Tự chủ đại học là hướng đến tự do học thuật; tự chủ về tài chính, nhân sự hay tự chủ gì đi nữa thì cũng chỉ nhằm hỗ trợ cho tự do học thuật, tự do trong đổi mới sáng tạo, để các trường đại học kiến tạo nên các giá trị mới, thúc đẩy tiến bộ xã hội.
Ngày 27-11, Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức Hội thảo giáo dục Việt Nam 2020 “Tự chủ trong giáo dục đại học – Từ chính sách đến thực tiễn”.
Lược ghi một số ý kiến của các quan chức ‘hàng V.I.P’ tại buổi hội thảo.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Hồn cốt” là “tự chủ chuyên môn” – tự do học thuật
Đến năm 2014, chúng ta mới bàn nhau có nhận thức rằng, “hồn cốt” của tự chủ đại học không phải là tự chủ tài chính mà là “tự chủ chuyên môn”.
Và muốn tự chủ chuyên môn được phải có tự chủ nhất định về tài chính và bộ máy nhân lực. Từ đó, cơ quan chủ trì việc thí điểm tự chủ này chuyển từ Bộ Tài chính, và trong Thường trực Chính phủ chuyển từ Phó Thủ tướng phụ trách tài chính sang Bộ Giáo dục – đào tạo, và Phó Thủ tướng phụ trách về giáo dục. Đó là quá trình nhận thức mất 10 năm.
Các dự án của Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ, thời Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân rất tâm huyết xây dựng các trường đại học xuất sắc, trong đó đầu tiên là trường Việt Đức, Việt Pháp, sau này là Việt Nhật.
Trường Việt Đức là do WB tài trợ, mục đích không chỉ là lấy 200 triệu USD vay của Ngân hàng thế giới hay Ngân hàng châu Á để xây hai trường đại học, mà mục đích là xây dựng mô hình quản trị đại học theo hướng tự chủ.
Chính những mô hình đó cộng với mô hình trong nước, ví dụ trường đại học Tôn Đức Thắng, đại học FPT, đại học Duy Tân… và sự nỗ lực của một số trường công lập như đại học Bách khoa, đại học Kinh tế quốc dân, đại học Kinh tế TP.HCM, Đại học Quốc gia Hà Nội & Đại học Quốc gia TP.HCM thì chúng ta mới hình thành nên nghị quyết của Chính phủ về tự chủ.
Mặc dù nghị quyết đấy mới được thực hiện nhưng ngay từ đầu chúng ta đã nói, con đường đi này là con đường một chiều – không có quay lại và rất nhanh, chúng ta đã lan tỏa ra trong cộng đồng các trường đại học, toàn xã hội, các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội. Chúng ta đã có một Luật Giáo dục Đại học sửa đổi. Thực ra sửa đổi lớn nhất là để luật hóa tinh thần tự chủ đại học.
(…) Trước đây, cơ quan cấp trên là cơ quan chủ quản can thiệp trực tiếp vào quá nhiều thì bây giờ quyền lực đấy phải chuyển dần, bản chất có sự sắp xếp và dịch chuyển quyền lực từ cơ quan chủ quản là chính sang hội đồng trường và cơ quan đại diện cho chủ sở hữu.
Dịch chuyển quyền lực một phần từ cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo sang Hội đồng trường, và dịch chuyển một phần quyền từ Hiệu trưởng và Ban giám hiệu sang hội đồng trường.
Hội đồng trường là cơ chế hoạt động tập thể, bao giờ cũng phải tạo được sự đồng thuận thì mới ngăn chặn được những thứ cực đoan sai phạm do thói quen, nếu không có cơ quan tập thể thì dễ bị sai phạm.
Giáo sư Trần Đức Viên: Khái niệm tự chủ đại học đã bị “đánh tráo”
Giáo sư Trần Đức Viên, cựu Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nay là chủ tịch hội đồng Học viện, nhìn nhận đang có cách hiểu rằng việc tự chủ đại học ở Việt Nam, đồng nghĩa với việc đánh đổi giữa ‘hy sinh’ kinh phí cấp phát để lấy quyền tự quyết trên một vài lĩnh vực nào đó do nhà nước giao, tự chủ ,có điều kiện ràng buộc,’ với nhiều tiêu chí về mức độ tự túc tài chính, đảm bảo chất lượng, nhân sự,… giữa cơ quan quản lý có thẩm quyền với trường công.
Nếu ‘thiết kế’ tự chủ với quan điểm như trên thì tự chủ đại học của Việt Nam có những khác biệt về bản chất với tự chủ đại học ở các nước phát triển – mô hình mà Việt Nam đang hướng tới.
Nếu hiểu như vậy, khái niệm đại học tự chủ (autonomous university) đã bị ‘đánh tráo’ thành đại học tự lo, đại học tự túc (self – sufficient university); trên thực tế, trong giai đoạn ‘thí điểm’, người ta đã lấy tiêu chí tự túc về kinh phí chi thường xuyên, và chi đầu tư thành tiêu chí hàng đầu để quyết định việc (nhà nước) có giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục hay không, và giao đến mức nào.
Tự chủ khác về bản chất với tự lo, tự túc; trên thế giới, khi giao quyền tự chủ cho đại học thì nhà nước chỉ thay đổi cách đầu tư: thay vì đầu tư theo dòng kinh phí – hạng mục (line-items) sang đầu tư một khoản kinh phí (block grants) dựa trên kết quả ‘đầu ra cơ bản’ (Key Performence Indicators – KPIs) của cơ sở giáo dục, do cơ sở giáo dục cam kết với xã hội, hoặc do nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ. Nhà trường được quyền linh động sử dụng nguồn kinh phí đó một cách hiệu quả nhất.
Về bản chất, tự chủ đại học là hướng đến tự do học thuật; tự chủ về tài chính, nhân sự hay tự chủ gì đi nữa thì cũng chỉ nhằm hỗ trợ cho tự do học thuật, tự do trong đổi mới sáng tạo, để các trường đại học kiến tạo nên các giá trị mới, thúc đẩy tiến bộ xã hội.
Nếu so với tự chủ đại học ở các nước phát triển, bối cảnh giáo dục đại học ở Việt Nam hoàn toàn khác: Tự chủ ở Âu – Mỹ xuất hiện khi tự do học thuật đã tồn tại từ rất lâu trong môi trường giáo dục đại học; còn ở Mỹ, tự do học thuật của các trường đại học là quyền đương nhiên.
Trong khi đó, khi bàn đến tự chủ cho các trường đại học ở Việt Nam, người ta hầu như chỉ nói đến tự chủ tài chính vì thế, tự do học thuật vẫn còn là một khái niệm xa lạ, ít khi được nhắc đến.
Cần lưu ý là, nếu tự do học thuật không được đảm bảo, giáo dục đại học khó có thể hoàn thành được sứ mệnh của mình. Tự chủ, kể cả toàn diện, không nghiễm nhiên dẫn đến hay bảo đảm cho tự do học thuật, mặc dù đó là cơ chế cho phép thực thi tự do học thuật.
Vì vậy, tự chủ mà thiếu vắng tự do học thuật, sớm muộn cũng bộc lộ hạn chế trong quá trình phát triển của đại học, vì tự do học thuật chính là hồn cốt của tự chủ đại học, của giáo dục đại học./.
#đạihọctựchủ #tựdohọcthuật