Phạm Nhật Bình – Việt Tân
Ngày 16 tháng Mười Hai, sau một thời gian điều tra, theo dõi, Bộ Tài Chính Hoa Kỳ chính thức đưa CSVN vào danh sách các nước thao túng tiền tệ.
Thao túng tiền tệ là một thuật ngữ kinh tế chỉ tình trạng giao thương không công bằng giữa Hoa Kỳ và các nước, nhất là đối với các nước đang phát triển dựa vào xuất khẩu hàng hóa ở Á Châu. Một trong 3 tiêu chí mà Đạo Luật Xúc Tiến và Tăng Cường Thương Mại năm 2015 của Hoa Kỳ quy định để xác định một quốc gia vào danh sách thao túng tiền tệ là “thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỷ đô-la.”
Số liệu của Bộ Tài Chính Hoa Kỳ cho biết năm 2019 mức thặng dư này là 55,7 tỷ Mỹ Kim. Hai tiêu chí còn lại, thặng dư tài khoản vãng lai lớn hơn 3% GDP và can thiệp vào thị trường ngoại hối vượt quá ít nhất 2% GDP, Việt Nam đều bị dính cả ba quy định này nên Bộ Tài Chính Hoa Kỳ đã “dán nhãn” thao túng tiền tệ.
Hiện người ta chưa biết Hoa Kỳ sẽ trừng phạt Việt Nam như thế nào và chừng nào tiến hành sự trừng phạt; nhưng đây quả thật là tin không vui cho CSVN vì từ tháng Sáu, 2019, Tổng Thống Donald Trump đã từng cảnh cáo Việt Nam “còn tệ hơn Trung Quốc trong việc buôn bán với Mỹ.” Sau đó ngành thép Việt Nam gánh chịu hậu quả: Hoa Kỳ áp thuế chống phá giá lên tới 450% với thép cán nguội, thép chống ăn mòn xử dụng nguyên liệu nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan (có nguồn gốc từ Trung Quốc.)
Sau 30 năm đẩy mạnh chính sách đầu tư xuất khẩu thu về ngoại tệ, lần đầu tiên CSVN bị dán nhãn thao túng tiền tệ của Hoa Kỳ. Đây là một trong 3 thị trường lớn nhất bao gồm Hoa Kỳ, Liên Âu và Nhật Bản mà Việt Nam khá thành công trong việc đẩy mạnh xuất khẩu.
Nếu bị Hoa Kỳ liệt vào danh sách các nước thao túng tiền tệ, chắc chắn Việt Nam sẽ lãnh sự trừng phạt và làm trở ngại cho việc thu hút đầu tư nước ngoài rất nhiều.
Trước quyết định của Bộ Tài Chính Hoa Kỳ, Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam và cả Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đều phủ nhận điều này. Ngân Hàng Nhà Nước thì nói họ chỉ điều chỉnh tỷ giá hối đoái để “kiềm chế lạm phát theo chiều hướng ổn định vĩ mô.” Còn ông Phúc thì nói rằng không hề có ý định thao túng tiền tệ mà chỉ bảo đảm cân bằng hối xuất.
Đương nhiên các quan chức Hà Nội có quyền giải thích linh tinh để chạy tội, nhưng quan trọng hơn hết là phải chứng minh cho phía Hoa Kỳ thấy được họ không có hành động thao túng tiền tệ. Vì điều này không phải diễn ra ngẫu nhiên mà là cả một quá trình điều tra lâu dài của Hoa Kỳ từ Tháng Giêng, 2020.
Một số chuyên gia ngân hàng trong nước cũng phụ họa với nhà cầm quyền cho rằng Bộ Tài Chính Mỹ đã làm một việc “mang tính chủ quan, đơn phương,” không xét đến đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam.
Trong lãnh vực kinh tế, Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam dễ dàng dùng tiểu xảo thông thường như phá giá đồng tiền của mình so với đô-la Mỹ không ngoài mục đích tạo lợi thế cạnh tranh thương mại không công bằng. Vì khi đồng tiền Việt Nam yếu hơn, xuất khẩu hàng hoá gia tăng và trở nên rẻ hơn đối với người mua. Nếu điều này diễn ra thường xuyên và tương đối lâu dài, đó là thao túng tiền tệ, câu chuyện mà CSVN đang mắc phải.
Qua chuyện này, nhà cầm quyền CSVN nhận được hai bài học:
Một là nên coi lại chính sách dựa vào đầu tư xuất khẩu thu ngoại tệ và gọi đó là tăng trưởng kinh tế để hàng năm vỗ tay reo mừng. Vì thật ra đó là bán rẻ sức lao động công nhân Việt Nam đi làm thuê cho các công ty nước ngoài. Tăng trưởng kinh tế nhờ vào sự đóng góp của các công ty FDI thường lên đến 70% kim ngạch ngoại thương, không nói lên được tiềm lực kinh tế của một quốc gia vốn sống nhờ vào xuất khẩu.
Hai là trong kinh tế, đừng chơi trò xỏ lá kiểu ăn cắp vặt như thay đổi hối suất để kiếm bạc lẻ trong sản xuất. Sự tiểu xảo ấy không qua nổi con mắt của các đối tác thương mại như Hoa Kỳ. Mặc dầu thao túng tiền tệ không phải là vấn đề bất hợp pháp nhưng sự ràng buộc thương mại giữa đôi bên cho phép Hoa Kỳ trừng phạt chính phủ Việt Nam khi cần, như đánh thuế cao lên các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Cuối cùng, chuyện Việt Nam cần làm hiện nay là thành thật thúc đẩy sự cân bằng cán cân thương mại với Hoa Kỳ bằng cách tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ nước này và kiểm soát con đường trung chuyển hàng hóa từ phía Trung Quốc. Đó là con đường duy nhất không chỉ để bảo vệ lợi ích lâu dài của giao thương công bằng mà còn là bảo vệ lợi ích chính trị giữa Việt Nam với Hoa Kỳ trong tương lai.
Phạm Nhật Bình