Vaccine ngừa bệnh dịch COVID-19 sắp được phân phối, nhưng không phải ai cũng hoan nghênh. Cuộc nghiên cứu dư luận vào cuối tháng 10 của Công ty Gallup cho thấy 42 phần trăm người Mỹ sẽ không chịu dùng thuốc chủng. Một số người không bao giờ chủng ngừa, vì không tin. Một số người thì nghi ngờ các vaccine sắp đem dùng vì thấy thời gian nghiên cứu chế thuốc nhanh quá, chỉ trong 11 tháng thay vì nhiều năm, nên nghi ngờ hiệu quả.
Ba vị cựu tổng thống Mỹ, Clinton, Bush và Obama đã tình nguyện sẽ chủng ngừa ngay khi có thuốc. Họ sẽ cho dân Mỹ chứng kiến trên ti vi cảnh họ chích ngừa để mọi người bớt lo ngại và đi chích cho đông.
Vẫn còn một số người Mỹ không tin vào lời khuyên của giới y học. Đại học USC (University of Southern California) thăm dò 5,770 người trong tháng 11 thấy vẫn còn 4.6% quả quyết rằng không cần đeo mạng che miệng vì họ không sợ loài coronavirus. Nói chung, họ không tin vào khoa học.
Nhật báo Wall Street Journal, một tờ báo bảo thủ đứng đắn, luôn luôn ủng hộ đảng Cộng Hòa, kể chuyện Bác sĩ Brian Kendall, làm Phòng Cấp Cứu (emergency room) trong bệnh viện West Texas, công nhận có nhiều người không đeo mạng vì thấy giới lãnh đạo trong nước không đeo. Ông cho biết ngay trong gia đình ông cũng có người viết trên mạng xã hội rằng bệnh dịch Covid không có thật, và cho rằng các con số người bệnh, số người chết đều giả tạo.
Ngày Thứ Năm 3 tháng 12 có 213,830 trong hợp mới mắc bệnh và 2,861 người chết vì COVID-19, hãng Reuters đã đếm theo tin tức chính thức của chính phủ. Nhưng nhiều người nghĩ rằng các con số báo cáo về người chết và người bị bịnh đã được thổi phồng lên cao. Công ty nghiên cứu Axios-Ipsos cho biết hồi Tháng Năm có 23% người Mỹ nghĩ như vậy. Đến Tháng Chín, chắc vì lý do chính trị, tỷ số đã tăng lên 36%.
Cách giản dị nhất để xem bao nhiêu người Mỹ chết vì bệnh dịch là tìm con số người chết những năm trước đây, từ đó tiên đoán số người chết trong năm 2020, trong tình trạng bình thường. Con số thực năm nay có bao nhiêu người Mỹ chết, có thể tìm được, theo thống kê từ các bệnh viện, các nhà quàn. Có con số người chết thực, đem so sánh với con số dự đoán, thì biết số chênh lệch là bao nhiêu. Số chênh lệch đó hiện nay còn cao hơn con số người chết được báo cáo là do bệnh dịch Covid. Tức là người ta còn bỏ sót không đếm nhiều người đã chết vì Covid, vì không chết trong bệnh viện.
Nhiều người vẫn không tin các con số và các chứng cớ khoa học. Chúng ta chỉ có thể buồn và thấy lo cho họ. Nhưng các bác sĩ, các y tá, nhưng nhân viên làm công việc săn sóc các bệnh nhân Covid hàng ngày không phải chỉ buồn và lo như chúng ta. Họ chịu đựng những áp lực hàng ngày trong khi nhiều người còn nghi ngờ họ bịa ra cơn bệnh dịch!
Bà Ashley Bartholomew, là một y tá ở El Paso, Texas, kể chuyện một bệnh nhân vẫn nghĩ rằng Covid-19 cũng chẳng khác gì bệnh cúm thông thường, báo chí chỉ làm rùm beng lên mà thôi. Cho đến khi ông ta mắc bệnh dịch. Bà Bartholomew đẩy xe đưa ông ta ra khỏi khu trị liệu đặc biệt (intensive-care), lúc đó ông mới chấp nhận mình mắc bệnh nguy hiểm thật. Ông ta cảm ơn những người chữa trị cho mình, công nhận trước đây mình đã lầm.
Nhiều người không tin mối nguy hiểm của bệnh dịch khiến công việc của các bệnh viện nặng nề hơn. Báo Wall Street Journal, đã gặp Bác sĩ Michaela Schulte đang làm ca tối ở Bệnh viện St. Luke’s gần thành phố Boise, Idaho. Bà đã điều trị hàng trăm bệnh nhân Covid-19. Gần đây con số người nhập viện gia tăng nhanh, bà nghĩ rằng lý do là dân chúng trong vùng không coi căn bệnh này đáng lo ngại, đề phòng. Bà đứng xếp hàng ở quầy trả tiền trong siêu thị, thấy có người nói với nhau rằng cái loài vi khuẩn mới này không có thật, các bác sĩ bịa đặt ra để dọa. Bà Schulte nghe mà cảm thấy chán ngán!
Bác sĩ Sky Blue, chuyên về bệnh truyền nhiễm, cũng ở nhà thương St. Luke, kể rằng trong 25 năm qua ông đã sống vui vẻ với xóm làng, thường giúp đỡ nhau mọi chuyện kể cả công việc đồng áng, không ai cần biết ý kiến chính trị của người hàng xóm mình. Nhưng gần đây thì khác, người ta cãi nhau chỉ vì vụ có nên đeo mạng che miệng hay không! Bác sị Blue kể, “Tôi nghe họ nói, cảm thấy trong lòng họ sôi nổi như thế nào, tôi hiểu được. Nhưng cách tranh luận của họ khiến tôi thấy những giá trị, tập quán truyền thống của Tiểu bang Idaho đã mất hết rồi.”
Những người làm việc trong các bệnh viện đang là các chiến sĩ đứng tuyến đầu, nếu coi Covid như một cuộc chiến tranh. Mà số người chết vì bệnh dịch này đa lên cao hơn con số trong các trận chiến tranh mà nước Mỹ đã tham dự. Họ là “Những Người Áo Trắng” như tên một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nhật Tiến.
Những Người Áo Trắng này đang có cảm tưởng bị người chung quanh bỏ quên. Có người thấy họ đang lo chữa trị một thứ bệnh không có thật; đang làm những việc vô ích. Họ vẫn phải sống trong hàng ngày hoàn cảnh căng thẳng nhất, dễ làm cho con người chán nản nhất.
Nick Klein là một y tá 31 tuổi trong phòng ICU bệnh viện của Đại học University of Iowa. Anh chuẩn bị gặp bệnh nhân mình phải săn sóc, mà anh biết trong đêm nay sẽ không qua khỏi. Anh mặc áo khoác của bệnh viện, đeo găng tay, đeo mạng che miệng và lá chắn phủ mặt, rồi bước vào phòng bệnh. Anh được nghe bệnh nhân đang nói điện thoại với người thân. Khi nghe từng người trong gia đình nói lời từ giã, goodbye, goodbye… anh không cầm được nước mắt! Khi cuộc điện thoại chấm dứt, anh đặt một điệu nhạc piano êm dịu. Anh kéo ghế đến ngồi bên giường, nắm bàn tay người bệnh. Cho tới khi nhìn bệnh nhân thở hắt hơi cuối cùng.
Những Người Áo Trắng vốn đã quen với cảnh con người từ giã cõi đời trong bệnh viện. Nhưng chúng ta phải thấy rằng hiện nay người ta không chết như lúc bình thường nữa. Nhiều người theo nhau chết, nhanh quá. Người ta cũng thường không chết như thế này. Chết trong khi miệng há rộng vì các ống đút, cái để bơm dưỡng khí, cái để hút đờm rãi. Và người ta thường không chết một mình, không một thân nhân nào được phép đứng bên.
Joe English, 37 tuổi làm cùng chỗ. Anh là chuyên viên sử dụng ống thở (ventilators hoặc máy ECMO). Anh lo việc ráp máy, đặt ống vào miệng bệnh nhân. Và rút ống ra khi bệnh nhân chết. Trong mấy tháng qua anh đã lo cho 50 người như vậy. “Chúng tôi đang chiến đấu ngoài mặt trận,” anh nói. Chúng ta có thể tưởng tượng tâm trạng tuyệt vọng của những chiến sĩ thấy mình đang thua trận, khi không cứu được mạng sống.
Cũng trong bệnh viện của Đại học Iowa, Bác sĩ Kevin Doerschug, giám đốc khu ICU đã chữa trị một bệnh nhân Covid-19 khoảng 30 tuổi. Sau khi được đặt máy thở ventilator, người bệnh thuyên giảm rõ ràng. Gỡ ống thở ra và khám nghiệm lại tất cả, thấy các bộ phận trong cơ thể ông ta hoạt động bình thường. Nhưng chỉ mấy giờ sau, người bệnh ngưng thở, đi luôn. Ông Doerschug thú nhận, “Tất cả bọn chúng tôi chỉ biết cùng ngồi xuống, và khóc.”
Đài ABC kể một chuyện ở vùng Sacramento, thủ phủ California. Bác sĩ Taylor Nichols chăm sóc một bệnh nhân, anh ta nói luôn miệng, “Xin cứu tôi! Bác sĩ, đừng để tôi chết! Đừng để tôi chết!” Khi thay áo cho người bệnh thì nhìn thấy những hình xăm trên da, là dấu Chữ Vạn, huy hiệu của SS, đạo quân xung phong của Hitler. Bệnh nhân là thành viên của một nhóm da trắng Tân Quốc Xã, kỳ thị chủng tộc. Bác sĩ Nichols là người gốc Do Thái. Một y tá người da đen và một người gốc Á châu là chuyên viên về hô hấp giúp ông lo cho bệnh nhân. “Chúng tôi biết anh này coi chúng ta là thứ người như thế nào,” Bác sĩ Nichols nói. “Nhưng chúng tôi bình thản làm việc. Công việc của chúng tôi là cứu mạng sống con người.”
Những Người Áo Trắng đang sống bên cạnh chúng ta. Xin giúp họ làm bổn phận với xã hội loài người. Hãy tự bảo vệ mình cho khỏi bị bệnh. Hãy ngăn ngừa bệnh giúp người khác. Đó là cách tối thiểu để tỏ lòng biết ơn.