Mỹ vượt Trung quốc thành nước nhập khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam

- Quảng Cáo -

Vu Kim Hanh|

Mỹ trở thành nhà nhập khẩu lớn nhất các mặt hàng nông sản Việt Nam khi kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt hơn 2,04 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm nay.

Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam được VnExpress trích dẫn cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông lâm thuỷ sản trong tháng 1 và 2 của cả nước đạt gần 11 tỷ USD. Trong đó nông sản xuất khẩu sang thị trường Mỹ chiếm 2,04 tỷ USD và đây là mức tăng 57,3% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm khoảng 33% thị phần.

Các mặt hàng nông sản tăng có cao su, chè, hạt điều, rau quả, gỗ và các sản phẩm mây tre cói.

- Quảng Cáo -

Do đó, Mỹ đã trở thành khách hàng lớn nhất của nông sản Việt Nam, qua mặt Trung Quốc.

Trung Quốc hiện nay là thị trường thứ 2 nhập khẩu nông sản của Việt Nam, vẫn theo số liệu thống kê trong 2 tháng đầu năm nay của Bộ NN-PTNT được VnExpress trích dẫn. Nông sản Việt Nam xuất sang TQ trong 2 tháng đầu năm ước đạt 1,88 tỷ USD.

Theo Bộ NN-PTNT, giá trị thương mại hai chiều, đặc biệt là thương mại nông sản giữa Việt Nam và Mỹ đã tăng trưởng liên tục trong những năm qua, với mức tăng gần 30%.

Theo báo cáo gần đây của Viện chính sách công Quốc hội Mỹ, Việt Nam là bạn hàng thương mại lớn thứ 10 của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, Việt Nam trong những năm gần đây đứng trước áp lực phải giảm thiểu thặng dư thương mại vào Mỹ. Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt mức kỷ lục 79 tỷ USD trong khi chỉ nhập khẩu chưa đến 10 tỷ USD trị giá hàng hoá từ Mỹ trong năm 2020, theo dữ liệu của Cục Thống kê Dân số Hoa Kỳ.

Mức thâm hụt thương mại hơn 69,6 tỷ USD cũng là mức cao kỷ lục trong lịch sử thương mại hàng hóa giữa Mỹ và Việt Nam kể từ năm 1992 (tất nhiên có tình hình gần đây là xuất khẩu của Mỹ đi các nước hầu hết đều giảm).

ĐỌC KỸ, NÔNG SẢN XUẤT ĐI HOA KỲ KHÔNG THẤY KỂ GẠO, TRÁI CÂY. Nói cho đúng hơn, thực tế thì có nhưng số lượng nhỏ, không đáng kể. Bài học cho sự yếu kém này là…?

ĐBSCL là ‘vựa’ lúa, trái cây, thủy sản lớn nhất cả nước nhưng bao năm qua, hàng nông sản VN xuất chủ yếu đi TQ và là xuất thô.

Nguyên nhân chính vẫn là TIÊU CHUẨN CHẤT LƯỢNG KHÔNG ĐẠT YÊU CẦU

Như Tuổi Trẻ đăng hôm qua, Bưởi Năm Roi là mặt hàng VN xuất khá nhiều nhưng không qua Mỹ (thị trường lớn) được. Cụ thể, xuất bưởi Năm Roi đi Nga, Canada, Ba Lan, Ukraine hay Nhật Bản vẫn còn ít. Như với nông dân Xã Mỹ Hòa (nơi có cầu Cần Thơ bị sập hồi trước) xuất hàng qua Ukraine nhiều, nhận được tiền ứng trước 70% nhưng khi bưởi đến nơi lại không đạt tiêu chuẩn, chất lượng, không được trả tiền phần 30% còn lại thành ra nông dân bị lỗ.

Theo tính toán, bưởi sau khi được đóng gói làm lạnh, vận chuyển qua đến châu Âu sẽ là 46 ngày, sau đó, sẽ được mang vào siêu thị bán trong 30 ngày, tổng cộng 76 ngày, phải đảm bảo chất lượng mà hàng VN lại không đảm bảo ổn định chất lượng trong thời gian này.

Vấn đề thứ 2 là nông dân không có thông tin thị trường, nên cứ nhắm mắt trồng bắt chước nhau, rồi ứ hàng và chặt, trồng thứ khác. H.Châu Thành, Hậu Giang, từng có thời điểm người dân ồ ạt chặt vườn cam để chuyển qua trồng xoài Đài Loan, mít Thái Lan, ổi lê Đài Loan…Cuối cùng trồng tới trái…bí (tức là bí không biết trồng gì luôn).

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) đang mở thêm những thị trường tiềm năng cho nông sản Việt Nam. Nhưng muốn khai thác được EVFTA, hay bất cứ FTA nào, thì các cơ quan xúc tiến thương mại của nhà nước và doanh nghiệp cần phải có thông tin thị trường, tổ chức cho nông dân sản xuất theo nhu cầu, đặt hàng; đồng thời có quy hoạch vùng sản xuất phù hợp từng nơi.

Nhiều chuyên gia quốc tế nói: không có nơi nào trên thế giới mà nông dân cứ “trồng rồi chặt, trồng chặt, chặt trồng” như ở Việt Nam, nhất là ở ĐBSCL./.

#xuấtkhẩunôngsản

- Quảng Cáo -