Hoài Nguyễn – (VNTB) – Tình trạng kết tội khi không đủ chứng cứ thuyết phục là điều dễ thấy ở các vụ án cáo buộc theo Điều 117, Bộ luật Hình sự.
Trong số các nguyên tắc của tố tụng hình sự, nguyên tắc suy đoán vô tội đóng vai trò hết sức quan trọng, được xem là trụ cột hay xương sống của hệ thống pháp luật tố tụng hình sự ở các nước văn minh.
Suy đoán vô tội cũng là một trong những nội dung của nguyên tắc (hoặc quyền) xét xử công bằng (right to a fair trial) theo luật nhân quyền quốc tế.
Khoản 1 Điều 31 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.
Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.
Những quy định này cho thấy, trong pháp luật Việt Nam, nguyên tắc suy đoán vô tội bao gồm nội dung sau:
(1) Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
(2) Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về bên buộc tội, người bị buộc tội không có nghĩa vụ chứng minh nhưng có quyền đưa ra chứng cứ và các yêu cầu chứng minh họ không phạm tội, hoặc có những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự;
(3) Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.
Đối chiếu với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế về nguyên tắc suy đoán vô tội, quy định tại khoản 1 Điều 13 Hiến pháp năm 2013 và Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 của Việt Nam cơ bản là tương thích.
Tuy nhiên, trong thực tiễn, việc áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội còn bộc lộ những hạn chế sau: tư duy của cơ quan và người tiến hành tố tụng coi người bị cáo buộc phạm tội là người có tội; tình trạng tuân thủ không nghiêm chỉnh thủ tục tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án; tình trạng kết tội khi không đủ chứng cứ thuyết phục – bởi tại phiên xét xử được gọi là công khai, nhưng những bài viết đăng báo được coi là ‘chứng cứ phạm tội’ lại không được mang ra công khai tại tòa theo yêu cầu của người bị buộc tội.
Trong số các hạn chế nêu trên, có thể thấy hạn chế cuối cùng thể hiện rõ nét nhất “nút thắt tư duy” về nguyên tắc suy đoán vô tội của các cơ quan và người tiến hành tố tụng ở Việt Nam. Ở đây, nguyên tắc suy đoán vô tội đòi hỏi phải làm sáng tỏ mọi nghi ngờ về tội phạm của người bị cáo buộc phạm tội trước khi kết tội.
Trong trường hợp không thể xoá bỏ hết những nghi ngờ đó, thì cần phải coi là chưa đủ căn cứ để kết tội họ, và họ cần được tuyên là ‘chưa đủ căn cứ để kết luận về việc phạm tội theo Điều 117, Bộ luật Hình sự’.
#PhạmChíDũng