Không biết tâm trạng của tôi có giống như những người khác không – đang phải đón mà lại không muốn chào một cái tết nữa. Tết bây giờ trở nên quen mà lạ. Càng quen lại càng thấy lạ! Lạ đến ngây ngô trong lòng người, lạ đến không hiểu những gì đang xảy ra quanh mình. Năm mới sắp đến! Buồn cười! Chữ với nghĩa cứ trôi đâu mất hết…
Tết này có vẻ lòng lại nặng trĩu thêm nỗi ưu tư, muộn phiền.
Tết! Ai mà không ao ước được đoàn tụ gia đình! Không rõ! Nhưng tôi biết, rất lâu rồi, không chỉ riêng mình nát tan những giềng mối gia đình, ly tán cả lòng người và ly tán trên con đường quá nhiều lối rẽ mà mỗi người trong gia đình người Việt đã chọn!
Có những khi ta được chọn và có những khi ta phải chọn, cũng có khi người khác chọn “giùm” ta.
Ru em ngồi yên đấy!
Tôi tìm cuộc tình cho!
(Ru Tình – Trịnh Công Sơn)
Cuộc tình riêng của ta thì ta hãy tự chọn – đừng theo lời ông Sơn, vì nếu có ảnh hưởng đến ai đó, cùng lắm là đại gia đình không vui, nhưng trước sau cũng chấp nhận, nhưng còn những cái “tình khác” thì sao?
Dù muốn dù không – được chọn, phải chọn, người khác chọn “giùm” – thì ta vẫn phải cứ đi, điều ta muộn phiền là sao cuộc sống cứ đẩy ta về phía trước mà cái phía trước đó thật vô định…
Những ngày tết của ngày xưa đã trôi qua thật xa, những quá vãng của mấy mươi năm trước cứ lờ mờ, ẩn hiện, lúc rõ, lúc không trong ký ức của tôi thuở mới vừa “giải phóng”! Hơn bốn mươi lăm năm rồi, còn gì nữa! Thời gian đủ dài cho những thế hệ tiếp nối lớn dần lên và… ra đi. Không biết thanh niên bây giờ đi đâu và có theo đúng những gì họ chọn không nữa! Chỉ cầu mong họ chọn đúng con đường và cầu mong đừng ai nhân danh “vì thế hệ trẻ” rồi chọn “giùm” cho họ và buộc họ phải đi theo con đường đó.
Lại buồn cười khi nhớ ông nào đó nói rằng “Thanh niên là cánh tay phải của đảng”, ai đó cợt nhả tiếp :”Nhưng mà đảng thuận tay… trái!”
Bỗng nhớ thằng bạn thân cách đây trên bốn mươi lăm năm…
Sau “giải phóng” chừng hơn năm, một hôm không thấy nó đi học nữa, chờ vài ngày để trông gặp nó nhờ chỉ giùm bài toán khó giải hoài không ra. Ghé nhà nó. Má nó ra mở cổng, nhìn tôi từ đầu tới chân, buông ra câu gọn lỏn :”Nó không đi học nữa. Về quê luôn rồi!”. “Dạ…! Cám ơn bác. Con về” – Tôi tần ngần rồi nói.
Sau này tôi mới biết “về quê” là về đâu. Thời gian sau, qua một số bạn bè, tôi mới biết nó mất tích trên biển. Tôi không dám ghé nhà nó nữa, vì tôi là “con Việt Cộng nằm vùng”, má nó sợ! Chắc vậy!
Thương thằng bạn “về” mà không tới được “quê”!
Nó và tôi chơi với nhau tốt lắm. Nhà hai đứa chúng tôi cùng nằm trên một con đường, cách nhau chỉ vài trăm thước. Đứa nào cũng được sinh ra trong gia đình trung lưu. Má nó thương tôi như nó, khi nào tới chơi cũng giữ tôi ở lại ăn cơm rồi mới về. Vậy mà… bây giờ bà đối xử với tôi như vậy! Lúc đó, còn nhỏ quá chỉ biết trách bà sao “lạ” vậy?!
Khi biết nó “về” mà không tới được “quê” tôi đã khóc! Kể từ đó, tôi không bao giờ ghé nhà nó nữa. Tôi sợ và chắc má nó cũng sợ. Hồi đó tôi thắc mắc: “Tôi đâu có lỗi gì đâu!”
Chợt nhớ lại tiểu thuyết “Let the day perish” (Hãy để ngày ấy lụi tàn) của nhà văn Gerald Gordon – đả phá nạn phân biệt chủng tộc Apathied. Có cái gì đó giống giống tôi và nó, chỉ khác chỗ tôi và nó cùng màu da, nhưng mà nó lại không may mắn như Steve (da màu) – em trai Antonie (da trắng) – sống và được cộng đồng người da màu chấp nhận.
Ước gì nó còn sống và tới được “quê”, chắc má nó vui lắm!
Ước gì má nó đừng chọn “giùm” nó con đường “về quê” để tôi không mất nó!
Ước gì đừng “giải phóng”! Má nó và nó đâu có giấu tôi chuyện nó “về quê”!
Ước gì đừng “giải phóng”! Nó đâu cần phải “về quê”!!!
Đôi khi tôi tự nhủ: “Giá như nó còn nằm đâu đó ở Galang chẳng hạn, chắc bây giờ tôi cũng dám lặn lội ra kiếm thử nó – thằng bạn nối khố ngày xưa!”
Tôi bỗng nghe nghẹn đắng trong cổ họng! Mắt tôi nhạt nhòa khi hình ảnh nó trở thành ký ức không thể nào quên trong tôi!
Thôi mày yên nghỉ nhé! Coi như tao có nén nhang lòng tưởng nhớ đến mày. Còn tao, dù sao chẳng “bên nào” chấp nhận tao như một thời ở trường tụi mình – trừ mày – tao bị ghẻ lạnh và xa lánh âm thầm, khi bạn bè biết tao là “Con nhà Việt Cộng”! Ký ức đó, tao mãi không quên!
Ngày xuân! Nhớ đến mày nhiều rồi lại thấy tội cho tao!
Tao cũng giống Antonie. Cả “Việt Cộng” và “chống Cộng”, không bên nào có thể chấp nhận!