Phạm Nhật Bình – Việt Tân
Cứ mỗi 5 năm một lần, đảng Cộng Sản Việt Nam lại tổ chức đại hội rình rang, để bầu bán và xưng tụng lẫn nhau. Đây cũng là dịp diễn ra những hoạt động chạy chọt, mua quan bán tước trong bộ phận lãnh đạo từ trung ương đến địa phương, vì đó là quy luật “có quyền – thì có lợi.” Vì thế, đây là lúc mà các lãnh đạo chóp bu mở những cuộc đấu đá không khoan nhượng để giành giựt những vị trí đứng đầu cho phe nhóm mình.
Đặc biệt trong đại hội 13 dự trù khai mạc vào tháng Giêng, 2021, hầu hết ủy viên bộ chính trị nhất là những người đang giữ ghế tứ trụ đều tới tuổi về hưu. Nhu cầu bố trí một tầng lớp lãnh đạo cai trị mới lại càng thúc đẩy các hành động loại trừ lẫn nhau diễn ra gần như công khai giữa những người lúc bình thường gọi nhau là đồng chí.
Sự kiện, Nguyễn Đức Chung, Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội, đột ngột bị bắt và bị truy tố về hành vi “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” xảy ra ngay sau khi hội nghị trung ương 12 để chuẩn bị về nhân sự cho đại hội 13, càng tô đậm cho những đấu đá quyết liệt này. Trong lúc đó Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh Tế Trung Ương, một nhân vật đang lên và có nhiều tiềm năng trở thành chủ tịch nước trong 5 năm (2021-2026) cũng đã bị kỷ luật vì bị quy trách nhiệm trong vụ “mua ba ngân hàng giá 0 đồng” trong thời kỳ ông Bình là thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước dưới thời Nguyễn Tấn Dũng.
Đó là hai trường hợp điển hình cho sự đấu đá loại trừ nhau trước đại hội 13 không ngoài mục đích giành những chiếc ghế quyền lực ở trung ương.
Về mặt tuyên truyền đường lối chính sách, báo chí quốc doanh trong dịp đại hội đảng lần này được chỉ đạo từ Ban Tuyên Giáo Trung Ương đua nhau nổ sảng, thổi phồng những kết quả trên mây nhờ có “đảng lãnh đạo.” Các báo đảng tâng bốc rằng “đại hội đảng” là sinh hoạt chính trị đặc biệt quan trọng của Việt Nam trong bối cảnh tươi sáng của một nền kinh tế “phát triển cao nhất thế giới” trong thời gian Covid-19 hoành hành. Đặc biệt nhất là thành tích của Việt Nam diễn ra trong bối cảnh kinh tế các nước lớn đều tăng trưởng âm.
Chính vì vậy lãnh đạo CSVN luôn luôn tìm cách khơi động những sinh hoạt chính trị để tạo sự quan tâm trong quần chúng, phục vụ sự tự quảng cáo một cách trắng trợn. Nào là trong sạch hóa bộ máy đảng và nhà nước, chống chạy chức chạy quyền, nào là họp kiểm tra bầu chọn trung ương, nào là học tập trao đổi văn kiện.
Ngay từ năm 2019 Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành “Quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức chạy quyền.” Quy định này là sự thừa nhận tới 6 hành vi chạy chức chạy quyền lâu nay tồn tại gần như công khai trong đảng như một căn bệnh không có thuốc chữa.
Ngoài ra, đảng CSVN còn bày ra trò công bố dự thảo văn kiện trình đại hội 13 để lấy ý kiến nhân dân “nhằm mục đích phát huy quyền làm chủ, củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với đảng.” Thật là một trò hề bởi lẽ nhân dân chưa bao giờ đóng một vai trò gì trong đại hội ngoài vai trò nai lưng đóng thuế cho đại hội tiêu tiền. Kinh nghiệm cho thấy đã biết bao lần đảng bày trò lấy ý kiến nhân dân, rốt cuộc những ý kiến đóng góp đầy tâm huyết được đảng cho vào sọt rác. Đó là một trò hề kết hợp với bản chất lường gạt của chế độ cộng sản được đảng lặp đi lặp lại nhiều lần mà không hề hổ thẹn. Đó gọi là “củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân” được sao?
Những dịp tổ chức đại hội, hội nghị của đảng CSVN chỉ tiêu tốn thêm ngân sách quốc gia mà người dân chẳng ai chú ý. Lý do rất dễ hiểu là người dân chẳng được “xơ múi” gì trong cái gọi là trò chơi quyền lực của đảng. Trò chơi ấy từ lâu người ta đã nhận ra chỉ toàn là những tranh chấp sặc mùi quyền lợi phe nhóm. Nhưng chúng lại đầy những sáo ngữ “do dân, vì dân” hay “dân giàu nước mạnh”, “khát vọng hùng cường”, “củng cố niềm tin” nhằm che đậy những đấu đá quyền lực bên trong. Và sau những cuộc tranh giành bẩn thỉu ấy, đảng lại xuất hiện những gương mặt mới được tô vẽ như những tinh hoa lãnh đạo đầy phẩm chất đạo đức cách mạng.
Nhưng cái tệ mạt nhất của đảng CSVN là gán ghép sự thờ ơ của người dân là do những thế lực thù địch và các thành phần chống đối với chế độ tạo ra. Chúng liệt kê ra một danh sách dài các đài phát thanh Tiếng Việt và tổ chức chính trị ở nước ngoài như BBC, VOA, RFA, Đảng Việt Tân, các trang web gọi là phản động đã liên kết nhau trong âm mưu chống đảng, tung tin tức xuyên tạc “nhằm hướng lái, nắn dòng dư luận.”
Trong thực tế, nếu lãnh đạo CSVN coi việc tổ chức đại hội là hội kín chỉ trong hàng ngũ đảng thì người dân chẳng ai quan tâm theo dõi hay chống phá làm gì. Chính sự thổi phồng và tự cho rằng đảng CSVN mang sứ mạng lịch sử, làm người lãnh đạo dân tộc tiến lên thiên đường cộng sản hoang tưởng, đã lộ rõ những lố bịch mà bất cứ công dân Việt Nam yêu nước nào cũng thấy phẫn nộ và không chấp nhận.
Lý do làm người dân bực mình là cái kiểu úp úp, mở mở và lúc nào cũng huênh hoang, khoác lác tuyên truyền rằng Việt Cộng là đảng của toàn dân, toàn dân vui mừng chào đón đại hội. Thế nhưng những diễn biến của đại hội hoàn toàn giữ kín, chỉ những đảng viên tham dự biết với nhau. Báo chí quốc doanh cũng chỉ được đăng tin tức đại hội do Ban Tuyên Giáo Trung Ương đưa ra. Không một người dân nào được tham dự, hay được biết hoạt động của những người nắm quyền thống trị đất nước. Vậy phải chăng đó là sự vui mừng quá lố bịch?
Khi đảng CSVN một mình một chợ thì chính những kiểu tuyên truyền lật lọng và sai trái trắng trợn như vậy mới khiến người dân vạch trần và phê phán bộ mặt thật của đảng. Đó cũng là chuyện đương nhiên xảy ra và chẳng có bóng ma thế lực thù địch nào dám chống lại đảng CSVN khi nanh vuốt của đảng có tới 2 triệu côn an các loại.
Phạm Nhật Bình