lãnh đạo của ông ta đã bắn chết hàng loạt người biểu tình ở ít nhất 35 thành phố trên khắp đất nước, tạo ra số người chết cao nhất được biết đến trong một ngày kể từ khi cuộc kháng chiến chống đảo chính bắt đầu vào đầu tháng Hai.
Báo Myanmar Now xác nhận ít nhất 16 người chết ở các thị trấn của Yangon, bao gồm Dala, Insein, North và South Dagon, Sanchaung, Hlaing và Thingangyun vào sáng sớm thứ Bảy. Ít nhất bốn người đã thiệt mạng ở thị trấn ngoại ô Dala khi quân đội của chế độ nổ súng vào người biểu tình yêu cầu trả tự do cho hai phụ nữ đã bị bắt một ngày trước đó.
Tại vùng Mandalay, có ít nhất 10 người đã bị bắn hạ trong các cuộc tấn công nhằm vào các cuộc xuống đường chống đảo chính. Một bé gái 13 tuổi ở Meikhtila đã bị bắn trong nhà của mình sau khi lực lượng vũ trang của quân đội nổ súng vào các khu dân cư của thành phố.
Bốn người cũng đã thiệt mạng ở Insein, trong đó gồm có Chit Bo Bo Nyein, 21 tuổi. Một em bé một tuổi đã bị thương sau khi bị đạn cao su bắn vào mắt ở khu vực Thamine của thị trấn Mayangone Township tại Yangon. Tại thành phố Lashio, miền Bắc của tiểu bang Shan, ít nhất 4 người bị quân đội Tatmadaw bắn chết.
“Hôm nay là một ngày đáng xấu hổ đối với các lực lượng vũ trang,” ông Sasa, một bác sĩ y khoa và phát ngôn viên của CRPH, một nhóm chống chính quyền do các nhà lập pháp bị phế truất thành lập, nói trên một diễn đàn trực tuyến.
“Ngày thứ 76 của lực lượng vũ trang Myanmar sẽ được khắc ghi là một ngày của khủng bố và ô nhục”, phái đoàn EU tại Myanmar cho biết. “Việc giết hại thường dân không vũ trang, bao gồm cả trẻ em, là hành động không thể chối cãi.”
LỰC LƯỢNG VŨ TRANG LIÊN MINH QUỐC GIA KAREN ĐÁNH CHIẾM CĂN CỨ CỦA QUÂN ĐỘI TATMADAW
Tổ chức vũ trang dân tộc nổi tiếng và lâu đời nhất của Myanmar, Liên minh Quốc gia Karen (KNU) hôm thứ Bảy thông báo rằng họ đã đánh chiếm một căn cứ quân sự của quân đội Myanmar (Tatmadaw) ở quận Hpapun thuộc tiểu bang Kayin.
Người phát ngôn của KNU, Padoh Man Man, cho biết Lữ đoàn 5 đã mở cuộc tấn công vào căn cứ quân sự Thee Mu Hta trong khi quân đội Tatmadaw đang kỷ niệm Ngày Lực lượng Vũ trang tại thủ đô hành chính Naypyitaw. Có ít nhất 10 binh sĩ của quân đội Tatmadaw đã bị thiệt mạng và 8 con tin đang bị bắt giữ.
Đến 8 giờ đêm cùng ngày, phe quân đội Tatmadaw đã đưa các máy bay đến thả bom lên ngôi làng Day Bu Noh trong vùng kiểm soát của Lữ đoàn 5, khiến cho dân làng phải bỏ chạy vào trong các khu vực rừng núi. Có ít nhất 4 quả bom đã rơi xuống ngôi làng này.
KNU là một trong 10 nhóm nổi dậy đã tham gia đàm phán với quân đội trong nhiều năm kể từ khi ký kết Thỏa thuận ngừng bắn trên toàn quốc vào năm 2015. Tuy nhiên, các nhóm đã đình chỉ đối thoại chính trị với quân đội vào tháng trước sau một cuộc đàn áp tàn bạo đối với các cuộc biểu tình chống lại cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2.
KNU cũng từ chối lời mời đàm phán với Tướng Min Aung Hliang của chế độ quân đội.
Lãnh đạo KNU Padoh Saw Mutu Say Poe cho biết ông sẽ không gặp Tướng Min Aung Hliang cho đến khi Tatmadaw thực hiện tất cả 8 yêu cầu trong bức thư của KNU phản hồi cho quân đội vào ngày 22 tháng 3, phản ánh mong muốn của người dân Myanmar.
KNU yêu cầu Tatmadaw:
(1) Dỡ bỏ các chốt quân sự ở khắp mọi nơi và tuyên bố ngừng bắn trên toàn quốc.
(2) Trả tự do cho tất cả những người bị bắt bất hợp pháp kể từ ngày 1 tháng 2.
(3) Cho phép hỗ trợ y tế cho những người biểu tình ôn hòa.
(4) Theo thỏa thuận NCA, cảnh sát và quân đội cần tuân theo các quy định sau để bảo vệ dân thường: Tránh các hành vi vi phạm nhân phẩm của một người; tránh cưỡng bức lấy tiền, tài sản, thực phẩm, sức lao động hoặc dịch vụ từ dân thường; tránh cản trở quyền được chăm sóc sức khỏe của một cá nhân; tránh phá hủy trường học và bệnh viện; tránh bất kỳ hình thức tấn công tình dục nào đối với phụ nữ, bao gồm quấy rối tình dục, tấn công tình dục hoặc bạo lực, hãm hiếp và nô lệ tình dục.
(5) Bãi bỏ tất cả các luật và điều khoản đã được thông qua sau ngày 1 tháng 2 vi phạm quyền của dân thường.
(6) Đồng ý về việc giải quyết xung đột vũ trang 70 năm.
(7) Đồng ý về sự can thiệp của quốc tế, đàm phán các vấn đề và bàn giao quyền lực nhà nước cho chính phủ thống nhất.
(8) Tamadaw chính thức tuyên bố xây dựng liên bang và chính thức tuyên bố tránh xa chính trị./.
Người Đà Lạt Xưa