Tân Phong – Việt Tân
“Siêu đặc khu” và tiến trình nội thuộc
Dư luận trong nước và hải ngoại mấy năm qua quan tâm nhiều đến việc thành lập các đặc khu kinh tế ở Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) với lo ngại trở thành nhượng địa của Trung Quốc. Các cuộc biểu tình khắp Bắc-Trung-Nam năm 2018 vẫn còn dư âm và việc thành lập các đặc khu kinh tế gặp nhiều phản đối ngay cả trong giới chức CSVN.
Hơn 2 năm qua, Hà Nội tăng cường đàn áp, kiểm soát truyền thông, không sử dụng từ “đặc khu,” hạn chế mọi thông tin đầu tư, kinh tế, xã hội liên quan tới các địa danh này… trong khi ngấm ngầm tiến hành xây dựng, vay vốn Trung Quốc để thi công hạ tầng, cắt đất cho các doanh nghiệp “hồn Trung, xác Việt” dưới nhiều hình thức đầu tư.
Nhưng có một “siêu đặc khu kinh tế” khác đang nhanh chóng được hình thành mà rất ít thông tin trên truyền thông. Tầm quan trọng đặc biệt của nó không chỉ có ý nghĩa quyết định sự phát triển của vùng kinh tế Bắc Bộ mà còn có ý nghĩa sống còn về mặt chính trị và chủ quyền quốc gia. Đó là “siêu đặc khu kinh tế” Hải Phòng – Quảng Ninh mà trong đó trung tâm phát triển của khu vực này là địa phận nằm giáp ranh hai tỉnh Quảng Ninh – Hải Phòng với ba khu vực hành chính là huyện Quảng Yên (Quảng Ninh), vùng đảo Cát Bà – Cát Hải (Hải Phòng), huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) có diện tích hàng trăm ngàn hecta.
Với ưu thế có một không hai về địa kinh tế, chính trị, quân sự, khu vực bao trùm cảng Hải Phòng, vùng cửa sông Nam Triệu, Lạch Huyện và danh thắng Cát Bà – Cát Hải – Bái Tử Long… mảnh đất này nắm giữ chìa khóa phát triển cũng như vận mệnh đối với quốc gia Việt Nam trong 3 thập kỷ tới đây. Nó cũng đồng thời là một trong những “giá trị cốt lõi” mà Tập Cận Bình thèm muốn nhất.
Nắm được Hải Phòng, Cát Hải và Quảng Ninh, họ Tập có trong tay một “Hương Cảng” thứ 2 trong thế kỷ 21 để tạo đà cho các tỉnh phía Tây như Vân Nam. Đồng thời, Bắc Kinh kiểm soát hoàn toàn miền Bắc Việt Nam với sự qui phục của chư hầu Hà Nội. Không phải vô cớ mà câu khẩu hiệu của đại hội 13 lần này, yếu tố “Đoàn Kết” được đưa lên hàng đầu và chữ “Phát triển” xếp hàng cuối cùng. “Đoàn kết” ở đây là nội bộ bè phái trong đảng CSVN phải tuyệt đối tuân phục chỉ đạo của “đảng trưởng” Nguyễn Phú Trọng hay chính xác hơn là Trung Nam Hải. Mục đích số 1 của đại hội 13, là sự qui phục hoàn toàn của chư hầu CSVN trước Bắc Kinh. (Sẽ trình bày rõ hơn khía cạnh này trong những bài viết khác).
Chương trình “hợp tác” giữa hai đảng cộng sản cầm quyền có cái tên “Hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt Nam – Trung Quốc” được thiết kế từ thời Nông Đức Mạnh. Tuy vậy, do nhiều bất đồng và e ngại ngay cả trong giới chức CSVN, cũng như gặp phải sự phản đối quyết liệt của công luận với các dự án của Trung Quốc, chương trình này đã bị trì hoãn cho tới khi Nguyễn Phú Trọng lên ngôi “đảng trưởng” từ đại hội 12. Nguyễn Phú Trọng đã ráo riết thúc đẩy và ký thêm 27 hiệp định bí mật với Bắc Kinh để tiến hành từng bước sát nhập cả về an ninh, chính trị và kinh tế 7 tỉnh có biên giới giáp Trung Quốc và cảng biển quốc tế Hải Phòng trong chương trình “Hai hành lang, một vành đai.”
Không chỉ có hạ tầng trong chương trình “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” đang được nhanh chóng hoàn thiện với tốc độ chóng mặt, mà hệ thống chính sách, luật định, tổ chức nhân sự,… tất cả đều âm thầm được xây dựng, đào tạo và thể chế hóa. Có thể khẳng định “hai hành lang, một vành đai” là hợp phần được ưu tiên số 1 trong chiến lược “một vành đai, một con đường” giai đoạn 10 năm từ 2015 -2025 của họ Tập. Hải Phòng và Quảng Ninh là hai tỉnh thành được đầu tư lớn nhất về hạ tầng cảng biển, hệ thống giao thông, cầu cống, kho vận… nhằm phục vụ cho việc phát triển hệ thống cảng biển quốc tế, đặc biệt là các cảng container hiện đại, hệ thống logistics và các khu chế xuất công nghiệp ven biển.
Trong các bài viết trước đây liên quan đến tuyến đường Hải Phòng – Lào Cai – Côn Minh và các hạ tầng phục vụ cho “hai hành lang, một vành đai,” người viết đã nêu những lo ngại trong chương trình “hợp tác” giữa hai đảng cầm quyền sẽ để lại những di họa khôn lường cho quốc gia Việt Nam.
Theo quan điểm cá nhân, người viết ủng hộ việc làm ăn với Trung Quốc. Những tư tưởng “bài Trung” và tách rời thị trường 1,3 tỷ dân và nền kinh tế số 2 thế giới ở ngay sát nách là một quan điểm phi thực tế.
Tuy vậy, rủi ro lớn nhất đối với Việt Nam chính là bộ máy thể chế cầm quyền với tư tưởng chư hầu, lòng tham lam không đáy nhưng ngu dốt và tham nhũng trở thành căn tính của giới chức CS, thêm vào đó thói quen chụp giựt, khôn lỏi của giới đầu tư và doanh nghiệp Việt, thói “sính ngoại” của người dân… sẽ dễ dàng bị Trung Quốc thao túng, lũng đoạn và đồng hóa.
Trong một xã hội thông tin bị bưng bít, bóp méo theo dụng ý tuyên truyền của giới cầm quyền, mọi tiếng nói phản biện đều bị hệ thống an ninh đào tạo từ các trường bồi dưỡng của Trung Cộng sẵn sàng ra tay đàn áp, hậu quả của việc “hợp tác” giữa hai đảng cầm quyền thực chất là một tiến trình biến Việt Nam trở thành vùng nội thuộc của Trung Quốc. Nó không còn là hiểm họa mà là một quá trình đã vận hành nhiều thập kỷ kể từ khi có khẩu hiệu “4 tốt, 16 chữ vàng,” giờ đây đang được thúc đẩy bởi động lực to lớn là hàng núi tiền và sự hăng hái của đám chư hầu CSVN.
Hải Phòng – Quảng Ninh: Một Thiên Tân khác của …Trung Quốc?
Mới đây, một chương trình phát triển hạ tầng đầy tham vọng của Hải Phòng đặt mục tiêu tới năm 2025, thành phố sẽ xây dựng mới hơn 100 cây cầu lớn nhỏ, hoàn thiện hạ tầng cơ sở cho một đô thị lớn hiện đại trong tương lai 10 năm tới. Dự kiến, tổng vốn đầu tư cho việc xây dựng 100 cây cầu giai đoạn này là khoảng gần 38.000 tỷ đồng. Trên địa bàn thành phố hiện còn có 19 dự án cầu đang triển khai, trong đó có các cầu lớn như cầu Bến Rừng; cầu Nguyễn Trãi… với tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng.
Năm dự án cầu sẽ hoàn thiện trong năm 2021 là Cầu Rào, Cầu Dinh, cầu Quang Thanh, cầu Tràng Kênh và cầu qua sông Đa Độ (đã thông xe tháng Giêng, 2021). Sở Giao Thông Vận Tải Hải Phòng đang trình thành phố chương trình xây dựng 57 cây cầu mới trong năm 2021. 29 cây cầu khác sẽ được triển khai trong 2 năm 2022 – 2025 tiếp theo.
Trước đó, trong giai đoạn 2015 – 2020, thành phố “hoa phượng đỏ” cũng đã hoàn thiện 46 cây cầu mới, tạo đà phát triển mạnh mẽ, mở rộng không gian đô thị và mạng lưới giao thông, thu hút lớn nguồn đầu tư FDI trong giai đoạn 5 năm vừa qua. Dự án FDI lớn đáng quan tâm nhất gần đây của Exxon Mobile tại Cát Hải và Tiên Lãng, Hải Phòng có giá trị tới 5 tỷ Mỹ Kim trong lĩnh vực LPG và điện khí.
Trong bảng tổng sắp về thu hút nguồn vốn FDI và tăng trưởng GDP, Hải Phòng luôn trong top 5 của cả nước nhiều năm qua. Tăng trưởng GDP gấp đôi so với trung bình cả nước. Giai đoạn 2015 – 2020, theo con số thống kê của giới chức Hải Phòng, GRDP thành phố đạt mức tăng trưởng trung bình là 14,02% so với giai đoạn 2011 – 2015. Tổng GRDP giai đoạn 2016 – 2020 ước đạt 1.057.207 tỷ đồng, gấp 1,97 lần giai đoạn 2011 – 2015 (537.600 tỷ đồng). Trong năm 2020, GRDP bình quân đầu người ước đạt 5.863 USD (bình quân chung cả nước khoảng 3.000 USD) gấp 1,93 lần so với năm 2015 (3.042 USD). Thành phố này đặt mục tiêu GRDP giai đoạn 2020 – 2025, chiếm 6,4% GDP cả nước, GRDP bình quân đầu người đạt 11.800 USD. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đến năm 2025 đạt 145.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 65.000 tỷ đồng… Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2020-2025 đạt 1.200 nghìn tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đến năm 2025 đạt 35 tỷ USD. Sản lượng hàng hóa thông qua các cảng trên địa bàn năm 2025 đạt 300 triệu tấn… Những con số này, cách đây 10 năm, thì không ai dám nghĩ đến.
Hải Phòng đang thực sự thay đổi diện mạo, phát triển hạ tầng nhanh chóng. Toàn thành phố là đại công trường, giống như Đà Nẵng giai đoạn 2000 – 2010. Sự phát triển kinh tế trước mắt đang đem lại nguồn sinh khí mới cho thành phố từng là biểu tượng cho công cuộc “đổi mới” của thể chế CSVN giai đoạn 80s của thế kỷ trước, song đã một thời gian dài trì trệ và tụt hậu suốt từ 1995- 2010.
Hải Phòng là nơi khởi nguồn cho chính sách khoán 10 trong nông nghiệp và “cởi trói” cho các hoạt động thương mại, ngoại hối, dân doanh trước cả khi “mở cửa.” Sự nhanh nhạy và liều lĩnh của sắc dân “tứ chiếng giang hồ” với nhiều phần có nguồn gốc từ những bậc tiền bối “Năm Saigon, Tám Bính” đã đi vào văn chương… khiến cho thành phố có một đặc tính cực kỳ năng động với thương hiệu Chợ Sắt lẫy lừng thập niên cuối thế kỷ 20.
Sự thịnh vượng của Hải Phòng nhờ vào thương mại (mà buôn lậu là truyền thống lâu đời), công nghiệp, dịch vụ và một lượng lớn “kiều” tung hoành ngang dọc khắp Âu – Á với nghề chính là “trồng cỏ,” trộm cắp và “lấy chồng Hàn Quốc” (đã có một thời gian nhiều quốc gia phương Tây và Hoa Kỳ từ chối cấp visa cho những người có hộ khẩu và quê quán Hải Phòng)… là nền tảng kinh tế cho vùng đất này.
Một thời gian dài gắn bó với “đất cảng” khi còn nhỏ, ký ức tuổi thơ của người viết là tiếng còi tàu rền rĩ, những chiếc xà lan han rỉ, “xóm liều” bẩn thỉu ở phố chợ Cấm (nơi có lẽ ông Nguyên Hồng ốm o đã từng nằm viết “Bỉ Vỏ” trong cái đói lạnh triền miên) và ống khói nhà máy xi măng Hải Phòng xây từ thời thuộc địa đêm ngày nhả khói mù mịt, phủ lên thành phố cũ kỹ, xộc xệch một màn sương mù mờ đục. Giờ đây, những hình ảnh ấy đã không còn. Thay vào đó, là các khu “phố Tây” do Vingroup xây dựng khang trang, tráng lệ như một góc đô thị phồn hoa nơi trời Âu. Mỗi căn biện thự có giá cả triệu Mỹ Kim chỉ dành cho đám “quí tộc thượng lưu Đỏ,” cánh dân buôn và doanh nghiệp có quan hệ tốt với chính quyền.
Tuyến đường cao tốc nối Hải Phòng – Hạ Long chỉ mất có nửa tiếng xe chạy là tới Bãi Cháy, suốt dọc đường là khung cảnh núi non trùng điệp, hùng vĩ như gấm hoa nơi cửa biển Tiền Phong, Hoàng Tân của vùng Quảng Yên. Được biết là Quảng Yên đang là trung tâm sốt đất của vùng này kể từ khi có quyết định thành lập khu kinh tế ven biển Quảng Yên có diện tích tới 13.000 hecta. Một đô thị loại 3 nâng cấp từ thị trấn nhỏ Quảng Yên (có nghĩa là vùng đất yên bình) đã từng được người Pháp đặt làm thủ phủ của tỉnh lỵ và dự định qui hoạch cảng biển ở cửa Nam Triệu thay vì là cảng Hải Phòng.
Theo quyết định của nhà cầm quyền, “khu kinh tế ven biển” sẽ bao gồm khu phức hợp đô thị, công nghiệp, công nghệ cao tại thành phố Uông Bí (Quảng Ninh) và thị xã Quảng Yên có diện tích 6.403,7 ha. Phạm vi gồm thành phố Uông Bí 2.551 ha, thuộc 5 phường: Phương Nam, Phương Đông, Yên Thanh, Quang Trung và Trưng Vương; thị xã Quảng Yên 3.852,7 ha, thuộc 8 xã, phường: Đông Mai, Minh Thành, Sông Khoai, Cộng Hòa, Hiệp Hòa, Yên Giang, Tân An và Hoàng Tân.
Đáng lưu ý, là “khu kinh tế ven biển” Quảng Yên – Quảng Ninh này dành nhiều ưu tiên cho giới doanh nghiệp Trung Quốc, được hưởng qui chế ưu đãi đặc biệt về thuế quan (miễn hoàn toàn thuế). Cái khái niệm “đặc khu kinh tế” gây ác cảm với dân Việt đã được nhà cầm quyền CSVN thay đổi thành “khu kinh tế ven biển.” Và đâu chỉ có nhỏ nhoi một dải đất Vân Đồn mà cả vùng đất trải dài suốt từ Trà Cổ, Tiên Yên – Ba Chẽ xuống Vân Đồn, Quảng Yên, Cát Hải, Hải Phòng đang được qui hoạch thành những “khu kinh tế ven biển” như thế.
Đứa cháu họ rước tôi đi chơi Cát Bà mấy ngày về thăm quê sau nhiều năm xa cách.
Cây cầu Tân Vũ – Cát Hải dài hơn 15 km đã thay đổi diện mạo của hòn đảo mới chỉ cách đây 10 năm còn là vùng đất nghèo. Hải Phòng là địa phương có số lượng cầu nhiều nhất toàn quốc. Chỉ riêng cây cầu vượt biển Tân Vũ – Cát Hải đã có giá trị đầu tư 11.850 tỷ đồng, là cây cầu vượt biển lớn Việt Nam.
Ngẫm có chút so sánh với số phận hẩm hiu cho những cây cầu ở miền Tây mãi vẫn còn nằm trên giấy. Tuyến đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có ý nghĩa tối quan trọng, thúc đẩy kinh tế đồng bằng sông Cửu Long (là vựa lúa gạo, tôm cá, trái cây cho cả nước), chỉ dài có 51 km, tổng vốn đầu tư 12.668 tỷ đồng mà 10 năm vẫn dang dở.
Đứa cháu gái của tôi miệng liến thoắng nói về những câu chuyện làm ăn, về sự thay đổi của thành phố với vẻ vui mừng. Tôi cũng cảm thấy vui mừng cho thành công của cháu và vui chung về sự thay đổi của quê hương.
Là dân thương mại và học đại học tại Thiên Tân, Trung Quốc, Lê – đứa cháu gái của tôi có thể nói tốt cả tiếng Trung và Anh mà người bản xứ không thể phân biệt, lấy chồng là người Quảng Đông. Chồng nó cũng là dân kinh doanh, một thời phất lên nhanh chóng là đại gia ở quê nhà, nhưng kiểu giàu xổi không bền. Năm 2013, cả nhà bồng bế nhau chạy trốn đám xã hội đen Phúc Kiến để về Việt Nam ẩn náu, lần hồi làm ăn. Đến bây giờ cũng đã khôi phục lại được phần nào. Những hoàn cảnh như Lê rất nhiều ở Hải Phòng, Quảng Ninh – nơi có tỷ lệ kết hôn với người Trung Quốc cao nhất cả nước. Có những làng ở Kiến Thụy, Hải Phòng hoàn toàn con gái kết hôn với người Trung Quốc hoặc Hàn Quốc.
Lê nói với tôi rằng tương lai của vùng đất này rất sáng lạn, thành phố phát triển nhanh và có nhiều cơ hội. Dân Việt sẽ có nhiều công việc, nhiều cơ hội để làm giàu. Song những “chủ nhân ông” thực sự và nắm quyền kiểm soát sẽ là những ông chủ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Hải Phòng có hơn 2 triệu dân nhưng có tới gần một triệu dân nhập cư và hàng chục ngàn người Trung Quốc sinh sống, lấy vợ sinh con đẻ cái ở Thủy Nguyên, ở Kiến Thụy, Đồ Sơn. Người Trung Quốc xây dựng thành phố “Our City” như ở Dương kinh – Hải Phòng mà nhà cầm quyền không thể kiểm soát được. Sự kiện công an Việt Nam đột phá sòng bạc hàng chục ngàn tỷ đồng ở đây chỉ là một sự kiện rất nhỏ trong những hoạt động mờ ám của cộng đồng người Trung Quốc ở trên đất Việt Nam.
“Một phiên bản của Thiên Tân sẽ được xây dựng ở đây, cậu ạ! Nhưng đó sẽ là một Thiên Tân khác của… Trung Quốc chứ không phải của Việt Nam,” Lê nhận định như một chiến lược gia địa chính trị. Và tôi chỉ biết nhún vai, cười buồn.
Tân Phong