Nông dân trồng đào và thương nhân chuyên kinh doanh đào phục vụ nhu cầu trưng bày ngày Tết của dân chúng Việt Nam, đã cũng như đang đứng ngồi không yên vì tác động từ một chỉ đạo của ông Nguyễn Xuân Phúc cách nay khoảng bốn tuần.
Ngày 24 tháng 12 năm 2020, Thủ tướng Việt Nam đột ngột yêu cầu chính quyền các địa phương ở khu vực rừng núi phía Bắc Việt Nam… tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp chặt đào rừng chở về xuôi chơi Tết!
Lệnh vừa kể đã dẫn tới tình trạng chặn bắt – truy xuất… nguồn gốc các… cây đào, cành đào để xác định đó là… đào rừng hay đào trồng. Thương nhân sợ mất cả chì lẫn chài nên ngừng mua bán, còn nông dân thì kêu Trời vì công sức cả năm có nguy cơ thành… củi!
Trước giờ, làm gì để sống vẫn là câu hỏi mà nông dân Việt Nam nói chung luôn loay hoay tìm lời đáp. Trồng đào tại những nơi đất đai cằn cỗi để khai thác – bán cho những người muốn có đào trưng bày ngày Tết vốn là kế sinh nhai của nhiều gia đình nông dân cư trú tại khu vực rừng núi phía Bắc. Ở đó, đào được trồng như rừng, trong trưng bày, đặc biệt là trưng bày vào dịp Tết, thiên hạ thích những thứ gần gũi với tự nhiên, đó là lý do đào được trồng ở khu vực rừng núi phía Bắc được định danh là… đào rừng!
Chẳng ai ngờ, có ngày, từ Thủ tướng đến thủ trưởng các cơ quan hữu trách trong hệ thống công quyền thuộc cả trung ương, lẫn địa phương đột nhiên tha thiết với… rừng, kiên quyết bảo vệ… rừng và cấm đụng đến… rừng đào!
Khai thác… đào rừng có phải là… xâm hại rừng? Bởi không ít viên chức hữu trách từng công khai ví von: Dân thì… gian – thành ra tốt nhất là nghe một số viên chức hữu trách ở nhiều tỉnh khác nhau thuộc khu vực rừng núi phía Bắc giải trình qua báo chí…
Cách nay vài ngày, ông Hoàng Quốc Khánh, Chủ tịch tỉnh Sơn La, khẳng định với tờ Tuổi Trẻ là nông dân Sơn La trồng tới 5.000 héc ta đào để bán cho các nơi. Đó là sinh kế của nhiều gia đình thuộc các sắc tộc thiểu số ở Sơn La.
Chẳng riêng Sơn La đề nghị chính phủ cho truy xuất nguồn gốc đào, mở đường sống cho nông dân – tiêu thụ được đào đã trồng, ông Đặng Văn Châu, Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN PTNT) tỉnh Lai Châu, bảo với tờ Tuổi Trẻ là cơ quan của ông cũng đang xây dựng phương án chứng nhận đào trồng để trình chính quyền tỉnh phê duyệt nhằm tạo điều kiện cho người dân bán được đào vào Tết này, đồng thời ngăn chặn hoạt động chặt phá đào rừng tự nhiên.
Cũng đã có tỉnh như Lào Cai, Phó Giám đốc Sở NN PTNT huỵch toẹt: Lào Cai không có đào rừng. Đào mang xuống phố bán là đào được trồng trong vườn. Đào không được tính là cây lâm nghiệp nhưng Lào Cai khuyến khích dân trồng vì có giá trị kinh tế (1)…
Chỉ còn ba tuần nữa là tới Tết và nông dân – các viên chức chính quyền địa phương – thương nhân đang thử… phối hợp, cùng tìm đầu ra cho… đào rừng bằng cách làm… Đơn xin xác nhận cành đào để chính quyền xã ký tên, đóng dấu (2), hi vọng nhờ vậy có thể mang đào từ rừng núi về phố. Dựa vào các cuộc trò chuyện với những viên chức hữu trách, báo giới dự đoán: Có thể chính phủ sẽ phát hành… tem rồi… dán trên đào rừng nhằm giúp phân biệt đào rừng không phải từ… rừng!
***
Mắc gì mà Thủ tướng đột nhiên chú ý tới… đào rừng, rồi đưa ra chỉ đạo khiến nhiều người không những dở khóc, dở cười mà còn đẩy nhiều gia đình lún sâu hơn trong bần cùng như vậy?
Muốn tìm câu trả lời phải nhìn lại bối cảnh lúc đó: Cuối năm vừa qua, mưa to, bão lớn, lũ lụt, sạt lở chưa từng có xảy ra liên tục. Đau lòng trước cảnh đồng bào chết, mất tích, nhiều người trắng tay vì nhà sập, ruộng vườn tan hoang,… nhiều người, nhiều giới chỉ trích hệ thống chính trị, hệ thống công quyền kịch liệt vì không biết giữ rừng. Lệnh tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp chặt đào rừng chở về xuôi chơi Tết… rõ ràng là một động tác nhằm tạo ra bằng chứng, cho thấy Thủ tướng – người đại diện cho cả hệ thống chính trị lẫn hệ thống công quyền đã… lắng nghe và… tiếp thu!
Còn muốn biết hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương có thật sự tha thiết với… rừng, kiên quyết bảo vệ… rừng và cương quyết cấm đụng đến… rừng hay không thì cần nhìn một sự kiện khác, cũng xảy ra ngay vào thời điểm đó: Cuộc tranh luận về Dự án Sân golf Đak Đoa (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai). Nên thực hiện dự án – phá bỏ 174 héc ta rừng hay đình chỉ dự án để bảo vệ 174 héc ta rừng này, trong đó có 156 héc ta là rừng thông ba lá được đánh giá là quý, hiếm và đã gần 50 tuổi?
Tháng 4 năm ngoái, chính phủ Việt Nam ban hành một nghị định riêng về đầu tư xây dựng, kinh doanh sân golf, trong đó, cấm sử dụng đất rừng làm sân golf. Tuy nhiên đến tháng 11 năm ngoái, chính quyền tỉnh Gia Lai vẫn xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng để thực hiện Dự án Sân golf Đak Đoa (diện tích 500 héc ta). Nhiều chuyên gia, kể cả Tổng cục Lâm nghiệp thuộc Bộ NN PTNT phản đối, bởi dự án ấy không chỉ phá rừng mà còn xóa sổ cả thảm thực vật vốn được xem là hết sức độc đáo tại đó.
Chính quyền tỉnh Gia Lai bác bỏ phản biện vừa nêu với lý do, chính phủ đã từng phê duyệt Dự án Sân golf Đak Đoa từ năm 2009 để thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch, thể thao, dịch vụ ở địa phương. Chưa kể, theo các viên chức hữu trách của tỉnh Gia Lai, rừng thông mà nhiều người muốn bảo vệ không phải rừng tự nhiên mà chỉ… mới được trồng vào… năm 1976, không… theo quy cách, không… đồng đều! Ngoài ra, nếu muốn bảo tồn, có thể… di dời những cây thông cổ thụ đi nơi khác (3)…
***
Khác với… đào rừng, Thủ tướng… ngậm tăm, không nêu bất kỳ ý kiến hoặc ra bất cứ lệnh nào về Dự án Sân golf Đak Đoa. Do vậy, Gia Lai có được phép thực hiện dự án hay không vẫn còn là bài toán chưa có đáp số!
Đem lệnh về… đào rừng và tình trạng khốn khổ của nhiều ngàn gia đình nông dân, thương nhân đặt bên cạnh nghị định riêng về đầu tư xây dựng, kinh doanh sân golf và Dự án sân golf Đak Đoa, có thể thấy, chính phủ đang thực hiện… tiêu chuẩn kép với… rừng.
Đào rừng dẫu không phải là… rừng, dẫu liên quan tới sinh kế, tương lai của nhiều ngàn người thì chính phủ vẫn tỏ ra hết sức nghiêm khắc, thậm chí xem xét cẩn trọng tới mức khắc nghiệt. Còn Dự án Sân golf Đak Đoa tuy xâm hại rừng… thiệt, không như rừng… đào, sai hoàn toàn với tinh thần nghị định riêng về đầu tư xây dựng, kinh doanh sân golf thì hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương lại hết sức… thận trọng, cân nhắc cực kỳ… kỹ lưỡng!
Không phải tự nhiên mà trước nay, nhiều người thuộc nhiều giới ở Việt Nam khẳng định, FLC – chủ đầu tư Dự án sân Golf Đăk Đoa – là một trong những ví dụ điển hình về… “nhóm lợi ích”.
Trước Dự án Sân golf Đăk Đoa, FLC đã từng được chọn làm chủ đầu tư nhiều dự án thực hiện trong rừng, trên đất rừng (4)! Không may cho người Việt là ở Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp giống FLC – được hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tín nhiệm chọn, làm… chủ đầu tư, hết lòng hỗ trợ những doanh nghiệp này thực hiện đủ loại dự án (thủy điện, sân golf, du lịch, tâm linh,…) trong rừng, trên đất rừng dẫu sự lựa chọn, hỗ trợ đó vi phạm đủ loại luật, lệnh!
Trong tương quan với rừng, có thể cách ứng xử của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền với những doanh nghiệp thuộc loại đã kể khác xa cách ứng xử với thường dân “chân đất, mắt toét”, vì lợi ích mà các doanh nhân đứng đầu những doanh nghiệp ấy mang lại cho các viên chức đủ cấp, đủ ngành là những lợi ích có thể… đếm được bằng tay, chứ không phải là những lợi ích… trừu tượng dành cho… tiện dân được tô vẽ ở các… cương lĩnh chính trị, nghị quyết!
Chú thích
(1) https://tuoitre.vn/se-dan-tem-cho-dao-rung-trong-20210115223238387.htm
(4) https://kinhtemoitruong.vn/flc-va-nhung-lum-xum-xin-dat-rung-lam-du-an-52007.html