Diễm Thi – RFA
Theo thống kê mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trên 1.100 trường công lập đã đóng cửa trong năm học 2019-2020. Trong đó, trường công ở bậc tiểu học giảm mạnh nhất với gần 900 trường, bậc mầm non giảm hơn 200 trường, còn lại là bậc trung học cơ sở. Riêng bậc trung học phổ thông vẫn giữ nguyên số trường công lập như năm học trước.
Trong khi đó, các trường hệ ngoài công lập lại tăng hơn 200 trường ở cả bậc mầm non; tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Việc giảm cả ngàn trường ở các cấp giáo dục như vậy được Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải là do các địa phương sắp xếp mạng lưới, quy mô trường, lớp một cách phù hợp để tạo thuận lợi cho người dân, đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh, đồng thời thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực của xã hội nhằm phát triển giáo dục đào tạo.
Giáo dục Việt Nam bị cho là đang đi lạc đường sau nhiều lần cải cách với những thay đổi lớn liên quan đến chương trình học, nội dung sách giáo khoa, phương pháp dạy học. Chính phủ Hà Nội ban hành và sửa đổi Luật Giáo dục ở các đợt khác nhau vào những năm 1998, 2005, 2009…
Theo Luật Giáo dục năm 2019 chính thức có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2020, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí; học sinh trường tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền học phí. Mức hỗ trợ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. Một số người cho rằng Nhà nước đang khuyến khích học sinh chọn học trường tư thục và dần dần tư nhân hóa trường công. Nhưng điều này lại không có lợi cho nền giáo dục trong nước như nhận định của Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng với RFA vào tối 24 tháng 11:
“Theo tôi đây là một hướng đi lùi của giáo dục Việt Nam, và tôi còn thấy một xu hướng nữa là trường công ngày càng tư nhân hóa. Có nghĩa là Nhà nước dần dần chối từ vai trò cáng đáng cái giáo dục miễn phí cho nhân dân với chính sách họ đưa ra là xã hội hóa.
Như vậy người sau khi đóng thuế cho Nhà nước thì còn phải móc tiền túi đóng tiền học cho con em họ với khoản tiền không nhỏ. Đây là một sự thụt lùi trong chính sách xã hội đối người dân rất đáng báo động.
Chuyện có hệ thống trường tư và trường công trong một đất nước là chuyện bình thường. Nhưng khi trường công bị tư nhân hóa và trường tư ngày càng quý tộc hóa thì tôi cho đây là một xu hướng lạ lùng trong một nước gọi là xã hội chủ nghĩa.”
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng nói thêm rằng, nếu so sánh với nền giáo dục thời Việt Nam Cộng Hòa thì cách làm hiện nay là một bước lùi khá thảm hại cho giáo dục. Giáo dục thời trước tạo rất nhiều điều kiện cho người nghèo. Ông cho biết, bản thân ông là học sinh của một trường công. Suốt mười mấy năm học gia đình ông không tốn đồng tiền học phí nào cả mà còn được Chính phủ hỗ trợ chi phí ăn trưa và một vài chi phí khác.
Theo quy định của Hiến pháp 2013 thì Nhà nước “bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí” và theo Nghị quyết số 29-NQ/TW thì Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục bắt buộc 9 năm sau năm 2020. Luật Giáo dục năm 2019 quy định Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước.
Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, hơn nửa đời người gắn bó với ngành giáo dục, ông thấy cách Nhà nước muốn xã hội hóa giáo dục bằng chủ trương giảm trường công và tăng trường tư là cách làm không đúng. Ông phân tích:
“Tôi cho rằng chủ trương đó không đúng đâu là bởi vì muốn hay không muốn thì trường công là trường sẽ có mức học phí thấp phù hợp với những người thu nhập thấp. Nó tạo điều kiện cho những người nghèo được bước vào trường học. Sau đó là cơ sở để họ được đào tạo ở bậc đại học. Nếu trường tư tăng lên thúc đẩy xã hội hóa giáo dục thì điều đó đúng. Nhưng sự thực trường tư thì mức học phí luôn luôn cao và không hợp với thu nhập của người nghèo, người thu nhập thấp.
Nguyên tắc hiện nay theo tôi là phải mở rộng trường công và giảm học phí trường công. Đấy là quyền của mỗi người dân được hưởng. Mà nếu là định hướng cho một xã hội tốt đẹp thì chính là ở chỗ giáo dục và y tế. Ít nhất người dân phải được thụ hưởng hai lĩnh vực này theo chế độ công lập.”
Từng là Giảng viên Đại học Bách khoa Tp.HCM, ông Phạm Minh Hoàng lại có một nhận định khác về việc mở thêm trường tư:
“Nói chung, tôi nhận thấy việc tư thục hóa một số trường là điều tốt. Bởi tôi quan niệm không một chính phủ nào có thể lo tốt hết mọi lĩnh vực trong đời sống.
Điều đầu tiên là chương trình phải thống nhất và chất lượng dạy như thế nào, cho dù đó là trường công hay trường tư. Thứ hai là những người phải có đủ tố chất làm thầy. Thứ ba là vấn đề học phí. Mức học phí trường tư phải làm sao để những người thu nhập trung bình có thể cho con mình học được.”
Nền giáo dục ở Việt Nam hiện nay là một sự tiếp nối của giáo dục thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và thừa hưởng một phần di sản của giáo dục Việt Nam Cộng hòa. Sau khi năm 1975, Chính quyền Việt Nam giải thể tất cả những cơ sở giáo dục tư thục từng hoạt động ở miền Nam Việt Nam vào thời Việt Nam Cộng hòa. Các trường tư thục chỉ được hoạt động lại sau này. Các trường tư có thể tránh được một số quy định của Nhà nước nhưng vẫn chịu sự kiểm soát của Nhà nước về chất lượng giáo dục, hầu hết thực hiện theo các quy định liên quan đến nội dung giáo dục của các lớp học.
Tại tọa đàm ‘Giáo dục tư thục và định hướng phát triển giáo dục tư thục tại Việt Nam’ do Ủy ban văn hoá Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội tổ chức vào tháng 5 năm 2019, PGS.TS Phan Thanh Bình cho hay đối với giáo dục phải có tầm nhìn ít nhất 10 năm, thậm chí là 20 năm chứ không thể ngắn hạn. Ông Bình cho rằng giáo dục tư thục rất quan trọng và những thay đổi trong hành lang pháp lý đang tạo điều kiện cho giáo dục tư thục phát triển. Không đặt vấn đề giáo dục tư thục cần phát triển như thế nào mà bắt buộc phải phát triển. Hơn nữa, không đặt ra vấn đề chỉ đại học tư thục mà là giáo dục tư thục, nghĩa là tất cả các cấp.
Cũng có dư luận cho rằng, để cải tiến nền giáo dục Việt Nam hiện nay thì cần mở nhiều trường tư để cạnh tranh với trường công. Có cạnh tranh thì mới có phát triển. Tuy vậy, nhiều người lại cho rằng so sánh như vậy là khập khiễng vì số học sinh vào học trường tư ở Việt Nam hiện không nhiều do mức học phí được coi là quá cao so với đại đa số người dân.