Trân Văn – VOA
Báo chí Việt Nam đang tận tình khai thác Kết luận Điều tra (KLĐT) vụ án “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” mà theo đó, ông Nguyễn Đức Chung (Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN, Chủ tịch kiêm Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội) được xác định là chủ mưu, cầm đầu, do vậy sẽ gọi tắt là vụ án Nguyễn Đức Chung.
Theo KLĐT, sau khi công an Việt Nam khởi tố – tiến hành điều tra ba vụ án: “Buôn lậu -Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “Rửa tiền”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến Công ty Nhật Cường (sẽ gọi tắt là vụ án Nhật Cường), ông Chung đã móc nối với ông Phạm Quang Dũng – sĩ quan thuộc Cục Cảnh sát kinh tế của Bộ Công an – để thu thập thông tin liên quan đến tiến trình điều tra. Không những bí mật cung cấp thông tin điều tra, ông Dũng còn chụp trộm các văn bản liên quan đến vụ án Nhật Cường gửi cho ông Chung. Những văn bản này được xác định là tài liệu bí mật nhà nước…
KLĐT cho biết, ông Chung tiếp cận rồi cậy nhờ ông Dũng thông qua sự giới thiệu và sắp xếp của ông Phan Huy Lệ. Sau khi thu thập, cung cấp tài liệu bí mật nhà nước cho ông Chung, ông Dũng tự thú với các… đồng nghiệp, nộp lại cả tiền đã nhận từ ông Chung (10.000 Mỹ kim) lẫn các file ghi âm cuộc trò chuyện giữa cả hai…
Vụ án có bốn bị can, cả bốn đều đã nhận tội và trong KLĐT, cơ quan điều tra đề nghị các cơ quan thực thi những công đoạn còn lại cùa tiến trình tố tụng (Viện Kiểm sát, Tòa án) xem xét giảm nhẹ hình phạt cho cả bốn bị can: Ông Chung vì có nhiều công trạng và mang bạo bệnh, ba bị can còn lại vì hợp tác tích cực và khai báo thành khẩn (1)…
Khi khai thác KLĐT, trừ Nhà Đầu tư (cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài -VAFIE), đa số cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam bỏ qua tình tiết liên quan đến ông Phan Huy Lệ – Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Hà Thành Group – nhân vật môi giới cho ông Chung và ông Dũng…
***
Nhà Đầu tư cho biết, trên danh nghĩa, Hà Thành Group là một công ty nhưng có dáng dấp một tập đoàn tư nhân, với nhiều doanh nghiệp thành viên có phạm vi hoạt động rất rộng: Từ sản xuất xi măng, khai thác thủy điện, đến xuất khẩu lao động, kinh doanh bất động sản, khách sạn thiết bị ngân hàng, vận tải hành khách.
Từ thị xã Bỉm Sơn ở Thanh Hoá, Hà Thành Group mở rộng sự nghiệp bán sỉ máy móc, thiết bị và phụ tùng sang khai thác thủy điện Thành Sơn (Quan Hóa, Thanh Hóa), rồi thâm nhập vào thị trường xuất khẩu lao động, sau đó trở thành chủ đầu tư Khu Đô thị – Thương mại – Dịch vụ tổng hợp ở Diễn Châu (Nghệ An) – dở sống, dở chết suốt từ 2011 đến nay (2)… Tuy nhiên đáng chú ý nhất là Hà Thành Group chuyên thâu tóm các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được cổ phần hoá.
Tại Hà Nội là Công ty Cổ phần Thiết bị Vật tư Ngân hàng, Công ty Cổ phần Ô tô Vận tải Hà Tây, Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Phát triển và xây dựng Thikeko, Công ty Cổ phần Xây dựng – Dịch vụ và Hợp tác lao động. Ở Nghệ An là Công ty Cổ phần Thuỷ điện TLT, Công ty Cổ phần Xi măng và Vật liệu Xây dựng Cầu Đước…
Nhà Đầu tư ví thâu tóm các DNNN được cổ phần hóa là… “khẩu vị chính” của ông Phan Huy Lệ và theo mô tả, dường như ông Lệ mặn mà với món… cổ phần hóa là vì có đất đính kèm. Chẳng hạn giá trị của Thikeco chỉ mười tỉ nhưng sở hữu Thikeko đồng nghĩa với sở hữu 7.000 m2 đất ở đường Lương Thế Vinh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội (3).
Trong quá khứ, Hà Thành Group từng là đối tác của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) trong Dự án Khách sạn Thương mại Sài Gòn ở Hà Nội. Đầu năm 2013, VNR đem công thự và công thổ có diện tích khoảng 1.000 m2 tại quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội liên doanh với Hà Thành Group để thực hiện dự án vừa kể…
Chuyện chẳng có gì để nói nếu VNR không ráo riết chuyển quyền thuê đất, rút vốn nhượng toàn bộ dự án cho… Hà Thành Group khiến Bộ GTVT phải gửi công văn hỏa tốc, yêu cầu VNR dừng ngay việc rút vốn (4). Năm 2016, Thanh tra Chính phủ chính thức xác định: VNR đã xem thường lợi ích của nhà nước, của doanh nghiệp, lợi dụng thủ tục góp vốn và thực hiện việc góp vốn trái chủ trương, quy định để hợp thức hóa việc chuyển nhượng tài sản, cơ sở kinh doanh có giá trị lớn không qua đấu giá, đấu thầu (5)…
***
Từ khi Thanh tra Chính phủ công bố Kết luận Thanh tra đến nay đã bốn năm nhưng VNR vẫn chưa xử lý xong Dự án Khách sạn Thương mại Sài Gòn ở Hà Nội. Cách nay khoảng bốn tháng, Bộ GTVT tiếp tục hối thúc VNR xử lý dứt điểm dự án này theo chỉ đạo của chính phủ. Tuy nhiên, phạm vi trách nhiệm đối với những khuất tất, cũng như thiệt hại đã được khoanh lại, chỉ còn trong giới hạn giữa VNR với Bộ GTVT, giữa Bộ GTVT với Bộ Tài chính và chính phủ (6). Hà Thành Group hoàn toàn… không liên quan.
Điều đó dường như cũng chẳng khác gì chuyện Bộ Công an vừa xác định trong Kết luận Điều tra vụ án Nguyễn Đức Chung: Tuy ông Phan Huy Lệ là cầu nối giữa ông Chung với ông Dũng nhưng ông Lệ… không liên quan đến việc khai mào cho họat động “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” được đánh giá là… hết sức tinh vi!
Trước khi trở thành bị can, ông Chung cũng… không liên quan đến chuyện Công ty Nhật Cường đột nhiên được chọn làm nhà thầu cung cấp các giải pháp kỹ thuật, công nghệ cho việc thực hiện kế hoạch quản trị – điều hành ở Hà Nội bằng mạng máy tính, hay chuyện Công ty Arktic của gia đình ông Chung trở thành doanh nghiệp độc quyền cung cấp RedOxy-3C (sản phẩm xử lý ô nhiễm nguồn nước) cho Hà Nội… Đó là lý do ông Chung thăng tiến như… diều gặp gió.
Thế rồi gió chuyển thành… bão, ông Chung trở thành bị can của ba vụ án. Ngoài việc trở thành chủ mưu, cầm đầu trong vụ án “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”, ông còn… liên quan đến vụ án Nhật Cường và vụ án “vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại UBND TP Hà Nội
Chẳng riêng ông Chung, ông Nguyễn Văn Bình cũng… không liên quan đến những vấn nạn của hệ thống tín dụng – ngân hàng trong thời gian ông làm Thống đốc NHNN, nên được qui hoạch làm Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế của BCH TƯ đảng CSVN. Mãi đến gần đây, đảng mới phát hiện ông… có liên quan, phải kỷ luật!
Trước ông Bình một chút là bà Hồ Thị Kim Thoa, cựu Thứ trưởng Công Thương… Nhìn chung, khó mà đếm xuể, kể hết những trường hợp rõ ràng là không ra gì nhưng vẫn… không liên quan nên không ngừng thăng tiến, rồi đột nhiên lại trở thành… có liên quan vào thời điểm mà nhân sự cần… sắp đặt lại!
Không liên quan hay có liên quan rõ ràng không phải là có phạm pháp hay không. Vụ án Nguyễn Đức Chung thêm một lần nữa cho thấy, không liên quan hay có liên quan đều liên quan mật thiết đến những yếu tố nằm ngoài phạm vi luật pháp. Xác định có/không chỉ dựa trên thứ mà công an vẫn gọi nôm na là… biện pháp nghiệp vụ!
Chú thích
(3) https://nhadautu.vn/doanh-nhan-phan-huy-le-lien-quan-gi-trong-vu-an-ong-nguyen-duc-chung-d45392.html
(5) https://nhadautu.vn/ha-thanh-group–chan-dung-dai-gia-thau-tom-dat-vang-nganh-duong-sat-d24113.html
#nguyenducchung