Chủ nghĩa dân tộc và chính trị nội bộ trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc

- Quảng Cáo -

Sẽ là sai lầm nếu hành xử với niềm tin rằng Trung Quốc là một quốc gia đồng nhất. Trung Quốc không phải là một quốc gia đồng nhất. Khác xa với cái gọi là “đồng thuận Bắc Kinh” viển vông, có rất nhiều quan điểm, hệ tư tưởng và nhóm lợi ích khác biệt bên trong Trung Quốc. Các quốc gia cần cân nhắc thận trọng về tác động mà chính sách đối ngoại của họ có thể gây ra cho tình hình chính trị nội bộ này.[1]Ngay cả khi những người tự xưng là theo chủ nghĩa tự do giảm mức độ xuất hiện công khai trước sự kiểm soát ngày càng khắt khe dưới thời Tập Cận Bình, vẫn có những cuộc tranh luận tiếp diễn và chưa có hồi kết ở Trung Quốc. Những cuộc tranh luận có chủ đề về mọi thứ, từ vai trò thích hợp của nhà nước đối với thị trường cho đến khi nào thì chính phủ nên sử dụng vũ lực để thúc đẩy lợi ích quốc gia.

  • Bài viết dưới đây được trích dịch từ nghiên cứu “Nationalism and the Domestic Politics of Chinese Foreign Policy: Lessons for the United States của giáo sư Jessica Chen Weiss (Đại học Cornell); trong khuôn khổ dự án nghiên cứu của Đại học Pennsylvania về tương lai quan hệ Mỹ-Trung (Penn Project on the Future of U.S.-China Relations). Luật Khoa chia làm hai phần để giới thiệu đến quý độc giả. Tên từng phần do biên tập viên đặt.

Phần 1: Chủ nghĩa dân tộc và chính trị nội bộ Trung Quốc: Nói vậy mà không phải vậy

Chủ nghĩa dân tộc là một quân bài chiến lược, không phải là động lực trực tiếp của chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Chủ nghĩa dân tộc là một trong những chiến lược trụ cột mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sử dụng để biện minh cho sự cai trị độc đoán của mình. Các trụ cột khác bao gồm tăng trưởng kinh tế và duy trì sự ổn định, hoặc ngăn chặn “sự hỗn loạn”. Chủ nghĩa dân tộc có khả năng tập hợp cũng như hủy hoại sự ủng hộ trong nước đối với ĐCSTQ. Đó là một nguồn lực lớn trong việc tạo ra tính chính danh, nhưng cũng đòi hỏi phải vận dụng khéo léo. Việc huy động chủ nghĩa dân tộc – dù trên không gian mạng hay ngoài đường phố – đều làm tăng chi phí hòa giải và định hình môi trường hoạch định chính sách trong nước. Chắc chắn ĐCSTQ có thể tự do hành động để định hình dư luận thông qua hệ thống giáo dục và tuyên truyền của mình, cho phép Bắc Kinh giảm bớt chi phí thỏa hiệp và kiềm chế [2]. Tuy nhiên, chủ nghĩa dân tộc dân túy thường khơi mào mâu thuẫn quốc tế khi cư dân mạng Trung Quốc vươn ra toàn cầu để bảo vệ Trung Quốc, ví dụ như tranh cãi về giải NBA năm ngoái.Để tập hợp dân chúng và củng cố quyết tâm trong nước cho một cuộc đối đầu kéo dài với Hoa Kỳ, ĐCSTQ dưới thời Tập Cận Bình đang ngày càng phụ thuộc vào những lời lẽ và sự tuyên truyền mang nặng tinh thần dân tộc. Khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung leo thang, truyền thông Trung Quốc đã phát lại các bộ phim về giai đoạn Chiến tranh Triều Tiên để nhắc nhở dân chúng về năng lực của người Trung Quốc trong việc tiến hành một cuộc trường kỳ kháng chiến chống lại Hoa Kỳ. Trong một bài phát biểu vào tháng 09/2019, ông Tập đã kêu gọi các cán bộ Trung Quốc “dám đấu tranh và giỏi chiến đấu” khi đối mặt với những nguy cơ và thách thức đe dọa sự lãnh đạo của ĐCSTQ và sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa (the great rejuvenation of the Chinese nation) [3].

Một người phụ nữ đeo khẩu trang đi ngang một bức chân dung Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vào thời điểm Trung Quốc đang ở giữa đại dịch, tháng 3/2020. Ảnh: Twitter/China Daily.

Thỏa thuận thương mại giai đoạn một vào tháng 01/2020 đã tạm thời xoa dịu “khẩu khí” của người Trung Quốc [4], nhưng ĐCSTQ lại quay sang ngoại giao “chiến lang” (wolf warrior) sau khi COVID-19 nổ ra ở Vũ Hán và lan truyền khắp thế giới, khiến dư luận chỉ trích về sự chậm trễ trong những báo cáo ban đầu của Trung Quốc và việc bưng bít cảnh báo của các bác sĩ địa phương. Các nhà ngoại giao Trung Quốc đã đáp trả bằng cách sử dụng phương tiện truyền thông xã hội và các nền tảng khác để tấn công các nhà phê bình nước ngoài và nhấn mạnh vào những phản ứng không thỏa đáng của nước ngoài đối với đại dịch, thậm chí lan truyền các thuyết âm mưu rằng nguồn gốc của virus là từ Hoa Kỳ.Tuy nhiên, đại dịch cũng đã phân loại và làm rõ ưu tiên của ĐCSTQ đối với các trụ cột về tính chính danh của đảng trong thời kỳ khủng hoảng nghiêm trọng trong nước. Đầu tiên, ĐCSTQ đã tìm cách ngăn chặn virus corona và khôi phục niềm tin vào an toàn cộng đồng, thậm chí còn trấn áp những người dùng Internet cổ xúy thuyết âm mưu rằng virus corona là một vũ khí sinh học do Mỹ tạo ra [5]. Chỉ đến khi virus này bị ngăn chặn trên diện rộng trong (lãnh thổ) Trung Quốc, các nhà ngoại giao cấp cao và truyền thông nhà nước mới bắt đầu khoe khoang về tính ưu việt của hệ thống Trung Quốc và đưa ra các thuyết âm mưu về nguồn gốc của virus coronavirus là từ Mỹ. Cuối cùng, ĐCSTQ ưu tiên ổn định việc làm và khởi động lại nền kinh tế, vốn đã bị ngưng trệ (lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ) trong quý I. Thay vì đặt tốc độ tăng trưởng làm thước đo hiệu quả kinh tế, Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh “sáu ổn định” và “sáu an ninh” trong báo cáo công việc của ông trước Quốc hội Trung Quốc [6].

Chủ nghĩa dân tộc đặt ra những thách thức và rủi ro ngắn hạn đối với các đòn bẩy và khả năng răn đe của Hoa Kỳ

- Quảng Cáo -

ĐCSTQ càng dựa vào chủ nghĩa dân tộc để củng cố tính chính danh ở trong nước, thì Mỹ và các cường quốc bên ngoài khác càng có ít ảnh hưởng đối với Bắc Kinh. Khi xây dựng các chiến lược để răn đe hoặc trừng phạt Bắc Kinh, các chính phủ nước ngoài nên đề phòng những hình thức phản tác dụng của áp lực quốc tế. Một vấn đề càng cộng hưởng tốt với tinh thần dân tộc của người dân và giới quyền thế Trung Quốc thì càng khó để các áp lực từ nước ngoài gây được ảnh hưởng. Những hành động và đe dọa từ bên ngoài, khi đó, sẽ có khả năng kích động hơn là ngăn chặn, vì chúng tạo ra áp lực từ dư luận trong nước lên chính quyền Bắc Kinh. Điều đó có thể gây ra các phản ứng cứng rắn và các biện pháp trả đũa hàng loạt đối với những nhóm lợi ích nước ngoài hiện đang hưởng lợi từ việc tiếp cận thị trường Trung Quốc.Để xoa dịu người dân trong nước đồng thời hạn chế nguy cơ xảy ra sự cố quân sự và leo thang chiến tranh, Bắc Kinh thường sử dụng các động thái quân sự mang tính biểu tượng và hăm dọa khoa trương. Ví dụ, sau khi Hoa Kỳ điều một máy bay do thám U-2 qua khu vực mà Trung Quốc đã tạm thời phong tỏa để tập trận vào tháng Tám, Trung Quốc đã thử nghiệm hai tên lửa “sát thủ tàu sân bay” ở Biển Đông [7]. Đầu năm nay, khi các tàu hải quân Mỹ tiến hành tuần tra tự do hàng hải gần các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở biển Đông, Bắc Kinh tuyên bố rằng quân đội Trung Quốc đã trục xuất họ khỏi khu vực [8].Tương tự, khi căng thẳng leo thang với Nhật Bản trên biển Hoa Đông vào năm 2013, Bắc Kinh đã sử dụng những lời lẽ hung hăng yêu cầu các máy bay nước ngoài phải tuyên bố danh tính và tuân thủ chỉ dẫn của Trung Quốc khi bay qua vùng biển Hoa Đông – thay vì sử dụng vũ lực [9]. Năm 2001, sau khi va chạm trên không với một máy bay do thám của Mỹ, Trung Quốc xoa dịu cuộc khủng hoảng bằng cách để tang viên phi công “chết vì niềm tin chính trị” trong khi tránh lặp lại các cuộc biểu tình chống Mỹ như từng xảy ra vào năm 1999 [10].

Phi công Trung Quốc Wang Wei, người được thông báo là tử nạn sau cuộc va chạm với máy bay Mỹ trên biển Hoa Đông, tháng 4/2001. Ảnh: Getty Images.

Những động thái như vậy giúp chính phủ xoa dịu những đòi hỏi mang tính dân tộc chủ nghĩa về một lập trường quyết đoán hơn trong khi ưu tiên các lợi ích kinh tế chiến lược bằng việc tránh xung đột toàn diện. Và những lời hùng biện mang tính dân tộc chủ nghĩa có thể giúp chính phủ tập hợp sự đồng tình của công chúng bằng cách nhắc nhở công dân về cuộc đấu tranh trường kỳ của quốc gia, và nhấn mạnh rằng Trung Quốc cuối cùng sẽ thắng thế bằng cách chờ đợi thời cơ cho thành công trong tương lai.Nhưng đây là một mục tiêu cân bằng đầy khó khăn. Để các nỗ lực ngăn chặn Hoa Kỳ thành công, chính phủ Trung Quốc phải chấp nhận các chi phí dư luận vì đã không hành động khi đối đầu với “các hành động khiêu khích” của Hoa Kỳ. Khi các chi phí của việc bị dư luận trong nước phản đối tăng lên, sự thất bại trong việc ngăn chặn nó có thể khiến chúng ta nghĩ rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang ấp ủ những mục đích bành trướng. Nhưng Washington nên nhận thức được rằng tính toán của giới lãnh đạo Trung Quốc cũng phản ánh sự bất an trong nước.Và trong khi những lời dọa nạt của Bắc Kinh có thể tạm thời xoa dịu các yêu sách mang tính dân tộc chủ nghĩa, về lâu dài nó cũng có thể làm gia tăng khao khát xung đột quân sự (của công chúng) trong nước. Do đó, việc xây dựng các chính sách để định hình quỹ đạo cho hành vi và ảnh hưởng của Trung Quốc phải xem xét cả tác động ngắn hạn và dài hạn; các chính sách buộc Trung Quốc kiềm chế trong tương lai gần các cũng có thể khiến sự hiếu chiến (của Trung Quốc) trong trung hạn hoặc dài hạn trở nên dễ xảy ra hơn bằng cách làm quan điểm chung của (dân chúng) Trung Quốc thêm cứng rắn.

Sự chia rẽ trong nước giúp giải thích sự mâu thuẫn trong các luận điệu và chính sách của ĐCSTQ

Những gì Trung Quốc muốn cũng làm giảm đi các mâu thuẫn trong nước [11]. Một số vấn đề như Đài Loan và Hong Kong thật ra khiến dư luận trong nước gắn kết hơn là chia rẽ. Các vấn đề khác, như thương mại và môi trường, liên quan đến một loạt các lợi ích cạnh tranh của đất nước. Ngay cả khi có sự đồng thuận trong nước về kết cục (mà Trung Quốc) mong muốn, chẳng hạn như tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo ở biển Đông và biển Hoa Đông (South and East China Sea), vẫn thường có khác biệt trong quan điểm về các biện pháp và thời điểm thích hợp để đạt được các mục tiêu đó.Các cuộc thăm dò cho thấy người dùng Internet và giới quyền thế tại Trung Quốc đặc biệt có xu hướng ủng hộ việc kêu gọi chính phủ Trung Quốc đầu tư và thích dựa vào sức mạnh quân sự [12]. Và giới trẻ Trung Quốc, mặc dù không nhất thiết theo quan điểm dân tộc chủ nghĩa khi tin tưởng vào ưu thế vốn có của Trung Quốc, vẫn “diều hâu” và cố chấp hơn các thế hệ trước. Cách đặt câu hỏi (trong cuộc khảo sát) cũng rất quan trọng, ngụ ý rằng sự ưa thích của công chúng về hình thức và cách thức là tương đối nhiều và nó còn phụ thuộc vào bối cảnh.Các khẩu hiệu mang tính dân tộc chủ nghĩa của chính phủ Trung Quốc, như “giấc mộng Trung Hoa” hoặc “phục hưng dân tộc”, cũng đủ linh hoạt để phù hợp với hoàn cảnh đang thay đổi và các thực tế chiến lược. Các tuyên bố và khẩu hiệu chính định hướng hoặc cho các mục tiêu chiến lược bao quát, nhưng được cố tình giữ cho mơ hồ. Những khẩu hiệu như vậy không tiết lộ các chi tiết quan trọng: cách xác định các mục tiêu và lợi ích này trong thực tế, biện pháp nào được cho là phù hợp để đạt được chúng, chi phí mà chính phủ sẵn sàng đánh đổi khi các mục tiêu chính xung đột lẫn nhau, thành công trong việc đạt mục tiêu được xác định như thế nào [13].Chắc chắn, những chi tiết này sẽ được tranh luận trong các nguyên tắc bao trùm xác định ranh giới có thể chấp nhận được của các cuộc tranh luận trong một hệ thống chuyên quyền, độc đảng. Những khẩu hiệu như vậy cũng thường được sửa đổi và điều chỉnh để xoa dịu sự phản đối trong nước cũng như quốc tế [14].

Một bức biểu ngữ mang thông điệp “Giấc mộng Trung Hoa” tại tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Ảnh: Imagine China.

Hãy xem xét thuật ngữ “phục hưng” (rejuvenation). Từ này đã xuất hiện thường xuyên hơn trong các bài phát biểu của Tập Cận Bình so với người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào [15]. Mức độ nhấn mạnh ngày càng tăng cho thấy sự thay đổi trong các chiến lược chính thức của đất nước theo hướng dựa dẫm nhiều hơn vào chủ nghĩa dân tộc. Nhưng sự kết nối với chính sách đối ngoại thì linh hoạt hơn. Ví dụ, những người thuộc phe diều hâu trong quân đội như thiếu tướng về hưu Qiao Liang đã cảnh báo người dùng Internet Trung Quốc vào tháng 05/2020 rằng thời điểm đó không thích hợp để dùng vũ lực chiếm lại Đài Loan, nói rằng “Đài Loan không phải là câu chuyện hoàn chỉnh về sự phục hưng của chúng ta, thậm chí không phải là phần chính của câu chuyện. Vì bản chất của kế hoạch phục hưng là hạnh phúc của 1,4 tỷ người.” [16]Những cách giải thích như vậy mở rộng các tiêu chí để đạt được sự phục hưng dân tộc, áp dụng trên cả các loại chủ quyền quốc gia khác – bao gồm ưu tiên của Qiao Liang về “chủ quyền tài nguyên, chủ quyền lương thực, chủ quyền đầu tư, chủ quyền sinh học, chủ quyền văn hóa” [17]. Khi làm như vậy, giới quyền thế trong ĐCSTQ đặt công cuộc phục hưng dân tộc vào một bức tranh mới, bao gồm một nỗ lực toàn diện hơn để củng cố sức mạnh quốc gia, cân bằng lại sự chú trọng vào việc hợp nhất với Đài Loan.Luận điệu và khẩu hiệu cũng thay đổi theo thời gian với sự thay đổi của các điều kiện trong nước và quốc tế. Những thay đổi như vậy trong luận điệu (của Trung Quốc) làm được hai điều: định hướng lại các hoàn cảnh đang thay đổi, cũng như cố gắng thể hiện một sự tồn tại liên tục bằng cách tạo ra một vỏ bọc ý thức hệ về các chính sách có vẻ trái ngược với các nguyên tắc trước đó. Ví dụ, khi ĐCSTQ dần chuyển sang chủ nghĩa tư bản và mô hình doanh nghiệp tư nhân để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các nhà lãnh đạo của đảng này “nhận ra sự cần thiết phải cập nhật hệ tư tưởng chính thức để phù hợp với một thực tiễn không chính thức của việc kết nạp các doanh nhân vào đảng”, nhà khoa học chính trị Bruce Dickson nói với tôi trong một cuộc phỏng vấn cho blog Monkey Cage của tờ Washington Post. “Nhiều người Trung Quốc đã chế nhạo định nghĩa mở rộng này là tư lợi, nhưng động thái này phản ánh sự cần thiết của ĐCSTQ phải biện minh cho các hành động của mình bằng một cái vỏ bọc ý thức hệ, ngay cả khi nó có nghĩa là viết lại hệ tư tưởng của mình.” [18]Kết quả của việc này là một tập hợp trộn lẫn các thông điệp mơ hồ và thiếu tính nhất quán được tung ra để tạo vỏ bọc cho sự tuân phục chính trị, và sẽ được đẽo gọt tùy nghi khi cần diễn giải chúng trên thực tế. Sự pha trộn thông điệp này hàm ý rằng các nhà phân tích nên hết sức cẩn thận về phân đoạn mà họ chọn trong những luận điệu của Trung Quốc để làm bằng chứng cho ý định thực sự của quốc gia này.

…các nhà phân tích nên hết sức cẩn thận về phân đoạn mà họ chọn trong những luận điệu của Trung Quốc để làm bằng chứng cho ý định thực sự của quốc gia này.

Những động lực (cho chính sách đối ngoại của Trung Quốc) này có thể tạo ra xung đột – thậm chí có thể gọi là “mâu thuẫn nội bộ” — giữa các mô tả chính thức về chính sách đối ngoại Trung Quốc và các nguyên tắc công khai cũng như ngầm ẩn đang thực sự dẫn lối cho hành vi của Trung Quốc. Mặc dù hệ tư tưởng chính thức của ĐCSTQ vẫn là chủ nghĩa Marx, nhưng thứ chủ nghĩa này không còn ảnh hưởng nhiều tới việc thực thi chính sách đối ngoại của Trung Quốc kể từ khi Mao qua đời [19]. John Culver, cựu sĩ quan tình báo quốc gia phụ trách khu vực Đông Á (2015-18), viết rằng chủ nghĩa Marx có thể đã là một rào cản đối với chính sách đối ngoại của Trung Quốc sau thời Mao, khi ĐCSTQ lo ngại Mỹ sẽ nhắm đến họ để tạo áp lực thay đổi thể chế. Ưu tiên của Trung Quốc thời kỳ đó là phát triển kinh tế để làm nền tảng cho sự tăng trưởng của Trung Quốc.[20]Do đó, có thể thích hợp hơn nếu coi những lời viện dẫn về chủ nghĩa Marx-Lenin chỉ là dấu hiệu cho thấy một sự tiếp nối hời hợt với quá khứ hơn là chính sách chỉ đạo trong hiện tại: (đó là việc) đánh bóng các di sản cách mạng và kế thừa tư tưởng của Mao cùng với sự trân trọng hệ tư tưởng cánh tả mà ĐCSTQ đã theo đuổi trong thời đại đó. Thật vậy, cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với các nhóm sinh viên theo chủ nghĩa Marx và tổ chức lao động phản ánh khoảng cách giữa luận điệu tuyên truyền và thực tế. Như nhà xã hội học Eli Friedman nói, “Có lẽ nhà nước đặc biệt không hài lòng với những nhà hoạt động trẻ tuổi này, chính vì họ là hiện thân của các nguyên tắc chủ nghĩa Marx mà ĐCSTQ thực tế đã vứt bỏ từ rất lâu rồi”.[21]Điều này không có nghĩa là chúng ta nên bỏ qua những lời tuyên bố và bài phát biểu của Trung Quốc như một lời nói rẻ tiền vô nghĩa. Ngược lại, chúng có thể là những chỉ số hữu ích về sự thay đổi trong chiến lược và chiến thuật, miễn là chúng ta chú ý đến nhiều đối tượng mà chúng hướng tới, trong nước cũng như trong quốc tế. Về vấn đề này, điều đặc biệt quan trọng là phải chú ý đến các phát ngôn gây sốc – những phát ngôn đi ngược lại với phong cách hoặc danh tiếng của người nói.Ví dụ như Qiao Liang cảnh báo trước quyết định vội vàng sử dụng vũ lực đối với Đài Loan, hoặc các nhà ngoại giao “chiến lang” như Zhao Lijian nói “Trung Quốc không bao giờ ‘xuất khẩu’ mô hình Trung Quốc cho bất kỳ nước nào, cũng như chưa bao giờ yêu cầu bất kỳ ai ‘sao chép bài tập về nhà của Trung Quốc’” [22]. Những thay đổi như vậy là dấu hiệu quan trọng cho thấy khả năng điều chỉnh chiến thuật trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Sau một thời gian quyết tâm thể hiện sự hiếu chiến, ban lãnh đạo ĐCSTQ nhận ra rằng nó đã đi quá xa và hiện phải điều chỉnh lại một chút— thay vì hấp tấp tiến vào một cuộc xung đột với Mỹ, điều mà ĐCSTQ đang muốn tránh.

Thành công của áp lực quốc tế phụ thuộc vào sự cân bằng lợi ích trong nước của Trung Quốc

Hiểu được bối cảnh trong nước của Trung Quốc cũng có thể giúp các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ đánh giá khi nào áp lực quốc tế có khả năng thành công hay bị phản tác dụng. Đối với các vấn đề quốc tế ít ảnh hưởng đến tính chính danh trong nước của ĐCSTQ, chẳng hạn phần lớn các vấn đề trước Liên Hợp Quốc, chính phủ Trung Quốc thường sẵn sàng thỏa hiệp hoặc hợp tác trong khuôn khổ quốc tế [23]. Nhưng đối với các vấn đề trọng tâm đối với sự tồn vong của ĐCSTQ – chẳng hạn như những “lợi ích cốt lõi” (mà đảng này tự đặt ra) ở Đài Loan, Tân Cương, và các tranh chấp biển và lãnh thổ khác – Bắc Kinh đã kiên quyết cứng rắn về chủ quyền quốc gia và từ chối thỏa hiệp. Lấy ví dụ Hong Kong, nơi Bắc Kinh lo ngại cả sự lây lan của tinh thần dân chủ và mối đe dọa ly khai đối với chủ quyền quốc gia. Những lời đe dọa trừng phạt kinh tế đã không hiệu quả trong việc ngăn cản Bắc Kinh thúc đẩy việc thông qua luật an ninh quốc gia mới, điều luật sẽ chấm dứt hoàn toàn quyền tự trị của Hong Kong.Đối với các vấn đề khác, người dân trong nước có sự phân cực lớn hơn về những mục tiêu mà chính sách của Trung Quốc nên cố gắng đạt tới, chứ không chỉ là các biện pháp và thời điểm. Ví dụ, về vấn đề tỷ giá hối đoái của Trung Quốc, các ngành hàng mậu dịch có lợi từ việc phá giá tiền tệ đã vận động hành lang chống lại ngành ngân hàng và các ngành phi mậu dịch – những ngành sẽ có lợi hơn với tỷ giá hối đoái theo thị trường [24]. Đối với những vấn đề này, các chính phủ nước ngoài nên cố gắng khuyến khích các ngành cạnh tranh lẫn nhau trong việc vận động chính sách.

Tỷ giá hối đoái cũng là một vấn đề quan trọng trong chính trị nội bộ Trung Quốc. Ảnh: Roy Issa/SCMP.

Về vấn đề tăng giá đồng tiền, việc này đã phần nào thành công. Áp lực đa phương do Mỹ dẫn đầu đã giúp đẩy nhanh việc định giá lại đồng Nhân dân tệ từ năm 2005 đến 2012, thậm chí chính phủ Trung Quốc phải bồi thường cho những người thua lỗ trong nước bằng các khoản trợ cấp và các chính sách ưu đãi khác [25]. Một chiến lược như vậy không phải để bắt Trung Quốc làm điều gì đó không có lợi cho Trung Quốc, mà là để Trung Quốc làm điều gì đó có lợi cho một số đoàn thể quyền lực trong nước, đồng thời giảm thiểu sự phản đối của các đoàn thể khác.Đổi lại, sự cân bằng quyền lực tương đối giữa các nhóm lợi ích cạnh tranh trong nước sẽ ảnh hưởng đến việc liệu một chiến lược như vậy có khả thi hay không. Khi đồng tiền tăng giá, cả hai bên đều có lợi ích lớn. Trong một số vấn đề khác, một phe nhóm trong nước có thể có lợi ích liên quan lớn hơn đối với kết quả, họ nắm bắt hoặc chi phối quá trình (hoạch định) chính sách mà không bị các nhóm có lợi ích liên quan ít hơn phản đối. Ví dụ, lợi ích của quân đội Trung Quốc trong việc tiếp tục sử dụng các mỏ đất đã khiến chính phủ từ chối ký Hiệp định chống mìn sát thương cá nhân Ottawa (Ottawa Treaty) bất chấp áp lực quốc tế, như Iain Johnston lưu ý. [26]Về quản trị Internet, như nghiên cứu của Molly Roberts chỉ ra, hệ thống kiểm duyệt hoạt động giống như hệ thống thuế lũy thoái (regressive tax), trong đó giới quyền thế có các phương tiện để vượt qua bức tường lửa vĩ đại (the great firewall), trong khi những công dân nghèo hơn hoặc ít kiến thức hơn thì không. Gần một nửa người dùng Internet thậm chí còn không nhận thức được sự tồn tại của bức tường lửa này [27]. Các nhóm lợi ích lớn thì không bị ảnh hưởng, trong khi những người yếu thế và những người bị ảnh hưởng thì lại hầu như không có khả năng yêu cầu thay đổi, nên quản trị Internet của Trung Quốc không được xem là một chiến lược gây sức ép từ bên ngoài để giúp các liên minh cải cách thành công.Dưới những khẩu hiệu lớn của ĐCSTQ về một “giấc mộng Trung Hoa” và “tương lai chung cho nhân loại”, thái độ và hành vi của Trung Quốc đối với trật tự quốc tế có khác biệt đáng kể theo từng vấn đề [28]. Trung Quốc luôn bảo vệ một số tổ chức quốc tế, như Liên Hợp Quốc, trong khi phản đối các tổ chức khác, như Tòa án Hình sự Quốc tế (International Criminal Court).Bảng 1 tóm tắt các vấn đề chính trị nội bộ của Trung Quốc và khuyến nghị chính sách tương ứng, dựa trên mức độ quan trọng của vấn đề đối với sự tồn vong của ĐCSTQ và mức độ bất đồng quan điểm trong nước [29].Bảng 1: Các vấn đề dựa trên mức độ quan trọng (Centrality) và sự khác biệt (Heterogeneity) trong quan điểm

Khác biệt ít Khác biệt nhiều
Mức độ quan trọng cao – Các vấn đề liên quan đến “đất mẹ” (homeland) như Hong Kong, Tân Cương, Tây Tạng
– Các yêu sách chủ quyền đối với Đài Loan, biển Đông và biển Hoa Đông (“lợi ích cốt lõi” – core interests)Áp lực quốc tế có thể gây phản tác dụng, vì các phản ứng khoa trương có thể khiến cho thái độ trở nên cứng rắn hơn về lâu dài.

Cần có (chính sách) đối kháng, thúc đẩy (các nhóm lợi ích) quan trọng để thay đổi chính sách

– Quản trị Internet
– Biến đổi khí hậu
– Thương mại quốc tế
– Sáng kiến Vành đai và con đường
– Tỷ giá hối đoáiNên hiểu rõ các luận điệu của Trung Quốc đối với nhiều đối tượng khác nhau

Có thể tạo khuyến khích để các nhóm lợi ích cạnh tranh lẫn nhau, nhưng nhóm thua cuộc có thể yêu cầu các khoản bồi thường tượng trưng hoặc bằng vật chất
Mức độ quan trọng thấp – Hầu hết các vấn đề của Liên Hợp Quốc, ví dụ: gìn giữ hòa bình
– Hiệp định chống mìn sát thương OttawaÁp lực đa phương có thể có hiệu quả, trừ khi một chủ thể quyền lực trong nước kiểm soát chính sách
– Thỏa thuận hạt nhân Iran

Áp lực đa phương có thể thành công, nhưng có thể phải đối mặt với các vấn đề thực thi

Các bất đồng lớn hơn có thể kéo dài và gây khó khăn cho các cuộc đàm phán quốc tế, cũng như làm tăng khả năng thất bại trong việc thực thi, đòi hỏi phải giám sát nhiều hơn, hoặc cưỡng ép thực thi trong các thỏa thuận quốc tế. Do đó, việc tuân thủ một phần (các cam kết quốc tế) lại có thể gây khó khăn hơn cho các quốc gia trong việc xác định liệu Bắc Kinh có từ bỏ (ý định) sau các cuộc đàm phán thiếu thiện chí, hay chỉ đơn giản là thiếu năng lực để bắt các chủ thể ngoan cố trong nước tuân thủ cam kết.


Phần tiếp theo: Trung Quốc muốn gì? Còn tùy.


Chú thích:

[1] Avery Goldstein, “China’s Grand Strategy under Xi Jinping: Reassurance, Reform, and Resistance,” International Security 45, no. 1 (July 1, 2020): 164–20.

[2] Jessica Chen Weiss and Allan Dafoe, “Authoritarian Audiences, Rhetoric, and Propaganda in International Crises: Evidence from China,” International Studies Quarterly 63, no. 4 (December 1, 2019): 963–73; Quek, Kai, and Alastair Iain Johnston, “Can China Back Down? Crisis De-Escalation in the Shadow of Popular Opposition,” International Security 42, no. 3 (January 1, 2018): 7–36.[3] Xu Wei, “Xi Calls for Fighting Spirit in Face of Risks,” China Daily, September 4, 2019, Accessed September 14, 2020.[4] “China, U.S. Sign Phase-One Trade Deal,” People’s Daily Online, January 16, 2020, Accessed September 14, 2020.[5] “男子编造新冠病毒是美国基因武器 被行政拘留十日,” 网易新闻, February 9, 2020, Accessed September 14, 2020.[6];“政府工作报告.” 中国人大网, June 1, 2020, Accessed September 14, 2020.[7] “China Fires ‘Aircraft-Carrier Killer’ Missile in ‘Warning to US,’” South China Morning Post, August 26, 2020.[8]Chinese Air and Naval Forces Expel US Warship in South China Sea,” Global Times, January 28, 2020, Accessed September 19, 2020.[9] “Chinese Military Lashes out at American Warship’s ‘Intrusion’ in South China Sea,” South China Morning Post, April 28, 2020, Accessed September 19, 2020.[10] Jessica Chen Weiss, “Authoritarian Signaling, Mass Audiences, and Nationalist Protest in China,” International Organization 67, no. 1 (January 2013): 1–35.[11] Jessica Chen Weiss and Jeremy L. Wallace, “Domestic Politics, China’s Rise, and the Future of the Liberal International Order,” International Organization (forthcoming).[12] Jessica Chen Weiss, “How Hawkish Is the Chinese Public? Another Look at ‘Rising Nationalism’ and Chinese Foreign Policy,” Journal of Contemporary China 28, no. 119 (September 3, 2019): 679–95.[13] Như Joel Wuthnow đã viết, “các tài liệu của đảng, trong khi đôi lúc chứa thông tin hữu ích, thì thường nhẹ về chi tiết cụ thể. Lấy mục tiêu quân sự tối cao của ĐCSTQ làm ví dụ, ý nghĩa của cụm từ “lực lượng đẳng cấp thế giới” (世界 一流 军队) là không rõ ràng. Điều này có phải muốn nói một quân đội với vũ khí và trang thiết bị tối tân? Có thể áp đảo Hoa Kỳ trong một cuộc chiến tranh khu vực? Một lực lượng có thể hoạt động trên toàn cầu để bảo vệ lợi ích của Trung Quốc? Tất cả những điều trên? Hay một cái gì đó hoàn toàn khác? Không có thêm thông tin chi tiết, chúng tôi không thể biết trạng thái tối cao mà quân đội Trung Quốc mong muốn đạt đến là gì hoặc thậm chí liệu bản thân các quan chức cấp cao của đảng có biết hay không ”. Trích Joel Wuthnow, “Deciphering China’s Intentions: What Can Open Sources Tell Us?” The Asan Forum, July 29, 2019.[14] Xem ví dụ, sự tiến hóa từ “trỗi dậy hòa bình” (peaceful rise) thành “phát triển hòa bình” (peaceful development). Về sự phản đối trong nước và sự phát triển của Sáng kiến Vành đai và Con đường, xem Min Ye, “Fragmentation and Mobilization: Domestic Politics of the Belt and Road in China,” Journal of Contemporary China 28, no. 119 (September 3, 2019): 696–711.[15] Per Rush Doshi, “Xi’s Political Report included the phrase ‘great rejuvenation’ 27 times—compared with just seven mentions in Hu’s 2012 speech.” Rush Doshi, “Xi Jinping Just Made It Clear Where China’s Foreign Policy Is Headed,” Washington Post, 2017.[16] Qiao Liang, “台湾问题攸关国运不可轻率急进 [The problem of Taiwan concerns our national destiny. We must not be reckless.]” Tianya, April 18, 2020.[17] Interview with Global Times, “乔良将军:我们不应该跟着美国的节奏跳舞,” May 5, 2020.[18] Jessica Chen Weiss, “The U.S. Is Using Harsh Language about the Chinese Communist Party. Who Joins the CCP—and Why?” Washington Post, July 24, 2020.[19] Xem ví dụ, Yan, Xuetong. “Chinese Values vs. Liberalism: What Ideology Will Shape the International Normative Order?” Chinese Journal of International Politics 11, no. 1 (Spring 2018): 1–22.[20] John Culver, Twitter, September 1, 2020.[21] Jessica Chen Weiss, “Cornell University Suspended Two Exchange Programs with China’s Renmin University. Here’s Why,” Washington Post, November 1, 2018.[22] Foreign Ministry Spokesperson Zhao Lijian, April 9, 2020: “外交部:中国从不‘输出’中国模式,也从未要求‘抄作业.’”[23] Alastair Iain Johnston, Social States: China in International Institutions, 1980-2000, (Princeton University Press, 2008).[24] David A. Steinberg and Victor C. Shih, “Interest Group Influence in Authoritarian States: The Political Determinants of Chinese Exchange Rate Policy,” Comparative Political Studies 45, no. 11 (November 1, 2012): 1405–34.[25] Ibid; Jessica Chen Weiss and Amber Wichowsky, “External Influence on Exchange Rates: An Empirical Investigation of US Pressure and the Chinese RMB,” Review of International Political Economy 25, no. 5 (September 3, 2018): 596–623.[26] Alastair Iain Johnston, Social States: China in International Institutions, 1980-2000. (Princeton University Press, 2008), 138-9.[27] Margaret E. Roberts, Censored: Distraction and Diversion Inside China’s Great Firewall, (Princeton University Press, 2018).[28] Alastair Iain Johnston, “China in a World of Orders: Rethinking Compliance and Challenge in Beijing’s International Relations,” International Security 44, no. 2 (October 1, 2019): 9–60.[29] Bảng này và một cuộc thảo luận mở rộng xuất hiện trong Jessica Chen Weiss và Jeremy Wallace, “Domestic Politics, China’s Rise, and the Future of the Liberal International Order,” International Organization (sắp xuất bản).

- Quảng Cáo -