Tìm hiểu về biến đối khí hậu qua các chuyện khó, chuyện dễ, và những chuyện khó dễ.
Vì sao lúc nghe người ta nói “trái đất nóng lên”, lúc lại thay bằng “biến đổi khí hậu”?
Tại sao bảo trái đất nóng lên mà năm nào cũng thấy chỗ thì mưa to ngập mặt, nơi thì bão tuyết phủ trắng xóa?
Rốt cuộc thì biến đổi khí hậu là gì? Một chuyện phức tạp như vậy, đâu có ai hiểu rõ mà đòi kết luận về nó?
Chúng ta gặp vô số những câu hỏi kiểu như trên mỗi khi nghe về vấn đề biến đổi khí hậu.
Có những thắc mắc giúp ta hiểu rõ thêm bản chất vấn đề, nhưng cũng có không ít câu hỏi cố tình được đặt ra với mục đích hoàn toàn ngược lại, làm càng nhiều người rối trí càng tốt.
Bước đầu tiên để hiểu một vấn đề là phải làm sao không để mình bị rối. Ta có thể làm điều đó bằng cách tách bạch từng chuyện một, và bắt đầu từ những thứ đơn giản nhất.
Chuyện dễ – Những con số không biết nói dối
Khi đề cập đến biến đổi khí hậu, và trái đất nóng lên, người ta đang nói về việc các hoạt động của con người làm thải ra CO2 vào khí quyển.
CO2 là một loại khí nhốt nhiệt, hay còn được gọi là “khí nhà kính” (greenhouse gas). Có thể hình dung lớp CO2 được thải ra như một tấm chăn khổng lồ bao lấy trái đất. Tính từ lúc cách mạng công nghiệp bùng nổ cách đây 150 năm, con người càng lúc càng làm cho lớp chăn này dày thêm, khi chúng ta càng lúc càng tiêu thụ nhiều các loại nhiên liệu hóa thạch.
Biểu đồ bên dưới cho thấy mối liên hệ giữa lượng CO2 con người thải ra và nhiệt độ trái đất từ cuối thế kỷ 19 đến nay.
Tại thời điểm 150 năm trước, thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp, nồng độ CO2 trong khí quyển vào khoảng 280 ppm. Ngày nay, con số đã vượt qua mức 410 ppm. Lần gần đây nhất trái đất có lớp chăn CO2 dày như vậy là vào ba triệu năm trước – thời điểm đó tổ tiên của con người hiện đại vẫn chưa xuất hiện.
Nhưng nồng độ CO2 tăng cao không phải là vấn đề lớn nhất. Vấn đề ở đây là tốc độ tăng.
Chỉ trong vòng 150 năm, con người đã tạo ra những thay đổi trong khí quyển trái đất bằng với kết quả của quá trình kéo dài hàng chục triệu năm trước đó.
Có thể hình dung một người ngâm mình trong bồn nước mát suốt cả ngày, để rồi chỉ trong chớp mắt, người này bị nhấc bổng lên và quăng vào nồi nước sôi.
Đó là những gì đang xảy ra với hệ sinh thái của trái đất.
Tóm lại, con người ngày càng thải ra nhiều CO2, và nhiệt độ trái đất ngày càng tăng cao. Đó là những chuyện không có gì để tranh cãi.
Chuyện khó – Khoa học luôn phức tạp
Mối liên hệ giữa CO2 và nhiệt độ trái đất là chuyện đơn giản. Nhưng các hệ quả phát sinh, cơ chế chính xác của nó, các ảnh hưởng đến khí hậu và hệ sinh thái của trái đất… là những vấn đề khoa học phức tạp.
Nó cũng giống như việc trái đất quay xung quanh mặt trời là một sự thật đã được chứng minh, không có gì để bàn cãi. Nhưng còn tốc độ quay, quỹ đạo di chuyển, khoảng cách thay đổi giữa mặt trời và trái đất trong những thời điểm khác nhau có tác động thế nào… là những vấn đề phức tạp.
Tuy vậy, không ai lấy lý do “chuyện đó quá phức tạp” để rồi lắc đầu bảo rằng trái đất không quay xung quanh mặt trời (trên thực tế luôn có những người như vậy, nhưng ở đây ta không có thời gian dành cho họ).
Một trong những chuyện khó giải thích là vì sao trái đất nóng lên mà lại có những chỗ gặp bão tuyết kéo dài bất thường, như hiện tượng xảy ra tại Texas, Mỹ gần đây.
Cơ chế của hiện tượng này có thể được giải thích qua tương tác giữa vùng xoáy cực (polar vortex) và các dòng chảy khí quyển (jet stream).
Không khí lạnh tập trung tại hai cực của trái đất, khi đó là những vùng ít được mặt trời chiếu tới nhất. Lớp không khí lạnh này như những chiếc mũ chụp lên hai đầu trái đất, và xoay vòng theo chiều quay của hành tinh. Nó bị ngăn cách với vùng cận nhiệt đới nhờ vào các dòng chảy khí quyển tại vùng cực (polar front jet stream), cũng chạy từ Tây sang Đông theo chiều quay của trái đất.
Trong điều kiện bình thường, chênh lệch nhiệt độ giữa vùng cực (lạnh) và vùng cận nhiệt đới (ấm) tạo ra dòng chảy khí quyển mạnh (strong jet stream). Khi nhiệt độ của vùng cực tăng lên, chênh lệch nhiệt độ với khu vực cận nhiệt đới giảm đi, dòng chảy khí quyển vùng cực trở nên yếu (weak jet stream).
Nó giống như một người đi xe đạp. Khi đạp với tốc độ ổn định, xe giữ thăng bằng tốt và di chuyển đúng ý muốn. Nếu lực đạp yếu, xe sẽ di chuyển chậm, khả năng loạng choạng lượn bên này bên kia cao hơn.
Điều tương tự xảy ra với dòng chảy khí quyển. Khi nhiệt độ trái đất tăng lên, nhiệt độ ở vùng cực cũng tăng, nhưng tăng nhanh hơn so với các khu vực còn lại. Đó là do băng tuyết tại đây tan ra, mất khả năng phản chiếu lại ánh sáng mặt trời. Lớp nước và đất bên dưới lộ ra tăng khả năng hấp thụ ánh sáng. Nước bốc hơi lại có thêm tác dụng nhốt nhiệt. Tất cả đẩy nhanh quá trình tăng nhiệt tại hai vùng cực. Chênh lệch nhiệt độ giảm giữa vùng cực và cận nhiệt đới làm suy yếu dòng chảy khí quyển, khiến nó đi chậm lại, dễ loạng choạng, kéo lan các dòng khí lạnh từ vùng cực sang những chỗ khác và ở lại lâu hơn, tạo ra các hiện tượng bão tuyết.
Biểu đồ dưới đây cho thấy mối liên hệ khi những thời điểm nhiệt độ Bắc Cực tăng lên cũng trùng với thời điểm các vùng Đông Bắc nước Mỹ phải chịu các đợt giá lạnh kéo dài.
Chuyện khó dễ – Khi người ta không muốn tìm hiểu sự thật
Ví dụ ở trên là một cách giải thích. Tất nhiên nó chỉ là một giả thuyết, và các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục thu thập thêm dữ liệu để nghiên cứu.
Có thể khi có thêm dữ liệu, họ sẽ điều chỉnh lại giả thuyết này. Hoặc thậm chí là có những giả thuyết khác, mô hình khác hợp lý hơn để giải thích cho hiện tượng đó.
Tất cả đều phải dựa trên dữ liệu thực tế, và đều cần thời gian, vì khoa học luôn phức tạp.
Nhưng nó phức tạp là vì các yêu cầu nghiêm ngặt để đưa người ta đến gần với tri thức, gần với sự thật.
Ngược lại, luôn có những người viện dẫn sự phức tạp của khoa học để… làm phức tạp vấn đề. Họ không chấp nhận cái dễ, nhưng lại chỉ trích cái khó, và rất thích làm khó dễ tất cả.
Đây là ba điển hình về những trường hợp khó dễ như vậy.
1. Nhập nhằng giữa “khí hậu” và “thời tiết”.
Rất nhiều người không phân biệt hai khái niệm này.
Trong tiếng Anh, từ tương đương với “khí hậu” là “climate”. Nó có gốc Latin từ chữ “clima”, vốn có nghĩa là “dốc xuống”. Về sau, từ này được dùng để chỉ các khu vực trên trái đất, phân ra bằng cách vẽ những đường vĩ tuyến song song với đường xích đạo đi “dốc” về hai cực.
Nhà triết học Hy Lạp Aristotle từng phân chia trái đất thành năm khu vực (climes), còn Ptolemy thì chia thành bảy.
Dần dần, từ “clima/ climes” được hiểu rộng hơn, bao gồm cả các đặc tính không khí, đất, nước, nhiệt độ, độ ẩm, gió… của một khu vực. Ngày nay, các đặc tính được gọi là “khí hậu” của một khu vực phải được xác định trong một thời gian dài, ít nhất là 30 năm như định nghĩa của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO).
“Thời tiết” trong khi đó là từ dùng để chỉ các đặc điểm nhiệt độ, độ ẩm, mưa, gió … trong thời gian ngắn. Từ tiếng Anh tương đương với nó, “weather”, có gốc chung với chữ “wind” (gió). Trước đó, người Hy Lạp và La Mã đã dùng các từ “kairos” và “tempestas”, đều có nghĩa là “thời gian”, để chỉ các thay đổi thời tiết ngắn hạn. Chữ “thời” trong “thời tiết” của tiếng Việt cũng mang nghĩa tương tự.
Tóm lại, khí hậu và thời tiết là hai khái niệm hoàn toàn riêng biệt. Vậy nên không thể dùng một hiện tượng thời tiết ngắn hạn (mưa to hay bão tuyết) để phủ nhận biến đổi khí hậu, một vấn đề dài hạn.
2. Nhập nhằng “biến đổi khí hậu” và “trái đất nóng lên”.
Vài thập niên trước kia, khi các nhà khoa học bắt đầu cảnh báo hiện tượng trái đất nóng lên, những người nghi ngờ việc này đã cổ xúy cho việc bỏ đi cách gọi “trái đất nóng lên” (global warming) mà thay bằng “biến đổi khí hậu” (climate change).
Frank Luntz, một chiến lược gia kỳ cựu của Đảng Cộng hòa bên Mỹ, từng khuyến khích các chính trị gia bảo thủ khi nói về vấn đề môi trường, hãy dùng “biến đổi khí hậu”, vì nó ít làm người ta sợ hơn.
Nhưng sau đó, những người chống lại các bằng chứng khoa học lại chỉ trích rằng các nhà môi trường không còn “dám” nói đến trái đất nóng lên vì trái đất thật sự không còn nóng lên nữa. Họ đặc biệt thích chế giễu cụm từ “trái đất nóng lên” mỗi khi có hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa to hay bão tuyết xảy ra (vì không phân biệt được hai khái niệm “khí hậu” và “thời tiết”).
Trên thực tế, các nhà khoa học đã và vẫn đang dùng song song hai thuật ngữ này trong suốt hàng chục năm qua, vì đó là hai vấn đề, tuy có liên quan mật thiết, nhưng khác nhau.
“Trái đất nóng lên” là hiện tượng nhiệt độ tăng lên trên toàn cầu, mà tác nhân của nó là khí thải nhà kính, sản phẩm từ các hoạt động của con người.
“Biến đổi khí hậu” lại bao quát cả hiện tượng trái đất nóng lên lẫn những hệ quả phức tạp đi kèm với nó, như mực nước biển tăng cao, sự thay đổi các dòng chảy đại dương, dòng chảy khí quyển, mưa acid, các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều…
Trên các phương tiện thông tin đại chúng, hai thuật ngữ này được dùng lẫn lộn. Điều này cũng dễ hiểu khi trái đất nóng lên là tác nhân chính dẫn đến các biến đổi phức tạp về khí hậu.
Nhưng đây vẫn là hai khái niệm khác nhau.
3. Phải chứng minh được một hiện tượng thời tiết cực đoan nào đó là do tác động trực tiếp từ biến đổi khí hậu. Nếu không, mọi thứ đều là trò lừa đảo.
Logic này cũng tương tự như việc phải chứng minh được một người bị ung thư là do tác động trực tiếp từ việc hút thuốc lá. Nếu không làm được điều đó, nó có nghĩa rằng thuốc lá vô hại.
Trên thực tế, sẽ không ai chứng minh được mối liên hệ trực tiếp đó. Thứ mà người ta có thể chứng minh là việc hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc các bệnh, trong đó có ung thư.
Nó cũng tương tự như việc chạy xe tốc độ cao làm tăng nguy cơ gặp tai nạn. Nhưng không ai có thể nói tốc độ cao là lý do duy nhất dẫn đến một tai nạn cụ thể nào đó. Có rất nhiều nhân tố khác góp phần dẫn đến tai nạn, trong đó tốc độ cao chắc chắn là một, và là một trong những lý do khiến hậu quả trở nên thảm khốc.
Tương tự, biến đổi khí hậu dưới bàn tay của con người làm tăng khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, nhưng gần như không thể nói biến đối khí hậu là tác nhân duy nhất hay trực tiếp dẫn đến một hiện tượng nào.
Còn rất nhiều điều cần phải nghiên cứu về cơ chế hoạt động của hệ sinh quyển trên trái đất để hiểu rõ thêm và có thể dự báo được những hệ quả của biến đổi khí hậu trong tương lai.
Đó không phải lý do để nghi ngờ về sự tồn tại của biến đổi khí hậu, lại càng không phải lý do để biện minh cho việc không cần phải thay đổi gì.
Khoa học luôn phức tạp, và con người sẽ không bao giờ biết hết mọi thứ.
Tuy vậy, sẽ là ngụy biện thô thiển khi viện dẫn lý do “khoa học phức tạp”, “chúng ta chẳng bao giờ biết hết tất cả”, để rồi kết luận rằng “không ai thật sự biết chuyện gì đang xảy ra”. Và vì vậy, “chúng ta chẳng nên thay đổi thứ gì cả”.
Nếu chờ biết hết tất cả – một điều sẽ không bao giờ xảy ra – mới hành động, thế hệ này sẽ chết vì tuổi già.
Thế hệ tương lai sẽ không may mắn như vậy. Họ sẽ phải chịu tất cả hậu quả từ những việc làm vô ý thức của chúng ta.