Lê Văn Đoành|
Sau cuộc bầu bán từ 17h-20h tối 30/1/2021, mọi việc đã an bài. Con số 200 Ủy viên Trung ương cả chính thức, lẫn dự khuyết đã được công bố. Trong 121 Ủy viên Trung ương khoá XII tái cử, đã có 119 người trúng cử khoá XIII. Chỉ có hai vị bị “out” vì dính quá nhiều tai tiếng, đó là Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ và Phó Trưởng ban kinh tế, cựu bí thư tỉnh Hà Giang, Triệu Tài Vinh.
Xem ra đại hội lần này “diễn tròn vai” hơn nhiều. Có thể đạo diễn lần này “mát tay” hơn so với cách đây 5 năm. Tại đại hội đảng khoá XII, mặc dù được giới thiệu tái cử, nhưng có tất cả 16 Ủy viên Trung ương chính thức và một Ủy viên dự khuyết của khoá XI đã không trúng cử.
Sáng 31/1, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản khoá XIII đã họp phiên thứ nhất và đã bầu 18 ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII gồm:
– 8 ủy viên Bộ Chính trị khóa XII tái cử;
– 7 ủy viên Ban Bí thư khóa XII được bầu vào Bộ Chính trị khoá XIII;
– 3 ủy viên Bộ Chính trị trúng cử lần đầu.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, “nhân sự rất đặc biệt”, chưa có tiền lệ, đã vượt qua rào cản Điều lệ đảng, để tái đắc cử chức Tổng Bí thư của Đảng khoá XIII, nhiệm kỳ 2021-2026, ngồi ghế này nhiệm kỳ thứ 3.
Điều đáng lưu ý là, ông Trọng đã bước sang tuổi 77, sức khỏe kém, như tâm sự của ông tại cuộc họp báo sáng ngày 1/2/2021, sau khi bế mạc Đại hội XIII: “Bây giờ tôi không được khỏe lắm, tuổi cũng đã cao, cũng xin nghỉ rồi, thế nhưng Đại hội bầu phải làm, Đảng viên thì phải chấp hành”.
Đã có quá nhiều bình luận, phân tích nhiều chiều về việc ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục ôm ghế, không chịu rút lui khỏi chính trường. Có hai điều không phải bàn cãi, đó là trong thể chế cộng sản, quyền lực là thứ không thể “nhốt” và ngai vàng là thứ không dễ dàng rời bỏ.
Hôm nay 5/2/2021, Bộ Chính trị khoá XIII đã nhóm họp, phân công nhiệm vụ cho các Ủy viên Bộ Chính trị và thành viên Ban Bí thư vừa đắc cử. Một nội dung nữa không kém phần quan trọng, là ngoài việc dàn xếp sao cho “thấu tình đạt lý” vị trí ghế ngồi cấp cao, còn phải phân bố Ủy viên Trung ương vào vai trò lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành Trung ương.
Dưới đây là danh sách “chốt” các vị trí quyền lực, từ “bộ ngũ” cho đến các Trưởng ban trong đảng và các thành viên Chính phủ. Tức là nhân sự Đảng sẽ giới thiệu cho Quốc hội bầu và phê chuẩn. Phần NGƯỜI ĐẢM NHIỆM ghi “chưa có” nghĩa là bị trí còn đang tranh cãi, chưa ngã ngũ, phần GHI CHÚ kê “Mới” là vị trí lần đầu được bổ nhiệm.
Nhìn chung, các vị trí quyền lực gần như khớp với dư luận đồn đoán, cũng như một số trang “không lề” có uy tín đã đăng tải. Ông Tô Lâm vẫn giữ được chiếc ghế Bộ trưởng Bộ Công an cực kỳ quyền lực. Phan Văn Giang, tướng uy tín cao trong quân đội đã vượt qua Lương Cường, nắm ghế Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng.
Ngoài ra, ứng viên Đào Ngọc Dung bị đánh bật ra khỏi cả Bộ Chính trị, lẫn Ban Bí thư, đành ôm ghế cũ thêm 5 năm nữa rồi về vườn. Có lẽ vì đồng cảm và tiếc nhân vật mẫn cán Vũ Đức Đam bị Bộ Chính trị gạt bỏ, nên các Ủy viên Trung ương đã thẳng tay gạch bỏ Đào Ngọc Dung, Bùi Thanh Sơn và Võ Thị Ánh Xuân, cho “out” khỏi danh sách Bộ Chính trị và Ban Bí thư.
Chiếc ghế “vô thưởng vô phạt” Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã có chủ, Trần Tuấn Anh ngồi vào đó, kế nhiệm Nguyễn Văn Bình. Hai vị trí “hái ra tiền” là Chánh Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công thương cũng để ngỏ, dành cho các ứng viên phe cánh đủ mạnh và đủ tiềm lực kinh tế chạy đua…
Lê Khánh Hải, cháu nội Lê Duẩn, sẽ ngồi vào ghế Bộ trưởng Chủ nhiệm văn phòng Chủ tịch nước. Nguyễn Thanh Nghị, trưởng nam của Nguyễn Tấn Dũng, được ban phát cho ghế Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Nhân sự quá tuổi Lê Minh Trí, cháu họ của Phan Văn Khải, được tái nhiệm Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao thêm một nhiệm kỳ nữa, dù Trí thất bại trong cạnh tranh quyền lực với Trương Hoà Bình.
Kỳ họp thứ 11, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khoá XIV sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội, dự kiến làm việc trong 7,5 ngày; họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 24/3/2021 và bế mạc vào ngày 2/4/2021. Tại kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội ngay trước khi nhiệm kỳ khoá XIV kết thúc, để kiện toàn sớm nhân sự các cơ quan nhà nước sau Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Nhiều lãnh đạo cấp cao khác của nhà nước không tái cử, không còn tham gia Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, như vậy các vị này sẽ không giữ các chức vụ lãnh đạo trong bộ máy nhà nước khoá tới. Đúng ra, đến kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá mới, việc chuyển giao quyền lực sẽ được tiến hành. Tuy nhiên, ông Trọng yêu cầu kiện toàn ngay bộ máy nhân sự để triển khai nhiệm vụ mới theo Nghị quyết Trung ương khoá XIII của Đảng.
Quy trình “đảng cử, dân bầu” sẽ thế này:
– Sau khi được bầu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ trình Quốc hội về việc miễn nhiệm Chủ tịch nước với ông Trọng, thay vào đó là ông Phúc.
– Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ đọc tờ trình miễn nhiệm chính mình, để Quốc hội bầu Phạm Minh Chính ngồi vào ghế Thủ tướng.
– Tân Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ trình danh sách các Phó Thủ tướng và các bộ trưởng và lãnh đạo các cơ quan ngang bộ để Quốc hội phê chuẩn.
Ngày 23/5/2021, cả nước sẽ đi bầu quốc hội khoá XV và hội đồng nhân dân các cấp. Và như vậy, phải đến tháng 7 năm 2021, Quốc hội mới sẽ khai mạc kỳ họp đầu tiên, tiến hành làm thủ tục cho có (vì đã bố trí xong) đó là bầu, phê chuẩn nhân sự lãnh đạo Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ khoá XV nhiệm kỳ 2021-2026.
Như vậy, nhân dân cả nước được ăn cái “bánh vẽ” dân chủ, khi mà đảng đã sắp xếp xong, nhân dân mới cầm lá phiếu đi bầu và “Quốc hội là nơi thể chế hoá nghị quyết của Đảng“, đúng như lời ông Nguyễn Phú Trọng từng nói.
Mới đây, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia cho biết, Quốc hội khóa 15 phấn đấu để có 25-50 đại biểu Quốc hội là người ngoài Đảng, trong tổng số 500 đại biểu hầu như tất cả là đảng viên cộng sản (số lượng đại biểu ở Trung ương là 207 đại biểu, ở địa phương là 293 đại biểu)
Kiểu ban phát ơn “mưa móc” như trên, thì bao giờ người dân mới có tiếng nói thật sự, thông qua đại diện của mình tại Quốc hội?
Nguồn: Báo Tiếng Dân
#chếđộcsvn #đảngcửdânbầu