Nước nào được lợi trong hiệp định RCEP?

- Quảng Cáo -

Nguyen Khan|

RCEP là hiệp định quan thuế (FTA) và mậu dịch khu vực, gồm 10 nước ASEAN và 5 nước khác là TC (Trung Cộng), Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand. Riêng Ấn Độ đã bỏ của rút khỏi hiệp định từ giai đoạn đầu. Toàn khối RCEP hơn 2,2 tỷ dân, tổng GDP hơn 26 ngàn tỷ USD, những con số rất ấn tượng. Sau 6 năm đàm phán, vừa rồi (15/11) Việt Nam được vinh dự điều hợp để các thành viên ký kết RCEP bằng trực tuyến. RCEP chính thức thành hình hài, chỉ còn chờ QH các nước thành viên phê chuẩn.

Nhiều cây bút thủ cựu cho rằng chính sách bảo hộ mậu dịch của tổng thống Mỹ Donald Trump đã bỏ trống khu vực kinh tế Á Châu Thái Bình Dương cho TC làm mưa làm gió. Cụ thể khi Ông Trump rút Mỹ khỏi hiệp định TPP, tạo điều kiện cho TC thúc đẩy hình thành RCEP làm khu vực kinh tế của riêng mình, hất cẳng Mỹ khỏi khu vực… Nói cách khác, TC là nước được lợi nhất trong RCEP. Có thật vậy không? Muốn biết rõ RCEP thì cần nắm rõ TPP và CPTPP.

Hiệp định TPP là niềm tự hào lẫn niềm cay đắng của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama.

- Quảng Cáo -

Tự hào vì TPP tạo ra một thị trường khổng lồ và một sự hợp tác kinh tế rộng lớn trong vùng Á Châu Thái Bình Dương nhằm cô lập kinh tế TC.

Cay đắng vì vừa được các nước thành viên thông qua, chỉ còn chờ QH các nước phê chuẩn, thì tổng thống Donald Trump đã rút khỏi hiệp ước, TPP chết yểu ngay khi vừa mới tượng hình.

Các nước còn lại trong TPP chữa cháy bằng hiệp định CPTPP thay thế TPP. Đáng tiếc là CPTPP không gây được ấn tượng gì đáng kể, dù đã có hiệu lực thi hành, song chẳng khác gì cảnh chợ chiều. Việt Nam được cho là lợi nhất trong TPP, nhưng có vẻ như không lợi gì nhiều trong CPTPP. Vì sao ?

Vì nền kinh tế Mỹ lấy sức mua, tức sự tiêu xài của hơn 300 triệu dân Mỹ làm động lực tăng trưởng nên là một thị trường tiêu thụ khổng lồ mà bất cứ nước nào, hiệp định thương mại nào cũng thèm muốn. Đó là lý do TPP sôi động và đầy hứa hẹn hơn CPTPP.

CPTPP không có Mỹ, hầu hết các nước trong hiệp định, kể cả các nước mạnh như Hàn, Nhật đều duy trì tăng trưởng nhờ tiết kiệm, đầu tư và xuất khẩu, toàn là những nước đi bán hàng, thị trường nội địa yếu vì tiết kiệm ảnh hưởng đến sức mua. Nguồn cung nhiều mà mức cầu ít, khiến CPTPP không thể thay thế TPP.

RCEP cũng vậy, chỉ khác là có TC thêm hơn 1,4 tỷ dân Tàu, chiếm gần 2/3 dân số RCEP. Song TC cũng là nước tăng trưởng dựa hoàn toàn vào tiết kiệm, đầu tư và xuất khẩu hàng hóa nên chưa chắc thêm 1,4 tỷ dân TC là thêm 1,4 tỷ người tiêu dùng, vì dân Tàu thu nhập không cao, tiết kiệm lớn, thuộc loại tiêu xài gói ghém, nhưng lại sản xuất một lượng hàng xuất khẩu khổng lồ không nước nào sánh kịp nhờ chuỗi cung ứng toàn cầu đặt hầu hết tại TC. Hơn nữa TC vận hành kinh tế theo cơ chế kinh tế nhà nước, nhà nước trợ giá và can thiệp thô bạo tỷ giá giúp hàng TC có giá rất cạnh tranh giết chết doanh nghiệp các nước. Đó là lý do chính khiến tổng thống Mỹ Donald Trump xem nhẹ các hiệp định kinh tế đa phương, quay lại chủ trương bảo hộ mậu dịch bằng các hiệp ước song phương để cắt đuôi ký sinh trùng TC.

Vì vậy nói TC được lợi nhất trong RCEP cũng không sai, nhất là trong bối cảnh TC không còn xuất khẩu hàng hóa qua Mỹ dễ dàng, thì việc TC cần những hiệp định như RCEP để bán hàng là một thắng lợi lớn. Song vấn đề là sức mua của hơn 1/3 dân số của RCEP có giúp TC bán hàng tốt hơn hay không lại là một chuyện khác. Vì hầu hết các nước trong RCEP lâu nay vẫn quan hệ mậu dịch bình thường với TC, liệu RCEP có giúp TC bán hàng nhiều hơn khi mà mức cầu của nhân dân trong RCEP đã bảo hòa từ nguồn cung hàng hóa khắp nơi trên thế giới chứ không phải RCEP giúp TC một mình một chợ.

Có chăng là các nước phát triển như Hàn, Nhật…, được lợi khi bán công nghệ hoặc bán hàng kỹ thuật cao cho TC, Australia và New Zealand bán lương thực thực phẩm cho hơn 1,4 tỷ dân Tàu thiếu hụt nguồn cung nội địa. Australia và nhiều nước ASEAN bán nguyên nhiên liệu cho thị trường công nghiệp khổng lồ TC.

Vậy Việt Nam có lợi gì trong RCEP? Theo thiển ý, ngoài việc Việt Nam đạt thắng lợi ngoại giao to lớn là tổ chức ký kết RCEP thành công qua trực tuyến, Việt Nam không máu lửa lắm với hiệp định này. Bởi Việt Nam luôn bị thâm hụt mậu dịch rất lớn với ba nước mạnh nhất RCEP là TC, Nhật, Hàn… Vào RCEP cũng không giúp Việt Nam giảm bớt thâm hụt mậu dịch với ba nước ấy. Các nước còn lại trong RCEP thì lâu nay Việt Nam vẫn quan hệ mậu dịch bình thường. Có thêm RCEP giúp hàng hóa Việt Nam dễ bán hơn trong khối, song cũng đối mặt với hàng hóa trong khối tràn ngập Việt Nam.

Nói tóm lại, RCEP gồm hầu hết những nước bán hàng, sức tiêu thụ nội địa kém nên chắc khó tạo thêm thịnh vượng cho nhau.

Hai thị trường giúp Việt Nam thặng dư mậu dịch là Mỹ và EU. Cho nên EVFTA và khu vực thịnh vượng chung Ấn Độ Thái Bình Dương mới là trọng tâm cho kinh tế Việt Nam.

EVFTA Việt Nam đang tiến triển rất tốt.

Khu vực thịnh vượng chung mà Việt Nam là một trong bảy nước được chọn lựa để chuỗi cung ứng di dời khỏi TC hạ cánh. Cho nên Việt Nam rất có lợi trong chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương tự do và rộng mở, vừa đón được vốn đầu tư khổng lồ từ các chuỗi cung ứng rút khỏi TC, vừa xuất khẩu hàng hóa dễ dàng qua Mỹ lấp vào khoảng thiếu hụt hàng hóa TC do thương chiến Mỹ Trung gây ra, vừa bảo vệ được biển đảo.

Nói tóm lại, những đầu óc thủ cựu cho rằng Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi hiệp định TPP giúp TC làm chủ khu vực bằng hiệp định RCEP… Là nhận định không chuẩn xác. Bởi Ông Trump đang khởi động chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương tự do và rộng mở, là một siêu chiến lược hai trong một, vừa phát triển kinh tế không có TC vừa ngăn chặn sự bành trướng quân sự của TC.

Và một khi chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương tạo ra an ninh và thịnh vượng trong khu vực thì RCEP, CPTPP … Chỉ còn là những hiệp định dùng để làm kiểng./.

#RCEP #CPTPP #EVFTA

- Quảng Cáo -