Chuyện kể rằng Oxford là một đại học lừng danh thế giới có gần ngàn năm nay. Đại học Oxford được chia ra thành nhiều trường (college). Trong số đó New College được thành lập năm 1379. Cũng như các college khác, New College có một phòng ăn chung rộng lớn. Trên trần của phòng ăn có các xà ngang bằng gỗ sồi to lớn, dài 13 thước. Năm trăm năm sau khi thành lập, đến thế kỷ 19 có người leo lên các xà ngang này để xem xét thì khám phá ra gỗ có đầy các con bọ cánh cứng (beetles). Khi được báo cáo thì ban quản trị trường lo vô cùng. Thời buổi này làm sao mà tìm ra được gỗ sồi vừa to, vừa dài như thế để thay cho các xà ngang bị bọ ăn.
Cuối cùng có người chợt nhớ ra là trường có một số mảnh đất rừng. Số là lúc thành lập, trường được cấp cho một số đất đai để tùy nghi sử dụng. Các mảnh đất này được giao cho một ban lâm nghiệp để quản lý. Biết đâu chừng tìm được gỗ lớn chăng. Khi hỏi thăm thì mới biết là có một khoảnh rừng được dành riêng ra để chỉ trồng các cây sồi. Từ đời này qua đời nọ, ban lâm nghiệp dặn dò nhau là không được đốn các cây sồi này. Để dành chúng cho hậu thế phòng khi cần đến vì người xưa biết gỗ sồi hay bị các con bọ cánh cứng phá hư.
Câu chuyện này nửa phần thực, nửa phần hư, hai phần mắm, một phần muối cho đậm đà của một chuyện ngụ ngôn. Thật ra thì không có khoảnh rừng nào được dành riêng để trồng cây sồi cả. Đất của trường nói chung có trồng đủ loại cây sồi, cây phỉ (hazel), cây tần bì (ash). Các loại cây khác thì được khai thác mỗi hai chục năm, còn cây sồi thì để dành đó để đáp ứng các nhu cầu cần gỗ to lớn trong xây cất.
Câu chuyện cho chúng ta bài học về việc tính chuyện lâu dài. Nói về chuyện lâu dài thì ai ai trong chúng ta cũng thường lo tương lai cho con cháu. Dành dụm tiền cho con đi học hành đến nơi đến chốn. Và cùng dành dụm cho tuổi già của mình. Nghĩ đến chuyện lâu dài cho mình, cho con cháu, nhưng ít ai nghĩ đến chuyện lâu dài của thiên nhiên, mà nhân loại thì không thể sống tách rời khỏi thiên nhiên được.
Nghe đến chuyện khí hậu biến đổi toàn cầu, chúng ta có thể nghĩ đó là chuyện xa vời, còn lâu mới đến. Có thể. Nhưng cũng có thể đến đời con, đời cháu chúng ta thì chúng sẽ nhận lãnh hệ quả. Đối với nhà nông ở đồng bằng sông Cửu Long, khi mà nước mặn tràn vào đồng ruộng thì đó không còn là chuyện xa vời nữa. Ở nhiều đảo tiểu quốc trong vùng Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, nước biển đã lõm bõm vô tới nhà, thì đó không còn là chuyện viển vông nữa. Nhiều nơi trên thế giới, thời tiết trở nên khắc nghiệt, bất thường hơn. Như chuyện bão tuyết ở tiểu bang Texas, Hoa Kỳ vừa rồi.
Bạn có thể tự hỏi làm gì được đây? Thân phận nhỏ bé của con người biết làm gì để thay đổi một việc to lớn như thế? Điều đầu tiên chúng ta có thể làm là hãy quan tâm, hãy tìm hiểu, hãy chia sẻ mối quan tâm đến với nhiều người khác, hãy làm hành động nhỏ cho môi trường. Khi số lượng người quan tâm đủ lớn, đủ đông tất sẽ bật lên những đòi hỏi, việc làm cụ thể. Khi cả thế giới quan tâm và có hành động cụ thể thì hy vọng nhân loại sẽ đổi biến được chuyện khí hậu biến đổi toàn cầu. Hãy tính chuyện lâu dài cho trái đất của chúng ta!
Phỏng theo chuyện từ Atlas Obscura