Cậu bé ấy là Trần Văn Cường (sinh năm 2008, ngụ tại huyện Bình Chánh). Mỗi ngày, khoảng 5, 6 giờ chiều, Cường sẽ bế theo em trai là Trần Thụ Minh (sinh năm 2019), bắt xe bus từ chợ Bà Lát (huyện Bình Chánh) lên đến ngã tư trên đường Lê Đại Hành, quận 11 để xin ăn…
Đoạn đường xa, cậu em vừa 2 tuổi kháu khỉnh, vậy mà em vẫn rất chiều chuộng và nhẹ nhàng.
Cách đây hơn hai năm, Cường sống tại An Giang với dì ruột, được đi học như bạn bè cùng trang lứa, lúc đấy hoàn cảnh gia đình còn ổn định. Sóng gió ập đến, nhiều câu chuyện xảy ra, ba Cường vướng vào vòng lao lý, để lại một mình mẹ em nuôi 3 người con, và cả Thụ Minh đang còn nằm trong bụng. Ngày Thụ Minh chào đời, Cường cũng rời quê, bỏ ngang lớp 4 rồi lên Sài Gòn phụ mẹ trông em, để mẹ đi làm, kiếm tiền lo cho gia đình. Sau đó, sức khỏe của mẹ em yếu dần, cộng việc trở nên bấp bênh, cuộc sống vốn khó khăn này càng nặng nề hơn nữa.
Thương mẹ, Cường bắt đầu đi kiếm tiền bằng việc phụ giúp ở các quán cơm, nhưng vì phải mang theo Minh nên không thể làm tốt được. Vậy rồi, mượn cớ xuống làm ở quán cơm, cứ tối đến em lại trốn mẹ đi tận trong thành phố, ngồi bên vệ đường để xin tiền.
‘Lúc đầu em đi em cũng thấy ngại với sợ lắm, sợ vì đi xa, không quen biết ai và không có gì để liên lạc, còn ngại thì em ngại người quen của ba mẹ nhìn thấy, rồi người ta nói mẹ em này kia nữa. Cũng vì thương mẹ nên em mới làm’ – Cường nói.
‘Em và Minh đi từ Bình Chánh lên đây (quận 1) mất khoảng 1 tiếng đồng hồ, em Minh ở nhà quậy phá lắm, nhưng mà đi ra đường với em thì ngoan hơn một chút, cũng may là em ấy chỉ phá trên tay em chứ không có đòi chạy đi lung tung’ – Cường vừa ôm em vừa nói.
Thời gian đầu đi xin, Cường còn dắt theo một em gái 5 tuổi, nhưng hiện tại đã được gửi về An Giang sống với dì. Một người mẹ dám để ba đứa con còn rất nhỏ dắt díu nhau ra những con phố đông đúc ở Sài Gòn xin ăn, giữa những dòng xe đông nghẹt đã nhận không biết bao phán xét của người đời, nhưng đã mấy ai biết về câu chuyện đằng sau.
Cường nhớ lại hồi đầu mình giấu mẹ đi xin, khi mẹ biết thì khóc nấc, đánh và cấm không cho đi nữa. Nhưng hạn tiền nhà gần đến, chi tiêu thiếu hụt, có mỗi chiếc điện thoại mua trả góp vẫn chưa xong cũng phải cầm đi khi bé Minh lên cơn sốt cao, phải chữa ở viện.
Vậy là em thuyết phục mẹ, mãi thì mọi chuyện cũng được chấp nhận.
‘Có mấy đêm thằng Cường về trễ, tôi cứ ngồi khóc mà không ngủ được, sáng vẫn phải đi làm kiếm tiền, ở trong công ty mà đứng muốn không vững, mãi cho đến khi chị kế bên nhà trọ cho hay là bé về rồi thì mới yên tâm. Mình cũng thương con đứt ruột, nhưng mà vì hoàn cảnh của mình, mình phải cắn răng mà chấp nhận’ – chị Út kể lại.
Cường học giỏi, từ hồi em lên Sài Gòn sống, thầy giáo ở quê hay nhờ dì em gọi lên bảo em về quê đi học lại, nhưng mà em không về, vì em không thể bỏ lại mẹ một mình. Nói như vậy, nhưng không có nghĩa là em không muốn đi học.
‘Ước mơ của em là được đi học trở lại’ – Cường nói. Và khi được hỏi nếu được đi học lại em muốn tương lai mình sẽ làm nghề gì, Cường trả lời một câu chua chát: ‘Em chỉ muốn đi học lại thôi, còn chuyện tương lai làm gì thì em chưa biết, tại em còn nghèo quá nên em không dám nghĩ’.