Tân Phong – Việt Tân
Cuối cùng thì danh hiệu hoa hậu Việt Nam đã thuộc về một “giai nhân” đất Thanh Hóa. Chẳng biết có việc “nâng đỡ trong tối” như mọi cuộc thi nhan sắc ở xứ Đông Lào hay không nhưng dân tình thì ỉ ôi việc nàng hậu ngực lép, da ngăm như da trâu và trả lời ứng xử hết sức kém cỏi. Tiêu chuẩn nhan sắc nghe nói năm nay cũng được hạ xuống kịch sàn theo kiểu “vơ bèo vạt tép.”
Chương trình được thiết kế hết sức lai tạp như một chương trình tạp kỹ rẻ tiền. Những màn trình diễn áo tắm, trang phục kiểu Victoria’s Secret với những đôi cánh thiên thần đạo nhái cũng chẳng thể làm được dân tình hào hứng móc ví chi tiền trong thời buổi Covid khó khăn. Thôi thì dù có chuyện “nâng đỡ trong tối,” “nâng đỡ ngoài sáng”… cuộc thi nhan sắc năm 2020 cũng đã xong. Xét cho cùng thì chuyện thi thố “mua vui cũng được một vài trống canh” này cũng chẳng quan trọng gì ngoài việc chọn được những nàng hậu phù hợp “khẩu vị” của các quan chức xứ Đông Lào.
“Hậu” thì chọn rồi mà “Vua” thì chưa có, hội nghị trung ương lần thứ 13 vẫn chưa chọn được ai lên ngôi “cửu ngũ chí tôn,” thật là một hoàn cảnh trớ trêu. Trăng đã tròn rồi trăng lại khuyết mà cuộc “Hồng môn yến” ở Ba Đình vẫn chưa định đoạt được ai sẽ ngồi vào vị trí “một đít hai ghế” hay phải phân chia lại “tứ trụ.” Cuộc gió tanh mưa máu càng lúc càng khốc liệt. Quan chức, doanh nhân lũ lượt kẻ thì đi tù, người thì bị khiển trách, kỷ luật. Phe cánh các bên thi nhau triệt hạ đối phương, đưa người mình vào các vị trí quan trọng.
Chưa một kỳ đại hội nào mà có số lượng bí thư, chủ tịch được chỉ định từ TW đưa về các địa phương nhiều như đại hội đảng các cấp lần này. Nó khiến cho dân tình xứ Đông Lào vốn cũng không quan tâm đến chính sự cũng phải than rằng “thế thì còn phải bày đặt đại hội làm gì cho tốn tiền của dân? Các ông cứ thế mà chia nhau ghế bàn đi rồi tuyên bố cho xong chuyện.”
Hết chuẩn bị các công tác đại hội, rồi lại họp quốc hội… cứ đến hẹn lại lên, bàn ra tán vào những thứ luật trời ơi, các bộ ngành tranh giành nhau miếng ăn như đám xã trưởng lý toét giành nhau cái phao câu gà trước sân làng. Suốt mấy tháng trời, mấy ngàn đại biểu cùng đội quân phục vụ hậu cần hàng chục ngàn người “ngựa xe như nước, áo quần như nêm” ở chốn kinh kỳ tổn phí không biết bao nhiêu mà kể. Trong khi, miền Trung dân nghèo run rẩy trong mưa bão, lũ lụt khắp nơi, tang tóc ngập trời. Chẳng bao giờ thấy “người anh cả” có một lời quan tâm tới việc cứu trợ. Vẫn biết mạng người ở xứ cộng sản này nó bèo bọt rẻ rúng, nhưng giờ đây ngay cả những động thái mị dân tối thiểu, đảng Cộng Sản cũng chẳng mấy quan tâm tới lớp son phấn loang lổ, bong tróc trên mặt mình.
Một điều đáng ghi nhận trong vài phiên làm việc của Quốc Hội Việt Nam vừa qua là một loạt những phát biểu thẳng thắn và công tâm như của Đại Biểu Ksor H’Bơ Khắp, Lưu Bình Nhưỡng, Phạm Thị Minh Hiền… khi đưa ra chất vấn các vấn đề nhức nhối của xã hội như việc phát triển thủy điện nhỏ của Bộ Công Thương, chặt phá rừng tự nhiên để phát triển rừng cây công nghiệp của Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, việc công an khu vực đi thu tiền “hụi” mỗi dịp lễ tết…
Đặc biệt hơn 60% số đại biểu quốc hội đã phản đối dự luật của Bộ Công An trong việc tách luật giao thông đường bộ ra làm hai bộ luật, cũng như dự luật thành lập lực lượng bán vũ trang “an ninh, trật tự cơ sở” với quân số 1,5 triệu người với lý do “chưa cần thiết và lo ngại gia tăng gánh nặng ngân sách quốc gia”… Ở chừng mực nào đó, các đại biểu quốc hội phủ quyết hai dự luật của Bộ Công An đề xuất, đã thực thi được đúng trách nhiệm là người đại diện cho tiếng nói của người dân.
Tuy vậy, có thể thấy rõ, có những “vùng cấm” rất lớn đã được “khoanh vùng” không được đưa ra trong kỳ họp quốc hội vào thời điểm “nhạy cảm” đang tiến hành đại hội hội đảng các cấp lần thứ 13. Đó là các vụ đại án liên quan tới các sai phạm tập thể nghiêm trọng qua nhiều thời kỳ, có sự thông đồng của các chóp bu giới chức CSVN như vụ Thủ Thiêm hay vụ án Hồ Duy Hải.
Với qui mô phạm tội lớn, nghiêm trọng gây nhức nhối xã hội như Thủ Thiêm hay Hồ Duy Hải nếu phơi bày trước công luận đều có thể gây ra những cơn địa chấn rung chuyển tới giới chính khách CSVN và thậm chí ảnh hưởng tới tính “chính danh” của thể chế chuyên nghề ăn cướp, giết người nhưng luôn miệng “do dân và vì dân.”
Do đó, các đại biểu quốc hội, dù là những đại biểu thường xuyên có tiếng nói phản biện, cũng bị khoanh vùng và chỉ được “phản biện trong lĩnh vực cho phép” mà thôi. Họ giống như những vai tuồng hét “mặt trắng” trên sân khấu chính trị Việt Nam, thể hiện tiếng nói chính nghĩa trong một vở tuồng được viết sẵn. Và khi tiếng nói phản biện đó được “lắng nghe,” cũng chỉ để ve vãn đám dân chúng đang bất bình trước những dự luật quái gở xuất phát từ những cái dạ dày không đáy của giới cầm quyền.
Dân chúng được hít ngửi chút không khí “dân chủ” hiếm hoi khi những chiếc vòng thòng lọng được nới bớt ra một chút. Cũng có khi những tiếng nói trung thực lẻ loi cất lên giữa hội trường quốc hội đã ngay lập tức bị cơ quan chủ quan “bóp nghẹt,” chỉ đạo “rút bài,” “xóa bài” trên truyền thông chính thống “lề đảng” mà như Đại Biểu Phạm Thị Minh Hiền là người được “trải nghiệm” thực tế.
Cuộc bầu bán đại hội đảng các cấp năm nay có lẽ là một trong những kỳ đại hội căng thẳng, khốc liệt nhất trong lịch sử các kỳ đại hội đảng của CSVN. Tuy vậy, vì càng “thối” thì đảng lại càng “giấu như mèo giấu cứt,” truyền thông dòng chính chỉ làm mỗi việc thông tin lại các thông báo, quyết định của giới chức cầm quyền như cái loa phường mở lúc 5 h sáng, chiều cố định. Không chóng thì chầy, kết quả đại hội kiểu gì cũng sẽ được “thông tấn xã vỉa hè” khắp hang cùng ngõ hẻm đất thủ đô thông báo chính xác trước truyền thông “lề đảng” cả tháng.
Thành thử, đại hội đảng CSVN đâm mất tính kịch tính, lại thêm qui định ngặt nghèo của Bộ 4T về việc bình phẩm, đưa thông tin sai lệch về đại hội đảng trên mạng xã hội có thể bị phạt tới 20 triệu đồng cho đến đi tù… khiến cho dân Việt chán chuyện chính trị trong nước mà kéo sang quan tâm tới bầu cử Mỹ như một thứ mode thời thượng để thể hiện kiến thức của mình.
Thôi thì, dù thế nào thì đại hội đảng cũng sẽ chọn ra một người làm “vua” xứ Đông Lào để tiếp tục con đường vô định đi tìm “thiên đường mù” XHCN. Nơi mà hạnh phúc của người dân, sự thịnh vượng và hùng mạnh của quốc gia chỉ tồn tại trong những cơn hoang tưởng của “lãnh tụ” cộng sản. Việc chọn ai là kẻ tiếp nối “di sản” đồi bại, thối nát này thực ra cũng chẳng quan trọng nữa vì kết cục cuối cùng là sự tiêu vong. Chợt nhớ đến câu thơ ngây ngô, lố bịch và tự mãn tột cùng của Tổng Tịch nhân ngày ông ta về thăm trường cũ:
Tôi vui tôi sướng biết bao nhiêu
Tôi học 10B Nguyễn Gia Thiều
Giờ đây đã trở nên “người anh cả”
Cuộc đời vui bay bổng cánh diều.
–Nguyễn Phú Trọng
Bất giác hình ảnh hàng trăm ngàn ngôi nhà ngập chìm trong nước lũ mênh mông, những cái xác trẻ em trần truồng, những người đàn ông, đàn bà ôm chặt đứa con ngập trong bùn lũ khủng khiếp ở miền Trung, những khuôn mặt hốc hác, u ám, đói khát… ở mọi miền đất hình chữ S này xâm chiếm lấy tâm can khiến cho ta uất nghẹn. Đúng như lời một nhà văn từng nói “Chủ nghĩa cộng sản là thiên đường của một vài người và là địa ngục cho cả nhân loại”.
Tân Phong