tuongnangtien’s blog – RFA
Chắc bạn đã từng nghe – và dám – cũng đã từng nói những câu ngây ngô và dại đột (đại loại) như sau, khi còn thơ ấu:
- Tám à, mày ăn vụng sữa bột của em hả?
- Dạ, đâu có!
- Vậy sao hộp sữa Guigoz mới mở mà lưng liền vậy?
- Chắc con mèo đó má à!
Với thời gian, cùng với trí khôn và ý thức trách nhiệm tăng dần, phần lớn những người trưởng thành sẽ không còn tiếp tục chối bỏ hay đổ thừa một cách rất ngờ nghệch như thuở lên năm/lên bẩy nữa. Nói phần lớn, chứ không phải tất cả, vì đôi khi do hoàn cảnh (hay cá tính) có thể khiến cho một cá nhân không được phát triển bình thường. Xin xem qua vài ba trường hợp cá biệt.
Khi còn tại chức, bà Phan Thúy Thanh – Phát Ngôn Viên Bộ Ngoại Giao của nước CHXHCNVN – có nuôi một con két nói năng rất sõi. Một hôm, nó xổ lồng bay mất. Bà Thanh nhờ báo đăng để tìm lại con thú cưng nhưng báo chưa kịp ra mà đã có người đến gõ cửa.
Hỏi: Sao biết là con vẹt này của tôi.
Đáp: Nó chối leo lẻo suốt ngày nên nhà cháu biết ngay là của bà chứ còn ai vào đây nữa.
Sau đó, sau khi nghỉ việc, bà Phan Thúy Thanh phải bán con két để lấy tiền bù đắp vào số lương hưu ít ỏi. Mua xong, chủ nhân mới hí hửng mang về nhà giao ngay cho vợ rồi tiếp tục đến sở làm. Chiều về, đương sự hấp tấp hỏi ngay:
– Con vẹt đâu rồi?
– Ở trong lò chứ đâu.
– Ối Giời, vẹt mua cả ngàn đô la mà đem nướng à!
– Vẹt gì mà giá cả ngàn Mỹ Kim?
– Chứ bộ tôi nói đùa chắc. Nó nói được 29 thứ tiếng cơ đấy.
– Thế mà ban nẫy gạn hỏi mãi nó vẫn cứ chối đây đẩy nên ai mà biết!
Con vẹt đã xong đời và bà Thanh đã hưu trí tự rất lâu rồi. Tuy thế, truyền thống chối (xoen xoét) và đổ thừa (ngay tắp lự) thì vẫn cứ được giữ nguyên, không hề suy suyển:
- T.T. Nguyễn Xuân Phúc: “Các vụ việc sạt lở đất nghiêm trọng vừa qua có nguyên nhân chính là kết cấu địa chất bị ảnh hưởng do mưa lớn kéo dài, lượng mưa lớn.”
- P.T.T. Trịnh Đình Dũng: “Lũ cao thì do mưa lớn kéo dài, nắng lắm mưa nhiều – đó là qui luật của trời đất.”
- Viện Trường Viện Khoa Học Địa Chất Trần Xuân Văn: “Sạt lở tại miền Trung đột ngột là do thời tiết.”
- Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Lâm Nghiệp Nguyễn Quốc Trị: “Lũ lụt ở miền Trung là do biến đổi khí hậu, không phải do phá rừng?
- B.T. Nguyễn Xuân Cường: “Rừng mất do Mỹ rải chất hóa học.”
- B.T. Trần Hồng Hà: “Mưa lũ lịch sử ở miền Trung là Trời đổ nước chứ không phải mưa.”
Cũng cái ông Bộ Trưởng Tài Nguyên Môi Trường này, hồi tháng ba năm 2017, đã giải thích rằng “vệt nước đỏ xuất hiện ở cảng Vũng Áng (xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) và Cảng Sơn Dương của Công ty Formosa là do hiện tượng tảo nở hoa,” chớ nước biển nơi đây chả có hề bị ô nhiễm gì ráo trọi.
T.T. Nguyễn Xuân Phúc, cùng những nhân vật trong nội các của ông, đều phát ngôn và hành xử ngô nghê như những đứa bé lên năm. Miệng họ cứ chối nằng nặc là không ăn vụng, dù ai cũng thấy môi mép của tất cả đều dính đầy sữa bột. Họ cũng luôn mồm kêu gọi “tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng” nhưng lại chính là những kẻ thẳng tay tận diệt sơn lâm, bất chấp hậu quả!
Blogger Hoàng Hoành Sơn phàn nàn: “Những người đứng đầu nhà nước VN vẫn thản nhiên đổ mọi thiên tai nhân họa là ‘quy luật trời đất’, để rồi huề cả làng chăng?”
Thì buộc phải “huề” thôi, chứ còn có “trăng” với “sao” gì nữa? Và nào có phải là chuyện mới mẻ gì đâu. Ngay từ năm 1954, L.S Nguyễn Mạnh Tường cũng đã than phiền (y) như thế rồi mà: “Nguyên tắc ‘không thể sai lầm’ và ‘không chịu trách nhiệm của Đảng đã mở cửa cho biết bao chuyện kỳ quặc, bệnh hoạn, tự tung tự tác và hậu quả là đưa đến những hành động phạm pháp bởi mọi tầng cán bộ, bởi các đảng viên hay những người được Đảng nặn ra.”
Nói cách khác là gần hai phần ba thế kỷ qua, ĐCSVN đã liên tiếp “nặn ra” mấy thế hệ nhi đồng “kỳ quặc, bệnh hoạn, tự tung tự tác,” hoàn toàn vô trách nhiệm (và nhất định không chịu trưởng thành) nhưng được độc quyền sở hữu A.K. để … lãnh đạo quốc gia! Đây cũng là nguyên do khiến đất nước rơi vào bi kịch (“không chịu phát triển”) theo như cách nói, khá hài, của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan :
“Trên thế giới chia ra gồm nước phát triển, nước đang phát triển, nước chậm phát triển nhưng Việt Nam có lẽ là mô hình đặc biệt nhất. Đó là nước… không chịu phát triển! Đầu tư nhiều đến thế, ODA nhiều đến thế (20 năm qua lượng ODA đổ vào Việt Nam lên tới gần 90 tỉ USD) nhưng đến bây giờ vẫn không phát triển được thì chỉ có thể là… không chịu phát triển!”
Giới quan chức VN hiện nay có thể đổ thừa mọi tệ đoan xã hội là do tàn tích của chế độ cũ, kinh tế lụn bại là do sự phá hoại của những thế lực thù địch (và đạo đức xuống cấp, tham nhũng tràn lan là hậu quả của nền kinh tế thị trường) nhưng họ không thể chối bỏ được con số hằng trăm tỉ Mỹ Kim ODA đã không cánh mà bay trong mấy thập niên năm qua, cùng với món nợ công cao ngất ở xứ sở này.
Theo tạp chí Tài Chính Doanh Nghiệp (số ra ngày 4 tháng 11 năm 2020) thì mọi công dân VN, kể cả đứa bé vừa mới chào đời, đều phải mang trên vai 1,700 U.S.D tiền nợ. Với viễn ảnh này thì khó mà đồng ý với T.T Nguyễn Xuân Phúc là “mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang toả sáng ở Việt Nam.” Tuy khó nhưng rồi toàn dân cũng sẽ phải “đồng ý” cả thôi vì ngoài món nợ công trên vai, lại còn có thêm nòng súng (A.K) sẵn sàng dí ngay vào gáy nữa.
Báo Pháp Luật (số ra ngày 29 tháng 10 năm 2020) vừa hớn hở loan tin là qua khảo sát thì có đến “96,45% người dân được phỏng vấn đều trả lời là họ cảm thấy hài lòng, hoặc rất hài lòng, đối với sự phục vụ của những cơ quan công an trên toàn quốc.”
Thế còn gần năm phần trăm dân số còn lại?
Cái đám thiểu số này thì hoàn toàn không đáng kể vì chỉ là những kẻ khuyết tật, loại … điếc nên không sợ súng, và đang bị nhốt tù hết trơn rồi!